Tàu thăm dò Mặt Trăng đầu tiên do tư nhân sản xuất đã cất cánh

Chủ Nhật, 03 Tháng Ba 20195:00 CH(Xem: 5263)
Tàu thăm dò Mặt Trăng đầu tiên do tư nhân sản xuất đã cất cánh

Xưa nay thăm dò Mặt Trăng là chuyện riêng giữa các chính phủ với nhau, vì chỉ họ mới có đủ tiềm lực tài chính để phát triển các chương trình không gian tốn kém. Tuy nhiên, lịch sử chinh phục vũ trụ của nhân loại hiện đại đã thay đổi ngày 21/2 vừa qua.

Câu chuyện bắt đầu 9 năm trước đây tại Tel Aviv, thủ đô của quốc gia khởi nghiệp Israel. Yariv Bash, một kỹ sư máy tính đam mê vũ trụ, đã chụp một bức ảnh trời đêm rồi đăng lên Facebook với dòng cảm xúc: “Ai muốn lên Mặt Trăng?”

Hai người bạn của anh ngay lập tức thể hiện sự quan tâm. Họ trao đổi với nhau các kế hoạch sơ bộ, rồi lập một tổ chức phi lợi nhuận tên SpaceIL để thực hiện giấc mơ của mình.

Vấn đề khó nhất đối với các nhà khoa học mộng mơ chính là tài chính. Cả nhóm ban đầu định dùng giải thưởng của chương trình Lunar X Prize do Google tài trợ với trị giá 20 triệu đôla để khởi sự. Nhưng đáng tiếc là Google đã hủy bỏ giải thưởng này, khiến họ phải tìm kiếm các nguồn tài trợ khác, đồng thời sử dụng phương án kỹ thuật có giá thành rẻ hơn.

Tàu thăm dò Mặt Trăng Israel
Bản vẽ hình ảnh tàu đổ bộ Beresheet trên Mặt Trăng (ảnh: Space IL)

Thay vì đốt đủ nhiên liệu để bứt ra khỏi trọng lực của Trái đất và bay thẳng tới Mặt Trăng, tàu đổ bộ có tên Beresheet của SpaceIL sẽ đi nhiều vòng. Ban đầu nó sẽ quay quanh trái đất với quỹ đạo nhỏ, rồi mở rộng quỹ đạo cho tới khi tiếp cận với quỹ đạo của Mặt Trăng. Sau khi tới gần Mặt Trăng, Beresheet sẽ chuyển sang quay quanh Mặt Trăng rồi từ từ đáp xuống một khu vực có diện tích 30 km2. Độc giả có thể hình dung toàn bộ quá trình phóng và đổ bộ tàu Beresheet từ video dưới đây:

Cách tiếp cận này sẽ giúp con tàu tiết kiệm nhiều nhiên liệu, từ đó giảm chi phí, nhưng kéo dài quãng đường di chuyển, từ 400.000 km lên tới gần 6,5 triệu km. Sẽ phất mất tới vài tháng để Beresheet hoàn thành chuyến đi của mình.

Quá trình phóng tàu được hỗ trợ bởi tên lửa Falcon 9 thuộc công ty SpaceX từ bãi phóng tại Mũi Caneveral, bang Florida nước Mỹ. Lúc 5h45 chiều ngày 21/2 theo giờ miền Đông, Falcon 9 được phóng đi thành công, và tới 6h19 cùng ngày, tên lửa đã giải phóng Beresheet với kích thước tương đương một cái máy giặt vào không gian.

Sứ mệnh này tiêu tốn của SpaceIL 100 triệu đôla, số tiền mà họ tập hợp được chủ yếu thông qua các nguồn hảo tâm và tình nguyện. Hiện tại con tàu đang thực hiện chuyến du hành của mình. Nếu đáp thành công xuống Mặt Trăng, Beresheet sẽ trở thành tàu đổ bộ không người lái thứ 5 hạ xuống đây, bên cạnh những con tàu của các cơ quan hàng không Nga, Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc.

Tàu thăm dò Mặt Trăng Israel
Thời gian dự kiến hoàn thành dự án Space IL

Không quên gốc gác của mình, các nhà khoa học Israel đã đặt vào trong tàu một cái đĩa kim loại cỡ đồng xu có in một bản kinh Hebrew, một bình chứa bản Tuyên ngôn Độc lập của Israel, và một vật kỷ niệm tới một người đã sống sót khỏi Holocaust (cuộc diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc Xã). Bộ ba này sẽ là minh chứng cho trí tuệ và sự dám ước mơ của người Israel trên Mặt Trăng.

Bên cạnh đó, đây cũng là cột mốc đánh dấu sự tham gia đầu tiên của tư nhân vào lĩnh vực phát triển tàu không gian, mở ra hy vọng cho nhiều sứ mệnh thăm dò tham vọng hơn trong tương lai.

Sau khi thành công đáp xuống Mặt Trăng, nhiệm vụ chính của Beresheet là chuyển các video và ảnh chụp khu vực xung quanh tàu về Trái Đất.

Trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ là quốc gia tiếp theo đáp tàu xuống Mặt Trăng: đó là tàu thăm dò Chandrayaan-2 vào tháng 4 năm nay.

Theo The Hustle/Inverse
Quốc Hùng tổng hợp.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn