Cảnh tượng 'ám ảnh cả đời' bên bờ biển Italy

Thứ Ba, 28 Tháng Hai 20232:00 CH(Xem: 1140)
Cảnh tượng 'ám ảnh cả đời' bên bờ biển Italy

Cảnh tượng 'ám ảnh cả đời' bên bờ biển Italy

Minh An

Vụ đắm tàu ​​chết chóc hôm 26/2 ngoài khơi Italy đã làm sống lại ký ức về vụ tai nạn năm 2013 khiến hàng trăm người thiệt mạng cùng những lời hứa bị bỏ quên sau đó.

Một thập kỷ trước, một chiếc tàu đánh cá ọp ẹp, chở đầy người di cư tuyệt vọng đã bốc cháy và lật úp ngay ngoài khơi Italy, khiến 369 người thiệt mạng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Sau đó, Liên minh châu Âu (EU) đã chuyển hàng chục triệu USD viện trợ tài chính cho Italy, cam kết tăng cường hoạt động cứu hộ và đưa ra chính sách tị nạn, di cư trong toàn khối hiệu quả hơn.

“Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể, với những phương tiện mà chúng tôi có, để thay đổi tình hình”, ông José Manuel Barroso, khi đó là chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết.

Nhưng vụ đắm tàu thảm khốc hôm 26/2 khiến ít nhất 63 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, cho thấy rõ tình hình vẫn không thay đổi.

Theo New York Times, nếu có bất cứ sự chuyển biến gì, thì đó là sự đồng thuận của khối trong việc chống lại người di cư đã mở rộng và ngày càng cứng rắn.

Thế nhưng bất chấp điều này, lượng người di cư vẫn tăng mạnh, với 14.437 người đến Italy trong hai tháng đầu năm nay.

dam tau o Italy anh 2

Điểm tưởng niệm các nạn nhân vụ đắm tàu ​​gần Cutro, Italy. Ảnh: LaPresse/ AP.

Kết quả của chính sách cứng rắn

Không rõ điều gì đã thúc đẩy sự gia tăng này. Nhưng bi kịch hôm 26/2 ngoài khơi bờ biển Calabria, mà bà Meloni bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc”, đã khơi lại cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư ở châu Âu và Italy.

Nó làm dấy lên lời kêu gọi từ khắp các chính trường về việc châu Âu cần phải hành động để giải quyết một thách thức hứa hẹn sẽ định hình nền chính trị trước mắt và tương lai lâu dài của lục địa.

“Về vấn đề nhập cư, châu Âu có lẽ nên làm gì đó nhiều hơn nữa”, Matteo Piantedosi, Bộ trưởng Nội vụ Italy, cho biết trong cuộc họp báo. Đồng thời, ông nói thêm: “Điều cơ bản là biến lời nói thành hiện thực”.

Bà Meloni cũng chia sẻ trên truyền hình Italy vào tối 27/2 rằng bà đã gửi một lá thư tới Brussels thúc giục Liên minh châu Âu “nhanh chóng hành động”. Bà nói thêm để đối mặt vấn đề di cư “nghiêm trọng và mang tính nhân văn", cần phải “ngăn chặn những cuộc khởi hành”.

Trên thực tế, bản thân các quốc gia châu Âu kêu gọi khối chung tay giải quyết vấn đề, cũng đã tự mình tìm cách đối phó trong nhiều năm.

Hy Lạp, đã cố gắng ngăn chặn dòng người di cư bằng một hàng rào ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi phủ nhận rằng việc bí mật trục xuất người tị nạn trên những chiếc bè cứu sinh bơm hơi, đôi khi quá tải.

Hy Lạp cũng đang tăng cường tuần tra trên bộ và trên biển trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến ​​vào tháng 4 “để bảo vệ lãnh thổ châu Âu khỏi dòng chảy bất hợp pháp”, bộ trưởng Di trú Notis Mitarachi cho biết tại hội nghị châu Âu về an ninh biên giới.

Ông nói thêm lượng người đến Hy Lạp giảm 80% kể từ năm 2019, nhưng quốc gia này sẽ tăng gấp đôi quy mô của hàng rào dài gần 40 km dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ dù có nhận được tài trợ từ quỹ của EU hay không.

dam tau o Italy anh 3

Những mảnh vỡ từ con tàu đắm dạt vào bờ biển hôm 27/2. Ảnh: LaPresse/ AP.

Năm 2016, EU đã đồng ý chi hàng tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này tiếp nhận lại người di cư và người tị nạn đã vượt biển trái phép sang Hy Lạp thông qua biển Aegean.

Năm sau, khối và riêng Italy, cũng đạt được một thỏa thuận tương tự với Libya. Theo đó, họ sẽ cung cấp tiền, tài nguyên và đào tạo cho sĩ quan trong Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya, cùng các thủ lĩnh bộ lạc, để ngăn người di cư vượt qua.

Trong khi đó, một số nhà vận động nói rằng việc đóng cửa biên giới ở Hy Lạp và dọc theo Đông Âu - nơi Hungary xây dựng bức tường, trong khi Croatia và Serbia đẩy lùi người di cư một cách thô bạo - khiến hành trình đến Italy, lựa chọn hàng đầu của người di cư, trở nên dài và nguy hiểm hơn.

“Thảm kịch hôm 26/2 là kết quả cuối cùng của tất cả chính sách bảo vệ biên giới này”, Christina Psarra, người điều hành văn phòng Bác sĩ Không Biên giới của Hy Lạp, cho biết.

Cách tiếp cận mới

Italy là một trong những điểm đến chính của người di cư cố gắng vào châu Âu bằng đường biển.

Vì vậy, các tổ chức từ thiện thường điều tàu tuần tra ra biển để giải cứu người di cư và sau đó quay trở lại một cảng của Italy sau mỗi nhiệm vụ.

Năm ngoái, 18.000 trong số 30.500 người di cư đã đi theo con đường nguy hiểm từ Thổ Nhĩ Kỳ qua biển Aegean để đến Italy.

Nhưng bờ biển Ionian, nơi chiếc thuyền đánh cá màu xanh chở ít nhất 130 người bị đắm vào cuối tuần qua, dường như bị bỏ sót.

Guardian nhận định đây là vụ đắm tàu chở di dân chết chóc nhất xảy ra gần bờ biển ở Italy kể từ khi một chiếc thuyền bị chìm ngoài khơi đảo Lampedusa vào tháng 10/2013, khiến 368 người thiệt mạng.

“Những người này đã đi 1.078 km bằng đường biển chỉ để chết cách bờ 3 m. Đó là một bi kịch trong chuỗi bi kịch của những người vốn đã bất hạnh”, Orlando Amodeo, bác sĩ chăm sóc cho người sống sót, chia sẻ.

dam tau o Italy anh 4

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót sau vụ đắm tàu. Ảnh: Reuters.

Hôm 27/2, Thống đốc Roberto Occhiuto, thông báo rằng vùng Calabria sẽ tổ chức một ngày để tang cho 63 nạn nhân. Ông bày tỏ hy vọng thảm kịch sẽ mang lại “nhận thức mới của châu Âu về vấn đề này”.

Trong khi đó, dòng tiêu đề “châu Âu ở đâu?” đã được in trên trang nhất của tờ báo miền Nam nước Ý, Il Mattino, hôm 27/2.

Flavio Di Giacomo, phát ngôn viên của Tổ chức Di trú Quốc tế, nhận định: “Châu Âu giờ đây có cơ hội để đưa ra cách tiếp cận nhân đạo hơn, nghĩa là ưu tiên tìm kiếm và cứu hộ”.

“Một con thuyền ọp ẹp như vậy đã đi một chặng đường dài. Điều này cho thấy chúng ta cần tăng cường hệ thống tuần tra và tìm kiếm cứu nạn của châu Âu”, ông nói.

Marco Bertotto, quan chức hàng đầu của Tổ chức Bác sĩ không biên giới ở Italty, cho rằng sự gia tăng số ca tử vong là do sự suy yếu của các cuộc tuần tra.

“Khi Italy và EU có lực lượng hải quân trên biển, họ đã tăng cường năng lực tìm kiếm cứu nạn và giảm thiểu khả năng xảy ra những thảm kịch như vậy”, ông nói.

Trước đó, hàng trăm người thiệt mạng trong vụ đắm tàu ​​ngoài khơi bờ biển Sicily vào năm 2013 cũng đã thúc đẩy sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ sâu rộng của Italy. Tuy nhiên, nó chỉ kéo dài một năm, sau đó được thay thế bằng các chương trình kiểm soát biên giới.

Cùng lúc, các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy, bao gồm Thủ tướng Giorgia Meloni, cũng liên tục đánh vào nỗi sợ hãi của cử tri Italy bằng cách phát tán video về những người di cư phạm tội hoặc đổ về như nước lũ.

Kết quả, trong cuộc bầu cử quốc gia năm ngoái, người Italy nói rõ rằng họ thích đường lối cứng rắn của cánh hữu hơn.

Thế nhưng, những người chỉ trích chính sách này đã lập luận hôm 27/2 rằng thảm kịch trên bãi biển Steccato di Cutro ở Calabria đòi hỏi một phản ứng khác, ngoài việc đơn giản đóng sầm cửa biên giới lại.

“Những người nghĩ rằng hiện tượng di cư chỉ có thể được giải quyết bằng vũ lực hoặc các cuộc phong tỏa hải quân nên cúi đầu trước thi thể của đứa trẻ này, người đã bị từ chối tương lai”, Nicola Fiorita, thị trưởng của thị trấn Catanzaro ở Calabria, đề cập đến một bé gái đã chết.

Ông nói cô bé đã trở thành “tảng đá tảng đè nặng lên lương tâm của cả châu Âu”.

Những cuốn sách hay về châu Âu

Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn