• Tác giả, Lindsey Galloway
Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Khi làn sóng Covid ban đầu ngăn cản các cuộc tụ họp trong nhà ở hầu hết các nước trên thế giới, nhiều thành phố đã phản ứng bằng cách nhanh chóng định hình lại cuộc sống bên ngoài. 

Một số thành phố đã thiết lập phố đi bộ, biến các điểm đậu xe thành nhà hàng mới và mở thêm nhiều làn xe đạp - biến các khu vực từng đông đúc xe hơi thành các điểm thân thiện với xe đạp và đi bộ.

Những thay đổi này đã đem lại quả ngọt. Không chỉ khiến hoạt động kinh tế tăng lên, các nghiên cứu nhận thấy virus lây lan chậm hơn ở nơi dễ dàng đi bộ. 

Mặc dù nhiều nơi hiện đã rút lại những sáng kiến này khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, một số thành phố đã nhanh chóng duy trì những cải tiến cho người đi bộ và thúc đẩy thêm nhiều không gian không xe hơi nữa.

Chúng tôi xem xét bốn thành phố trên khắp thế giới vốn có những số thay đổi thân thiện với người đi bộ táo bạo nhất và nhanh nhất trong thời đại dịch – và đang duy trì nhiều sáng kiến để khuyến khích người dân và du khách bước đi trên đôi chân của mình.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Người dân Paris ngày càng hàng hứng với những nơi vắng bóng xe hơi

Paris, Pháp

Ngay cả trước đại dịch, Paris đã có khởi đầu thuận lợi trong việc thân thiện với người đi bộ. 

Nằm trong nỗ lực toàn thành nhằm giảm lượng ô tô, các bến tàu dưới dọc sông Seine đã hoàn toàn dành cho người đi bộ vào cuối năm 2016, và việc này đã trở thành quy định dài hạn từ năm 2018. 

Vào năm 2020, Thị trưởng Anne Hidalgo tái đắc cử một phần do bà ủng hộ "thành phố 15 phút": khái niệm quy hoạch đô thị mới cho phép cư dân làm mọi việc hàng ngày - từ mua sắm, đi học đến đi làm – trong khoảng cách 15 phút đi bộ hoặc đạp xe.

Đại dịch, cùng nhiều cuộc đình công của hệ thống giao thông công cộng trước phong tỏa, chỉ càng làm các sáng kiến lấy con người làm trung tâm và bền vững về môi trường này thêm phổ biến. 

“Cái hay của việc đi bộ ở Paris càng trở nên nổi bật kể từ đại dịch Covid,” Kathleen Peddicord, người sáng lập Live and Invest Overseas, nói. “Giao thông công cộng không đi được trong thời gian dài và mọi người cũng khó chịu hơn khi phải đeo khẩu trang. Vì vậy, nhiều người bắt đầu đi lại bằng chân.”

Thêm làn đường xe đạp được mở để giảm bớt lưu lượng xe hơi. Thành phố định mở thêm 180km làn đường dành cho xe đạp và 180.000 điểm đỗ xe đạp cho đến năm 2026.

“Tôi đã sống ở Paris được 14 năm và tôi có thể tự tin nói rằng tôi chưa bao giờ thấy sự chuyển đổi nào trên toàn thành phố lớn hơn, như lần gần đây để khuyến khích người dân đi xe đạp,” Sadie Sumner, người điều hành chi nhánh Paris của công ty du lịch xe đạp Fat Tire Tours, cho biết.

Các tuyến đường chính như Rue de Rivoli ở trung tâm Paris bị giảm xuống còn một làn đường, trong khi đường dành xe đạp được mở rộng bằng chiều rộng ba làn đường xe hơi.

Thành phố cũng có kế hoạch trồng 170.000 cây xanh cho đến năm 2026, với mục đích làm mát Paris để giúp khách bộ hành cảm thấy thoải mái và tận hưởng hơn. 

Để đón đầu lúc Paris đăng cai Thế vận hội 2024, cây cầu giữa Tháp Eiffel và Trocadero cũng sẽ được dành cho người đi bộ hoàn toàn.

Nhìn chung, cư dân đánh giá cao những thay đổi diện rộng, và mong đợi nhiều thay đổi hơn nữa. 

“Dân địa phương thực sự thích, ít xe hơn và mọi người dường như thoải mái hơn một chút,” Roobens Fils, dân Paris gốc, vốn viết blog trên Been Around the Globe, cho biết. 

Ông có gợi ý cho những du khách thích đi bộ: Parc Rives de Seine, một đoạn dài 7km bên sông; đường Montorgueuil ở trung tâm Paris với các cửa hàng phô mai, rượu vang và hoa; đường Saint Rustique ở Montmartre có đá cuội cổ (đây là con đường xưa nhất ở Paris); và Cour Saint Emilion với các cửa hàng phong cách, quán cà phê và nhà hàng.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Bogotá là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới mở các làn đường dành riêng cho xe đạp trong thời gian đại dịch

Bogota, Colombia

Mặc dù Bogotá (và Colombia nói chung) luôn có văn hóa đi xe đạp mạnh mẽ, với đạp xe là môn thể thao quốc gia, nhưng đại dịch đã đẩy nhanh nhiều chuyển đổi sang không có ô tô. 

Vào năm 2020, Thị trưởng Claudia Lopez đã thêm 84km làn xe đạp tạm thời vào mạng lưới đường dành cho xe đạp Ciclorruta dài 550km hiện có của thành phố - vốn đã là một trong những mạng lưới lớn nhất thế giới - và kể từ đó nó trở thành các làn cố định dài hạn cho xe đạp.

Bogotá nằm trong số những thành phố đầu tiên toàn cầu thêm làn xe đạp trong thời kỳ đại dịch và người dân nhận thấy những thay đổi vĩnh viễn này là theo chiều hướng tốt hơn. 

“Thành phố thực sự bắt đầu hình thành không khí Amsterdam và Copenhagen hiển hiện trong vài năm qua,” Alex Gillard, người sáng lập blog Nomad Nature Travel và đi về ở Bogotá trong đại dịch, cho biết. “Có rất nhiều xe đạp trên đường phố vào tất cả các giờ trong ngày, nó khá là tạo hứng khởi.”

Vào Chủ Nhật và ngày lễ, ô tô bị cấm hoàn toàn trên một số tuyến đường trong chương trình được gọi là Ciclovia, vốn thu hút hơn 1,5 triệu người đi xe đạp, người đi bộ và người chạy bộ mỗi tuần.

Theo dân địa phương, xe buýt SITP mới của thành phố, chạy bằng điện và khí đốt, cũng cải thiện đáng kể hệ thống giao thông công cộng. 

“Bầu không khí của Bogotá đã thay đổi. Bây giờ đi lại trong thành phố đã dễ dàng hơn, yên tĩnh hơn và an toàn hơn nhiều,” cư dân Josephine Remo, người viết trang blog du lịch cùng tên, cho biết.

Cô khuyên du khách ghé thăm phố lịch sử La Candelaria, nơi thành phố ra đời hơn 400 năm trước; Họ sẽ thấy nhiều bảo tàng về lịch sử phong phú của thành phố, cũng như các nhà hàng trong các tòa nhà hàng trăm năm. Cô cũng gợi ý Công viên Usaquén có chợ trời cuối tuần, nơi du khách có thể thử món ăn, đồ thủ công và các sự kiện âm nhạc của Colombia.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Quận mới CityLife của Milan là một trong những khu vực cấm xe hơi lớn nhất châu Âu

Milan, Ý

Ý là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời gian đầu đại dịch và các thành phố ở đây phải thích nghi nhanh chóng để có lựa chọn thay thế cho giao thông công cộng đông đúc. 

Vào mùa hè năm 2020, Milan đã bắt tay thực hiện kế hoạch đầy tham vọng là mở rộng vỉa hè và mở rộng làn xe đạp dọc theo 35km đường trước đây chủ yếu cho xe hơi chạy. Những thay đổi này đã thay đổi thành phố, tạo ra thêm nhiều không gian ăn uống, chợ ngoài trời và mảng xanh đô thị.

“Đó không phải là Milan mà tôi nhớ từ 10 năm trước từ thời tôi còn học đại học,” cư dân Luisa Favaretto, người sáng lập trang web về sống ở nước ngoài Strategistico, nói. 

“Tôi thích khái niệm thành phố 15 phút [kế hoạch mà Milan cũng đã thử nghiệm] và bị thu hút bởi hạ tầng đang phát triển của thành phố vốn ưu tiên con người hơn ô tô.” Cô đã chứng kiến sự phát triển của cái mà cô gọi là ý thức cộng đồng ‘kiểu cũ’, vì có thêm lý do để ra ngoài và gặp gỡ trong không gian chung.

Quận CityLife mới không chỉ là khu vực không xe hơi lớn nhất của Milan mà còn là một trong những khu vực không xe hơi lớn nhất châu Âu. 

“Nó toàn là không gian xanh công cộng cùng với vô số làn cho xe đạp và mang đến cái nhìn sơ qua về tương lai của Milan bền vững,” Favaretto nói. 

Cô cũng khuyên đi dạo dọc các kênh đào Navigli và thưởng thức các lựa chọn ẩm thực ngoài trời và cuộc sống về đêm ở khu vực. Khu phía bắc Isola được chuyển đổi từ quận công nghiệp thành nơi có thể đi bộ và đạp xe với đầy quán cà phê, phòng tranh và cửa hàng sành điệu.

Du khách cũng không phải lo về việc tìm xe đạp để tận dụng làn đường xe đạp. Dịch vụ chia sẻ xe đạp của thành phố, BikeMI, có 300 trạm trên toàn thành phố và cung cấp cả xe đạp thông thường và xe đạp điện.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

The Embarcadero từng là đường cao tốc cho tới khi trận động đất năm 1989 hiến nó trở nên không thể sử dụng được nữa

San Francisco, Hoa Kỳ

Thành phố phía bắc California này đã chuyển động nhanh chóng vào đầu đại dịch để đưa ra Slow Streets - chương trình sử dụng biển báo và rào chắn để giới hạn lưu lượng và tốc độ xe hơi trên 30 hành lang trong nỗ lực làm cho chúng thân thiện hơn với người đi bộ và người đi xe đạp.

Theo dữ liệu do thành phố thu thập, chương trình đã giảm 50% lưu lượng xe, tăng 17% lượng người đi bộ các ngày trong tuần và tăng 65% lượng người đạp xe các ngày trong tuần.

Mặc dù nhiều đường phố đã trở lại trạng thái trước đại dịch, cư dân đã thúc đẩy để biến bốn đoạn chuyển đổi thành vĩnh viễn, bao gồm những đoạn trên Đại lộ Golden Gate, Phố Lake, Phố Sanchez và Phố Shotwell. Vào tháng 9, một cuộc bỏ phiếu đã được tổ chức về tương lai mở các hành lang khác.

“Có thể đi chung đường là điều tuyệt vời cho khách bộ hành và người đi xe đạp,” cư dân Leith Steel nói về những con đường vẫn còn đóng đối với xe hơi. “Bạn thấy các gia đình ra ngoài đi dạo, trẻ em chơi đùa – đó là trải nghiệm cực kỳ khác.”

Cô cũng lưu ý thành phố đã bỏ tiền bạc và công sức để xây dựng các tuyến đường dành cho xe đạp tốt hơn khắp thành phố, và chúng được đánh dấu rõ ràng hơn trước đây. 

Cô khuyên nên thực sự khám phá từng khu ở San Francisco, vì mỗi nơi đều có cảm giác và tính cách riêng. 

Cô thích Hayes Valley rợp bóng cây vì không khí đẳng cấp và hiện đại; Outer Sunset vì không khí xuề xòa và bãi biển cát trắng trải dài 3,5 dặm; và North Beach với các quán nước đường phố sôi động (và khu phố dễ đi bộ thứ 4 của thành phố).

Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm để thay đổi San Francisco thành thành phố thực sự thân thiện với người đi bộ, lịch sử cho thấy nó có thể làm được. 

Một trong những nơi dễ đi bộ nhất của thành phố - khu Embarcadero nhìn ra biển - đã từng là xa lộ cho đến trận động đất năm 1989 khiến nó không còn dùng được cho xe cộ.