4 sai lầm này nhỏ nhưng đã khiến NASA gặp thảm họa, thiệt hại cả tỷ đô

Thứ Hai, 30 Tháng Bảy 20183:00 CH(Xem: 6368)
4 sai lầm này nhỏ nhưng đã khiến NASA gặp thảm họa, thiệt hại cả tỷ đô

Mọi sai lầm đều phải trả giá, và cái giá ấy sẽ là cực đắt khi bạn làm việc ở NASA.

Cuộc sống luôn có những sai lầm tồn tại, và sai lầm nào cũng khiến bạn mất đi một thứ gì đó. Nhưng ở những nơi đặt yếu tố chính xác lên hàng đầu thì không có chỗ cho sai sót, vì mọi sai lầm dù là nhỏ nhất cũng thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Biết là vậy, nhưng NASA vẫn có những sai lầm, và họ phải trả hàng trăm triệu đô cho điều đó.

1. Nổ tàu con thoi Challenger - nhầm chất liệu

Nổ tàu con thoi Challenger - nhầm chất liệu
Các chuyên gia NASA sử dụng các gioăng đệm làm từ cao su - một chất liệu chịu lạnh kém khiến tàu con thoi Challenger nổ tung.

Ngày 28/1/1986, cả thế giới bàng hoàng chứng kiến tàu con thoi Challenger của NASA phát nổ trên bầu trời Đại Tây Dương chỉ 73 giây sau khi cất cánh.

Toàn bộ phi hành đoàn gồm 7 người tử vong ngay lập tức, ước tính thiệt hại lên tới 5,5 tỉ đô (khoảng 113 ngàn tỉ đồng).

Nhưng tại sao vậy? Theo các báo cáo sau này, thì hóa ra các chuyên gia tại NASA đã quá chủ quan. Họ sử dụng các gioăng đệm làm từ cao su - một chất liệu chịu lạnh kém. Vậy nên khi nhiệt độ xuống thấp, gioăng vỡ ra, gây rò rỉ khí nóng trực tiếp thổi vào bình nhiên liệu và khiến con tàu nổ tung.

2. Sự thất bại của kính tiềm vọng không gian Hubble

Hubble là một chiếc kính thiên văn rất nổi tiếng của NASA. Nó nổi tiếng không hẳn do những thành tựu đi vào lịch sử, mà một phần là vì sự cố đắt đỏ đã xảy ra trước đây với vệ tinh này vào năm 1990.

Sau khi đạt được quỹ đạo ổn định và chính thức đi vào hoạt động, Hubble đã khiến các nhà nghiên cứu thất vọng. Lí do là vì các hình ảnh nó gửi về quá mờ, chẳng thể sử dụng được.

Kính viễn vọng Hubble.
Kính viễn vọng Hubble.

Rất nhiều chuyên viên sau đó đã vào cuộc, và cuối cùng cũng tìm ra cách khắc phục. Hóa ra đó là lỗi thiết kế khiến cho thấu kính máy ảnh quá phẳng, dẫn đến hiện tượng cầu sai gây mờ ảnh.

Hubble không bị hỏng, cũng không phát nổ hay đi lạc, nhưng cái giá phải trả để sửa chữa nó cũng không hề nhỏ. Ước tính thiệt hại của sự cố ấy là 1,5 tỉ đô (khoảng 34 ngàn tỉ VNĐ).

3. Tai nạn của tàu thăm dò Genesis - trót lắp ngược 2 mẩu thiết bị

Genesis được NASA tạo ra với sứ mệnh hết sức cao cả, đó là mang các mẫu vật từ không gian về Trái đất để phân tích. Con tàu ấy là niềm hy vọng sẽ giúp loài người hiểu thêm về vũ trụ rộng lớn.

Tàu thăm dò Genesis.
Tàu thăm dò Genesis.

Tưởng như mọi thứ sẽ thuận buồm xuôi gió, bởi đây không phải là một nhiệm vụ quá phức tạp. Nhưng tàu thăm dò này đã ngưng hoạt động và rơi tại bang Utah, Mỹ vào năm 2004 - chỉ 3 năm sau khi được phóng vào không gian.

Phần lớn các mẫu vật bị hủy hoại trong vụ va chạm. Nguyên nhân sau đó đã được xác nhận, đó là các chuyên gia đã lắp ngược 2 chi tiết rất nhỏ trong động cơ. Chỉ vậy thôi, và 260 triệu đô (khoảng gần 6.000 tỷ đồng) đi tong.

4. Vệ tinh sao Hỏa đi lạc

Vệ tinh sao Hỏa đi lạc
Lỗi lập trình khiến vệ tinh Mars Climate Orbiter đi lạc.

Để khảo sát xem liệu các điều kiện vật lí trên hành tinh Đỏ có phù hợp với con người hay không, NASA đã thiết kế Mars Climate Orbiter - một vệ tinh chuyên thu thập dữ liệu về khí hậu của sao Hỏa và dự tính sẽ đưa nó vào hoạt động trong vòng 2 năm.

Được phóng vào tháng 12/1998, vệ tinh này theo tính toán sẽ tiếp cận được sao Hỏa khoảng 1 năm sau đó. Tuy nhiên vào 23/9/1999, NASA thông báo Mars Climate Orbiter chính thức bị mất tích.

Lý do lần này lại là vì lập trình. Một số chuyên viên đã quên... đổi đơn vị sang một hệ thống nhất, dẫn đến sai số lớn trong hệ thống máy móc. Và quả thực, câu nói sai một ly, đi một dặm là rất đúng trong trường hợp này, vì vệ tinh ấy đến nay chẳng ai biết nó ở đâu nữa.

Thiệt hại ước tính cho lỗi siêu nhỏ này là 125 ngàn đô (khoảng 2,9 tỉ đồng).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn