Thế nào là Typisk Norsk?

Thứ Bảy, 17 Tháng Ba 20189:00 SA(Xem: 6691)
Thế nào là Typisk Norsk?

Mỗi một dân tộc đều có những nét đặc trưng về phong cách, văn hóa, lối sống, thói quen trong ứng xử, những món ăn nổi tiếng, những thành tựu về văn minh hoặc văn hóa xã hội… mà khi nhắc tới dân tộc đó, các nước khác đều biết.

Vậy thì thế nào là một typisk Norsk tức typical Norwegian tức điển hình/đặc trưng của Na Uy?

typisk-norsk2
Trượt tuyết, một trong những môn thể thao yêu thích của nhiều người Na Uy. Nguồn: visitnorway.com
typisk-norsk
Món Smalahove (sheephead). Nguồn: wikipedia.

Nếu nói về món ăn, nhắc tới Na Uy là nghĩ tới pho-mai nâu (brown cheese, tiếng Na Uy brunost, đúng như tên gọi, pho-mai này có màu nâu đậm nhạt tùy theo loại, được làm từ sữa dê hoặc hỗn hợp sữa dê và sữa bò), món bắp cải và thịt cừu hầm,   món sườn cừu thường ăn vào buổi tối Giáng sinh), smalahove (sheephead, là một món ăn truyền thống, thường được ăn vào thời gian trước Giáng sinh, được làm từ đầu cừu. Da và lông của đầu cừu bị đốt cháy, não được tách ra, đầu ướp mặn, đôi khi hun khói, sau đó luộc hoặc hấp trong nhiều giờ và được ăn kèm với rutabagas nghiền và khoai tây luộc), torsk (cod), lutefisk (lyed fish), sild (pickled herring)…Và tất nhiên, cá hồi. Cá hồi Na Uy là một trong những mặt hàng xuất cảng chính của nước này, cá hồi Na Uy ngon và có những loại có thể ăn sống khi đã làm sạch và ướp lạnh đúng độ, ví dụ như trong món sushi, các món salad cá hồi, hoặc hun khói.

Nói về những thói quen trong cuộc sống, hầu hết các gia đình người Na Uy cỡ trung lưu thường có một căn hoặc một cái nhà, một, hai cái xe hơi, một nhà nghỉ nhỏ (hytte hay cabin trong tiếng Anh) để họ tới đó nghỉ ngơi vào mùa hè hoặc mùa đông tùy theo cái hytte ở vùng biển hay trên núi. Nhiều người Na Uy thích trải qua những ngày nghỉ yên tĩnh một mình hoặc với người thân yêu nhất trong hytte, giữa thiên nhiên, bỏ lại mọi tiện nghi của đời sống hiện đại như TV, internet, điện thoại…Nếu có tiền hơn nữa thì sắm thêm một cái tàu để mùa hè lái tàu chơi trên sông, biển.

Mùa thu họ thường dành thì giờ để sửa sang lại nhà cửa mà họ gọi là pusser opp (renovate). Nhân tiện nói thêm, mùa đông ở xứ này lạnh và kéo dài 4, 5 tháng nên vào mùa đông người Na Uy dành nhiều thời gian ở trong nhà, chính vì vậy sự chắc chắn, tiện nghi của căn nhà đối với họ rất quan trọng. Họ thường sửa chữa, làm mới lại nhà cửa trước khi mùa đông tới và thường tự làm lấy mọi việc, hoặc cùng lắm nhờ bạn bè, người nhà cùng làm vì thuê nhân công ở đây rất đắt và người Na Uy đã quen với việc phải tự làm lấy mọi thứ.

Khi mùa đông lạnh tới họ cũng thường đi du lịch, gần nhất là về phía Nam của châu Âu, tới miền Nam nước Pháp, Ý, Tây Ban Nha… Người Na Uy đi du lịch rất nhiều, một phần do đồng lương của họ tương đối cao, chi phí sinh hoạt trong nước cao nên khi đi ra ngoài mọi thứ thường rẻ hơn, thứ hai, như đã nói, do thời tiết lạnh vào mùa đông nên họ thích tới các vùng ấm áp và có nắng.

Một thói quen nữa của nhiều gia đình Na Uy là thỉnh thoảng lại lái xe hoặc đi tàu sang Thụy Điển để đi siêu thị mua sắm cho rẻ, nhất là người già, vì họ về hưu, rảnh rỗi có thời gian. Cứ vào ngày 20 hàng tháng, ngày lãnh lương của nhiều ngành nghề và chính phủ trả tiền hưu cho người già, các siêu thị Thụy Điển sát biên giới Na Uy lại tràn ngập những chiếc xe hơi mang biển số Na Uy. Mặc dù bây giờ thì giá cả giữa Na Uy và Thụy Điển cũng không phải chênh lệch lắm, chừng 9 phần 10, nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen này có lẽ do bên Thụy Điển có những mặt hàng khác hơn.

Nhắc đến người Na Uy là nói đến sự yêu thích thể thao, chăm chỉ tập thể dục, rèn luyện sức khỏe đã trở thành thói quen, tập quán trong đời sống. Dân Na Uy hầu như người nào cũng chơi được một vài môn thể thao, có những môn thể thao mạo hiểm như nhảy dù, lái dù lượn, leo núi… Phòng tập gym mở ra ở mọi nơi và luôn luôn có những người đến tập cả vào những ngày nghỉ, ngày lễ. Có thể do thời tiết khắc nghiệt nên từ bé, trẻ con Na Uy đã được rèn tập để có khả năng chịu đựng tốt, ví dụ ngay từ khi đi nhà trẻ, trẻ con Na Uy luôn luôn được dành nhiều thời gian để chơi ngoài trời, ngay cả khi trời lạnh dưới 0 độ hay mưa, và được tổ chức đi chơi hàng tuần để khám phá chỗ này chỗ khác.

Nhắc đến người Na Uy là nói đến tình yêu thiên nhiên, khả năng hòa hợp với thiên nhiên… Những điều này tôi đã viết trong bài “Người Na Uy với thể thao và thiên nhiên” đăng trên báo Trẻ trước đây.

typisk-norsk1
Người Na Uy rất thích sống hòa mình giữa thiên nhiên tươi đẹp. Trong hình là ánh sáng cực quang (northern lights, auroras) ở Na Uy. Photo: JONATHAN NACKSTRAND/AFP/Getty Images

Phong cách? Có thể tóm gọn trong mấy chữ thoải mái, không căng thẳng (relaxed), ít nói, ít thể hiện ra bên ngoài (quiet and reserved), đơn giản, giản dị (simple). Người Na Uy rất hay dùng chữ slapper av (relax) để nói về cuộc sống của họ, vì đúng là nhịp sống ở Na Uy tương đối chậm nếu so với các quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật, Hàn…, đời sống không bị nhiều sức ép từ bên ngoài lẫn cả bên trong mỗi người.

Nhưng thực ra đó có phải là những nét đặc trưng của người Na Uy hay các dân tộc Bắc Âu đều như vậy, chỉ khác nhau về mức độ? Ví dụ người Thụy Điển có thể nói nhiều hơn và người Phần Lan có lẽ là ít nói nhất. Đã từng có những câu chuyện đùa về sự ít nói của người Phần Lan. Ví dụ: Làm thế nào một cô gái nhận ra là chàng trai Phần Lan có tình cảm với mình? Là khi anh ta chằm chằm nhìn vào giày cô ấy thay vì nhìn chằm chằm vào giày của anh ta!

Sự yêu thích thể thao, rèn luyện sức khỏe, sống với thiên nhiên cũng vậy, là nét chung của dân Bắc Âu.

Du khách và người nhập cư mới đến Na Uy có thể nhận thấy người Na Uy ít nói và không phải là một dân tộc thân thiện hay dễ gần, dễ làm quen, dễ kết bạn. Phần lớn người Na Uy có những người bạn, những nhóm bạn chơi với nhau từ thời còn thơ ấu và vẫn thủy chung bao nhiêu năm cho dù sau này mỗi người mỗi nghề, mỗi hướng đi. Họ không hay kết thành bạn thân với đồng nghiệp.

Có lẽ do thời tiết, văn hóa, thể chế chính trị, mô hình xã hội giống nhau nên dân các nước Bắc Âu có những nét phong cách chung cho tới triết lý sống giống nhau.

typisk-norsk3
Mùa Hè Oslo – nguồn Visit Norway

Triết lý đó là sống chậm, sống với thiên nhiên, với gia đình, không chạy theo vật chất, không bị sức ép bởi tiền bạc, danh vọng, địa vị hay hình thức bên ngoài cũng không hay than vãn, mà biết đủ, biết bằng lòng và hạnh phúc với những gì mình đang có. Cộng thêm xã hội phúc lợi (welfare state) trong đó người dân luôn được hưởng những chế độ an sinh xã hội và sự quan tâm chăm sóc từ những chính sách của chính phủ, trong xã hội thì đề cao sự tự do, dân chủ, sự bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo không quá cách biệt… khiến người ta dễ sống hơn. Có lẽ vì vậy mà dân Na Uy nói riêng và dân Bắc Âu nói chung thường được coi là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất.

SC

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn