Kế hoạch dội bom dập núi lửa phun trào của Mỹ năm 1935

Thứ Bảy, 18 Tháng Ba 20231:00 CH(Xem: 924)
Kế hoạch dội bom dập núi lửa phun trào của Mỹ năm 1935

Không quân Mỹ nhiều lần dội bom xuống núi lửa phun trào ở Hawaii để chặn dòng chảy dung nham, gây tranh cãi giữa các nhà khoa học.

Khi núi lửa Mauna Loa phun trào vào ngày 21/11/1935 và dòng dung nham tiến về thành phố Hilo ở Hawaii với tốc độ 1,6km/h, quân đội được huy động để thực hiện một kế hoạch táo bạo: Dùng bom chặn đứng núi lửa, theo National Interest.

Thomas Jagger, người sáng lập Đài quan sát Núi lửa Hawaii, tin chắc một vụ nổ lớn có thể làm sập các cột dung nham và chặn dòng chảy của nó. Kế hoạch ban đầu của Jagger là dùng la thồ hàng tấn thuốc nổ TNT lên ngọn núi lửa nhưng không đủ thời gian.

Một vụ phun trào của núi lửa Mauna Loa ở Hawaii. Một vụ phun trào của núi lửa Mauna Loa ở Hawaii. (Ảnh: Britannica).

Bởi vậy, 10 oanh tạc cơ của Quân đoàn Không lực Lục quân Mỹ (tiền thân của Không quân Mỹ) ngày 27/12/1935 được triển khai tới Hawaii. Mỗi máy bay chở hai quả bom nặng 272kg, chứa 136kg thuốc nổ để trút xuống miệng núi lửa Mauna Loa.

Lần ném bom này không được đánh giá cao về độ chính xác, một số quả bom rơi xuống cách mục tiêu hàng trăm mét. Tuy nhiên, sáu ngày sau vụ ném bom, dòng dung nham ngừng chảy và Jagger tuyên bố nhiệm vụ đã thành công.

Nhưng một nhà địa chất học khác tên Harold Stearns, người ngồi trên một oanh tạc cơ tham gia phi vụ ném bom, nghi ngờ về hiệu quả của kế hoạch chưa từng có này.

"Thành ống dung nham cao chừng 8 - 15 mét và chảy rất sâu nên tôi nghĩ bom không thể phá vỡ các thành ống. Dung nham có độ sệt thấp. Phương án chặn dòng chảy dung nham có vẻ hiệu quả nhưng mục tiêu quá nhỏ", Stearns nhận xét.

Jagger vẫn khăng khăng những quả bom có tác dụng. "Không nghi ngờ gì chính cách phá ống dung nham ban đầu đã làm chậm chuyển động của dòng chảy. Tốc độ trung bình của dòng dung nham trong 5 ngày sau vụ ném bom là khoảng 305 mét mỗi ngày. Trong 7 ngày trước vụ ném bom, tốc độ dung nham là 1,6km/ngày", Jagger cho biết.

Đây không phải là lần duy nhất vũ khí địa chấn được sử dụng. Trong Thế chiến II, không quân Anh phát hiện những quả bom thường nảy ra khỏi nóc bê tông dày 7,6 mét của hầm chứa tàu ngầm Đức. Do đó, nhà phát minh người Anh Barnes Wallis đã tạo ra "bom động đất".

Máy bay của không quân Mỹ dội bom xuống núi lửa Mauna Loa. Máy bay của không quân Mỹ dội bom xuống núi lửa Mauna Loa. (Ảnh: Buzzfeed).

Bom Grand Slam nặng 10 tấn thả từ oanh tạc cơ hạng nặng Landcaster ở độ cao 5.486m sẽ lao xuống mục tiêu ở tốc độ siêu thanh và khoan sâu trước khi phát nổ. Thay vì phân tán lực nổ trong không khí, xung chấn của loại bom này được dẫn qua bê tông hoặc lòng đất, khiến mục tiêu ngầm bị phá hủy hoàn toàn.

Không quân Mỹ còn tiếp tục ném bom núi lửa Mauna Loa vào năm 1975 và 1976 trong thí nghiệm sử dụng những quả bom nặng 907kg để làm chệch hướng dòng dung nham. Trong khi các nhà khoa học vẫn tranh cãi việc ném bom núi lửa có hiệu quả hay không, một số chuyên gia cho rằng cách này chỉ phát huy tác dụng trong những điều kiện phù hợp.

Một số chuyên gia cho rằng những vũ khí cực lớn như Bom xuyên phá boongke (MOP) nặng 13,6 tấn của Mỹ có thể khoan sâu vào lòng núi lửa và phá vỡ thành ống dung nham. Tuy nhiên, Mỹ chưa bao giờ thử nghiệm thả bom MOP vào miệng núi lửa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn