Tết Trung Thu có từ bao giờ, do ai là người đưa Tết này từ Trung Quốc vào nước ta vào khoảng thời gian nào thì chưa có tài liệu sử sách chính xác nào đề cập đến. Chỉ biết một điều rằng Tết Trung Thu đã có ở nước ta từ tự thuở đời nào rồi, và nó có sự biến đổi liên tục qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thời gian.
Tết Trung Thu đối với trẻ nhỏ trước hết là những bánh trái đặc trưng bởi hai món chính là bành dẻo và bánh nướng mà tập trung nhất là trên các cửa hàng ở phố Hàng Đường (của người Việt) và Hàng Buồm (của Hoa kiều). Điều hấp dẫn đối với lũ trẻ là đứng nhìn những người thợ đóng bánh ngoài quầy tạo nên những âm thanh rộn ràng khi khuôn bánh gõ mạnh trên mặt bàn theo những nhịp điệu khoan nhặt rất đặc trưng trên đường phố.
Nào ta cùng ngắm nhìn lại những hình ảnh về Tết Trung thu xưa để thấy được những phai nhạt đã loang dần theo năm tháng của những phong vị ngày xưa trong ngày tết truyền thống này.
Cửa hàng bán đồ Trung Thu đầu thế kỷ 20.
Sau bánh trái là những đồ chơi mà tiêu biểu nhất là các loại đèn được thắp sáng trong đêm Trung Thu khi đợi trăng lên hay rước rong ngoài phố. Những cửa hàng bán các loại đèn làm bằng nan lợp giấy bóng kính hình các con vật mà nhiều nhất là thỏ và cá.
Ngoài ra còn các loại đèn lồng xếp bằng các loại giấy màu và cầu kỳ nhưng cũng gây hấp dẫn nhất là đèn kéo quân với rất nhiều tích truyện được thể hiện bằng những bóng hình xoay tròn nhờ sức nóng của những ngọn nến tạo ra những luồng khí đẩy những cái vòng quay tròn theo trục đèn. Các loại đèn này tập trung nhiều trên phố Hàng Mã những còn được bày bán ở Hàng Gai…
Đám con trẻ hào hức với Tết trung thu xưa.
Những đứa trẻ bên sạp hàng bán đồ chơi.
Đèn lồng, đèn cá chép, đèn kéo quân luôn làm những đứa trẻ thèm thuồng.
Đèn hình con cua là ước ao của bọn trẻ cả tháng trời trước Tết Trung Thu.
Đủ các món đồ chơi được bày bán ở những khu chợ xưa.
Múa lân Trung Thu xưa.
Một cửa hàng thực phẩm thời xưa, nay chỉ còn là dĩ vãng.
Mâm cỗ trung thu xưa có đầy đủ các loại trái cây.
Một đại gia đình tề tựu đông đủ bên mâm cỗ Trung Thu (đầu thế kỷ 20).
Trẻ em vui sướng bên đèn Ông Sao (1989).
Hà Nội thập niên 1990, một cô bán đèn cù quay đang "chào hàng" với một bé gái bên quán nước.
Một chợ Trung thu Hà Nội năm 1987.
Bánh Trung Thu Đông Hưng Viên nổi tiếng Sài Gòn, ảnh chụp trước 1975.
Đồ chơi Trung thu xưa gắn với truyền thống dân tộc (đầu thế kỷ 20).
Anh sửa lồng đèn cho em, hình ảnh không thể quên với tuổi thơ 8x trở về trước.
Sài Gòn mùa Trung thu xưa (thập niên 1990).
Trung Thu tháng tám trăng rằm
Đến đây trong tiết thu phân dịu dàng
Trăng khuya vương ánh nồng nàn
Đắm say lễ hội Hoa Đăng (1) rạng ngời
Cung trăng tỏa khắp chân trời
Hằng Nga tiên nữ dáng mơ ảo huyền
Chú Cuội, thỏ ngọc trung kiên
Đêm rằm rực cảnh thần tiên nhiệm màu
Long lanh sao sáng Ngân Hà
Dương trần rộn nở muôn hoa êm đềm
Lời ca vang vọng trong đêm
Tung tăng đàn trẻ rước đèn dưới trăng
Lồng đèn vạn trạng muôn phần
Đủ hình linh thú đầy giăng phố phường
Nhộn nhịp chiêng trống, lân rồng
Hồn nhiên nhảy múa tuổi hồng reo vang
Rinh rinh tùng cắc rộn ràng
Tưng bừng tiếng nhạc đêm trăng dập dồn
Vui say ngày Tết Nhi Đồng (1)
Thỏa tình niên thiếu, ngát lòng trẻ thơ
Trông Trăng (1) thưởng lãm ngẩn ngơ
Mơ màng cung quế rong chơi thiên đàng
Vọng nguyệt dõi bóng chị Hằng
Đốt đèn mời gọi giáng trần kết duyên
Ngày lễ hội tụ Đoàn Viên (1)
Cỗ bàn tưởng nhớ gia tiên linh đình
Đèn lồng thắp sáng lung linh
Đắm hồn hoa bướm, đượm tình trăng sao
Tuổi thơ phơi phới dạt dào
Vui vầy nao nức, xôn xao tiếng cười
Trăng rằm tha thiết tuyệt vời
Trung Thu ngày Tết ngàn đời nhớ mong.
Chú thích (1) : Tết Trung Thu còn được gọi là Tết Nhi Đồng,
Tết Trông Trăng, Tết Hoa Đăng hay Tết Đoàn Viên.