Tuyến tụy là gì? Cấu tạo, giải phẫu và vị trí nằm ở đâu?

Chủ Nhật, 28 Tháng Bảy 20249:00 SA(Xem: 1021)
Tuyến tụy là gì? Cấu tạo, giải phẫu và vị trí nằm ở đâu?

Tuyến tụy là cơ quan quan trọng của cơ thể, đảm nhận chức năng điều hòa đường huyết và hỗ trợ tiêu hóa ổn định. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuyến tụy có thể gặp phải một số bệnh lý nghiêm trọng như viêm tụy, ung thư tụy, suy tụy ngoại tiết… Để ngăn ngừa những bệnh lý này, việc chủ động thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học là vô cùng cần thiết.

tuyến tụy là gì

Tuyến tụy là gì?

Tuyến tụy là cơ quan thuộc hệ thống tiêu hóa và hệ thống nội tiết trong cơ thể người, nằm ở vùng bụng phía sau dạ dày, kéo dài từ vị trí này đến bụng trên bên trái gần lá lách. Tuyến tụy ở người trường thành dài khoảng 12 – 15cm, hình thùy, đảm nhận đồng thời chức năng nội tiết (1%) và ngoại tiết tiêu hóa (99%).

Đối với chức năng nội tiết, tuyến tụy thực hiện điều chỉnh lượng đường trong máu, sản xuất các hormone insulin, glucagon, somatostatin và polypeptide. Đối với chức năng ngoại tiết, tuyến tụy đảm nhận tiết dịch tụy vào tá tràng thông qua ống tụy, có chứa bicarbonate, giúp trung hòa axit từ dạ dày vào tá tràng, ngoài ra còn có các enzym tiêu hóa, giúp phân hủy carbohydrate, protein, chất béo trong thức ăn.

vị trí của tuyến tụy
Tuyến tụy là cơ quan thuộc hệ thống tiêu hóa và hệ thống nội tiết

Cấu tạo của tuyến tụy

Về mặt giải phẫu, tuyến tụy gồm phần đầu, cổ, thân và đuôi, kéo dài từ bờ cong bên trong tá tràng, đầu bao quanh 2 mạch máu là động mạch và tĩnh mạch mạc treo tràng trên. Phần thân tuyến tụy có chiều dài lớn nhất, trải dài phía sau dạ dày. Phần đuôi tiếp giáp với lá lách.

Tuyến tụy có hai ống dẫn, một ống tụy chính và một ống tụy phụ (kích thước nhỏ hơn) đi qua thân tụy. Ống tụy chính nối với ống mật chủ, tạo thành bóng Vater (bóng gan tụy). Xung quanh bóng được bao quanh bởi cơ vòng Oddi. Hoạt động mở ống mật chủ thông với ống tụy chính được điều khiển bởi cơ vòng Boyden. Ống tụy phụ đi vào tá tràng thông qua các lỗ mở riêng biệt nằm trên lỗ mở ống tụy chính.

Đầu tụy nằm ở phần cong của tá tràng, quấn quanh động mạch và tĩnh mạch mạc treo tràng trên. Bên phải là tá tràng xuống, phía sau là tĩnh mạch chủ dưới và ống mật chủ, phía trước là màng phúc mạc và đại tràng ngang.

Cổ tụy nằm giữa đầu tụy và thân tụy, kích thước chiều rộng khoảng 2 cm, nằm phía trước tĩnh mạch cửa, phía sau môn vị dạ dày và được bao phủ bởi phúc mạc.

Thân tụy là phần lớn nhất của tuyến tụy, chủ yếu nằm phía sau dạ dày, hình dáng thuôn nhọn. Phía trên là phúc mạc, phía trước là đại tràng ngang, phía sau là mạch máu (động mạch chủ, tĩnh mạch lá lách và tĩnh mạch thận trái và đoạn đầu của động mạch mạc treo tràng trên). Bên dưới thân tụy là ruột non (phần cuối của tá tràng, hỗng tràng và dây chằng tá tràng).(1)

Tuyến tụy thu hẹp dần về phía đuôi, nằm gần lá lách. Kích thước phần đuôi khoảng từ 1,3 – 3,5 cm, nằm ở các lớp dây chằng giữa lá lách và thận trái. Phía sau đuôi và thân tụy là động mạch và tĩnh mạch lá lách.

cấu tạo của tụy
Cấu tạo và hình dáng giải phẫu tuyến tụy

Chức năng của tuyến tụy

Tuyến tụy đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, bao gồm:

1. Điều hòa đường huyết

Tuyến tụy có chức năng duy trì mức đường huyết ổn định. Cụ thể, các tế bào nằm trong khắp tuyến tụy có khả năng thực hiện hoạt động cân bằng nội môi. Khi lượng đường trong máu thấp, tế bào alpha tiết ra glucagon. Khi lượng đường trong máu tăng cao, tế bào beta tiết ra insulin để ổn định đường huyết. Ngoài ra, tế bào delta còn tiết somatostatin giúp điều hòa quá trình sản xuất insulin và glucagon.

Glucagon làm tăng nồng độ glucose bằng cách thúc đẩy việc tạo ra glucose, phân hủy glycogen trong gan thành glucose và làm giảm sự hấp thu glucose trong cơ bắp, chất béo. Quá trình giải phóng Glucagon xảy ra khi lượng đường trong máu, insulin thấp và khi tập thể dục.

Insulin có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu bằng cách tạo điều kiện cho các tế bào (đặc biệt là cơ xương) hấp thu và thúc đẩy quá trình sản xuất protein, chất béo, carbohydrate. Insulin ban đầu được tạo ra dưới dạng tiền chất gọi là preproinsulin. Chất này được chuyển thành proinsulin và bị C-peptide phân cắt thành insulin, sau đó tiếp tục được lưu trữ dưới dạng hạt trong tế bào beta. Glucose được đưa vào tế bào beta và bị thoái hóa, gây ra phản ứng khử cực của màng tế bào, kích thích giải phóng insulin.

Yếu tố chính ảnh hưởng đến quá trình tiết insulin và glucagon là nồng độ glucose trong huyết tương. Lượng đường trong máu thấp sẽ kích thích giải phóng glucagon, còn khi lượng đường trong máu cao sẽ kích thích giải phóng insulin. Các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến quá trình tiết ra các hormone này như:

  • Một số axit amin là sản phẩm phụ của quá trình tiêu hóa protein, kích thích giải phóng insulin và glucagon
  • Somatostatin hoạt động như một chất ức chế insulin và glucagon
  • Catecholamine tiết ra từ dây thần kinh giao cảm có khả năng kích hoạt thụ thể Beta-2 của hệ thần kinh giao cảm, kích thích tiết insulin và glucagon
  • Catecholamine tiết ra từ dây thần kinh giao cảm kích hoạt thụ thể Alpha-1, gây ức chế quá trình tiết insulin và glucagon
  • Dây thần kinh phế vị bên phải kích thích các thụ thể M3 của hệ thần kinh phó giao cảm, thúc đẩy quá trình giải phóng insulin từ tế bào beta

2. Tiêu hóa

Tuyến tụy đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tiêu hóa, tiết ra một loại chất lỏng có chứa enzym tiêu hóa để vận chuyển vào tá tràng (phần đầu tiên của ruột non nhận thức ăn từ dạ dày). Những enzym này có khả năng phân hủy carbohydrate, protein và lipid (chất béo). Đây được gọi là vai trò ngoại tiết của tuyến tụy. Các tế bào thực hiện nhiệm vụ này được sắp xếp thành cụm gọi là acini.

Dịch tụy ban đầu sẽ tiết vào giữa tuyến, tích tụ trong các ống nội tiểu thùy, vận chuyển qua ống tụy chính và trực tiếp đi vào tá tràng. Mỗi ngày, tuyến tụy tiết ra khoảng 1,5 – 3 lít dịch tụy.

Các tế bào trong mỗi nang tuyến tụy có chứa các hạt mang enzym tiêu hóa. Dạng ban đầu là dạng không hoạt động được, còn gọi là zymogen hoặc proenzym. Khi được giải phóng vào tá tràng, thành phần này được kích hoạt bởi enzym enterokinase tiết ra từ niêm mạc tá tràng. Các proenzym bị phân cắt, tạo ra một loạt các enzym ở trạng thái hoạt động.

Các enzym phân hủy protein, kích hoạt trypsinogen thành trypsin. Trypsin tự do sau đó sẽ tách phần còn lại của trypsinogen, chymotrypsinogen thành chymotrypsin ở trạng thái hoạt động. Các enzym được tiết ra liên quan đến quá trình tiêu hóa chất béo bao gồm: Lipase, phospholipase A2, lysophospholipase và cholesterol esterase.

Các enzym phân hủy tinh bột và các carbohydrate khác được tiết ra trong chất lỏng chứa bicarbonate. Bicarbonate giúp duy trì độ pH kiềm cho chất lỏng, đảm bảo enzym hoạt động hiệu quả nhất và trung hòa axit dạ dày đi vào tá tràng.

Quá trình bài tiết chịu ảnh hưởng bởi các hormone: Secretin, cholecystokinin, VIP và hoạt động kích thích acetylcholine từ dây thần kinh phế vị. Secretin được giải phóng từ tế bào S, tạo thành một phần của niêm mạc tá tràng, phối hợp với VIP để tăng tiết enzym và bicarbonate.(2)

Các bệnh lý về tụy

Tuyến tụy cũng có thể gặp phải các bệnh lý đáng lo ngại sau đây:

1. Viêm tụy

Viêm tuyến tụy hay viêm tụy thường do sỏi mật hoặc thói quen lạm dụng rượu gây nên. Một số trường hợp có thể do chấn thương, tác dụng phụ của thuốc, mắc bệnh nhiễm trùng, nồng độ chất béo trung tính trong máu quá cao, tổn thương sau khi thực hiện Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)…

Viêm tụy cấp thường gây đau dữ dội ở vùng bụng giữa, lan dần ra sau lưng, kèm triệu chứng buồn nôn hoặc nôn. Tình trạng nghiêm trọng có nguy cơ gây chảy máu hoặc thủng tụy, dẫn đến sốc, bầm tím mạng sườn hoặc vùng xung quanh rốn. Đây đều là những biến chứng nghiêm trọng, cần được cấp cứu nhanh chóng.

Khi tuyến tụy bị viêm, các enzym ngoại tiết sẽ làm tổn thương cấu trúc và mô. Sự xuất hiện của những enzym này trong kết quả xét nghiệm máu, trên hình ảnh chụp CT, siêu âm là căn cứ quan trọng để chẩn đoán bệnh viêm tụy.

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc giảm đau, theo dõi triệu chứng sát sao để kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng sốc. Một số biện pháp quan trọng khác có thể bao gồm: sử dụng corticosteroid để điều trị viêm tụy tự miễn, loại bỏ sỏi mật, giảm glucose và chất béo trung tính trong máu…

viêm tụy cấp
Tình trạng viêm tuyến tụy cấp tính

2. Ung thư tuyến tụy

Hiện nguyên nhân gây ung thư tuyến tụy vẫn chưa được xác định nhưng các yếu tố nguy cơ có thể bao gồm:

  • Thói quen hút thuốc, uống rượu bia
  • Mắc bệnh tiểu đường
  • Người thừa cân và béo phì
  • Viêm tụy mãn tính
  • Nhiễm trùng dạ dày

Người bệnh bị ung thư tuyến tụy có thể gặp phải các triệu chứng sau đây:

  • Đau vùng bụng trên do khối u chèn ép vào dây thần kinh
  • Vàng da
  • Buồn nôn, nôn
  • Chán ăn
  • Sút cân bất thường
  • Cơ thể suy nhược
  • Phân nhạt màu, có màu xám

Các triệu chứng của ung thư tuyến tụy đa phần chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, tỷ lệ điều trị thành công rất thấp. Cụ thể, tỷ lệ sống sau 5 năm ở người bệnh mắc ung thư tuyến tụy cục bộ là 42% và giảm xuống còn 5% nếu khối u ác tính đã di căn sang các cơ quan khác. Phương pháp điều trị thường được chỉ định là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp các phương pháp.

3. Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường tuýp 1 là bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào beta trong tuyến tụy, làm ức chế quá trình sản xuất insulin. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định nhưng yếu tố di truyền, môi trường và sự tấn công của virus có thể là tác nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 xảy ra khi các tế bào cơ, mỡ và gan không thể xử lý glucose. Nguyên nhân do tế bào không thể sử dụng insulin do tuyến tụy tạo ra hoặc tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ insulin. Khi lượng đường trong máu không được kiểm soát ổn định sẽ gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2.

4. Các bệnh lý khác

  • Suy tụy ngoại tiết: Tình trạng này xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ enzym.
  • U nang tuyến tụy: U nang tuyến tụy là những túi chứa đầy dịch, hình thành trên tuyến tụy, cần được chẩn đoán sớm để xác định ác tính hay lành tính giúp mang lại hiệu quả trong điều trị.
  • Tích tụ dịch tụy: Tuyến tụy bị viêm có thể làm rò rỉ các enzym tiêu hóa, tích tụ xung quanh tuyến tụy, gây đau bụng, sốt và nhiều triệu chứng khác.
  • Hội chứng Zollinger-Ellison: Các khối u phát triển ở tuyến tụy hoặc tá tràng, kích thích dạ dày sản xuất nhiều axit hơn mức bình thường.

Cách phòng ngừa các bệnh về tuyến tụy

Dưới đây là một số biện pháp quan trọng, giúp bảo vệ tuyến tụy luôn khỏe mạnh và tránh gặp phải các bệnh lý không mong muốn:

  • Hạn chế uống rượu để làm giảm nguy cơ viêm tụy và những tổn thương khác
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, giàu dinh dưỡng, bổ sung nhiều trái cây, rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt
  • Tránh ăn thực phẩm nhiều chất béo, đồ chiên nướng
  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên
  • Duy trì mức cân nặng ổn định để giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi mật và viêm tụy cấp
  • Uống nhiều nước
  • Không thực hiện giảm cân cấp tốc để tránh gan tăng cường sản xuất cholesterol, làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật và bệnh viêm tuyến tụy
  • Bỏ hút thuốc lá
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo