Hàm nghĩa của chữ “Dịch” trong Kinh Dịch

Thứ Bảy, 02 Tháng Hai 20195:00 SA(Xem: 7914)
Hàm nghĩa của chữ “Dịch” trong Kinh Dịch

Cổ nhân tổng kết ra chữ “Dịch” trong “Kinh Dịch” bao hàm ba ý nghĩa đó là giản dịch (đơn giản, giản dị), biến dịch (biến hóa) và bất dịch (không đổi). Ba hàm nghĩa này xuyên suốt quy tắc chung của “Kinh Dịch”, đồng thời cũng là ba loại cảnh giới nhân sinh cao thượng.

Kinh Dịch

1. Giản dịch

Khuynh hướng của Dịch là từ những phức tạp mà tiến tới chỗ thuần nhất. Gốc rễ của Dịch là đơn giản, chính là do âm dương hình thành nên. Phù hiệu trong 64 quẻ đều là từ âm hào và dương hào mà được tạo thành. Âm dương chính là Đạo, Đạo cũng chính là giản dịch, đơn giản, bởi vậy mới có câu “Đại Đạo chí giản” (Tạm dịch: Đạo lớn là giản dị nhất).

Đạo chân chính là vô cùng đơn giản, đơn giản đến mức chỉ dùng một, hai câu là có thể nói rõ ra được. Cổ nhân nói: “Chân truyền nhất cú thoại, giả truyền vạn quyển thư” (Tạm dịch: Chân truyền chỉ cần một câu, giả truyền cần đến vạn cuốn sách). Vạn sự vạn vật trên thế gian có phức tạp, huyền bí thế nào đi nữa, một khi trí tuệ của con người đạt đến được, thì có thể chuyển đổi chúng thành vấn đề đơn giản mà mọi người dễ lý giải và có khả năng xử lý được.

Các cao nhân khi chỉ điểm cho người khác cũng chỉ cần một câu có thể nói toạc ra thiên cơ mà không cần dùng quá nhiều lời. Các danh y thời cổ chữa bệnh chỉ cần “thuốc vào là bệnh hết”, châm cứu là khỏi, tuyệt đối sẽ không dùng nhiều loại thuốc mà làm loạn. Các cao thủ võ thuật trong khi thi đấu cũng chỉ dùng một chiêu là có thể hạ được đối thủ, rất nhiều thi nhân xưa chỉ dựa vào một câu thơ mà có thể lột tả hết tâm trạng và được lưu truyền đến nhiều đời sau …

Đơn giản là tự nhiên, là “thiên nhân hợp nhất”, là hòa hợp với đất trời. Giản dịch chính là trở về với tự nhiên, trở về với cuộc sống, tâm thái đơn giản nhất. Giản dịch cũng chính là sự chất phác, không bị hỗn tạp. Bởi vì chất phác nên cũng dễ dàng khoái hoạt, vui vẻ. Tâm đơn giản giống như hư không, người đơn giản giống như tự nhiên, tĩnh lặng đạm bạc. Người đơn giản thường không có quá nhiều dục vọng, truy cầu và không tranh với đời.

Cổ nhân nói: “Người vô cầu phẩm tự cao”. Khoái hoạt thực ra rất đơn giản, chỉ cần giảm bớt truy cầu. Hạnh phúc cũng rất đơn giản, chỉ cần có tâm biết đủ. Đơn giản là ý chí rộng lớn, là tâm tính khoáng đạt, là tâm tình thanh thản, là cách sống cởi mở.

2. Biến dịch

Trong Kinh Dịch viết: “Biến hóa giả, tiến thối chi tượng dã.” (Tạm dịch: Biến hóa cũng là thể hiện sự tiến, lui). Hết thảy sự vật trên thế gian đều là đang ở trong biến hóa. Hết thảy những gì trong sinh mệnh của chúng ta cũng là luôn luôn biến hóa. Kết quả của sự biến hóa không là tiến thì sẽ là thoái lui, có biến hóa trở nên tốt hơn mà cũng có biến hóa trở nên xấu đi. Hết thảy mọi mặt trong xã hội nhân loại cũng là đang biến hóa tiến lui mà phát triển đi lên hay bại hoại đi xuống.

Sự biến hóa là có quy luật, nó sẽ ở thời gian và điều kiện nhất định mà phát sinh. Một người am hiểu, nắm chắc được quy luật biến hóa sẽ có thể đoán trước được những sự tình sẽ xảy ra trong tương lai, từ đó mà ở những thời cơ khác nhau đưa ra lựa chọn tiến hay thoái.

Trong lịch sử, Gia Cát Lượng, Khương Tử Nha, Lưu Bá Ôn… đều có thể dùng tuệ nhãn mà quan sát thiên hạ, hợp thời mà tiến thoái.

Ông nội và cha của Gia Cát Lượng đều làm quan ở vùng Kinh Châu. Sau khi cha mất, ngay khi còn trẻ tuổi, Gia Cát Lượng đã ở Kinh Châu giữ chức quan nhỏ. Về sau, Gia Cát Lượng thấy thiên hạ mỗi ngày một loạn nên từ quan về Long Trung ở ẩn. Long Trung cách Kinh Châu không xa.

Kinh Châu là nơi hiểm yếu, giao thông thuận lợi, sau này lại đúng là nơi giao nhau của ba nước Ngụy, Thục, Ngô. Người ta nói Gia Cát Lượng về Long Trung không phải vì muốn làm ẩn sĩ cả đời mà chính là muốn chờ thời cơ mà xuất hiện.

Gia Cát Lượng hàng ngày ở Long Trung quan sát tình hình biến động trong thiên hạ để chờ thời. Ông cũng không vội vã rời núi khi thời cơ đến mà chờ đến khi gặp được chủ quân thích hợp, tới khi Lưu Bị ba lần đến mời, Gia Cát Lượng mới xuất hiện, thi triển tài năng của mình.

3. Bất dịch

Trong sự biến hóa vô cùng, bất dịch là “sơ tâm” (bản tâm, tâm sẵn có ban đầu) của vạn vật trong vũ trụ. Từ hệ thống hào từ âm dương, cổ nhân quy nạp thành 64 quẻ, 64 quẻ lại quy nạp thành tổ hợp biến hóa của âm dương, âm dương lại là thái cực vận hành biến hóa mà ra. Cho nên, cái gốc của Dịch là bất biến, bất dịch (không thay đổi).

Thế gian mặc dù biến hóa vô cùng nhưng trong đó có những thứ là bất dịch, trước sau đều không thay đổi. Thế sự tuy rằng biến ảo vô thường nhưng lòng người, tính người, tình người là cơ bản không thay đổi. Chúng ta nếu như chỉ bận rộn ứng phó với biến hóa thì sẽ luôn khiến bản thân lo lắng, căng thẳng mà cuối cùng lại không thu hoạch được gì. Thế sự phồn hoa, nhân gian bể dâu, thế giới thay đổi trong nháy mắt, đối với một cá nhân mà nói, để thoát khỏi cảm giác xa lạ và bất lực trước sự biến hóa của cuộc sống thì “sơ tâm” là vũ khí mạnh mẽ nhất. Cho nên, đối với nhân sinh mà nói, điều tối trọng yếu là không thay đổi “sơ tâm” (tâm thuở ban đầu).

An Hòa

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn