Bức tượng Phật không lồ cao 65 mét lấy đá từ cả quả núi đang xây dựng ở Đà Nẵng gây xôn xao dư luận
Người dân ở Việt Nam thời gian qua lại bàn tán trên mạng xã hội về một bức tượng Phật khổng lồ cao 65 mét duy nhất tại Việt Nam đang được xây dựng ở Đà Nẵng với những lo ngại về môi trường và việc lợi dụng kinh doanh tín ngưỡng.
Đây không phải lần đầu tiên dư luận tại Việt Nam bàn tán về dự án này trên mạng xã hội vì vào năm 2022, những quan ngại về dự án này cũng được nêu lên trên các mạng xã hội và báo chí.
Truyền thông Nhà nước mới đây cho biết Sở Xây dựng Đà nẵng xác nhận bức tượng làm bằng đá này đang dược xây dựng tại khu văn hoá tâm linh Đà Sơn (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) và đã được cấp phép từ tám năm trước. Bức tượng đã được thi công gần sáu năm và còn cần từ 4 - 5 năm nữa để hoàn tất, báo Thanh Niên dẫn lời chỉ huy công trình cho biết hồi tháng 5 vừa qua.
Bức tượng có chiều cao 65 mét và trên diện tích 1.806 mét vuông, được tạc từ đá nguyên khối của cả quả núi, khiến nó trở thành tác phẩm điêu khắc độc nhất vô nhị tại Việt Nam, theo báo chí Nhà nước.
Bức tượng được bắt đầu từ từ việc khai thác mỏ đá tại khu vực núi Phước Lý của Công ty TNHH Phú Mỹ Hòa. Trong quá trình khai thác, công này đã xin xin phép xây dựng tượng Phật nhằm tạo điểm nhấn cho Khu văn hóa tâm linh Đà Sơn và đã được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng.
Báo Nhà nước trích dẫn thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng cho biết, từ năm 2016, UBND thành phố đã đồng ý cho Công ty TNHH Phú Mỹ Hòa thực hiện việc sao chép tượng Phật tại Khu văn hóa tâm linh Đà Sơn. Công trình này bao gồm bản mẫu tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tọa thiền và tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ngự Độc giác long của Bảo tàng Phật giáo, nhằm phục vụ cho việc mở rộng khu văn hóa tâm linh này.
Đề án thực hiện dự án được Công ty TNHH Phú Mỹ Hoà lập và đã được Bộ chỉ huy quân sự, Ban Tôn giáo thành phố và chính quyền địa phương có ý kiến đảm bảo đúng quy định của pháp luật, theo truyền thông Nhà nước.
Tuy nhiên, có những ý kiến trên mạng xã hội cho rằng chủ mỏ đá “hô biến” thành khu tâm linh, làm tượng phật khổng lồ nhằm tránh nghĩa vụ hoàn thổ, phục hồi môi trường theo quy định sau khi kết thúc khai thác mỏ.
Báo Pháp Luật TPHCM dẫn lời ông Lương Văn Phụng, Phó giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ Hòa cho hay thành phố chưa có cốt nền để hoàn thổ tất cả mỏ đá chứ không riêng gì các mỏ do công ty khai thác.
Ngoài ra, ông này cũng cho biết khu văn hoá tâm linh làm xong sẽ bàn giao cho Nhà nước chứ không kinh doanh du lịch, không kinh doanh trên Phật pháp.