Năm mẹo hữu hiệu giúp tăng cường trí nhớ ( Bài hay )

Chủ Nhật, 21 Tháng Mười 20183:00 SA(Xem: 6365)
Năm mẹo hữu hiệu giúp tăng cường trí nhớ ( Bài hay )
bbc.com
David Robson BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Cho dù bạn có cho rằng mình thông minh đến thế nào đi nữa thì vẫn có thể có lúc bạn không thể nào tận dụng tối đa trí nhớ của mình.

Một loạt các cuộc khảo sát cho thấy đa số các sinh viên không dùng những phương pháp học tập đã được chứng minh là hiệu quả mà lại phí thời gian vào những phương pháp khác.


Một trong những lý do là bởi chúng ta thường nhận được rất nhiều thông tin trái ngược từ cha mẹ, thầy cô giáo và các nhà khoa học, do đó chúng ta không biết chắc điều gì có tác dụng và điều gì không.

May mắn là một công trình nghiên cứu mới được đăng trên một trong những tạp chí tâm lý hàng đầu đã tìm hiểu những quan niệm sai lầm nghiêm trọng nhất, đưa ra danh sách gồm năm chiến lược học tập phổ biến nhất và những cách thức áp dụng các chiến lược một cách hiệu quả hơn.

Chiến lược 1: Đọc lại

Học từ vựng mới? Chiến lược thông dụng nhất là đọc từ đó và nghĩa của nó cho đến khi nó ghi vào trong đầu. Không may là các nhà tâm lý học tin rằng cách làm đó quá thụ động, có nghĩa là đa số những thông tin mà chúng ta tiếp nhận không để lại ấn tượng gì.

Mẹo tăng cường trí nhớ: Đọc cách quãng

Đọc lại một cách thụ động có lẽ là phương pháp học kém hiệu quả nhất, nhưng đôi khi bạn có cảm giác là điều đó không tránh khỏi nếu như bạn cảm thấy bạn không nắm được nội dung cơ bản của các khái niệm.

Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện phương pháp này tốt hơn bằng cách quay trở lại những từ vựng hay kiến thức đó sau những khoảng ngắt quãng đều đặn.

Bạn có thể đọc một chương sách rồi đi làm việc khác và sau đó đọc lại sau một giờ, một ngày hay một tuần để giúp kích thích trí nhớ.

Một cách làm có ích nữa là tự chất vấn bạn hiểu đến đâu trước khi đọc trở lại - việc này sẽ giúp chuyển sự chú ý của bạn vào những phần bạn biết và không biết, giúp bạn tăng cường tập trung tư tưởng.

Chiến lược 2: Gạch chân và đánh dấu

Cũng giống như đọc lại, kỹ thuật học này đã gần như trở thành phổ quát.

Cách làm này cũng có lý: quá trình gạch dưới những từ và cụm từ quan trọng có thể giúp bạn 'kết nối' với thông tin nhiều hơn và nó sẽ giúp bạn sau này dễ dàng nhận ra hơn những đoạn văn quan trọng nhất.

Tuy nhiên, mặc dù phương pháp này có thể hiệu quả hơn là đọc thụ động, nhưng việc gạch dưới và nhấn mạnh thường không có tác dụng khi mà đa số sinh viên hoàn toàn thiếu cân nhắc khi đánh dấu gần như từng đoạn văn mà không có sự phân biệt.

Mẹo tăng cường trí nhớ: Hãy tạm dừng để suy nghĩ

Thay vào đó, các nhà khoa học đề xuất rằng bạn đọc hết một lần rồi sau đó đọc lại một lần nữa rồi mới đánh dấu những đoạn có liên quan.

Bằng cách buộc bản thân phải suy nghĩ cẩn thận hơn về từng điểm và tầm quan trọng của nó so với lập luận tổng thể, việc này giúp bạn xử lý vấn đề một cách chủ động hơn, và đó là điều có vai trò thiết yếu trong việc hình thành trí nhớ tốt hơn.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Chiến lược 3: Ghi chép những điểm cần chú ý

Hãy đến bất cứ giảng đường hay thư viện nào, bạn sẽ thấy các sinh viên đều ghi chép một cách có cân nhắc những thông tin quan trọng nhất vào vở.


Cũng giống như gạch dưới và nhấn mạnh, vấn đề nảy sinh khi bạn không cân nhắc thông tin nào nên ghi lại.

Sự háo hức quá mức - và xu hướng ghi lại bất cứ điều gì - có thể dễ dàng trở thành điều không tốt.

Mẹo tăng cường trí nhớ: Hãy cô đọng

Các thí nghiệm đã cho thấy các sinh viên càng dùng ít từ để diễn đạt ý tưởng trong vở của họ thì họ càng có khả năng ghi nhớ sau này.

Đây có lẽ là vì việc tạo ra bản tóm tắt và diễn giải buộc bạn phải suy nghĩ kỹ về phần trọng yếu của ý mà bạn muốn diễn đạt - và nỗ lực đó giúp củng cố nó trong trí nhớ của bạn.

Những phát hiện này cũng giải thích tại sao tốt hơn là bạn nên ghi chú bằng bút và giấy thay vì dùng máy tính cá nhân: viết tay thì chậm hơn là gõ trên bàn phím và buộc bạn phải cô đọng khi ghi chép.

Chiến lược 4: Tạo dàn bài

Nhiều giáo viên khuyến khích sinh viên phải có cái nhìn tổng quan về môn học mà họ đang học, đưa ra một bản tóm lược những điểm chính yếu cần phải học một cách lô-gíc và có tổ chức.

Đôi khi những đề cương này là do chính giảng viên soạn thảo, nhưng họ cũng khuyến khích sinh viên tự làm cho mình.

Mẹo tăng cường trí nhớ: Tìm kiếm mối liên hệ bên dưới

Những sinh viên được đưa cho đề cương thường học tốt hơn những người khác, các bằng chứng mới cho thấy, do nó cho phép họ biết được mối liên hệ phía dưới kết nối các chủ đề khác nhau lại với nhau.

Những nghiên cứu này chỉ ra rằng bắt đầu với đề cương khung trước khi học thường hiệu quả hơn rồi sau đó mới đi sâu vào chi tiết trong quá trình học.

Đương nhiên phần lớn việc học của chúng ta là độc lập mà không có sự hướng dẫn chính thức từ giáo sư - nhưng bạn có thể tự mình dễ dàng đưa ra đề cương gồm những gạch đầu dòng của một bài văn hay bài giảng.

Một lần nữa, cô đọng là chìa khóa: bạn cần phải tập trung vào cấu trúc của luận điểm thay vì bị lạc giữa các chi tiết, nếu bạn muốn thấy được mối liên hệ ở dưới và tận dụng tối đa mối liên hệ đó.

Chiến lược 5: Thẻ nhắc nhở

Tự kiểm tra giờ đây được xem là chiến lược học tập đáng tin cậy nhất, nhất là đối với những thông tin cụ thể, chi tiết - với rất nhiều bằng chứng rằng nó có thể củng cố trí nhớ. Ngay cả khi đúng như thế thì vẫn có những cách làm hiệu quả khác nhau.

Mẹo tăng cường trí nhớ: Coi chừng quá tự tin

Đa số mọi người đều chật vật trong việc xác định giới hạn tư duy của chính mình. Người ta thường tin rằng quyết định của bản thân mình là khôn ngoan hơn so với thực tế - và việc họ đánh giá về khả năng học hỏi cũng vậy.

Thật vậy, một nghiên cứu cho thấy người nào càng tự tin chừng nào về khả năng họ học một điều mới thì người đó càng ít có khả năng nhớ điều đó sau này.

Tất cả chúng ta đều coi nhẹ một thực tế là thật ra ta rất dễ dàng quên mất những kiến thức đã học.

Do đó việc sử dụng các thẻ ghi nhớ có thể sẽ phản tác dụng nếu bạn tin rằng một khi bạn có thể ghi nhớ được một thông tin nào đó thì nó sẽ ở trong đầu bạn vĩnh viễn - điều đó khiến bạn 'vứt bỏ' thẻ ghi nhớ trước khi thông tin đó được củng cố trong tâm trí mình.

Thay vào đó, sẽ có ý nghĩa hơn nếu bạn tiếp tục kiểm tra sau một thời gian dài, sau khi bạn nghĩ rằng mình đã biết được thông tin đó.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn