So sánh kích thước giữa tàu ngầm “Rùa” và tàu ngầm hạt nhân USS John Warner thuộc lớp Virginia của hải quân Mỹ - Ảnh: hải quân Mỹ
KRI Nanggala của hải quân Indonesia có lẽ là tàu ngầm được nhắc đến nhiều nhất trên thế giới trong tuần qua. Những hi vọng cứu sống 53 người trên đó đã tắt ngày 24-4 khi người ta tìm thấy những mảnh vỡ không thể nhầm lẫn với bất cứ con tàu nào khác.
Sự tiến hóa của "Rùa"
Khác với những tàu ngầm được thiết kế cho mục đích nghiên cứu hoặc chứng minh năng lực hàng hải, phần lớn tàu ngầm quân sự chỉ hoạt động ổn định từ 100 - 350m. Để đưa được những cỗ máy chiến tranh xuống độ sâu đó, con người đã mất hơn 245 năm, tính từ lúc xảy ra vụ tấn công đầu tiên do tàu ngầm thực hiện.
Sự kiện xảy ra vào năm 1776 trong cuộc chiến giành độc lập của nước Mỹ, theo trang History.com. Chiếc tàu ngầm thực hiện vụ tấn công mang tên "Rùa" do hình dáng của nó. "Rùa" được làm bằng gỗ và chỉ dài 2,4m nên chỉ đủ chỗ cho một người điều khiển.
Đó là kích thước tàu rất khiêm tốn khi so với các tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Typhoon của Nga. Với chiều dài 175m, nặng hơn 46.000 tấn, tàu ngầm lớp Typhoon thuộc hàng lớn nhất thế giới. Để vận hành con tàu cùng hệ thống ngư lôi và tên lửa đạn đạo, mỗi tàu Typhoon cần đến 160 thủy thủ.
Việc so sánh giữa "Rùa" và tàu ngầm thuộc lớp Typhoon cho thấy con người đã tiến xa như thế nào trong 245 năm qua. Sự xuất hiện của "Rùa" báo hiệu kỷ nguyên tàu ngầm quân sự bắt đầu. Tuy nhiên lịch sử tàu ngầm quân sự chỉ thực sự bùng nổ trong Thế chiến thứ I (1914-1918) và Thế chiến thứ II (1939-1945).
Người Đức đã cho thấy sự nguy hiểm của tàu ngầm khi sử dụng các tàu ngầm U-boat trong chiến dịch phong tỏa đường biển, bắn chìm các tàu hàng tiếp tế cho Anh. Chiến thuật này cũng phát huy hiệu quả ở châu Á khi Mỹ sử dụng tàu ngầm phong tỏa Nhật Bản. Giai đoạn này tàu ngầm được trang bị súng máy và pháo 76mm dùng để tấn công các tàu mặt nước khi nổi trên mặt biển.
Sau Thế chiến II, việc phát triển tàu ngầm quân sự đạt được những tiến bộ to lớn. Sự ra đời của các tàu ngầm hạt nhân đánh dấu một bước ngoặt mới. Với lò phản ứng hạt nhân, thứ duy nhất giới hạn thời gian lẩn trốn của tàu ngầm là dự trữ hành trình mang theo.
Nautilus - tàu ngầm nổi tiếng mọi thời đại
Trước khi những chiếc tàu ngầm hiện đại như KRI Nanggala xuất hiện, đã từng có một tàu ngầm nổi tiếng hơn thế. Đó là tàu ngầm Nautilus của thuyền trưởng Nemo trong tiểu thuyết Hai vạn dặm dưới đáy biển của nhà văn Jules Verne.
Thật trùng hợp khi tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trên thế giới cũng mang tên Nautilus. Con tàu được biên chế vào hải quân Mỹ năm 1954. Để phân biệt với 3 tàu khác cũng có cùng tên Nautilus, tàu ngầm Nautilus được đặt mã SSN-571, trong đó SS biểu thị cho chữ Submarine (tàu ngầm), N biểu thị cho Nuclear (chạy bằng năng lượng hạt nhân).
Những cải tiến về vũ khí bao gồm tên lửa và ngư lôi chính xác tầm xa dẫn tới việc loại bỏ các khẩu pháo trên boong tàu. Mục tiêu của tàu ngầm hiện đại cũng không còn giới hạn ở biển nữa. Với tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân và tên lửa hành trình, các tàu ngầm có thể kích hoạt cuộc tấn công một quốc gia, phá hủy một thành phố nào đó từ một vị trí bí mật trong lòng biển.
Dựa trên động cơ sử dụng, có thể chia tàu ngầm thành 2 loại: tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm phi hạt nhân. Với công nghệ AIP, nhiều người kỳ vọng các tàu ngầm động cơ diesel-điện có thể hoạt động lâu và êm gần bằng các tàu ngầm chạy hạt nhân. Vì những lẽ đó, sự tiến bộ quân sự đôi khi vẫn bị chỉ trích là sự thụt lùi vì tạo ra các cỗ máy có thể gieo rắc chết chóc.
Cuộc "tuần tra vĩnh hằng" của KRI Nanggala
Ở độ sâu 850m (theo thông báo của hải quân Indonesia), kể cả bộ khung của những tàu ngầm hạt nhân hiện đại bậc nhất thế giới cũng khó lòng chống đỡ nổi sức ép của đại dương, chứ đừng nói đến một tàu ngầm phi hạt nhân đã 44 năm tuổi như KRI Nanggala.
"Tàu ngầm KRI Nanggala đang trong chuyến tuần tra vĩnh hằng" - tham mưu trưởng hải quân Indonesia Yudo Margono thông báo bằng giọng nặng trĩu ngày 25-4.
"Tuần tra vĩnh hằng" là cách nói giảm khi một tàu ngầm xuất phát làm nhiệm vụ và mãi mãi không trở về cảng. Mọi nỗ lực giờ đây chuyển sang việc trục vớt xác tàu, và nếu đủ may mắn là tìm thấy 53 thi thể dưới sự hỗ trợ của Úc, Mỹ, Malaysia và Singapore.
Giống như nửa tá tai nạn tàu ngầm khác kể từ năm 2000 đến nay, thảm kịch với KRI Nanggala chắc chắn sẽ không làm nản chí con người. Hải quân Indonesia đã quyết tâm sở hữu hạm đội tàu ngầm lớn nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, sự cố lần này là tín hiệu cảnh báo với Indonesia, cho thấy tầm quan trọng của việc sở hữu các tàu và phương tiện cứu hộ ngầm, đủ sức hoạt động ở những độ sâu lớn.
42
Đó là số nước đang sở hữu tàu ngầm quân sự. Trung Quốc là quốc gia sở hữu nhiều tàu ngầm quân sự nhất thế giới, theo ước tính của trang Global Fire Power. Tuy nhiên, Mỹ mới là nước có nhiều tàu ngầm hạt nhân nhất với 68 chiếc.