Người đoạt giải Pulitzer danh giá nói về ‘Linh hồn Trung Quốc’

Thứ Hai, 22 Tháng Mười 20186:00 SA(Xem: 6243)
Người đoạt giải Pulitzer danh giá nói về ‘Linh hồn Trung Quốc’

Người được trao giải Pulitzer danh giá, Ian Johnson, sẽ giới thiệu về cuốn sách “Linh hồn Trung Quốc: Sự trở lại của tín ngưỡng sau Mao” tại Philadelphia, thành phố đông dân nhất của tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Buổi giới thiệu được tổ chức tại tòa nhà Marrs McLean Science từ lúc 3:30 chiều ngày thứ Tư (3/10) giờ địa phương, tức 2:30 sáng thứ Năm (4/10) giờ Việt Nam, theo trang web của Đại học Baylor, Hoa Kỳ.

Cuốn sách nêu trên của ông Johnson sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự phục hồi của các tín ngưỡng khác nhau ở Trung Quốc sau nhiều năm bị đàn áp, Đại học Baylor cho biết. Nhưng liệu những tổn thất từ các cuộc bức hại tín ngưỡng trong lịch sử có được khôi phục trở lại đối với linh hồn của một dân tộc? 

Hủy hoại nhân tính

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là thể chế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa đồng loạt bức hại cả 3 tôn giáo lớn, gồm Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo. Đặc biệt trong thời Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông phát động từ năm 1966-1976, niềm tin về Thần, Phật, nhân quả báo ứng và các giá trị thiện lương bị vùi dập thảm khốc, đi kèm với cái chết của khoảng 2 triệu người. 

Cô Anastasia Lin, Hoa hậu Thế giới Canada, sinh ra và sống tại Trung Quốc trong 13 năm đầu đời, cho biết trong Hội nghị Bàn tròn 2017: “Ngày nay, khi tôi nói chuyện với thế hệ cha tôi, tôi vẫn cảm nhận được nỗi sợ, nỗi ám ảnh mà họ đã trải qua. Cách mạng Văn hóa là thảm kịch lớn trong lịch sử Trung Quốc”.

Cô giải thích: “ĐCSTQ muốn phá hoại văn hóa truyền thống. Cái mà họ hủy hoại là bản tính con người, vốn là yếu tố tạo nên xã hội, là nền tảng của xã hội chúng ta… lòng tốt giữa người với người. Thế hệ của cha tôi lớn lên trong thời Cách mạng Văn hóa, họ chứng kiến cảnh người thân, bạn bè bị đem ra sỉ nhục giữa nơi công cộng. Cái cảnh ấy luôn tồn tại trong ký ức của họ, vì thế, người Trung Quốc đành phải học cách cúi đầu và dối lòng mình”.

Những bức tượng Phật bị đập phá trong thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc
Những bức tượng Phật bị đập phá trong thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc (Ảnh: Wikipedia)

Bức hại liên tiếp

Hoạt động bức hại tín ngưỡng tại Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn tới ngày nay nhắm tới Cơ Đốc nhân, các Phật tử Tây Tạng và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, theo Forbes.

Ông Johnson đã trải qua gần 20 năm ở Trung Quốc, ông đã có nhiều bài viết về xã hội, tôn giáo và lịch sử của quốc gia rộng lớn này. Theo Đại học Baylor, ông Johnson được trao giải thưởng Pulitzer năm 2001 về những đóng góp trong việc công bố thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, ông cũng được vinh danh bởi Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài và Hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp cho những bài báo về Trung Quốc của ông.

Pháp Luân Công hay Pháp Luân Đại Pháp là môn khí công thuộc trường phái Phật gia, “đem lại sức khỏe và nội tâm an hòa cho hàng triệu người trên khắp thế giới” thông qua các nguyên lý về Chân – Thiện – Nhẫn, theo Nghị quyết 1432 của Thượng viện New York chào mừng ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2017.

Pháp Luân Công không có những biểu hiện của tôn giáo như giáo đường, nhưng cũng trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc đàn áp đức tin mà ĐCSTQ duy trì từ khi lên nắm quyền. “Cuộc đàn áp Pháp Luân Công gợi nhớ lịch sử lâu dài những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm xóa bỏ tín ngưỡng, và khi điều đó rõ ràng là bất khả thi, đảng cho phép công dân của mình ‘được tự do tín ngưỡng tôn giáo’ và bảo vệ ‘các hoạt động tôn giáo bình thường’ nhưng dưới sự kiểm soát của nhà nước”, trích báo cáo ngày 7/2/2002 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

Video: Giải mã thất bại của chính quyền Trung Quốc khi đàn áp Pháp Luân Công

Vẻ ngoài về tự do tín ngưỡng

Ngày nay tôn giáo tồn tại ở Trung Quốc với người đứng đầu do ĐCSTQ chỉ định, theo luật sư nhân quyền Canada David Matas. Ông cho biết trong Hội nghị Bàn tròn 2017: “Nếu tìm hiểu điều gì đang diễn ra với các nhà thờ Công giáo ở Trung Quốc, bạn sẽ thấy ĐCSTQ bổ nhiệm giám mục; với Phật giáo, đảng chọn ra Ban Thiền Lạt Ma; với Hồi giáo, đảng cử cả lãnh tụ Hồi giáo”.

Luật sư Matas cho biết thêm: “Nhưng họ không thể làm thế với Pháp Luân Công, và vì họ không thể kiểm soát bằng cách bổ nhiệm người đứng đầu Pháp Luân Công nên họ chỉ còn cách đàn áp. Điều này phần nào lý giải vì sao có cuộc bức hại, nhưng nó cũng cho thấy sức mạnh của pháp môn này, vì Pháp Luân Công không thể bị hủy hoại bằng cách bổ nhiệm người đứng đầu do đảng chỉ định, bởi vì Pháp Luân Công không có người đứng đầu.”

Với những mối quan ngại nêu trên từ các tổ chức và các nhà hoạt động nhân quyền, “sự trở lại của tín ngưỡng” mà tác giả Johnson đề cập đến có thật sự mang lại tín ngưỡng chân chính cho người dân Trung Hoa hay không, đó vẫn là một chủ đề đầy nghi vấn. 

Ông Ian Johnson, tác giả cuốn "Linh hồn Trung Quốc
Ông Ian Johnson, tác giả cuốn “Linh hồn Trung Quốc: Sự trở lại của tín ngưỡng sau Mao” (Ảnh: http://www.ian-johnson.com/bio)

Dù sao, buổi giới thiệu sách của ông được kỳ vọng đem đến những thông tin ít người biết về thực trạng tín ngưỡng ở Trung Quốc. 

“Đối với bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử Trung Quốc, thế giới tôn giáo hay cuộc sống của 70 triệu người Công giáo Trung Quốc ngày nay, buổi nói chuyện của Johnson là cơ hội duy nhất để có được thông tin từ một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về vấn đề này”, bài viết của Đại học Baylor trích dẫn ý kiến của Tiến sỹ Daniel Barish, người chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và Nhật Bản.

Trương Hoành

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn