Robot Sophia: Trí tuệ nhân tạo hay chỉ là 1 “con rối”?

Thứ Hai, 13 Tháng Tám 20189:00 SA(Xem: 6489)
Robot Sophia: Trí tuệ nhân tạo hay chỉ là 1 “con rối”?

Ngày 13/7, robot Sophia lần đầu ra mắt công chúng Việt Nam tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0.

robot-sophia-xuat-hien-o-viet-nam-2
Robot Sophia xuất hiện ở Việt Nam trong trang phục áo dài. (ảnh qua dkn.tv)

Theo Zing.vn, bà Nguyễn Vân Anh – Tổng Giám đốc Tập đoàn IEC, đơn vị chịu trách nhiệm hậu cần và truyền thông của sự kiện – cho biết Sophia được trang bị công nghệ AI và khả năng phân tích dữ liệu lớn, có khả năng đưa ra những câu trả lời thông minh và bất ngờ trong cuộc phỏng vấn. Đặc biệt hơn, vì là một người máy nên ý kiến của Sophia sẽ “thật thà” và khách quan.”

Nhưng liệu có đúng là Sophia siêu việt như vậy?

Ngày 19/04/2015, Sophia được kích hoạt để hoạt động. Theo đại diện từ Công ty Hanson Robotics, Robot Sophia có đôi mắt được trang bị camera cho phép nó thực hiện giao tiếp bằng mắt và có thể nhận ra con người cũng như học hỏi từ những gì nó nhìn thấy.

Nhờ được tích hợp khả năng nhận diện, xử lý thông tin thông qua âm thanh, Sophia còn có thể tái hiện những biểu cảm khuôn mặt. Khuôn mặt của nó được điều khiển bằng các motor và thiết bị phức tạp, mang lại các biểu cảm trong nhiều trạng thái, như tình yêu, cảm thông, tức giận, ghen tị…

Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI) là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Trí tuệ nhân tạo khác với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình là ở việc ứng dụng các hệ thống học máy (machine learning) để mô phỏng trí tuệ của con người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết tự suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi…

Về trí thông minh nhân tạo, trên thực tế Sophia vẫn chưa đạt được mức độ này.

Ngoài ra, nhà khoa học máy tính Yann Lecun, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về AI của Facebook, đã tỏ ra không mấy thiện cảm với Robot Sophia. Ông gọi toàn bộ chuyện là này là “hoàn toàn nhảm nhí” trên Twitter cá nhân vào ngày 04/01/2018. Ông còn cho rằng màn trình diễn của Sophia như một trò ảo thuật.

Sau đó, robot Sophia đã trả lời lại lời phê bình này của LeCun trên Twitter và cho biết nó đã bị một chút tổn thương sau nhận xét này: “Tôi đang học tập và tiếp tục phát triển trí thông minh của mình thông qua những trải nghiệm mới. Tôi không làm ra vẻ những gì mà mình không có.” Đó là câu đáp trả lịch sự, khá cứng rắn mà rất có tính ngoại giao mà cô dành cho chuyên gia AI hàng đầu của Facebook.

Đáp lại câu trả lời của Sophia, Yann Lecun cho rằng thậm chí đây cũng phải là câu trả lời của chính Sophia mà có bàn tay con người, đóng vai trò như người điều khiển mà Sophia chỉ là một con rối trong toàn bộ câu chuyện. Ông viết trên Facebook cá nhân của mình:

“Mọi nhận xét sẽ là một trò vui đùa nếu “họ” không tiết lộ sự thật rằng nhiều người đang bị lừa dối khi nghĩ rằng con rối với thiết bị tinh vi này thật thông minh. Nó không có cảm xúc, không có chính kiến. Và không hiểu biết về những gì nó nói. Nó không đau. Đó là một con rối.”

Ông còn khẳng định rằng câu trả lời “của Sophia” trên Twitter là một minh chứng không còn phải nghi ngờ gì nữa, đó thật ra là do con người và AI không hề liên quan tới chuyện này. Cuối cùng ông viết: “Con người đã bị lừa dối, đó mới là điều tổn thương”.

Ông kết luận: Sự cường điệu hóa thông tin, sai lệch về các chủ đề như AI sẽ làm con người bị lừa dối khi tin vào viễn cảnh mà nhiều người đằng sau AI vẽ nên, khi giấc mộng kết thúc, hiện thực phũ phàng sẽ là một cú tát rất đau.

robot-sophia-xuat-hien-o-viet-nam
Trước khi trả lời phỏng vấn, một người đàn ông giúp Sophia kết nối với Internet. (Ảnh: Instagram @namlonghutk46)

Nhận định của ông LeCunn có chính xác không?

Trên trang The Verge, người đồng tác giả chế tạo ra Sophia tại công ty Hanson Robotics là Ben Goertzel cũng thừa nhận rằng Sophia thiên về tính nghệ thuật nhiều hơn là một AI. Theo ông, chưa thể có chuyện AI đạt tới cấp độ giao tiếp như con người. Bản thân Sophia có công nghệ theo dõi gương mặt, nhận xác cảm xúc, trả lời theo cơ chế phản xạ khá đơn giản và chỉ là một nền tảng, giống như những chiếc laptop khác, bạn có thể chạy nhiều phần mềm trên cùng một con robot.

Theo trang The Sydney Morning Herald (một ấn bản tin tức trực tuyến hàng đầu của Úc), cuộc đối thoại với Sophia còn dựa trên một kịch bản có trước như khi phỏng vấn với một người nổi tiếng cũng như có một đội ngũ bên cạnh để giúp đỡ cô trả lời các câu hỏi, ngoài ra cô robot này còn có vẻ chưa hoàn thiện khi chỉ có phần thân trên và đôi tay khá cứng nhắc với biểu cảm chưa thật tự nhiên.

Video Sophia tương tác trong 1 show truyền hình ở Mỹ;

Chúng ta nên có thái độ như thế nào với “công dân” Sophia?

Robot Sophia được Ả Rập Saudi cấp quyền công dân vào cuối năm 2017 và trở thành robot đầu tiên trên thế giới được trao vinh dự này. Việc Robot Sophia được trao quyền công dân đã gây xôn xao dư luận trên thế giới cũng như nhiều tranh cãi về việc liệu có quá nhiều quyền lợi dành cho robot này như: chăm sóc sức khỏe miễn phí, miễn học phí, nước, điện, xăng, không phải chịu thuế thu nhập… trong đó quan trọng nhất là quyền tự quyết. Không giống như phụ nữ Ả Rập Saudi, Sophia không cần bất kỳ ai giám hộ cho mình, điều này thật sự đã khiến nhiều người cảm thấy bất công.

Các chuyên gia lo ngại việc thừa nhận Sophia là một công dân chính gốc vô tình dấy lên nhiều mâu thuẫn giữa xã hội loài người và ngành công nghiệp chế tạo máy móc.

“Cấp quyền công dân bình đẳng cho một thứ mà ta có thể bật/tắt sao. Mọi người sẽ nghĩ thế nào nếu quyền công dân của ai đó có thể bỏ tiền ra lấy được?” Joanna Bryson, nghiên cứu sinh chuyên ngành hành vi AI tại đại học Bath trả lời The Verge.

Robot Sophia được thiết kế đặc biệt nhằm thỏa mãn ước vọng tạo ra một thứ giống con người của chúng ta. Sophia có thể trò chuyện và đối đáp, nhưng đó là nhờ vào một hệ thống từ khóa đã được lập trình sẵn và một đội ngũ nhân sự “lái’ đằng sau nó.

Ngoài ra, Bryson lý giải thêm về quyền và nghĩa vụ của một công dân hợp pháp trên tư cách của con người rằng một thực thể vô tri như Sophia sẽ không có khả năng trả thuế như bao công dân hợp pháp khác. “Có thể nói rằng những định nghĩa hợp pháp về quyền con người sẽ bị đảo lộn,” Bryson nhận định.

Theo đó, chúng ta không nên coi những robot như Sophia như một cá thể có tư duy, ý thức độc lập; lại càng không nên nhân rộng việc cấp quyền công dân trên các quốc gia khác. Chỉ nên coi đây là một sản phẩm công nghệ nhằm hỗ trợ con người trong một số công việc của đời sống.  

Theo The Guardian, Hanson Robotics, The Verge
Phan Anh tổng hợp

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn