Hòn đảo chết chóc nhất thế giới thời hậu Liên Xô

Thứ Sáu, 23 Tháng Ba 20184:00 SA(Xem: 10464)
Hòn đảo chết chóc nhất thế giới thời hậu Liên Xô
Image caption Liên Xô đã nắn dòng chảy của các con sông vốn đổ ra Biển Aral để lấy nước tưới tiêu cho các vùng trồng bông, điều mà họ gọi là 'vàng trắng'

Tại biên giới giữa Kazakhstan và Uzbekistan có một hòn đảo được bao quanh bởi sa mạc rộng lớn khắc nghiệt.

Nói đúng ra, thì đó đã từng là một hòn đảo.

Đảo Vozrozhdeniya đã từng có một làng đánh cá nhộn nhịp nhìn ra đầm phá xanh biếc hồi biển Aral còn là hồ nước lớn thứ tư trên thế giới và dồi dào tôm cá.


Không có sự sống

Sau nhiều năm bị khai thác bừa bãi dưới thời Liên Xô, mực nước đã rút xuống và biển chỉ còn trơ đất cát; những con sông đổ nước vào biển bị nắn dòng để lấy nước tưới cho những cánh đồng bông. Giờ đây, những gì còn lại của một ốc đảo có từ ngàn năm chỉ là một lớp cát muối có lẫn đầy thuốc trừ sâu có chất gây ung thư.

Ở đây nhiệt kế thường xuyên chỉ mức 60 độ C trong lớp cát và dấu vết duy nhất của sự sống là những bộ khung trơ trọi của những cái cây thiếu sức sống và những con lạc đà đổ bóng dưới những con thuyền khổng lồ bị mắc cạn.

Nay đảo Vozrozhdeniya đã ăn ra biển Aral nhiều đến mức nó phình ra đến gấp 10 lần kích thước ban đầu và nối với đất liền bằng một bán đảo. Nhưng do một dự án khác của Liên Xô mà hòn đảo này trở thành một trong những nơi chết chóc nhất trên thế giới.

Những cái chết đáng sợ

Từ những năm 1970, hòn đảo đã bị dính vào một số vụ chết chóc đáng sợ. Vào năm 1971, một nhà khoa học trẻ ngã bệnh sau khi con tàu nghiên cứu của cô, tàu Lev Berg, lạc vào một vùng khói mù đen kịt.

Nhiều ngày sau đó, cô được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa. Điều bí ẩn là cô đã được tiêm vắc xin ngừa đậu mùa từ trước. Mặc dầu sau đó cô đã khỏi bệnh, đợt bùng phát đậu mùa lần đó đã làm lây thêm cho chín người ở quê nhà của cô với ba người trong số đó tử vong. Một trong những nạn nhân là người em trai của cô.


Một năm sau đó, người ta tìm thấy xác hai ngư dân mất tích ở gần đó trên chiếc thuyền đánh cá trôi trên mặt nước của họ. Người ta cho rằng họ đã bị lây trong trận dịch.

Không lâu sau đó, dân địa phương bắt đầu kéo lưới lên toàn là cá chết. Không ai biết lý do tại sao.

Sau đó vào tháng 5 năm 1988, 50.000 con linh dương saiga vốn từ trước vẫn gặm cỏ ở vùng thảo nguyên lân cận bỗng nhiên lăn đùng ra chết chỉ trong vòng có một tiếng đồng hồ.

Chuyến đi nguy hiểm

Hòn đảo vẫn tiếp tục ám ảnh với những bí ẩn, một phần là do đó không phải là nơi mà chúng ta có thể thích là đến.

Kể từ khi đảo Vozrozhdeniya bị bỏ hoang vào những năm 1990, số lượng các chuyến thám hiểm đến thăm đảo chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bản quyền hình ảnh Nick Middleton
Image caption Vozrozhdeniya cho tới năm 2005 vẫn còn là một hòn đảo, cho nên nhóm quay phim đã đi thuyền tới nơi

Nick Middleton, một nhà báo và là nhà địa lý thuộc Đại học Oxford, đã đến đảo để quay một phim tài liệu vào năm 2005. "Tôi biết chuyện gì đã xảy ra ở đó, do đó chúng tôi đã tìm, liên hệ được với một người từng phục vụ trong quân đội Anh và ông ấy đã đến để thông tin cho đoàn làm phim về những gì mà chúng tôi có thể sẽ gặp phải," ông ấy kể lại.

"Nói thật là ông ấy làm tôi sợ muốn đái ra quần."

Chuyên gia đó là ông Dave Butler, người cuối cùng cũng đi cùng họ.

"Có rất nhiều chuyện tồi tệ có thể xảy ra," ông nói. Để dự phòng, Butler bắt cả đoàn phải dùng thuốc kháng sinh bắt đầu một tuần trước khi đi. Một việc cần thiết nữa là họ phải đeo mặt nạ phòng độc với tấm lọc khí kỹ thuật cao, mang ủng cao su dày và mặc đủ bộ trang phục kiểu khám nghiệm pháp y màu trắng ngay từ lúc đến nơi.

Không phải là họ bị hoang tưởng.

Những bức hình chụp từ trên cao của CIA vào năm 1962 cho thấy trong khi những hòn đảo khác có bến tàu và những túp lều chất đầy cá thì hòn đảo này có một trường bắn, các doanh trại và sân diễn hành. Nhưng nhiêu đó thậm chí còn chưa được phân nửa hòn đảo. Ngoài ra còn có các trung tâm nghiên cứu, chuồng nuôi thú và một địa điểm thử nghiệm ngoài trời. Hòn đảo này đã được biến thành một căn cứ quân sự vào loại nguy hiểm nhất: nơi thử nghiệm vũ khí sinh học.

Dự án này hoàn toàn bí mật. Nó thậm chí còn không được đánh dấu trên các bản đồ của Liên Xô, nhưng những người biết được thì gọi nó là Dự án Aralsk-7. Qua nhiều năm nơi này đã phát triển thành một cơn ác mộng khi mà các căn bệnh than, bệnh đậu mùa và trận dịch treo lơ lửng trên đầu.

Kho bệnh than khổng lồ

Hòn đảo này hẻo lánh đến nỗi phải đến thế kỷ 19 nó mới được phát hiện, khiến nó trở thành địa điểm lý tưởng để tránh những cặp mắt dòm ngó của tình báo phương Tây. Nếu bị phát hiện thì hồ nước bao quanh biến thành chiến hào tự nhiên một cách dễ dàng.

Đó là những yếu tố khiến hòn đảo này được chọn làm nơi cất giấu cuối cùng của kho bệnh than lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nguồn gốc của kho bệnh than này vẫn còn bí ẩn nhưng nhiều khả năng là nó được sản xuất tại Nhà máy 19, một cơ sở gần thành phố Sverdlovsk nay là Yekatarinburg của Nga.

Bản quyền hình ảnh Nick Middleton
Image caption Cho đến thập niên 1990, các cư dân thị trấn đều muốn bỏ đi

Aralsk-7 là một phần của một chương trình vũ khí sinh học ở quy mô công nghiệp vốn có đến hơn 50.000 công nhân tại 52 cơ sở sản xuất trên khắp Liên Xô. Chất gây bệnh than được sản xuất trong những thùng ủ lên men lớn và được xử lý nhẹ nhàng như thể là họ đang chế bia.

Vào năm 1988, chín năm sau khi vụ rò rỉ bệnh than tại Nhà máy 19 khiến cho ít nhất 105 người tử vong, chính quyền Liên Xô cuối cùng cũng quyết định tiêu hủy kho vũ khí bệnh than này. Những chiếc chum vại khổng lồ chứa bào tử bệnh than được trộn với chất tẩy trắng và được đưa tới thành phố cảng Aralsk nằm trên bờ biển Aral (hiện giờ nằm sâu trong đất liền 25km). Ở đó, chúng được chất lên những con tàu và được vận chuyển đến Vozrozhdeniya. Khoảng từ 100 đến 200 tấn bùn chứa bào tử bệnh than được đổ bỏ vội vã vào những hang hố và bị quên lãng.

Trong đa số trường hợp thì vi khuẩn bệnh than sống trong dạng bào tử - một dạng 'ngủ đông' với khả năng sống sót phi thường. Chúng vẫn có thể tồn tại cho dù bạn có dùng bất cứ thứ gì để khử chúng đi nữa - từ đổ vào một lượng lớn chất khử trùng cực độc cho đến đưa vào lò đốt ở nhiệt độ 180 độ C trong vòng hai phút.

Khi được chôn vào lòng đất chúng có thể tồn tại trong hàng trăm năm. Người ta đã từng ghi nhận một trường hợp ở một hố đào khảo cổ tại phế tích một bệnh viện thời Trung cổ ở Scotland bào tử bệnh than đã được tìm thấy cùng với chất vôi có tuổi thọ vài trăm năm mà người xưa đã dùng để khử chúng.

Gần đây nhất, một em trai 12 tuổi đã tử vong sau khi bị dính bào tử bệnh than lẩn khuất ở miền bắc nước Nga. Đợt bệnh than lần đó đã khiến 72 người thuộc bộ tộc Nenets du mục, trong đó có 41 trẻ em, phải nhập viện và giết chết hàng ngàn tuần lộc. Người ta cho rằng trận dịch bắt đầu khi một đợt nóng làm rã đông xác một con tuần lộc ít nhất đã chết được 75 năm.

Nỗ lực dọn dẹp

Đúng như chúng ta nghĩ, nỗ lực chôn lấp nguồn bệnh than của Liên Xô tại đảo Vozrozhdeniya là chưa đủ. Nhiều năm sau khi Liên Xô sụp đổ, trước những vụ tấn công bằng bệnh than ở Tokyo và những tiết lộ về một chương trình vũ khí hóa học rộng lớn ở Iraq, người ta đã cảm thấy lo sợ về khả năng những kẻ khủng bố hay các chính quyền bất hảo nắm được trong tay nguồn vi khuẩn gây bệnh này làm vũ khí. Do đó Chính phủ Hoa Kỳ đã gửi các nhóm chuyên gia đến để làm các thí nghiệm.

Vị trí chính xác của kho bệnh than này không bao giờ được tiết lộ nhưng điều này không phải là vấn đề vì các hố chôn này lớn đến nỗi chúng có thể được nhìn thấy rõ ràng trong những tấm ảnh chụp từ không gian. Bào tử có khả năng gây bệnh được tìm thấy trong một số mẫu đất và Chính phủ Mỹ đã cam kết cung cấp 6 triệu Mỹ kim cho một dự án dọn dẹp nơi này.

Công việc dọn dẹp bao gồm đào một rãnh sâu kéo dài ngay cạnh hố chôn ổ bệnh than, lót bằng plastic và dùng hàng ngàn ký bột tẩy cực mạnh. Đội dọn dẹp phải di chuyển hàng tấn đất chứa bào tử bệnh than vào rãnh trong cái nóng 50 độ C và phải mặc đồ bảo vệ đầy đủ. Có tổng cộng 100 công nhân làm việc trong dự án và phải mất bốn tháng mới hoàn thành.

Công việc đã đạt kết quả. Sau sáu ngày được nung cùng thuốc tẩy cực mạnh, các bào tử bệnh than đã biến mất.

Nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó. Nửa thế kỷ thử nghiệm bệnh than ngoài trời đã khiến toàn bộ hòn đảo bị ô nhiễm chứ không chỉ có ở nơi thử nghiệm.

Đó là còn chưa nói những hố chôn thú nhiễm bệnh với số lượng lên đến cả trăm xác trong mỗi hố hay một nấm mộ không được đánh dấu của một người phụ nữ qua đời trong khi xử lý một nguồn lây bệnh vài chục năm trước.

"Ngay cả khi chôn một con vật thì anh cũng phải chôn sâu đến vài mét. Nếu nơi đó bị ngập lụt thì bào tử có thể theo nước lũ trồi lên trở lại hay những con trùng đất có thể di chuyển chúng qua lại," Les Baillie, một chuyên gia quốc tế về bệnh than thuộc Đại học Cardiff, cho biết. Ông đã làm việc tại Porton Down, một cơ sở nghiên cứu về vũ khí sinh học trước đây của Anh, trong gần một thập niên.

Nhiều trắc trở

Điều may mắn là Đảo Vozrozhdeniya không hề dễ đến chút nào. Để đến được nơi đó Middleton, Butler và đoàn làm phim của họ phải băng qua lãnh thổ Kazakhstan đến Quilandy, một ngôi làng cạnh đó nằm trên đất liền.

Kế hoạch của họ là thuê một chiếc thuyền để băng qua Biển Aral cùng một số người hướng dẫn. Điều dĩ nhiên là dân địa phương không cố gắng hết sức để đi đến hòn đảo khét tiếng này. "Họ biết rằng họ nên tránh xa," Middleton nói. Cuối cùng, đoàn làm phim phải kết hợp với một nhóm những người hôi của.

Chuyến đi bị hoãn vì các thành viên trong đoàn bị ngộ độc thực phẩm. Chỉ vài giờ sau khi họ dự định lên đường, một trận bão cát lớn nổi lên bao trùm lên ngôi làng và Biển Aral. "Nó giống như ngày tận thế vậy. Nếu chúng tôi đã ra xuất phát trên những con tàu ọp ẹp này thì chúng tôi đã bị dính bão," Butler nói. "Tôi không nghĩ là chúng tôi có thể sống sót."

Ngày hôm sau, cuối cùng họ cũng đến được đảo. Khu căn cứ trên đảo được chia làm hai phần: thị trấn Kantubek vốn được dựng lên để làm nơi ở cho các nhà khoa học và gia đình của họ, và khu phức hợp phòng thí nghiệm nằm về phía nam khoảng 3,2 km.

"Ngay cả khi đến được đảo thì đoạn đường vẫn còn rất khó khăn," Butler nói. Đoàn đến đảo qua đường Kazakhstan do không xin được thị thực vào Uzbekistan mặc dù căn cứ này thật sự nằm trên đất của Uzbekistan. Họ băng qua sa mạc bên trong đảo bằng xe gắn máy mà không dùng bản đồ.

Mặc dù họ biết rằng đó là một nơi nguy hiểm, nhóm hôi của đã đến đảo một vài lần để tháo rời các ống dẫn bằng nhôm, lấy đi những món đồ nhẹ. Vì vậy mà dần dần thị trấn bị tan rã và những người hôi của lấy đi tất cả những gì mà họ có thể bán được.

Ngày nay, Kantubek đã trở thành một thị trấn ma điêu tàn - nơi mà những dấu vết của một cuộc sống thoải mái một thời tương phản với dấu hiệu của một điều gì đó đầy đe dọa.

Một mặt, có những ngôi nhà, một căng-tin và một vài trường học; mặt khác lại có những bức chân dung bị nứt của các tướng lĩnh, sách của Marx và Lenin và những chiếc xe tăng gỉ sét. "Điều kỳ lạ là ở đây vừa có cảm giác về sự mục ruỗng vừa có những thứ không ăn nhập gì với bối cảnh chung," ông nói. "Không hề có bóng một con chim hay con côn trùng nào - hoàn toàn tĩnh lặng."

Bên trong phòng thí nghiệm

Nhóm hôi của muốn rời khỏi đảo càng nhanh càng tốt do đó nhóm làm phim không có nhiều thời gian. Chẳng lâu sau đó họ lại tiếp tục lên đường, lần này là đi tìm khu phòng thí nghiệm. "Họ đưa chúng tôi đến cửa trước và nói: 'chúng tôi sẽ đứng đợi bên ngoài'. Họ không muốn đi vào trong," Butler kể lại.

Những thứ mà họ tìm thấy bên trong nơi được gọi chính thức Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Khoa học tại thực địa gây khó chịu cực kỳ. "Họ không hề dọn dẹp chút nào cả," Middleton nói. "Trông giống như là họ vứt bỏ mọi thứ và bỏ đi."

Bản quyền hình ảnh Nick Middleton
Image caption Chỉ sau chừng 15 phút ở trong khu vực phòng thí nghiệm. các mặt nạ bảo vệ của nhóm nghiên cứu đã bị chạm ngưỡng tối đa

Những thùng thủy tinh chứa những chất nguy hiểm chất dọc các bức tường trong khi trên sàn nhà vương vãi đầy hàng trăm ngàn lọ thí nghiệm thủy tinh bị đập vỡ. Đâu đâu cũng có những bộ quần áo bảo hộ bị vứt bỏ cùng với những mặt nạ phòng độc giống như đồ của người ngoài hành tinh. Toàn bộ nơi đó khiến ta có cảm giác như trong bối cảnh khủng khiếp của một trò chơi điện tử.

Ở nơi đây Butler đã nâng mức độ bảo vệ an toàn lên một mức nữa và cả nhóm phải đeo thêm một máy thở đầy đủ để lọc khí. "Trong nhà thường là nơi tập trung mọi thứ," Butler cho biết. Ngoài các bào tử bệnh than lạc ra không khí, nhóm còn có nguy cơ bị nhiễm formaldehyde vốn là chất gây ung thư nếu hít phải.

Tuy nhiên cảm giác kiểm soát mọi thứ không kéo dài được lâu. "Chúng tôi ở đó được 15 phút và mọi thứ bắt đầu không ổn," Butler kể. Khi bộ lọc khí trở nên quá tải, dấu hiệu đầu tiên thường là chúng ta sẽ hít phải khí độc hại nào đó xâm nhập được vào trong. "Điều đó có thể xảy ra nếu bạn ở trong một môi trường công nghiệp với những chất ăn mòn với số lượng tập trung."

Cho dù đó là chất độc gì đi nữa, họ quyết định đi ra và phải đi thật nhanh. Butler muốn cắm trại ngủ lại qua đêm để đến ngày mai đến thăm bãi thử nhưng những thành viên khác trong đoàn thì đã thấy quá đủ.

Căn bệnh đáng sợ

Cẩn thận hơn nữa, Butler đã lấy mẫu chất ẩm trong mũi các thành viên trong đoàn để kiểm tra xem có bào tử bệnh than hay không. Hoàn toàn có lý do để ông lo sợ. Có nhiều cách để chết vì bệnh than và cái chết khốn khổ như thế nào tùy thuộc vào cách nhiễm bệnh ra sao. Đó là nhiễm bệnh qua đường ruột vốn là con đường phổ biến ở những động vật ăn cỏ như gia súc, ngựa, cừu và dê và cho đến ngày nay vẫn gây tử vong ở người ở các nước đang phát triển. Triệu chứng khác biệt trong mỗi trường hợp nhiễm bệnh khác nhau, nhưng thường là bao gồm ói mửa, tiêu chảy và bị thương tổn từ miệng cho đến ruột.

Nếu không xâm nhập qua đường ruột thì chỉ cần tiếp xúc ngoài da cũng đủ. Vào thế kỷ 19 ở Yorkshire, cái gọi là 'bệnh của người làm lông' là một nguy cơ nghề nghiệp của những người làm việc trong ngành dệt.

Bản quyền hình ảnh Nick Middleton
Image caption Nhóm của Nick Middleton đã thuê một nhóm những người hôi của đi cùng để làm người hướng dẫn

Nhưng con đường nhiễm bệnh đáng sợ nhất là qua đường hô hấp. Một khi bào tử bệnh than xâm nhập được vào cơ thể, đầu tư nó sẽ bám vào hạch bạch huyết. Sau đó bào tử sẽ bắt đầu sinh sôi và lan rộng và cuối cùng tràn vào trong dòng máu lưu thông khiến cho các mô trong cơ thể bị hư tổn và chảy máu trong. Người ta cho rằng toàn bộ quá trình này mất nhiều tháng nhưng cuối cùng thì ít nhất tám trong 10 người sẽ tử vong.

"Có lẽ đó là một loại vũ khí sinh học lý tưởng," Talima Pearson, một nhà sinh vật học từ Đại học Nam Arizona vốn đã giúp phân tích biến thể vi khuẩn đã gây bùng phát bệnh tại Sverdlovsk, nói. "Họ có lẽ đã lấy được chúng từ trong môi trường tự nhiên."

Và không phải vi khuẩn nào cũng là khuẩn than thông thường. Aralsk-7 được phát triển trong lúc có cuộc chạy đua vũ trang về vũ khí sinh học giữa Hoa Kỳ và Anh đang diễn ra. Các loại vi khuẩn được thử nghiệm để đạt khả năng năng thuốc, và virus sẽ đạt khả năng gây bệnh ở cả những người đã tiêm vaccine phòng ngừa.

Để đạt được điều này, các khoa học gia đã phát triển một lượng lớn vi khuẩn được thu thập trong đời sống tự nhiên và 'luyện' để chúng đạt được những đặc tính mà họ cần. "Càng có nhiều nguyên liệu thì càng nhiều khả năng tìm được điều mà họ muốn," Baillie nói.

Thế nhưng vào ngày 10/4/1972, ba quốc gia từng ký kết hiệp ước này, gồm Anh, Hoa Kỳ và Liên Xô, đồng ý từ bỏ hiệp ước.

Đây chính xác là thời điểm Liên Xô bắt đầu một chương trình đáng sợ hơn bao giờ hết. Lần này, họ dùng khoa học về gien phân tử mới được phát triển - các vũ khí sinh học nay sẽ được thiết kế ra, chứ không phải là nuôi dưỡng mà có.

Việc này bao gồm cả việc phát triển một biến thể đặc biệt khó chịu của bệnh than, được các nhà nghiên cứu gọi là STI, có khả năng kháng lại rất nhiều thuốc kháng sinh, trong đó gồm cả penicillin, rifampin, tetracycline, chloramphenicol, macrolides và lincomycin.

Tuy nhiên, đó chưa phải là lý do đáng sợ nhất để bạn thực sự không muỗn bị nhiễm khuẩn than.

Như thể là bệnh than bình thường vẫn chưa đủ đáng sợ, các nhà khoa học còn quyết định là sát thủ tự nhiên này cần một bước phát triển cuối cùng: cho nó có chất độc có thể phá vỡ các tế bào hồng cầu và làm thối rữa các mô. Các nhà khoa học đã cấy gien từ một họ hàng gần gũi là vi khuẩn Bacillus cereus.

Các vi khuẩn bệnh than thường phát triển thành từng chùm và do đó chúng thường bị kẹt trong lỗ mũi nên không thường không xâm nhập được vào cơ thể. Các nhà khoa học Liên Xô đã rã nhỏ chúng ra bằng cách máy móc công nghiệp. Kết quả cuối cùng là kích thước của chúng chỉ dài năm micro mét - nhỏ hơn ít nhất là 30 lần chiều rộng sợi tóc con người. "Đó là kích thước lý tưởng để thâm nhập bằng đường hô hấp," Butler nói.

Trước khi đoàn làm phim lên đường ra đảo, Butler đã cho xây một khu vực khử trùng trên bãi biển và chất đầy trong đó là xà phòng diệt khuẩn. Khi họ quay lại, từng thành viên phải lột hết quần áo và phải kỳ cọ sạch sẽ. "Chúng tôi phải đảm bảo rằng chúng tôi không có bào tử nào trong lông và tóc trên người," ông nói.

Điều may mắn là miếng gạc mũi của các thành viên đều âm tính và ngay cả nhóm hôi của - vốn từ chối mặc đồ bảo hộ mà đoàn làm phim cung cấp - cũng trở về an toàn. Vào lúc này, vi khuẩn bệnh than trên đảo Vozrozhdeniya vẫn nằm trong lòng đất.

Thế nhưng những vụ bùng phát dịch bệnh bí hiểm hồi thập niên 1970, 1980 thì sao? Hòn đảo có còn là nguồn gây bệnh than nữa không?

Mới đây người Nga đã phát hiện nạn nhân của một dịch bệnh than ở Siberia sau khi lớp băng vĩnh cửu tan ra làm lộ ra nấm mồ của họ. Xác của họ đã bị đóng băng cứng trong 120 năm và các nhà khoa học không tìm thấy virus nào mà chỉ có ADN của chúng.

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn