Ý thức là chìa khóa cho ‘Thuyết Vạn vật’

Thứ Ba, 05 Tháng Hai 20191:00 SA(Xem: 6178)
Ý thức là chìa khóa cho ‘Thuyết Vạn vật’

Tiến sĩ Robert Lanza, người đã được tạp chí TIME đưa vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014, tin rằng khoa học cần nhận ra vai trò quan trọng của ý thức con người.

Tiến sĩ Robert Lanza, nổi tiếng với nghiên cứu tế bào gốc, tin rằng sinh học sẽ trở nên quan trọng hơn vật lý khi con người tìm hiểu về vũ trụ. (ảnh: Robert Lanza / CC BY-SA 3.0)
Tiến sĩ Robert Lanza, nổi tiếng với nghiên cứu tế bào gốc, tin rằng sinh học sẽ trở nên quan trọng hơn vật lý khi con người tìm hiểu về vũ trụ. (ảnh: Robert Lanza / CC BY-SA 3.0)

Vật lý lượng tử đã chứng minh sự mâu thuẫn với vật lý cổ điển (vật lý học Newton), nó đặt các nhà khoa học vào cuộc tìm kiếm “Thuyết Vạn vật” để thu hẹp sự cách biệt của thuyết tương đối và vật lý lượng tử trong sự hiểu biết khoa học của chúng ta về thế giới.

Đối với Tiến sĩ Lanza, người đã tạo ra bước đột phá trong nghiên cứu tế bào gốc, sinh học sẽ chứng minh rằng nó quan trọng hơn vật lý. Ông cho rằng, thay vì theo đuổi các sợi dây trừu tượng trong những chiều không gian vô hình, việc hiểu cơ thể con người là quan trọng hơn.

“Cho dù là vật lý lượng tử hay vậy lý Newton, chúng đều là hệ thống được tạo ra bởi ý thức của chúng ta.”

Cho dù là vật lý lượng tử hay vật lý Newton (vật lý cố điển), chúng vẫn là hệ thống được tạo bởi ý thức của chúng ta để tổ chức các yếu tố của thế giới này, Lanza nhận định. Chúng ta tạo ra các câu chuyện, chúng ta đặt tên cho các sự vật.

Theo Lanza, việc vũ trụ được điều chỉnh một cách tinh xảo cho sự tồn tại của cuộc sống cũng là dấu hiệu chỉ ra vị trí quan trọng trung tâm của chúng ta giữa vạn vật.

“Cuộc tìm kiếm trường kỳ về Thuyết Vạn vật đang thiếu một thành phần quan trọng, thứ gần đến mức chúng ta quên mất”, Lanza phát biểu trong cuộc nói chuyện được ghi âm tại Hội nghị “Science and Nonduality” năm 2010. “Khoa học đã không nhìn thẳng vào một điều vốn quen thuộc nhất và cũng huyền bí nhất – đó là ý thức”

Nếu bạn không thấy thì nó có tồn tại không?

Thí nghiệm khe đôi nổi tiếng trong vật lý lượng tử là bằng chứng khiến Lanza cho rằng ý thức phải chịu trách nhệm về cách chúng ta nhìn thế giới xung quanh. Các đặc tính cụ thể của sự vật không cố định nội tại mà chúng chỉ tồn tại khi chúng ta quan sát. Tất cả đều liên quan đến quan điểm của người quan sát.

Ông tóm tắt thí nghiệm khe đôi trong cuốn sách xuất bản năm 2010, “Biocentrism: How Life and Consciousness are the Keys to Understanding The True Nature of the Universe”, (tạm dịch: Thuyết sinh tâm – Vì sao Sự sống và Ý thức là chìa khóa để hiểu nguồn gốc chân chính của vũ trụ):

“Nếu một người ‘quan sát’ một hạ nguyên tử hoặc một photon đi qua các khe hở, nó sẽ cư xử như một hạt và tạo ra vệt sáng rõ ràng trên màn chắn phía sau. Giống như một viên đạn nhỏ, nó đi qua khe hở này hoặc khe hở kia, một cách rất logic. Nhưng nếu các nhà khoa học không quan sát quỹ đạo của các hạt, nó sẽ cư xử như các sóng và đi qua cả 2 khe hở cùng một lúc. Điều này đã được chứng minh một cách thuyết phục.”

Lanza mở rộng lý thuyết này vào cuộc sống hàng ngày. Căn bếp nhà bạn có tồn tại nếu bạn không ở đó? Ông viết: “Vào ban đêm bạn tắt đèn và vào phòng ngủ. Tất nhiên, căn bếp vẫn ở đó, khi bạn không nhìn thấy nó suốt cả đêm. Đúng vậy không? Nhưng, thực tế thì tủ lạnh, bếp và mọi thứ khác được tạo thành từ một cụm vật chất/năng lượng lung linh. Các kết quả của vật lý lượng tử như thí nghiệm khe đôi,  nói với chúng ta rằng không một hạt nào trong số các hạt nguyên tử thực sự chiếm một vị trí nhất định. Thay vào đó, chúng tồn tại dưới một loạt các khả năng – như sóng xác suất.”

Trong cuộc nói chuyện tại Hội nghị Nonduality (tạm dịch: Phi nhị nguyên sóng-hạt), ông tóm tắt, “Không tồn tại bất cứ một hạt nào ngoài kia với các thuộc tính của nó cho đến khi chúng ta quan sát.”

Các nhà khoa học đo thông số đã chỉ đơn thuần thiết lập sự phản xạ của logic không gian-thời gian từ tâm trí chúng ta, theo Lanza.

Cuộc sống tồn tại, liệu có phải là bất thường?

Cần có hơn 200 tham số được thiết lập chính xác để sự sống có thể tồn tại, Lanza cho biết. “Nếu vụ nổ lớn (Big Bang) chỉ mạnh hơn 1 phần triệu nữa thôi thì cũng là quá nhanh để có thể tạo ra được các thiên hà và các hành tinh ngoài kia”, ông nói. “Nếu lực hạt nhân mạnh chỉ giảm 2%, các hạt nhân nguyên tử sẽ không thể liên kết vững với nhau, khi đó hydro sẽ là nguyên tố duy nhất trong vũ trụ. Nếu hằng số hấp dẫn giảm chỉ [một chút]… như sợi tóc, thì các ngôi sao bao gồm cả Mặt Trời sẽ không cháy sáng.”

Mặc dù Lanza công nhận có nhiều cách giải thích khác về lý do tại sao các tham số này chính xác đến mức như vậy – bao gồm cả việc Chúa tạo ra vũ trụ, hoặc có rất nhiều vũ trụ và chúng ta chỉ đơn thuần sống trong một vũ trụ có các tham số đúng, ông nghĩ rằng một phần trọng yếu sẽ nằm ở chỗ: ý thức của con người tạo ra các tham số.

Khoa học và đám đông

Trong khi nhiều nhà khoa học đang nói về tầm quan trọng của ý thức trong tương lai của sự phát triển khoa học, tất cả đều không tiếp cận vấn đề như cách của Lanza. Và rất nhiều nhà khoa học cảm thấy khó chịu khi nghe các buổi nói chuyện về ý thức, hoặc rất thận trọng, vì sợ cái nhãn “giả khoa học” mà một số người gán cho lý thuyết của Lanza.

(ảnh: Festival della Scienza /CC BY-SA 2.0)
(ảnh: Festival della Scienza /CC BY-SA 2.0)

Lanza nói với nhà báo khoa học của hãng NBC – Alan Boyle về các đánh giá ông nhận được về cuốn sách, đặc biệt là từ một số nhà vật lý, “Phản ứng của họ cũng giống như phản ứng của các linh mục đối với nghiên cứu tế bào gốc”.

Ngược lại, Boyle trích dẫn một đánh giá bởi Richard Conn Henry, một giáo sư vật lý và thiên văn học tại Đại học Johns Hopkins: “Những gì Lanza nói trong cuốn sách này không phải là mới. Nhưng tại sao ông ấy phải nói ra? Đó là bởi vì chúng ta, các nhà vật lý, không nói – hoặc nếu chúng ta nói về nó, chúng ta chỉ thì thầm, ở nơi kín đáo, đỏ gay khuôn mặt khi thốt ra những lời đó. Điều đó có đúng không, có; nhưng có làm hài lòng tất cả mọi người không… không!”

Theo ET,
Thiện Tâm biên dịch

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn