Giếng nước cổ Chand Baori với kiến trúc độc đáo và ấn tượng là một trong những điểm hấp dẫn du lịch hàng đầu của đất nước Ấn Độ huyền bí.
Giếng nước Chang Baori ở làng Abhaneri là một trong những công trình lâu đời nhất và nổi tiếng nhất của tỉnh Rajasthan. Giếng được Vua Chanda của triều đại Nikumbha cho xây dựng từ thế kỷ thứ 9. Là một trong những giếng nước có bậc thang lớn nhất thế giới, Chand Baori được xây nên để trữ nước và tạo nên một nơi nghỉ ngơi tránh nóng. Đây cũng là địa điểm tụ họp cộng đồng của người dân địa phương cũng như hoàng gia.
Những bậc thang đều tăm tắp.
Không chỉ là một công trình trữ nước xưa kia, Chand Baori ngày nay còn là một kỳ quan kiến trúc với 3.500 bậc thang có cấu trúc đối xứng, phủ kín 3 mặt của giếng, dẫn xuống đáy. Lòng giếng có hình vuông, càng xuống sâu càng thu hẹp lại, tạo nên một không gian được ví như kim tự tháp Ai Cập lộn ngược.
Những bậc thang phủ kín 3 mặt giếng.
Những bậc cầu thang đều tăm tắp nối tiếp nhau, khi kết hợp với ánh sáng tự nhiên tạo nên một hiệu ứng thị giác vô cùng ấn tượng, như thôi miên mắt nhìn. Từ mặt đất xuống tới mặt nước là 13 tầng cầu thang với độ sâu khoảng 20 mét, và có thể dưới mặt nước còn vài tầng nữa.
Hiệu ứng ánh sáng tự nhiên trên những bậc thang đối xứng.
Nổi bật giữa 4 mặt giếng cao sừng sững là bể nước màu xanh rêu, cho cảm giác tươi mát, với nhiệt độ ở phía đáy giếng cũng luôn thấp hơn 5-6 độ C so với trên mặt đất.
Sắc xanh rêu mát mắt của nước giếng.
Mặt còn lại của giếng là một dinh thự nhiều tầng với những vòm cửa được chạm khắc công phu, những tác phẩm điêu khắc tôn giáo tuyệt đẹp. Bên trong có nơi ở của hoàng gia với các phòng cho Nhà vua, Hoàng hậu và một sân khấu để biểu diễn nghệ thuật. Ngoài ra, cũng ở mặt này của giếng còn có ngôi đền thờ Harshat Mata – nữ thần của niềm vui và hạnh phúc.
Dinh thự xây trong lòng giếng vừa là nơi nghỉ mát của hoàng gia, vừa tạo điểm nhấn trang trọng cho công trình giếng nước cổ
Những họa tiết chạm khắc mang đậm nét tôn giáo của đạo Hindu