Raffi Berg

BBC News

Các cuộc biểu tình diễn ra tại hàng chục thành phố trong đêm thứ Tư

Nguồn hình ảnh, Twitter

Chụp lại hình ảnh,

Các cuộc biểu tình diễn ra tại hàng chục thành phố trong đêm thứ Tư

Tại Iran đã xảy ra ​​một trong những đêm biểu tình lớn nhất kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra cách đây sáu tuần.

Hàng chục nghìn người đã xuống đường ở tất cả các thành phố lớn và cả ở những nơi các cuộc biểu tình vốn đã lắng xuống trong thời gian gần đây.

Tình trạng leo thang diễn ra sau khi những người biểu tình đánh dấu 40 ngày vụ một phụ nữ Iran người Kurd, Mahsa Amini, chết trong khi đang bị cảnh sát giam giữ, làm dấy lên tình trạng bạo loạn.

Đây là thách thức nghiêm trọng nhất đối với nước cộng hòa Hồi giáo kể từ khi thành lập. 

Tổ chức Nhân quyền Iran có trụ sở tại Na Uy cho biết cho đến nay, ít nhất 234 người biểu tình, trong đó có 29 trẻ em, đã bị các lực lượng an ninh giết chết trong các cuộc đàn áp. Giới lãnh đạo Iran mô tả tình trạng bất ổn là "bạo loạn" do người nước ngoài gây ra. 

Đoạn video được đăng trên mạng xã hội và được xác minh bởi BBC cho thấy các cuộc biểu tình lan rộng vào đêm thứ Tư.

Tại thủ đô Tehran, người ta phóng hỏa trên đường phố trong khi hàng trăm người đi trên một con phố chính và hô vang các khẩu hiệu, trong đó có "Kẻ độc tài hãy chết đi", ám chỉ nhà lãnh đạo tối cao của Iran.

Các thành phố khác, chẳng hạn như Andimeshk và Borujerd ở phía tây, và Lahijan, gần Biển Caspi ở phía bắc, cũng chứng kiến ​​sự bùng nổ của các cuộc biểu tình.

Không khí trở nên sôi sục sau hôm cảnh sát được cho là đã nổ súng vào người biểu tình ở Saqqez, thành phố của Mahsa Amini, người phụ nữ đã chết trong khi bị giam giữ do bị cáo buộc đeo khăn trùm đầu "không đúng cách".

Hàng ngàn người đã tụ tập gần cô để đánh dấu 40 ngày cô tử vong. Một nhóm nhân quyền và các nhân chứng cho biết cảnh sát đã bắn đạn thật và hơi cay vào đám đông trong thành phố. Không rõ con số thương vong trong vụ này là bao nhiêu.

"Cả xã hội vô cùng tức giận. Chúng tôi chịu đựng họ [giới lãnh đạo Iran] như thế là quá đủ rồi", một phụ nữ 27 tuổi đi biểu tình ở Karaj, gần Tehran, nói với Ban BBC tiếng Ba Tư.

"Tôi muốn có quyền nói không với những người này. Tôi mệt mỏi vì luôn bị coi là công dân hạng hai. Bởi vì tôi là phụ nữ. Đàn ông mệt mỏi với về sự hăm dọa của chế độ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, chúng tôi cùng nhau sát cánh vì một mục tiêu là phụ nữ, cuộc sống và tự do. "

Các cuộc biểu tình nổ ra lan tràn khắp Iran sau khi cô Amini, 22 tuổi, qua đời vào ngày 16/9.

Cô bị cảnh sát đạo đức ở Tehran giam giữ từ ba ngày trước đó và hôn mê sau khi gục xuống tại một trung tâm giam giữ.

Có nguồn tin nói cảnh sát đã đánh cô bằng dùi cui và đập đầu cô vào một chiếc xe, nhưng cảnh sát phủ nhận việc cô bị ngược đãi, và nói cô ấy bị đau tim.

BBC và các cơ quan báo chí độc lập khác bị cấm đưa tin từ bên trong Iran, khiến cho việc xác minh độ chính xác của tin tức mà truyền thông nhà nước và các tường thuật khác đưa ra. 

Giới chức trách cũng gây gián đoạn nghiêm trọng mạng internet, khiến cho người biểu tình khó đăng tải tin, hình ảnh lên mạng xã hội.