Nắng nóng khắc nghiệt đang vượt giới hạn chịu đựng của con người

Thứ Năm, 09 Tháng Năm 20249:00 SA(Xem: 1155)
Nắng nóng khắc nghiệt đang vượt giới hạn chịu đựng của con người

Những sự kiện từng không thể tưởng tượng được trước đây đang trở nên phổ biến khi nhiệt độ Trái đất liên tục tăng, vượt qua cả dự báo của các chuyên gia.

Cái nóng ập xuống, bao trùm thủ đô của Mali như tấm chăn dày, ngột ngạt. Trong gần một tuần vào đầu tháng 4, nhiệt độ ở Bamako dao động trên 43 độ C. Giá đá tăng vọt gấp 10 lần bình thường, lưới điện bị gián đoạn và ngừng hoạt động.

Với việc phần lớn quốc gia có đa số người theo đạo Hồi ăn chay trong tháng Ramadan, tình trạng mất nước và đột quỵ do nắng nóng trở thành “dịch bệnh”.

Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, huyết áp của mọi người giảm xuống. Tầm nhìn của họ mờ đi, thận và gan gặp vấn đề, não bắt đầu sưng lên. Tại bệnh viện chính của thành phố, bác sĩ đã ghi nhận số ca tử vong trong 4 ngày gần bằng cả một tháng. Các nghĩa trang địa phương bị quá tải, theo Washington Post.

Đợt nắng nóng lịch sử bao vây Mali và một số khu vực khác ở Tây Phi trong tháng này là điều mà giới khoa học cho rằng "hầu như không thể xảy ra" nếu thế giới không đối mặt biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Nó được cho là biểu hiện mới nhất của sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đột ngột và đáng lo ngại.

Bất thường

Được thúc đẩy bởi hàng thập kỷ đốt nhiên liệu hóa thạch không kiểm soát và mô hình khí hậu El Ninõ xuất hiện vào tháng 6/2023, hành tinh năm nay đã vượt ngưỡng nhiệt độ lo ngại là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Mỗi tháng trong số 10 tháng qua đều là những tháng nóng nhất.
Mỗi tháng trong số 10 tháng qua đều là những tháng nóng nhất. (Ảnh: Bloomberg).

Gần 19.000 trạm thời tiết ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục kể từ ngày 1/1. Mỗi tháng trong số 10 tháng qua đều là những tháng nóng nhất.

Các nhà nghiên cứu cho biết, quy mô và cường độ của đợt nóng này là bất thường ngay cả khi xét đến lượng khí nhà kính chưa từng có trong khí quyển.

Gavin Schmidt, giám đốc Viện nghiên cứu vũ trụ Goddard của NASA, cho biết những gì xảy ra trong vài tháng tới có thể cho chúng ta biết liệu khí hậu Trái đất có trải qua sự thay đổi cơ bản hay không

Nó có thể là bước nhảy lượng tử trong sự nóng lên, làm nhiễu các mô hình khí hậu và gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Đợt nóng bí ẩn

Ngay khi thế giới bước vào mô hình khí hậu El Ninõ, giới khoa học biết rằng nó sẽ bắt đầu phá kỷ lục nhiệt độ.

Tuy nhiên, không chỉ phá kỷ lục, nó thậm chí đã xóa sạch chúng.

4 ngày liên tiếp trong tháng 7/2023 trở thành những ngày nóng nhất trong lịch sử. Bắc bán cầu đã chứng kiến mùa hè ấm áp nhất và sau đó là mùa đông ấm áp nhất được khoa học biết đến.

Vào cuối năm 2023, nhiệt độ trung bình của Trái đất cao hơn gần 1,5 độ C so với mức trung bình thời tiền công nghiệp. Nhiệt độ cũng nóng hơn khoảng 0,2 độ C so với các nhà lập mô hình khí hậu dự đoán, ngay cả khi tính đến tác động của El Ninõ.

Gần 19.000 trạm thời tiết ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục kể từ ngày 1/1
Gần 19.000 trạm thời tiết ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục kể từ ngày 1/1. (Ảnh: Bloomberg).

Các nhà nghiên cứu dành nhiều tháng qua để tìm kiếm lời giải thích cho sự chênh lệch 0,2 độ C này. Đó có thể là do một vụ phun trào núi lửa đã phun hơi nước giữ nhiệt vào khí quyển, hay sự thay đổi trong nhiên liệu vận chuyển ảnh hưởng đến sự hình thành đám mây che khuất Mặt Trời.

Tuy nhiên, cho đến nay, những yếu tố đó chỉ có thể giải thích một phần nhỏ của sự bất thường. Điều này làm dấy lên mối lo ngại mô hình của các nhà khoa học có thể không nắm bắt được hết sự thay đổi về lâu dài trong hệ thống khí hậu.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu các kết nối thống kê mà chúng ta dựa vào để dự đoán không còn giá trị nữa?”, Schmidt nói. “Trong đầu tôi cứ băn khoăn rằng có thể quá khứ không còn là kim chỉ nam cho tương lai”.

Một thử nghiệm khác sẽ diễn ra trong vài tháng tới, khi hành tinh chuyển từ El Ninõ sang mô hình ngược lại, La Ninã. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ dự đoán nó xảy ra vào mùa hè.

Do La Ninã thường gắn liền với nhiệt độ toàn cầu mát hơn nên các nhà khoa học hy vọng nó sẽ chấm dứt chuỗi thời gian nóng kỷ lục của Trái đất.

Kiểu thời tiết hoàn toàn mới

Ngay cả khi nhiệt độ trung bình toàn cầu quay trở lại quỹ đạo dễ dự đoán hơn, tác động của sự nóng lên đối với con người và hệ sinh thái đã đi vào tới tận vùng đất chưa được khám phá.

Diện tích băng biển quanh Nam Cực đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2023.

Mực nước sông Amazon cũng tụt xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu đo đạc.

Giới nghiên cứu tuần này tuyên bố về sự kiện tẩy trắng san hô toàn cầu và cảnh báo cuộc khủng hoảng ở các đại dương đang trên đà lập kỷ lục.

Hạn hán
Những sự kiện từng không thể tưởng tượng được trước đây đang trở nên phổ biến khi thế giới nóng lên. (Ảnh: Esa Alexander/Sunday Times).

Tại một thành phố của Mali, các nhà nghiên cứu cho biết nhiệt kế thủy ngân lên tới 48,5 độ C - có thể là nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Phi.

Đêm cũng không khiến thời tiết dễ chịu hơn, với nhiệt độ thường trên 32 độ C. Nhiệt độ cao vào ban đêm đặc biệt nguy hiểm vì chúng không cho cơ thể có thời gian phục hồi.

Kiswendsida Guigma, nhà khoa học khí hậu và cố vấn của Trung tâm Khí hậu Chữ thập đỏ có trụ sở tại Burkina Faso cho biết ông hầu như không ngủ trong đợt nắng nóng. Mất điện thường xuyên khiến ông thậm chí không thể dùng quạt.

Ông kể thêm rất ít người trong khu vực có thể sử dụng máy điều hòa. Kiến trúc của khu dân cư nghèo - nơi các tòa nhà thường được xây dựng bằng gạch giữ nhiệt và mái kim loại - càng làm trầm trọng thêm mối nguy hiểm.

“Chúng tôi đã quen với nhiệt độ nhưng chúng tôi chưa bao giờ trải qua mức độ khắc nghiệt này”, Guigma nói. “Chúng ta sẽ sớm đến bờ vực, giới hạn mà con người có thể chịu đựng được”.

Phân tích sóng nhiệt trên là báo cáo mới nhất của World Weather Attribution. Nó cho thấy các sự kiện từng không thể tưởng tượng được trước đây đang trở nên phổ biến khi thế giới nóng lên.

Nhóm cũng cho hay đợt nắng nóng cực đoan vào tháng 10/2023 ở Madagascar - nơi nhiệt độ kỷ lục kéo dài trong 10 ngày - “sẽ không xảy ra” nếu không có sự nóng lên do con người gây ra.

Lượng mưa lớn ở Libya góp phần gây ra vụ vỡ đập thảm khốc, giết chết hàng nghìn người, đã có khả năng xảy ra cao hơn gấp 50 lần do biến đổi khí hậu.

Clair Barnes, nhà nghiên cứu tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London, chia sẻ đợt nắng nóng ở Tây Phi là chưa từng có. Nhưng nếu thế giới ấm lên tới 2 độ C thì đợt nắng nóng với cường độ như vậy sẽ xảy ra cứ sau 10 năm.

“Nếu chúng ta tiếp tục thải carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác vào khí quyển, thế giới sẽ tiếp tục nóng lên… và điều này sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn”, Clair Barnes nhận định. “Sự thật đáng buồn đây không phải là điều bình thường mới. Đây là con đường dẫn tới điều không thể đoán trước được”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo