Thiết bị lưu trữ dữ liệu "siêu khổng lồ" Nguồn: Futurism.com
Các băng đĩa từ đã có mặt trong đời sống chúng ta từ hơn 6 thập kỷ trước. Công dụng chính của nó chủ yếu là lưu trữ dữ liệu, như các văn bản thuế và hồ sơ bệnh án. Năm 1950, các băng đĩa từ chỉ lưu trữ được 2 MB. Đến ngày nay con số ấy đã lên tới 15 TB. Và giờ đây, IBM lại lập một kỷ lục mới.
Hợp tác với Công ty Sony Storage Media Solutions, IBM đã phá vỡ kỷ lục trước đó của mình bằng việc công bố một thiết bị có khả năng lưu trữ hơn 330 TB dữ liệu thô chưa nén. Nó có dung lượng lớn hơn cả chiếc ổ cứng lớn nhất thế giới, có khả năng lưu trữ hơn 330 triệu đầu sách. Thiết bị lưu trữ băng đĩa này có thể đặt gọn trong lòng bàn tay của một người bình thường.
Thiết bị lưu trữ bằng đĩa từ của IBM hiện đang có khả năng lưu trữ lớn nhất thế giới với hơn 330 TB - Nguồn: IBM/YOUTUBE
Để có thể chứa được từng ấy dung lượng, các nhà nghiên cứu tại IBM đã phải phát triển một công nghệ mới, bao gồm công nghệ nano và thuật toán xử lý tín hiệu kiểu mới. Thành quả của công trình nghiên cứu này là một cuộn băng có bề mặt diện tích có thể chứa tới 31 gigabits mỗi cm vuông (201 gigabits mỗi inch vuông). Chi tiết về công trình nghiên cứu này được công bố trên tạp chí IEEE Transactions on Magnetics.
Và mục tiêu cuối cùng, vẫn là mang lại lợi nhuận. Cụ thể, IBM dự tính sẽ sử dụng thiết bị mới này trên hệ thống điện toán đám mây. Evangelos Eleftheriou, người nhận được danh hiệu IBM Fellow (một chức danh cao quý được trao bởi CEO của IBM), nói trong buổi phỏng vấn với The Verge:"Từ lâu các cuộn băng từ đã được sử dụng để lưu trữ video, dữ liệu, các bản backup sự cố trên các máy nội bộ công ty, tuy nhiên xu thế lưu trữ trên điện toán đám mây cũng đang nổi".
Anh bổ sung thêm:"Trong khi chi phí sản xuất băng sputtered sẽ đắt hơn một chút so với loại băng thường, thì với việc dung lượng lớn hơn nhiều lần sẽ khiến cho chi phí lưu trữ trên từng terabyte rất thấp, khiến cho việc lưu trữ lạnh trên điện toán đám mây là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật.