NASA sẽ phóng một phi thuyền để ‘chạm tới Mặt Trời’

Thứ Tư, 15 Tháng Tám 20187:00 CH(Xem: 5669)
NASA sẽ phóng một phi thuyền để ‘chạm tới Mặt Trời’

Chỉ trong 1 tuần nữa, NASA sẽ phóng nhiệm vụ khoa học tiếp theo – một phi thuyền có tên Tàu thăm dò Mặt Trời Parker với tham vọng “chạm tới Mặt Trời.”

Tàu thăm dò Mặt Trời Parker
Hình ảnh về Tàu thăm dò Mặt Trời Parker (ảnh: NASA/John Hopkins APL)

Nếu mọi việc suôn sẻ, tàu thăm dò sẽ cất cánh từ một căn cứ không quân ở mũi Canaveral, bang Florida vào buổi sáng sớm ngày 11/8 lúc 7:48 (giờ GMT).  

Để có thể đến được Mặt Trời, tàu thăm dò cần lao ra khỏi Trái Đất với vận tốc cực nhanh và nó cần bộ tên lửa khổng lồ với sức đẩy chỉ đứng sau tên lửa Falcon Heavy mới của hãng SpaceX.

Dưới đây là ảnh chụp mặt cắt trên trong tên lửa do NASA cung cấp.

Sau khi tên lửa ra khỏi Trái Đất, nó sẽ lượn quanh sao Kim, lợi dụng sức hút của hành tinh này để làm phi thuyền chậm lại và giúp điều chỉnh hướng bay tới Mặt Trời. Việc này sẽ diễn ra vào đầu tháng 10, tiếp theo, phi thuyền sẽ tiến thẳng tới khu vực gần Mặt Trời đầu tiên vào đầu tháng 11. Sau đó sẽ là 24 vòng bay quanh Mặt Trời trong 7 năm, và phi thuyền sẽ từ từ tiến gần tới ngôi sao này hơn.

Vào vòng bay cuối cùng năm 2025, Tàu thăm dò Mặt Trời Parker chỉ cách bề mặt Mặt Trời 6 triệu km – gần tới mức nó sẽ bay qua bầu khí quyển cực nóng của Mặt Trời, hay còn gọi là vành nhật hoa.

Phi thuyền có thể chịu sức nóng trong nhiều năm nhờ vào một lớp vỏ chắn kiên cố mà các kỹ sư đã chế tạo. Lớp vỏ này không quá nặng nhưng có thể giúp các thiết bị trên tàu hoạt động ổn định ở 30 độ C.

Trong thời gian bay quanh Mặt Trời, các thiết bị đo đạc sẽ giúp trả lời 3 câu hỏi lớn:

  • Vì sao bầu khí quyển ở xa bề mặt Mặt Trời lại nóng hơn là ở gần?
  • Các gió mặt trời với nhiều hạt tích điện bắn vào vũ trụ được tạo ra như thế nào?
  • Điều gì tạo ra các đợt bùng phát khổng lồ phóng ra plasma và từ trường mà các nhà khoa học gọi là bão mặt trời (Coronal Mass Ejections)?

Các câu trả lời này là rất quan trọng để hiểu thêm về các ngôi sao khác ngoài hệ Mặt Trời của chúng ta. Tàu thăm dò cũng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu và dự báo các nguy cơ của việc sống gần một ngôi sao, bởi các hoạt động của Mặt Trời có thể ảnh hưởng tới truyền thông và các vệ tinh định hướng trên Trái Đất, thậm chí có thể làm mất điện trên diện rộng.

Ngày phóng 11/8 đã được chốt sau vài lần trì hoãn, trong đó có một lần do kiểm tra phần mềm thêm vào, và một lần là để điều tra vì sao một miếng xốp lại xuất hiện trong khoang ở đầu tên lửa. Ngày trễ nhất để phóng được tàu thăm dò thuận lợi là 23/8.

Theo Space.com,
Phong Trần

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn