Phỏng vấn nhân chứng của tục tảo hôn và đa phu ở Nepal

Thứ Tư, 04 Tháng Tư 20188:00 SA(Xem: 7351)
Phỏng vấn nhân chứng của tục tảo hôn và đa phu ở Nepal
 
Trịnh Thanh Thủy thực hiện

 

Chắc bạn đã từng nghe về tục tảo hôn, tức kết hôn trước tuổi vị thành niên hàng ngàn năm trước ở Việt Nam trong câu ca dao “Lấy em từ thưở mười ba/ đến năm 18 em đà năm con/ ra đường thiếp vẫn còn son/ về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.”. Bạn cũng không mấy ngạc nhiên nếu theo dõi tin tức thấy đâu đó trên thế giới vẫn còn tục tảo hôn, cha mẹ gả con gái đi lúc các em còn rất nhỏ. Tuy nhiên nếu bạn là người thích phim bộ và có xem bộ phim dài tập “Cô dâu 8 tuổi” kéo dài 8 năm đến 2016 mới dứt, bạn mới hiểu rõ và thấu đáo bi kịch của tục lệ tảo hôn ở Ấn Độ ra sao. Ở VN, bộ phim được xếp vào hạng top 10 với số lượng người xem cao nhất. Nó được công chiếu trong nhiều quốc gia trên thế giới. Phim đề cập tới các khía cạnh khác nhau trong vấn nạn tảo hôn ở Ấn Độ. Nội dung đánh thẳng vào sự đối xử bất công và ngược đãi phụ nữ, kể cả từ khi họ còn bé. Phim đã gây tranh cãi dữ dội trong xã hội Ấn suốt một thời gian dài tới bây giờ.

Khi đi du lịch, đặt chân đến Nepal là một xứ theo đạo Hindu (Bà La Môn), tôi tình cờ được nói chuyện với một người từng là nạn nhân của hủ tục tảo hôn này.  Ông xác nhận tục này vẫn còn tiếp diễn và xảy ra ở Nepal cũng như Ấn Độ. Ở Nepal, 37% phụ nữ lấy chồng trước 18 tuổi và 10% lấy chồng vào tuổi 15 trở xuống. Luật pháp Nepal quy định 20 là tuổi hợp pháp để kết hôn nhưng tục tảo hôn vẫn còn và người ta bất chấp luật lệ. Nepal đứng thứ ba trong các nước châu Á theo tục tảo hôn. Trong chuyến bay chuyển tiếp từ Ấn Độ qua Nepal tôi lại được may mắn ngồi chung với một chàng trai Ấn Độ trẻ đang dính dáng tới một cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt và anh chàng đã tuân theo một cách tuyệt đối.

  

blank

Pic 1 Một cặp cô dâu chú rể ở Nepal. Ảnh của Kathmandu Post
 
blank
Pic 2 Tảo hôn ở Nepal. Ảnh của Olga Rani
 
blank
Pic 3 Trẻ em đi học ở thành phố Pokhara vùng núi Hy Mã Lạp Sơn, Nepal. Ảnh của TTThủy

 

Giáo sư Aalam Mohddeein, người Nepal, một giáo sư đại học về hưu, ông là người thuộc một bộ tộc sống ở miền núi dãy Hy Mã Lạp sơn nhưng sau về thủ đô Kathmandu định cư và làm việc. Ông đã là nạn nhân của một cuộc hôn nhân xếp đặt của cha mẹ từ khi ông mới 11 tuổi và vợ ông khi ấy chỉ là cô bé 8 tuổi.

Ông kể:

“Sau khi 2 gia đình hứa hôn và làm đám cưới, cô ta về nhà tôi, nhưng tối đến, cô ngủ với bà nội tôi, tôi thì ngủ với bố tôi. Lúc cả hai đều trưởng thành độ 17,18 tuổi chúng tôi mới được phép ngủ chung với nhau. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn phải gắn bó cho tới chết. Tục tảo hôn của Nepal rất phổ biến và lưu hành đến ngày nay nhất là ở các bộ tộc miền núi. Lý do tại vì họ thiếu nhân lực. Bây giờ đàn ông con trai đi qua các nước khác lao động kiếm tiền nên số người còn ở lại ít và hiếm hoi. Các bộ tộc tìm cách kiểm soát không cho người lạ vào làng bằng tục tảo hôn. Hơn nữa, với quan niệm trọng nam khinh nữ, gả con gái đi, nhà gái phải sửa soạn của hồi môn rất hậu cho nhà trai, tùy theo nhà trai giàu hay nghèo, càng giầu của hồi môn càng hậu. Những gia đình nghèo có nhiều con gái đã nghèo lại càng nghèo hơn. Họ gả con đi lúc còn nhỏ để tiết kiệm tiền hồi môn, lại đỡ được một miệng ăn. Đàn ông miền núi làng tôi rất lười biếng, bao nhiêu việc đồng áng, trong ngoài đều do đàn bà làm cả. Ngoài ra phụ nữ còn là những cái máy sản xuất trẻ con, càng đông con càng hãnh diện, 10-15 đứa càng tốt. Suốt ngày các ông chỉ ngồi trong quán trà, hút thuốc tán dóc, tối đến qua quán rượu uống Raski. Vì giữ tục tảo hôn nên nhiều khi mẹ và con chỉ cách nhau 14 tuổi, và xem nhau như bạn bè. Tuy nhiên vì xa thành thị, không có y tá, bác sĩ và bệnh viện nên tỷ lệ tử vong rất cao.

Khi hai gia đình đã hứa hôn thì hai trẻ coi như đã là vợ chồng, nếu không may chàng rể tương lai mất sớm, trước hay sau khi thành hôn, cô bé kia coi như thành goá phụ suốt đời, dù còn rất nhỏ tuổi và còn trinh. Cuộc sống của cô bé goá phụ mới thật kinh hoàng. Cô bị mọi người cô lập, kể cả thân tộc xa lánh không dám lại gần vì sợ xui xẻo như cô. Cô không được đeo nữ trang, ăn mặc thô mộc tang chế, không được đến đền thờ, chỉ ru rú trong nhà vì ra khỏi nhà thì bị mọi người coi như hủi. Cô không được tái hôn hay làm lại cuộc đời mới. Cô là người bất hạnh nhất của xã hội phong kiến, chậm tiến này. Lề luật, phong tục của chúng tôi đi ngược lại văn minh thế giới cả ngàn năm, càng xa thành phố, đời sống càng hoang dã.

Chúng tôi có 36 bộ tộc, 36 lối sống khác nhau, văn hoá, quần áo dị biệt trong 1 đất nước Nepal nhỏ bé. Hơn 80% người dân theo đạo Hindu, mà trong đạo Hindu và ở Nepal người đàn ông làm chủ gia đình. Người vợ không được cho bát đĩa trong các bữa ăn. Sau khi nấu nướng cho gia đình, người vợ chỉ được ăn thức ăn thừa để lại trên đĩa của chồng mình. Ở thành phố, thái độ trọng nam khinh nữ thể hiện qua việc khi người vợ có mang. Vì họ chỉ muốn có con trai, nên nếu đi khám mà biết là con gái, họ có thể phá đi mà không thương tiếc. Ở một số bộ tộc, trong thời gian người phụ nữ có kinh nguyệt tất cả đàn ông không được vào bếp vì người phụ nữ phải khoả thân phân nửa người không được mặc váy. Nấu ăn xong phải do người khác nếm và người đó không được đụng vào thức ăn, họ mà đụng vào không ai dám ăn, vì thức ăn bị coi như đã vẩn đục.

Ngược lại, có vài bộ tộc miền núi dọc theo dãy Hy Mã Lạp Sơn kể cả biên giới Tây Tạng và Ấn Độ, người phụ nữ của họ lại làm chủ gia đình và lấy nhiều chồng, phần lớn các ông chồng cùng là anh em trong nhà. Có những bộ tộc theo chế độ Mẫu Hệ. Một số phụ nữ của bộ tộc Sherpa đã theo tục đa phu. Người Sherpa phần lớn sống ở phía Đông của Nepal, một số sống gần thủ đô Kathmandu. Nguồn gốc và văn hoá của họ là người Tây Tạng, nhưng có nhiều nét dị biệt. Bộ tộc này nổi tiếng với những người leo núi tài giỏi nhất thế giới. Họ đoạt kỷ lục nhiều thứ hạng nhất trong việc dẫn đường, lãnh đạo và khuân vác thuê cho các người muốn leo núi trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Kinh tế của họ rất khá, chủ yếu với trồng trọt, chăn nuôi và dẫn đường, khiêng vác thuê cho dân ưa thích leo núi.

Còn có bộ tộc mà người vợ phải lớn hơn chồng mình 15 tuổi. Người vợ hành động gần giống như một bà ngoại bao bọc, bảo vệ cho người chồng. Khi làm việc gì họ đều phải hỏi ý vợ, và mỗi khi bà ra lệnh gì họ phải tuyệt đối nghe theo không được cãi lại. Bà ta kiểm soát mọi thứ trong nhà, kể cả giờ giấc đi ngủ, chồng cũng phải hỏi vợ. Điều kỳ lạ là đám cưới ở đó không giống một đám cưới mà giống một đám tang. Tất cả đàn ông đều khóc, kể cả cha mẹ của chú rể, mà không phải khóc chỉ 1 ngày mà họ khóc cả tuần!!! Đám cưới xong chàng rể phải theo vợ về nhà cô ta ở rể. Sở dĩ tục lệ này lưu hành ở đây, lý do vì đất đai và tài sản, họ không muốn chia chác cho người ngoài họ và ngoài bộ tộc.”

 
blank

Pic 4 Rajo Verma ôm con và 5 ông chồng là anh em trong làng Dehradun, dãy Hy Mã Lạp Sơn, ở Ấn Độ gần biên giới Nepal. Ảnh của Daily Mail
 
blank
Pic 5 Một gia đình đa phu ở Kimathanka, Nepal.
Ảnh của iloveasia.travel
 
blank
Pic 6 Hai thế hệ đa phu ở Nepal. Hàng đứng bà vợ và hai ông chồng. Hàng ngồi, đứa con lớn của bà vợ ở trên khoảng 18,19 ngồi giữa ôm ông chồng 5 tuổi . Ảnh của iloveasia.travel

 

Chuyện giáo sư Aalam chia sẻ đã làm tôi ngẩn người. Chuyện kể của một anh thanh niên Ấn Độ trên chuyến bay chuyển tiếp của tôi, Nepal-Ấn Độ, càng xác định cho tôi rằng trên thế  giới vẫn có những điều lạ lùng còn đang xảy ra mà tôi chưa hiểu rõ.

Anh, chàng trai Ấn trẻ, tuổi độ 26, khoẻ mạnh, vui vẻ, có nụ cười tươi, vẻ nhìn dễ gây thiện cảm với người đối diện. Anh là một Hoa Tiêu của một thương thuyền ở Singapore. Lịch làm việc của anh, một năm chỉ làm liên tục 6 tháng trên tàu. Sau 6 tháng làm việc xong, lần này anh về nhà và cũng để làm đám cưới với người vợ thua anh 3 tuổi mà anh chưa bao giờ gặp mặt. Nhà anh ở trong khu vực  gần lâu đài Taj Mahal, thành phố Agra, cách thủ đô New Delhi Ấn Độ 31 dặm. Cô gái là người ở làng bên do gia đình anh định đoạt, sắp xếp và đã làm đám hỏi cho anh tự bao giờ. Mẹ anh dò xét, đi coi mắt con dâu rồi gia đình chỉ thông báo cho anh biết trước ngày đám cưới 2 tháng. Anh chỉ được phép xem hình và tiếp xúc qua điện thoại vài lần.

Tôi rất ngạc nhiên khi anh khoe tấm hình người vợ được hứa hôn cho tôi xem. Tôi chợt nghĩ đến những chuyện tương tự như thế này đã xảy ra từ hàng trăm năm trước, mà tôi đọc được qua sách vở.

Tôi hỏi thêm anh về chuyện tảo hôn trong phim bộ “Cô dâu 8 tuổi” có thật không? Anh xác nhận chuyện thật và vẫn còn xảy ra. Tôi hỏi anh là người có ăn học và giáo dục, lại làm Hoa Tiêu, đi khắp đó đây, tại sao anh vẫn chấp nhận làm chồng một cô gái chưa bao giờ gặp mặt. Ngay cả đến tiếp xúc, âu yếm yêu thương, hay mặt đối mặt xem có hợp nhau không, cũng chưa. Anh bảo tại anh tin vào cha mẹ và thần Shiva (đạo Hindu) một cách tuyệt đối. Anh chấp nhận hôn nhân sắp xếp vì cha mẹ anh có kinh nghiệm đời, họ luôn chọn cái hay, điều tốt cho anh nên anh tin họ chọn đúng.

Tôi hỏi nhỡ cô đó không đươc đẹp như anh mơ tưởng, có nhiều tật xấu hay tính tình không hợp với anh thì sao? Anh nói, anh tin vào thần Shiva là thần của đạo Hindu, đạo Hindu dạy con người về sự chấp nhận. Xấu đẹp, chỉ là phần bên ngoài của thân xác tạm bợ, mai này ai cũng già và xấu đi, chỉ cái đẹp tâm hồn là đáng kể. Anh tin cha mẹ anh đã tìm được cô gái đã có tâm hồn đẹp cho anh và anh sẵn sàng chấp nhận nàng.

Bước xuống phi cơ về lại Hoa Kỳ, tôi vẫn chưa hết kinh ngạc về những gì tôi nghe, biết được về Nepal, Ấn Độ và những phong tục kỳ lạ của họ.

Trịnh Thanh Thủy thực hiện. 

 

Tài liệu tham khảo

http://www.manang.com/nepal/general_information_about_nepal/people_nepal/sherpa_people_of_nepal.php

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn