Kỹ thuật quân sự tiên tiến “trôi về” Trung Quốc như thế nào?

Thứ Tư, 04 Tháng Tư 20185:00 SA(Xem: 7473)
Kỹ thuật quân sự tiên tiến “trôi về” Trung Quốc như thế nào?

Lấy cắp kỹ thuật quân sự nước ngoài, “biến thứ của người thành của mình” vốn xuất hiện ngay sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập. Thập niên 1960 – 1970, chính phủ Trung Quốc lập ra tới... 7 Bộ Cơ khí, đánh số từ Bộ Cơ khí số Một đến Bộ Cơ khí số 7, chuyên mô phỏng, chế tạo các loại thiết bị máy móc của nước ngoài, được báo chí nước ngoài gọi là các “Bộ tháo dỡ, phỏng chế”.

Gần đây, việc lấy cắp kỹ thuật đã thành một chiến lược phát triển quân sự, diễn ra ngày càng mạnh mẽ; trong đó có những thủ đoạn lấy cắp khiến tình báo các nước phải ngạc nhiên, kinh hãi…

Ra văn kiện bộc lộ phương án lấy cắp kỹ thuật

Tháng 1/2018, nhiều cơ quan báo chí phát hiện: Trong bộ phim tuyên truyền chính thức của Cty Hàng không Hồng Đô, dưới cánh loại máy bay L-15 của Viện bay thử nghiệm Trung Quốc có treo loại bom thông minh mới do Trung Quốc sản xuất, trên thân ghi TL-20/CK-G. Giới chuyên gia quân sự nước ngoài lập tức chú ý và thấy nó giống y chang loại bom thông minh GBU-53/B thế hệ 2 kích thước nhỏ hơn (SBD-II) mới được đưa vào trang bị cho không quân Mỹ.

Tháng 3/2017, loại chiến đấu cơ J-20 chính thức được đưa vào biên chế không quân Trung Quốc, mấy năm trước giữa Mỹ và Trung Quốc đã nổ ra cuộc tranh cãi xung quanh việc J-20 có làm nhái chiến đấu cơ tàng hình F-35 hay không và đã “khẩu chiến” gay gắt bởi hình dáng chúng rất giống nhau. Năm 2014, Mỹ lần lượt bắt giữ 2 công dân Trung Quốc làm việc tại một nhà máy Mỹ do liên quan đến việc lấy cắp kỹ thuật động cơ và kỹ thuật chế tạo F-35.

Tạp chí “Strategy Page” (Trang chiến lược) của Mỹ sau đó đã đăng bài: “Tình báo – Trung Quốc cần mọi thứ”, trong đó viết: “Trong tình huống Trung Quốc dốc sức để có được mọi thông tin chi tiết về máy bay chiến đấu F-35, bạn có thể hiểu vì sao J-20 lại giống F-35 đến thế!”.

Giới quan sát cũng chú ý thấy, sau khi các máy bay không người lái (UAV) của Mỹ được tung ra chiến trường, tại các cuộc triển lãm hàng không của Trung Quốc lập tức xuất hiện các mô hình UAV với hình dạng giống UAV của Mỹ một cách kinh ngạc. Hành vi lấy cắp kỹ thuật phương Tây để phát triển vũ khí công nghệ cao của mình mấy năm qua đã khiến các nước đề cao cảnh giác.


Trung Quốc có được kỹ thuật phóng máy bay trên tàu sân bay từ Anh

Trung Quốc có được kỹ thuật phóng máy bay trên tàu sân bay từ Anh

Các lĩnh vực kỹ thuật cao như trí tuệ nhân tạo có tác dụng cực kỳ quan trọng đối với việc phát triển công nghiệp quân sự. Việc nắm giữ các phần mềm thông tin tình báo, trang bị kỹ thuật UAV tự chủ và xe tự hành đều giúp nâng cao sức chiến đấu của người lính. Gần đây, Trung Quốc đã phát động tiến công toàn diện để giành được những kỹ thuật cao đó.

Tháng 7/2017, Quốc Vụ viện Trung Quốc ra “Thông tri về quy hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới”, nêu rõ: Trí tuệ nhân tạo là tiêu điểm mới trong cuộc cạnh tranh quốc tế, là kỹ thuật có tính chiến lược dẫn dắt tương lai; phải coi phát triển trí tuệ nhân tạo lên “tầm cao chiến lược quốc gia”, “bố cục hệ thống”, “chủ động vạch kế hoạch”, tạo ra ưu thế cạnh tranh mới.

Mặt khác, Trung Quốc cũng thừa nhận thực tế trình độ khoa học kỹ thuật của họ còn có một khoảng cách với các quốc gia phát triển, thiếu những thành quả phát minh; trong đó có khoảng cách khá lớn về lý luận cơ sở, tính toán hạt nhân và thiết bị then chốt, chip cao cấp, phần mềm...; giữa cơ quan nghiên cứu khoa học và xí nghiệp chưa hình thành được môi trường và liên kết xâu chuỗi có sức ảnh hưởng quốc tế; thiếu bố cục nghiên cứu có tính hệ thống; nhân tài về trí tuệ nhân tạo còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu…

Trước tình hình trên, “Thông tri…” đã tự bộc lộ một số sách lược để đoạt lấy kỹ thuật nhạy cảm từ nước ngoài, có thể tổng hợp gồm 4 loại: 1) Nhà nước khuyến khích các xí nghiệp trí tuệ nhân tạo trong nước ra ngoài thực hiện sáp nhập, đầu tư mua cổ phần, đầu tư khởi nghiệp với các xí nghiệp cùng loại ở nước ngoài hoặc thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển ở hải ngoại; 2) Thu hút các xí nghiệp trí tuệ nhân tạo, cơ quan nghiên cứu của nước ngoài đến Trung Quốc mở trung tâm nghiên cứu khai thác;

3) Mở ra con đường chuyên biệt, thực thi chính sách đặc biệt, đẩy mạnh nhập khẩu nhân tài trí tuệ nhân tạo cao cấp; lợi dụng các kế hoạch nhân tài như “Kế hoạch ngàn người” hiện có, tăng cường công tác nhập khẩu nhân tài ưu tú trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo; 4) Ủng hộ các xí nghiệp về trí tuệ nhân tạo trong nước hợp tác với các nhà trường. viện nghiên cứu, tổ chức hàng đầu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo quốc tế.


 Hãng chế tạo máy bay Cirrus Aircraft của Mỹ bị Trung Quốc thu mua

Hãng chế tạo máy bay Cirrus Aircraft của Mỹ bị Trung Quốc thu mua

Một số quốc gia phương Tây phát hiện, 4 sách lược trên trong khi vận hành thực tế đã tạo ra con đường để lấy cắp khoa học kỹ thuật cao cho Trung Quốc.

Ủng hộ thu mua các xí nghiệp kỹ thuật công nghệ cao của nước ngoài

Năm 2008, Trung Quốc hưởng “trái ngọt” khi mua một công ty khoa học kỹ thuật cao của Anh vì nó giúp cho Trung Quốc giành được đột phá quan trọng trong công trình đóng tàu sân bay. Kỹ thuật chế tạo máy phóng điện từ (EMALS) nhiều năm qua là tiêu điểm cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ là nước đầu tiên nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị này, hiện đã lắp đặt nó trên tàu sân bay hạt nhân lớp Ford.

Theo truyền thông Trung Quốc, họ đã giành được thành tựu có tính chất cột mốc lịch sử trong việc chế tạo tàu sân bay. Năm 2017, loại máy bay cất cánh trên hạm chủ chốt J-15 đã bước vào thử nghiệm phóng máy bay, cho thấy kỹ thuật EMALS đã giành được bước đột phá lớn. Việc chế tạo EMALS cần đến loại linh kiện bán dẫn then chốt - con chip gọi là IGBT.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 19/11/2017 tiết lộ: Nguyên nhân quan trọng khiến Trung Quốc giành được đột phá trọng đại về kỹ thuật EMALS là họ đã tự sản xuất được chip IGBT, có được sau khi thu mua Cty bán dẫn Dynex Semiconductor của Anh. Năm 2008, xí nghiệp quốc doanh Điện khí Thời Đại Chu Châu thu mua 75% cổ phần của Dynex Semiconductor.

Một năm sau, IGBT đã bị chính phủ Anh đưa vào danh sách quản chế cấm xuất khẩu, coi đó là nội dung chấp hành Điều lệ 428/200 của Hội đồng châu Âu, các vật phẩm thuộc loại này đều được coi là chiến lược, phải có giấy phép xuất khẩu mới được đưa ra khỏi lãnh thổ Anh. Theo báo chí thì Trung Quốc đã xây dựng một nhà máy sản xuất IGBT quy mô lớn ở Chu Châu. Ông Dennis Blair, Chủ tịch Ủy ban chống xâm hại quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ hôm 9/1/2018 khi điều trần trước Ủy ban đầu tư ra nước ngoài (CFIUS) đã nói:

Mối đe dọa hiện hành là “Trung Quốc đã chuyển từ nhắm vào việc chiếm đoạt kỹ thuật thứ cấp trước đây sang kỹ thuật tiên tiến nhất”, chủ yếu thông qua đầu tư đến Mỹ để lấy cắp kỹ thuật quân sự, hoặc tìm cách đoạt lấy những kỹ thuật quan trọng đó từ các nước đồng minh của Mỹ.


 Máy bay không người lái CH-4 bị coi là nhái theo UAV Predator của Mỹ

Máy bay không người lái CH-4 bị coi là nhái theo UAV Predator của Mỹ

Bộ trưởng Thương mại Mỹ, ông Wilbur Ross hôm 15/8/2017 viết bài đăng trên “Thời báo Tài chính”, tiết lộ: Trung Quốc tích cực tìm kiếm những công ty có kỹ thuật tiên tiến mà họ đang thiếu, sau đó coi những công ty đó là mục tiêu. Mục đích là đoạt lấy kỹ năng và tri thức của họ. Chiến lược đầu tư mà Trung Quốc sử dụng là: nếu phát hiện thấy công ty Mỹ có kỹ thuật mới, liền tìm cách đầu tư vào với những điều kiện tốt hơn thị trường. Nhân tố đầu tiên của việc đầu tư họ tính đến không phải là thu hồi vốn hay lãi suất mà là chiếm hữu kỹ thuật mới để sử dụng vào mục đích khác.

Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Mercator Institute for China Studies có trụ sở ở Đức công bố một bản báo cáo, viết: “hầu như tất cả các xí nghiệp bán dẫn lớn của Mỹ đều nhận được yêu cầu đầu tư từ các cơ quan, chủ thể đại diện của chính phủ Trung Quốc”.

Có rất nhiều xí nghiệp Trung Quốc có mục đích thu mua xí nghiệp nước ngoài. Sáu năm qua Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (Trung Hàng) công ty mẹ của Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô – nơi chế tạo máy bay chiến đấu J-20, đã ra sức thu mua các xí nghiệp sản xuất linh kiện chế tạo máy bay của Mỹ.

Năm 2011, Trung Hàng thông qua một công ty con thu mua được hãng Cirrus Aircraft, nay họ có cơ hội can dự vào công tác nghiên cứu khai thác của Phòng thí nghiệm nổi tiếng Oak Ridge National Laboratories (ORNL). Một trường hợp khác, Công ty Canyon Bridge Capital Partners ở California hồi tháng 11/2016 tuyên bố bỏ ra 1,3 tỷ USD mua lại xí nghiệp chế tạo bán dẫn Lattice Semiconductor Corp; nhưng nhà đầu tư duy nhất của Canyon Bridge Capital Partners là một công ty quỹ có bối cảnh chính phủ Trung Quốc nên vụ thu mua này đã bị ông Donald Trump bắt dừng.

Sau khi bị thất bại trong phi vụ này, tháng 9/2017, Canyon Bridge Capital Partners quay sang mua Công ty Imagination Technologies chuyên chế tạo chip bán dẫn của Anh vào tháng 11/2017.

Kỹ thuật quân sự tiên tiến 'trôi về' Trung Quốc như thế nào? (Kỳ 2)

Đây là một cách để Trung Quốc có được những kỹ thuật nhạy cảm. Người Mỹ rất phẫn nộ trước những cách thức mà Trung Quốc sử dụng để ăn cắp bản quyền công nghệ.

Chào mời các xí nghiệp kỹ thuật cao đến đầu tư

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói: “Mỹ là quốc gia sáng tạo hàng đầu thế giới, chúng tôi rất ủng hộ người Trung Quốc sáng chế; nhưng chúng tôi không thể ngờ họ không cạnh tranh tự do trên nền tảng kinh tế thị trường, mà cưỡng ép các xí nghiệp Mỹ ở nước họ chuyển giao những kỹ thuật có bản quyền.

Thủ đoạn của họ là: yêu cầu xí nghiệp Mỹ hợp doanh với công ty Trung Quốc, coi đó là điều kiện tiền đề để vào thị trường Trung Quốc; sau đó hạn chế người Mỹ không được nắm giữ quá 50% cổ phần công ty; có khi họ ghi điều khoản chuyển nhượng kỹ thuật vào hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Công ty Mỹ ở Trung Quốc bị ép buộc phải trao bản quyền phát minh, các thành quả nghiên cứu mới nhất và bí quyết kỹ thuật của mình”.

Tờ “Thời báo New York” ngày 13/2/2017 đưa tin: Hãng chế tạo linh kiện bán dẫn Global Foundries có trụ sở ở California tuyên bố đầu tư hạng mục 10 tỷ USD ở Trung Quốc. Việc một xí nghiệp nước ngoài chuyên sản xuất chất bán dẫn di chuyển tới Trung Quốc được quyết định bởi chính phủ nước này và chính quyền cấp tỉnh. Để lôi kéo bằng được, họ đã chi hàng tỷ USD hỗ trợ.


Trung Quốc có được kỹ thuật phóng máy bay trên tàu sân bay từ Anh

Trung Quốc có được kỹ thuật phóng máy bay trên tàu sân bay từ Anh

Tờ báo này số ra ngày 8/8/2017 đã đăng bài điều tra nêu rõ: để được phê chuẩn vào thị trường Trung Quốc, công ty Mỹ bị ép phải chuyển nhượng kỹ thuật, thành lập công ty chung vốn, giảm giá và giúp xí nghiệp bản địa Trung Quốc. Những hành động này tạo thành cơ sở của “kế hoạch Hùng vĩ”. Kế hoạch này nhằm mục đích đảm bảo cho các xí nghiệp, quân đội có được các kỹ thuật cốt lõi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và vật liệu bán dẫn.

Bài báo còn vạch rõ: chính phủ Trung Quốc và công ty kỹ thuật hàng đầu của Mỹ Qualcomn cùng nhau thành lập Công ty bán dẫn Hoa Tâm. Phía Trung Quốc cung cấp nhà xưởng và hỗ trợ vốn đầu tư, Qualcomm bỏ ra kỹ thuật và 140 triệu USD vốn khởi động. Qualcomm chấp thuận trao nghiệp vụ chế tạo công nghệ cao cho đối tác Trung Quốc và cam kết giúp Trung Quốc nâng cao năng lực kỹ thuật.

Thời báo New York chỉ rõ, điều mà dân chúng Mỹ lo ngại là hành vi hợp tác của xí nghiệp Mỹ với Trung Quốc có thể gieo rắc mầm mống tự hủy diệt và trao cho họ những kỹ thuật then chốt về quân sự, hàng không vũ trụ là cơ sở cho kế hoạch quốc phòng của Mỹ.

Lôi kéo các nhân tài kỹ thuật cao ở nước ngoài

Theo Nhân dân Nhật báo, hồi tháng 5/2015, Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị công tác mặt trận thống nhất trung ương, nêu rõ: các nhân viên du học ở nước ngoài là mục tiêu mới của công tác mặt trận, là đối tượng chú trọng đoàn kết; đối với họ không chỉ cần đoàn kết, mà phải cần bồi dưỡng, sử dụng.

Một biện pháp được sử dụng để lôi kéo các học giả người Hoa ở nước ngoài là “Kế hoạch ngàn người”. Xem xét trong danh sách “Kế hoạch ngàn người” thì rất nhiều nhân sĩ giới kỹ thuật cao là các giáo sư của các trường đại học danh tiếng, các nhân viên nghiên cứu của các công ty nổi tiếng. Tiêu biểu như Chu Tuệ Long ở Trung tâm nghiên cứu và phát triển bán dẫn của hãng IBM; Trần Đông Mẫn – nhà hoạch định chiến lược hàng đầu của Công ty bán dẫn MEMSIC Mỹ; Giáo sư Thẩm Kiến, chuyên gia nghiên cứu vật liệu Nano từ tính của Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Oak Ridge National Laboratory.

Điều kiện của “Kế hoạch ngàn người” bao gồm các chuyên gia, học giả, chuyên viên viện nghiên cứu đảm nhiệm chức vụ tương đương giáo sư ở các trường đại học danh tiếng; các kỹ thuật viên ưu tú ở các công ty nổi tiếng, những nhân tài nắm giữ bản quyền sáng chế hoặc các kỹ thuật cốt lõi hiện đang sống, làm việc ở nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc dùng các chính sách ưu đãi lớn để thu hút các nhân tài kỹ thuật cao ở nước ngoài tham gia kế hoạch này, một công trình có thể nhận được hỗ trợ 1 lần tới 1 triệu NDT (3,5 tỷ VND).

Gần đây, việc các học giả người Hoa ở Mỹ tham gia “Kế hoạch ngàn người” đã bị FBI chú ý. Tháng 9/2017, Giáo sư gốc Hoa Trương Dĩ Hằng ở Khoa công trình sinh vật, Đại học Virginia đã bị FBI bắt giữ và bị cáo buộc nhiều tội lừa dối chính phủ liên bang. Trương Dĩ Hằng từ năm 2015 được Đại học Virginia ký hợp đồng.

Công trình nghiên cứu của ông ta liên quan đến Bộ Năng lượng và các cơ quan nghiên cứu quan trọng như Văn phòng nghiên cứu khoa học Không quân, Trung tâm nghiên cứu thiết bị Đại học Quốc phòng. Ông ta cũng là nghiên cứu viên của Sở nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp sinh vật Viện Khoa học Thiên Tân Trung Quốc. Trang web của sở nghiên cứu này còn nêu rõ Trương Dĩ Hằng đã được chọn đưa vào chương trình “Kế hoạch ngàn người” đợt thứ 12 của thành phố Thiên Tân.

Một trường hợp khác là Trương Hạo, Giáo sư Đại học Thiên Tân bị bắt khi nhập cảnh Mỹ hồi tháng 5/2015. Phía Mỹ cáo buộc Trương Hạo và một giáo sư khác cùng trường là Long Úy đã sử dụng kinh phí của Bộ Quốc phòng Mỹ để nghiên cứu kỹ thuật màng mỏng đo sóng âm thanh (FBAR) trong thời gian học lấy bằng Tiến sỹ ở một trường đại học Nam Cali. Sau khi tốt nghiệp, Long Úy về làm việc tại Công ty kỹ thuật cao Avago Technologies ở Colorado; Trương Hạo thì vào làm tại Công ty tư vấn Skyworks Solution Massachuset; cả hai đều là kỹ sư FBAR.


 Hội sở Công ty Quantuum ở Sandiego

Hội sở Công ty Quantuum ở Sandiego

Kỹ thuật FBAR rất quan trọng, được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự và thông tin quốc phòng. Công ty Avago Technologies là hãng cung ứng toàn cầu về kỹ thuật thiết kế, khai thác FBAR, thế nhưng Long Úy sau khi về Trung Quốc đã được lựa chọn tham gia “Kế hoạch ngàn người”.

Hãng VOA của Mỹ đưa tin: căn cứ bản khởi tố của viện công tố, năm 2008, các quan chức Trung Quốc đã tới San Jose, California để tiếp xúc với Trương Hạo, Long Úy và mấy người đồng mưu khác. Ít lâu sau, Đại học Thiên Tân đồng ý tài trợ cho họ mở cơ sở sản xuất FBAR ở Trung Quốc, còn hai người vẫn ở lại Mỹ làm việc trong các công ty cũ, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Đại học Thiên Tân.

Năm 2009, 2 người từ chức ở các công ty Mỹ, trở thành giáo sư chính thức của Đại học Thiên Tân. Bản khởi tố cáo buộc Trương Hạo, Long Úy và mấy kẻ đồng mưu đã lấy cắp công thức điều chế, quy cách kỹ thuật, báo cáo, bản vẽ thiết kế và các văn kiện cơ mật của các công ty bị hại, chuyển chúng cho Đại học Thiên Tân phân hưởng. Bản khởi tố nêu rõ phía bị hại là 2 công ty cũ nơi Hạo và Úy làm việc.

Theo Lan Hương

Báo Pháp luật Việt Nam

T

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn