Bản cập nhật tháng 10 (Windows 10 November Update, version 1511) là bản cập nhật lớn đầu tiên vừa được Microsoft phát hành cho Windows 10 sau gần 4 tháng ra mắt.

Bản cập nhật tập trung cải thiện về hiệu năng cũng như tăng cường độ ổn định cho một số ứng dụng cài sẵn. Ngay bây giờ bạn hãy vào Settings -> Update & Recovery -> Windows Update để kiểm tra và cập nhật cho thiết bị của mình. Ngoài ra bạn cũng có thể dùng công cụ Windows Media Creation Tool để cập nhật hoặc tạo bộ cài lên USB, đĩa DVD.
Sau đây là một số điểm nâng cấp đáng chú ý trên phiên bản Windows 10 1511 được tổng hợp lại từ How-To GeekThe Verge

1. Đã có thể kích hoạt bản quyền Windows 10 bằng mã kích hoạt của Windows 7/8/8.1
Vấn đề kích hoạt bản quyền là chủ đề nhận được khá nhiều thắc mắc bởi thông báo không rõ ràng của Microsoft khi Windows 10 chính thức được phát hành vào cuối tháng 7 vừa rồi. Kể từ phiên bản này bạn đã có thể sử dụng mã kích hoạt của Windows 7/8/8.1 để kích hoạt bản quyền cho Windows 10 mà không cần thực hiện các thủ thuật phức tạp như trước đây nữa.
Ngoài ra, phương pháp "kích hoạt số" (digital entitlement, tức thiết bị sẽ tự kích hoạt mà không cần nhập mã) cũng được thể hiện rõ ràng hơn. Nếu thiết bị của bạn sử dụng phương pháp "kích hoạt số" thì máy sẽ hiển thị dòng chữ Windows 10 on this device is activated with a digital entitlement khi được kiểm tra trong phần Settings -> Update & Security -> Activation.



2. Đã có thể đổi màu thanh tiêu đề



Trên các bản build trước, bạn buộc phải can thiệp vào registry hoặc dùng các phần mềm bên ngoài thì mới đổi màu thanh tiêu đề được. Tuy nhiên kể từ phiên bản 1511 này, bạn đã có thể thay đổi màu sắc thanh tiêu đề theo ý thích của mình (chứ không còn là một màu trắng đơn điệu như trước) bằng cách bật tùy chọn Show color on Start, taskbar, action center, and title bar trong phần Settings -> Personalization -> Colors. Thanh tiêu đề sẽ có cùng màu với màu của thanh taskbar.

3. Quảng cáo trên Start Menu



Nói là quảng cáo chứ thực chất đây chỉ là các ứng dụng trên Windows Store được Microsoft gợi ý (Suggested) tải về cho người dùng, được hiển thị mỗi khi mở Start Menu và nằm ngay dưới danh sách các ứng dụng thường dùng nhất (Most used). Nếu không thích, bạn có thể ẩn nó đi bằng cách tắt mục Occasionally show suggestions in Start trong phần Settings -> Personalization -> Start.



4. Xác định vị trí thiết bị khi bị mất cắp
Mặc dù thường xuyên được sử dụng trên điện thoại, tablet nhưng đối với laptop thì có lẽ tính năng xác định vị trí của máy khi bị mất cắp vẫn chưa thực sự phổ biến. Trên các phiên bản Windows trước, bạn buộc phải sử dụng các ứng dụng từ bên thứ ba để thực hiện điều này. Tuy nhiên, tính năng Find My Device (tìm thiết bị của tôi) đã được Microsoft bổ sung vào phần Settings -> Update & Security trên bản build mới nhất của Windows 10, nó sử dụng GPS giúp bạn xác định vị trí của thiết bị khi bị mất hoặc bị đánh cắp mà không cần dùng các ứng dụng bên ngoài nữa.



Dữ liệu được gửi đến máy chủ của Microsoft và tài khoản Microsoft được đăng nhập trên máy, do đó bạn có thể đăng nhập vào tài khoản Microsoft của mình trên một chiếc máy tính khác để xác định vị trí của chiếc laptop bị thất lạc, phần nào biết được nó đang ở đâu để lấy lại.
5. Trình duyệt Edge hỗ trợ đồng bộ mật khẩu, xem trước tab



Phiên bản mới nhất của trình duyệt Microsoft Edge ngoài việc hỗ trợ HTML5, CSS3 còn có khả năng đồng bộ mật khẩu, danh sách đọc (reading list) và dấu trang (favorites) cho mọi thiết bị chạy Windows 10 được đăng nhập vào cùng một tài khoản Microsoft. Ngoài ra, Edge cũng hỗ trợ xem trước nội dung của một tab khi bạn rê chuột vào tab tương ứng.

6. Tích hợp Skype và Sway



Nếu để ý, bạn sẽ thấy có 3 ứng dụng mới xuất hiện sau khi cập nhật xong đó là Skype Video, Messaging và Phone, mỗi ứng dụng đảm nhiệm một tính năng chính của dịch vụ Skype gồm gọi điện video, nhắn tin và gọi điện thoại. Bạn vẫn có thể sử dụng Skype cho phiên bản desktop như thường nếu không thích dùng 3 ứng dụng riêng lẻ.



Microsoft còn bổ sung thêm một ứng dụng mới trên phiên bản Windows 10 này đó là Sway. Đây là một công cụ mới trong bộ phần mềm Office cho phép tạo, lưu và chia sẻ các bài thuyết trình, câu chuyện cá nhân của bạn lên đám mây.

7. Hỗ trợ cài ứng dụng lên phân vùng khác



Đây là tính năng rất tuyệt vời đặc biệt cho những bạn dùng tablet Windows nhưng có bộ nhớ trong chỉ 32GB hay 64GB. Tính năng cho phép bạn lựa chọn phân vùng để cài các ứng dụng Windows 10, giúp giải phóng dung lượng cho ổ đĩa C: vốn luôn bị chiếm dụng càng nhiều theo từng ngày. Bên cạnh đó bạn cũng có thể lựa chọn phân vùng khác cho các thư mục thường truy cập như Documents (Tài liệu), Music (Nhạc), Pictures (Hình ảnh), …

8. Start Menu rộng rãi hơn



Microsoft đã tăng số lượng ứng dụng tối đa mà bạn có thể ghim lên Start Menu từ 512 lên… 2048 ứng dụng. Ngoài ra, trình đơn ngữ cảnh (context menu) cũng được Microsoft cải tiến cho phù hợp và hài hòa hơn trên cả Tablet mode và Desktop mode. Trên Tablet mode thì được làm rộng rãi hơn để dễ nhấn, còn trên Desktop mode thì được làm nhỏ hơn, tận dụng các khoảng trống có vẻ "thừa thãi".

9. Cải thiện tính năng đa nhiệm Snap



Nếu dùng tablet thì bây giờ bạn đã có thể kéo hình ảnh thu nhỏ của một ứng dụng khi đang trong Task view sang trái hoặc phải để kích hoạt tính năng chia đôi màn hình Snap giống như trên Windows 8/8.1. Còn nếu đang ở chế độ Snap (chạy 2 ứng dụng song song 1 lúc) trên Desktop mode, Windows giờ đây cho phép bạn thay đổi kích thước của 2 ứng dụng trong cùng 1 lúc (không chỉ cho các ứng dụng Universal mà còn cho các ứng dụng desktop như Notepad, File Explorer…) bằng cách kéo thanh phân cách nằm giữa 2 ứng dụng (sang trái hoặc phải).

10. Cortana tốt hơn



Cortana trên phiên bản Windows mới không yêu cầu phải có tài khoản Microsoft nữa, vì vậy bạn có thể sử dụng nó với tài khoản Admin hoặc tài khoản nội bộ trên thiết bị. "Cô" ấy bây giờ đã có khả năng nhận diện các ghi chú viết tay, theo dõi lịch chiếu các bộ phim cũng như những sự kiện sắp diễn ra để thông báo cho bạn biết, thậm chí là gọi một chiếc xe Uber nếu liên kết tài khoản Uber của bạn với Cortana.
Bên cạnh đó, nếu dùng một chiếc điện thoại chạy Windows 10 Mobile và liên kết với Windows 10 PC, Cortana sẽ cảnh báo cho bạn biết mỗi khi có cuộc gọi nhỡ cũng như đồng bộ tin nhắn và lịch sử gọi điện từ điện thoại lên máy tính. Bạn cũng có thể yêu cầu Cortana gửi tin nhắn SMS đến một người nào đó trong danh bạ mà không cần dùng đến điện thoại nữa.

11. Quản lý máy in mặc định



Tùy chọn Let Windows manage my default printer trong phần Settings -> Devices -> Printers & Scanners giúp hệ thống tự gán thiết bị máy in được sử dụng trước đó làm thiết bị máy in mặc định trong lần in tiếp theo, và bạn có thể tắt tùy chọn này đi nếu không thích.

12. Đã có thể tắt hình nền khởi động (log-on screen)



Bạn có thể tắt phần Show Windows background picture on the sign-in screen trong phần Settings -> Personalization -> Lock screen để màn hình khởi động (log-on screen) trên thiết bị hiển thị màu xanh thay vì hình nền mặc định của Windows 10.

13. Tự động thay đổi múi giờ



Các phiên bản Windows trước dù có khả năng tự điều chỉnh giờ giấc, nhưng mỗi khi đi du lịch đến nơi nào đó có múi giờ khác thì bạn vẫn phải điều chỉnh múi giờ bằng tay khá phiền phức. Song, từ phiên bản Windows 10 này bạn đã có thể thiết lập cho hệ thống tự điều chỉnh múi giờ bằng cách vào phần Settings -> Time & Language -> Set time zone automatically và bật nó lên.

14. Truyền nội dung Miracast và DLNA từ Edge



Bạn có thể truyền trực tiếp một nội dung phương tiện nào đó từ trình duyệt Edge lên các thiết bị thông minh hỗ trợ công nghệ Miracast hoặc DLNA với tùy chọn Cast media to device.

P.T./VNReview (How-To Geek /The Verge)