Sau tuyên bố Nga ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông của tổng thống Nga - khi chưa xảy ra chiến tranh Nga-Ukraina khi mà vị thế của Nga chưa bị cô lập - thì tình thế hiện nay của Nga đã hoàn toàn khác.
Nga phải mở cửa rộng về hướng Đông nơi không chỉ có Trung Quốc, vì vậy lập trường của Nga buộc sẽ phải khác khi đến Việt Nam, đất nước quan trọng đối với Nga lúc này.
Chính vì vậy Trung Quốc lại chính là nước theo dõi chặt chẽ nhất với con mắt quan tâm nhất, đề phòng nhất những diễn biến trong chuyến thăm Hà Nội của tổng thống Nga, chứ không phải Mỹ hay châu Âu.
Những thông điệp dưới đây chĩa vào ai, Bắc Kinh đều ngấm ngầm hiểu nhưng khó có thể làm gì khác để lật ngược nó được.
“Hai bên ủng hộ tiếp tục nâng cao hiệu quả các dự án then chốt trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước mở rộng đầu tư trên lãnh thổ của nhau phù hợp với luật pháp hai nước, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.”
Tại sao lại nhấn mạnh “đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.”?
Công ước trên liên quan đến chính đường lưỡi bò Biển Đông mà Trung Quốc đang càng ngày cành tác oai tác quái dẫn đến Việt Nam luôn cảm thấy bất an và Mỹ, Úc Nhật, Philippines phải luôn cảnh giác và tập trận.
Nên chú ý trong 11 văn kiện ký kết giữa Việt Nam và Nga, có hai văn kiện liên quan đến khai thác dầu khí ở Biển Đông, nơi mà dưới sức ép của Trung Quốc các tập đoàn dầu khí nhiều nước đã phải tháo lui.
Giáo sư Alexander Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đánh giá với BBC:
“Trong vấn đề Biển Đông, Nga đang đứng gần với Việt Nam hơn là Trung Quốc trong cuộc tranh chấp, sẽ là điều hết sức có lợi cho Việt Nam. Các công ty dầu khí của Nga đã hoạt động ở Việt Nam cũng góp phần nào giúp Việt Nam giữ chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông, và nếu Nga giúp Việt Nam trên Biển Đông thì Trung Quốc sẽ không phản ứng mạnh mẽ lắm. Nếu như Mỹ hay Nhật Bản mà giúp Việt Nam trên Biển Đông thì Trung Quốc phản ứng mười, còn Nga giúp thì có thể Trung Quốc chỉ phản ứng một nửa thôi.”
Trung Quốc cũng không thể không quan tâm thỏa thuận này giữa Việt Nam và Ng,a khi Trung Quốc không lúc nào ngừng dã tâm kiểm soát chi phôi an ninh năng lượng của Việt Nam và kiểm soát 90 % Biển Đông cũng như kiểm soát dòng chảy sông Mê Kông:
“ Hai nước thống nhất sớm nghiên cứu mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng sạch đóng góp cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Hai bên mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế, đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
Hai nước ủng hộ một cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương bình đẳng, không chia tách, mở và minh bạch với vai trò trung tâm của ASEAN dựa trên luật pháp quốc tế. Việt Nam hoan nghênh Nga tăng cường hợp tác với tiểu vùng Mekong, đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung của khu vực và trên thế giới.”
LƯU TRỌNG VĂN 20.06.2024