Bom napan, từ Harvard đến Việt Nam

Chủ Nhật, 04 Tháng Mười Hai 20225:00 SA(Xem: 1988)
Bom napan, từ Harvard đến Việt Nam

Louis Fieser - người phát minh ra bom napan, vốn là một nhà hóa học có nhiều phát minh có ích trong lĩnh vực y khoa - cho biết, ông chưa bao giờ mong muốn bom napan được sử dụng để chống lại con người.

Bom napan được phát minh tại Harvard từ đầu những năm 1940. Nó được đặt tên sau khi hợp chất acid naphthenic và palmitic có thể biến xăng hay bất kỳ loại nguyên liệu nào trở thành một loại vũ khí có tính cháy và dính chặt cao.

Theo cách nói của ông Robert N.Neer - một giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Columbia (Mỹ) - đó là thứ vũ khí sinh ra như một “anh hùng” song lại trở thành “kẻ hạ đẳng” và giờ đây bị coi là “bằng chứng của tội ác chiến tranh”. Ông Neer là người vừa cho ra mắt cuốn sách “Napalm: Lý lịch nước Mỹ” – cuốn sách đầu tiên mô tả đầy đủ lịch sử của bom napan và hé lộ câu chuyện về việc vũ khí này được sử dụng hiệu quả như thế nào trong Thế chiến II và Mỹ đã dùng bom napan trong chiến tranh Việt Nam.

Cuộc thử nghiệm bom napan đầu tiên ở trường Harvard (Mỹ) vào năm 1942.Cuộc thử nghiệm bom napan đầu tiên ở trường Harvard (Mỹ) vào năm 1942.

Trên báo Boston Globe của Mỹ, ông Neer cho hay: Vào những năm 1960 và 1970, tại chiến trường Việt Nam, bom napan đã trở thành hình tượng, một thứ gì đó chắc chắn có thật đối với những người Mỹ... Theo ông Neer, có hai điều đã xảy ra với Việt Nam. Một là, Mỹ đã thua trong cuộc chiến, và trong phong trào phản chiến thì napan đã trở thành một biểu tượng của những hành động lầm lạc của Mỹ tại Việt Nam, sự thua cuộc mang lại những hệ quả căn bản về cách nhìn của mọi người đối với bom napan. Hai là, truyền thông về chiến tranh tại Việt Nam cũng như về sự tàn phá của bom napan rộng rãi hơn rất nhiều so với hồi Thế chiến II, khi mà phần lớn ảnh hưởng của bom napan là ở Nhật Bản - nơi các phóng viên không thể tới đưa tin.

Trong thời gian đó, bom napan trở thành mục tiêu của những người biểu tình chống chiến tranh - những người đã kêu gọi một cuộc vận động trên toàn nước Mỹ để yêu cầu công ty hóa chất Dow Chemical Co dừng sản xuất loại bom này. Thế nhưng, đến nay loại bom này vẫn nằm trong các kho đạn dược quân đội và gần đây, được Mỹ sử dụng khi tiến hành chiến tranh với Iraq.

Ông Neer tiết lộ rằng, ông Louis Fieser - người phát minh ra bom napan, vốn là một nhà hóa học có nhiều phát minh có ích trong lĩnh vực y khoa - chưa bao giờ hình dung ra việc bom napan sẽ được dùng để chống lại con người. Ông ấy cho là nó sẽ được dùng đối với các vật thể. Ông ấy đã cống hiến cả đời cho những thuốc men và hóa chất để giúp con người. Ông giúp tạo ra Vitamin K tổng hợp, và là một giáo viên được sinh viên Harvard yêu mến.

Ông thuộc nhóm đã chứng minh được rằng hút thuốc gây chết người. Vì thế, ông là một người phức tạp. Tuy nhiên, theo ông Neer, dù tôn trọng sự quả quyết của ông Fieser rằng, ông ấy không bao giờ nghĩ bom napan sẽ được dùng để chống lại con người, vẫn hơi khó để hoàn toàn tin vào điều đó. Bởi nhiều cuộc thử nghiệm bom napan đã được thực hiện với các tòa nhà dân cư, đặc biệt là các mẫu nhà của Đức và Nhật Bản.

Ông Fieser có thể coi là một thiên tài, vì vậy khó mà tin rằng ông ấy không nhìn ra khả năng nó sẽ được sử dụng để tấn công con người.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn