bbc.com

Chiến hạm USS Johnston kiêu hùng trong trận đại chiến Vịnh Leyte


Caladan Oceanic

Nguồn hình ảnh, Caladan Oceanic

Năm 1944, chiến hạm USS Johnston bị chìm trong trận hải chiến lớn nhất thế giới. Hơn 75 năm sau, xác tàu cuối cùng được xác định nằm ở độ sâu 6km dưới mặt nước biển.

Ngày 23/10/1944, cuộc đại chiến đầu tiên trên biển nổ ra ở Vịnh Leyte, Biển Philippines, thuộc vùng biển tây của Bắc Thái Bình Dương. Đó là trận hải chiến lớn nhất lịch sử hiện đại.

Trong suốt ba ngày sau đó, hơn 300 tàu chiến Mỹ đối đầu với hơn 70 tàu Nhật.

Phía Hoa Kỳ có không dưới 34 hàng không mẫu hạm - chỉ kém vài chiếc so với tổng số toàn bộ các hàng không mẫu hạm đang hoạt động trên toàn thế giới vào thời điểm này - và khoảng 1.500 chiến đấu cơ. Số lượng chiến đấu cơ của Mỹ vượt trội so với Nhật đến năm lần.

Trận chiến có hai tác động chính - nó ngăn ngừa Nhật can thiệp vào cuộc xâm lược của Mỹ tại Philippines (nơi mà Nhật đã chiếm từ gần bốn năm trước đó), và trên thực tế là hạ gục Hải quân Hoàng gia Nhật (IJN), hủy diệt sức chiến đấu của lực lượng này trong thời gian còn lại của Thế Chiến II.

Gần 30 tàu chiến Nhật bị đánh chìm, và hầu hết số tàu còn lại - trong đó có Yamato, chiến hạm lớn nhất từng được sản xuất - bị hư hại nặng đến mức chúng chủ yếu phải nằm bờ trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến.

Trong khi quân Mỹ được cho là chiếm thế áp đảo so với quân Nhật về mặt số lượng, thì có một hành động quan trọng lại cho thấy điều khác.

Một lực lượng nhỏ - Lực lượng Đặc nhiệm 77 của Mỹ, chủ yếu gồm tàu khu trục và tàu sân bay hạng nhẹ - phát hiện ra rằng mình phải đối đầu với một đội hình quân Nhật lớn hơn rất nhiều lần.

Trận chiến diễn ra ở ngoài khơi đảo Samar. Trước lực lượng đối phương đông áp đảo, đội tàu nhỏ của Hoa Kỳ đã phải chiến đấu với khả năng chiến thắng gần như là không tưởng, song họ vẫn kiên cường phản công lại những chiến hạm lớn hơn, được trang bị vũ khí tốt hơn từ phía Nhật.

Sự phản kháng dữ dội từ quân Mỹ buộc chỉ huy quân Nhật, Phó Đô đốc Takeo Kurita, phải quay đầu rút lui vì tin rằng mình đang phải đối đầu với số lượng lớn quân Mỹ.

Các tàu khu trục nhỏ, hầu như không được bọc thép của Hoa Kỳ áp sát các chiến hạm Nhật, khiến đối phương không thể sử dụng súng tầm xa rất mạnh.

Lực lượng Mỹ tuy nhỏ nhưng đã ngăn chặn được một đợt thảm sát, nhưng vẫn phải trả giá đắt. Năm trong số 13 tàu chiến Mỹ bị đánh chìm.

Một trong số đó là khu trục hạm USS Johnston.

Hơn 7 giờ sáng, tàu Johnston bị trúng đạn pháo từ tàu Yamato nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu thêm hai tiếng nữa, nã đạn vào các chiến hạm to hơn của địch và đẩy lui một đội tàu khu trục IJN đang tìm cách tấn công các tàu sân bay Mỹ chỉ được trang bị vũ khí sơ sài.

Phải sau hai tiếng chiến đấu, khi đã bị trúng rất nhiều loạt đạn và những người còn sống phải bám vào đuôi tàu dập nát, con tàu mới chìm cùng với 186 trong tổng số 327 thành viên thủy thủ đoàn.

Những người sống sót kể lại rằng một trong các thuyền trưởng tàu khu trục Nhật đã trang nghiêm đứng chào con tàu anh dũng khi nó khuất dần dưới sóng nước đại dương.

Nhưng câu chuyện về con tàu huyền thoại này chưa phải đã kết thúc ở đó.

Phần lớn các xác tàu đắm của thế giới được tìm thấy ở các vùng nước nông gần bờ biển. Tàu thường di chuyển theo các tuyến đường thương mại đến các cảng, và vùng nước gần bờ luôn là nơi trú ẩn tuyệt vời nếu thời tiết chuyển xấu. Do đó ven biển là nơi phần lớn các con tàu sa lầy và chìm đắm.

Đáy đại dương sâu thẳm

Nhưng vùng nước mà tàu Johnston chìm thì rất khác. Thay vì địa hình dốc thoai thoải thì vùng đáy biển nơi đây thụt sâu xuống đột ngột.

Đảo Samar nằm ngay rìa một hẻm núi rộng lớn dưới đáy biển, Rãnh Philippines, trải dài khoảng 820 hải lý (1.320 km) dọc theo đường bờ biển Philippines và Indonesia.

Hẻm núi này chạy vòng quanh bờ đông của Đảo Samar, ở mặt hướng ra biển của Vịnh Leyte. Nó quả là sâu khủng khiếp. Nếu ta có thể thả núi Everest xuống điểm sâu nhất của Rãnh Philippines, hay còn được gọi là Điểm sâu Galathea, thì đỉnh núi vẫn còn chìm dưới mặt nước cả một dặm (1,6km).

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Vùng nước sâu mà tàu USS Johnston chìm xuống ở ngay Đảo Samar, hòn đảo lớn thứ ba ở Phillippines

Không ai biết phải mất bao lâu để tàu USS Johnston chìm tới đáy đại dương.

Con tàu chìm dần qua nhiều tầng nước của Biển Philippines, mà cứ mỗi tầng mọi thứ trở nên tối tăm hơn, lạnh lẽo hơn và dần vắng bóng của sự sống.

Qua khỏi 100m (328 bộ) ánh sáng bắt đầu nhạt nhòa.

Qua khỏi 200m (656 bộ), tàu Johnston chìm vào vùng tối nhập nhoạng, tầng nước này sâu gần một cây số và đánh dấu sự kết thúc tác động của ánh mặt trời đến làn nước đại dương.

Nhiệt độ giảm mạnh cùng với độ sâu mà con tàu chìm xuống.

Ở độ sâu 1.000m (3.280 bộ), lớp vỏ bị vỡ của tàu Johnston có lẽ đã lao qua vùng nước lạnh cóng gần đóng băng vào nơi mà các nhà hải dương học gọi là Vùng nước Bathyal(Bathyal Zone), còn được biết đến với tên gọi thế giới bóng đêm.

Không có bất cứ loại thực vật hoặc sinh vật phù du nào sống được dưới này do ánh mặt trời không thể xuyên thấu đến đây. Nhiệt độ nước thì lạnh cóng và vùng ảm đạm này có rất ít sự sống.

Những sinh vật ở nơi đây đã tiến hóa để tồn tại được trong điều kiện tối và lạnh như vậy.

Thị giác và những nhóm cơ vận động đều trở nên vô dụng nơi đây. Trong điều kiện khác, những cơ quan này có thể giúp các con mồi chạy thoát khỏi động vật săn mồi, nhưng ở đây chúng tiêu tốn quá nhiều năng lượng để duy trì hoạt động mà lại chẳng dùng được vào việc gì.

Loài cá sống ở dưới này không có nhiều điểm chung với loài cá sống gần mặt nước. Chúng có phần thân mềm, nhớt. Một số bị mù và một số khác có cơ thể gần như trong suốt. Lớp vảy cá ngụy trang không để làm gì khi mà các tay săn mồi - những sinh vật hung thần lơ lửng trong bóng tối - không hề có mắt.

Độ sâu trung bình của các đại dương trên thế giới là 3.688m (12.100 bộ), tương đương hơn hai dặm.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tàu Titanic chìm ở vùng nước với độ sâu không đáng gì nếu so với Điểm sâu Galathea

Tàu RMS Titanic xấu số cũng chìm ở độ sâu tương tự trong hành trình đầu tiên xui xẻo năm 1912. Nhưng tàu Johnston rơi xuống vực thẳm sâu hơn thế nhiều lần.

Vượt qua khỏi độ sâu 4.000m (13.123 bộ) là Vùng nước Abyssal(Abyssal Zone - 'vùng biển sâu'), nơi nhiệt độ nước chỉ nhỉnh hơn mức đóng băng một chút và mức ô-xi hòa tan trong nước chỉ bằng ba phần tư so với mặt nước.

Áp suất lớn đến mức hầu hết sinh vật không thể sống dưới này. Những loài có thể tồn tại dưới này khác biệt hoàn toàn với các loài sống ở vùng nước nông theo mọi phương diện - các loài cá nơi đây có chất chống đông trong máu giúp máu lưu thông bình thường trong điều kiện lạnh cóng, trong khi các tế bào của chúng chứa protein đặc biệt giúp chúng chống chọi lại mức áp suất nước khủng khiếp có thể nghiền nát cơ thể mọi loài sinh vật nếu không có cấu tạo đặc biệt này.

Nhưng vùng đại dương này còn sâu hơn thế nữa.

Sâu hơn nữa là Vùng nước Hadal (Hadal Zone - 'biển khơi tăm tối'), nằm ở độ sâu 6.000m (19.680 bộ) so với mặt nước biển.

Vùng biển khơi tăm tối nằm ở điểm sâu nhất của các rãnh đại dương, chủ yếu có ở Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo nằm rất sâu dưới mặt nước va đập vào nhau.

Nhà hải dương học người Hà Lan Anton Frederik Bruun là người nghĩ ra tên gọi này vào những năm 1950, khi công nghệ đã phát triển đủ để tiến hành cuộc thám hiểm đầy thận trọng tới những khu vực thẳm sâu dưới đáy biển này.

Cái tên 'Hadel' được đặt theo tên vị thần Hades cai quản địa ngục trong thần thoại Hy Lạp. Nơi đây hoàn toàn chìm trong bóng tối, với nhiệt độ chỉ trên mức đóng băng một chút và áp suất nước lớn hơn khoảng 1.000 lần so với trên bề mặt đại dương.

Và sâu nhất chính là nơi tận cùng của Rãnh Philippines. Nhiều vị trí nằm dọc rãnh này có độ sâu khoảng 10.000m (32.808 bộ, tức là 6,2 dặm) và điểm sâu nhất là 10.540m (34.580 bộ) so với mực nước biển.

Đâu đó dưới rãnh nước rộng lớn này, tàu USS Johnston cuối cùng cũng được an nghỉ.

Đây là phần 1 của loạt bài ba phần về hành trình đi tìm con tàu chìm sâu nhất thế giới.