Thiên tài của nhân loại và chuyện "bác học không ngừng học"

Thứ Hai, 22 Tháng Mười 20188:00 CH(Xem: 8116)
Thiên tài của nhân loại và chuyện "bác học không ngừng học"

Dù có nhiều cống hiến vĩ đại cho nhân loại, trở thành nhà khoa học đại tài, được nể trọng, Charles Darwin vẫn không ngừng học. Chuyện đời của ông là bài học bổ ích cho hậu thế.

Chuyện kể rằng một đêm mùa đông, thời tiết lạnh giá, khi mọi người đã ngủ say, con của Charles Darwin (1809-1882, nhà sinh học thiên tài của thế giới), chợt thức giấc và thấy phòng cha mình vẫn sáng đèn.

Người con ngạc nhiên bước lại gần, thấy cha đang cặm cụi bên tập tài liệu, liền nói: "Cha đã là nhà bác học rồi, còn phải ngày đêm nghiên cứu làm gì cho mệt?". Darwin mỉm cười và trả lời con trai rằng: "Bác học không có nghĩa là ngừng học con ạ".

Khi đã tuổi cao sức yếu, Darwin vẫn cố học thêm tiếng Đức, thứ ngôn ngữ tương đối khó. Một lần vì thương cha, người con ngỏ ý muốn giúp ông dịch những tài liệu tiếng Đức.

Ông gạt đi và nói: "Cha muốn suy nghĩ bằng bộ óc của mình, không phải bằng bộ óc của người khác. Về sau, ông đã học được, đọc, viết rất thông thạo tiếng Đức và nhiều ngoại ngữ khác nữa".

Cậu bé thích quan sát cuộc sống của muôn loài

Charles Darwin sinh ra trong gia đình có truyền thống học hành. Tuy nhiên, từ nhỏ, niềm say mê của cậu bé không phải những bài giảng ở trường học của thầy cô, mà là thế giới thiên nhiên xung quanh.

Charles Darwin thường thích quan sát cuộc sống của cỏ cây, hoa lá, đặc biệt là các loài côn trùng. Không giống nhiều bạn bè cùng trang lứa khác, ngoài giờ học, Charles Darwin thường rong chơi, lang thang ở cánh đồng, săn tìm các loại côn trùng, cây cỏ.

Ở trường, kết quả học tập của Darwin không xuất sắc. Cậu bé khi đó dành phần lớn thời gian cho khoa học tự nhiên. Càng đi sâu vào nghiên cứu những bí ẩn thiên nhiên hoang dại, Darwin càng hứng thú, say mê. Ông thường mơ ước được đến những vùng đất xa xôi để nghiên cứu thêm về thiên nhiên, cuộc sống.

Charles Darwin - nhà bác học thiên tài của thế giới
Charles Darwin - nhà bác học thiên tài của thế giới. (Ảnh: Telegraph).

Thời đại học, Darwin tham gia hội những người yêu khoa học tự nhiên, thảo luận các vấn đề về địa chất, động thực vật học, cùng nhóm nghiên cứu tham gia các chuyến dã ngoại, thâm nhập thực tế.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Darwin lên tàu Beagle - chiến hạm của hải quân Hoàng gia Anh - bắt đầu chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới đầu tiên, thăm dò bí ẩn của tự nhiên, ở những vùng đất xa xôi.

Trong chuyến đi này, chỉ với một căn phòng chật hẹp trên tàu, suốt 5 năm liền, Darwin cặm cụi ghi chép những gì mình quan sát được ở những nơi con tàu đi qua.

5 năm trên chuyến tàu, ông đã khảo sát và phát hiện nhiều điều mới lạ. Qua nghiên cứu và so sánh, Darwin rút ra kết luận tất cả loài sinh vật, kể cả con người, đều nằm trong vòng chọn lọc tự nhiên. Những sinh vật thích nghi được với tự nhiên sẽ tồn tại, nếu không sẽ diệt vong.

Nghĩa là tất cả loài sinh vật đều có hai đặc điểm: Di truyền và biến dị. Chúng có những đặc tính giống tổ tiên của mình, đồng thời cũng có những đặc tính đã thay đổi để thích nghi môi trường sống xung quanh.

Có lần đến một hòn đảo, Darwin quan sát thấy đủ loại chim. Hình dạng của chúng rất giống nhau, nhưng có con mỏ vừa rộng vừa dẹt, có con mỏ lại vừa dài vừa bé. Đó là vì chúng phải thay đổi dần để thích hợp hơn với tập quán kiếm mồi trong môi trường sống của mình.

Thiên tài đam mê khoa học

Trở về sau những chuyến đi này, Darwin tập hợp những ghi chép của mình theo cách có hệ thống. Ông bước đầu trình bày được quan điểm cơ bản về sự tiến hóa của các sinh vật.

Đây chính là bản thảo cuốn sách Nguồn gốc của các loài rất nổi tiếng. Sau nhiều lần chỉnh sửa, Darwin thận trọng cho xuất bản cuốn sách và trở thành hiện tượng lúc bấy giờ.

Cuốn Nguồn gốc của các loài là kết quả của những năm tháng dày công quan sát, so sánh và nghiên cứu của Darwin, bắt nguồn từ sự đam mê đối với những bí ẩn thiên nhiên của ông ngay từ nhỏ.

Học thuyết tiến hóa ra đời đã làm rung chuyển mạnh mẽ quan điểm tôn giáo cho rằng chúa trời là nguồn gốc sáng tạo muôn loài và chỉ có chúa mới quyết định sự tồn vong hay diệt vong của chúng.

Nguồn gốc của các loài là tác phẩm khoa học xuất sắc, lỗi lạc của một người đã trở thành thiên tài nhờ niềm đam mê đối với khoa học, sự chăm chỉ, cần cù, niềm tin vào chân lý.

Bảo tàng trưng bày những công trình của Darwin.
Bảo tàng trưng bày những công trình của Darwin. (Ảnh: Telegraph).

Một điều đáng quý nữa ở Darwin là sau khi trở thành nhà bác học lừng danh, ông vẫn không ngừng học tập. Ông thường nhắc nhở con cái phải luôn học hỏi, trau dồi kiến thức.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn