NASAMS - Hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân được Hoa Kỳ dùng để bảo vệ Washington, D.C

Thứ Năm, 04 Tháng Tám 20221:00 SA(Xem: 1837)
NASAMS - Hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân được Hoa Kỳ dùng để bảo vệ Washington, D.C

NASAMS - Hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân được Hoa Kỳ dùng để bảo vệ Washington, D.C

Cập nhật: 25/07/2022 Tinh Tế

NASAMS viết tắt của National/Norwegian Advanced Surface to Air Missile System là một hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tiên tiến được Hoa Kỳ triển khai để bảo vệ thủ đô Washington, D.C. cũng như tại nhiều vị trí trọng yếu khác như Nhà Trắng trước các loại máy bay không người lái (UAV), trực thăng, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu nói chung.

NASAMS cũng là một ứng dụng độc đáo của AIM-120 AMRAAM - tên lửa không đối không phổ biến nhất thế giới với hơn 14000 chiếc được sản xuất tính đến năm 2008. Hệ thống phòng không tầm trung này được thiết kế và sản xuất bởi nhà thầu quốc phòng Kongsberg của Na Uy hợp tác cùng Raytheon của Mỹ theo chương trình hợp tác NASAMS của Không lực hoàng gia Na Uy bắt đầu từ thập niên 90. Hiện tại bên cạnh Hoa Kỳ và Na Uy, NASAMS được nhiều quốc gia khác sử dụng như Phần Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Lithuania, Úc và Indonesia. Nhiều nước khác như Oman, Hungary, Qatar cũng đã đặt mua NASAMS.

NASAMS được trang bị hệ thống phóng nhiều loại tên lửa
NASAMS được trang bị hệ thống phóng nhiều loại tên lửa.

NASAMS được trang bị hệ thống phóng nhiều loại tên lửa (LCHR), có thể mang 6 tên lửa sẵn sàng khai hỏa. Mục tiêu thiết kế của LCHR là có thể dễ dàng vận chuyển, ngắm và khai hỏa các loại tên lửa với đặc tính khác nhau từ cùng một bệ phóng. 6 quả tên lửa có thể được phóng trong chỉ vài giây nhằm vào 6 mục tiêu khác nhau. NASAMS có thể là bệ phóng cố định hoặc gắn trên xe tải quân sự. Hỏa lực được kiểm soát bởi nhiều hệ thống tích hợp và phối hợp.

NASAMS có thể là bệ phóng cố định hoặc gắn trên xe tải quân sự.
NASAMS có thể là bệ phóng cố định hoặc gắn trên xe tải quân sự.

"Mắt thần" của NASAMS là hệ thống radar 3D băng tần X - AN/MPQ-64 Sentinel do Raytheon phát triển. Ăng ten sử dụng công nghệ quét điện tử tần số pha, tạo thành các chùm tia 3D bao phủ diện tích lớn. Nền tảng radar tự xoay với tốc độ 30 rpm nhằm cung cấp vùng phủ quét 360 độ, radar còn được thiết kế với khả năng chống lại các biện pháp đối phó điện tử (ECM) và tên lửa chống radar (ARM). Tầm quét tối đa của radar lên đến 75 km và hiệu quả nhất trong khoảng cách 40 km. Hệ thống sẽ tự động thu thập, theo dõi, phân loại, nhận biết và báo cáo các mục tiêu tầm cao và tầm thấp như tên lửa dẫn đường, UAV, các loại máy bay cánh bằng và cánh xoay.

he-thong-quan-ly-chien-dau-BMC4I
Ăng ten sử dụng công nghệ quét điện tử tần số pha, tạo thành các chùm tia 3D bao phủ diện tích lớn.

Hệ thống quản lý chiến đấu BMC4I (chỉ huy, điều khiển, liên lạc, tính toán và tình báo) do Na Uy phát triển có tên FDC, viết tắt của Trung tâm phân phối hỏa lực (Fire Distribution Center). FDC kết nối với radar MPQ-64 tạo thành Hệ thống điều khiển và radar thu nhận (ARCS). Các năng lực của NASAMS được tăng cường nhờ hệ thống được kết nối và phân bổ hỏa lực.

NASAMS có thể được triển khai với nhiều bệ phóng
NASAMS có thể được triển khai với nhiều bệ phóng.

NASAMS có thể được triển khai với nhiều bệ phóng, tối đa 12 ống phóng, 72 tên lửa trên cùng một mạng và được điều khiển đồng thời. Ngoài ra, các hệ thống phóng di động gắn trên xe tải hay xe quân sự hạng nhẹ như Humvee cũng có thể được kết nối với hệ thống FDC để triển khai và kiểm soát từ xa với khoảng cách tối đa 25 km từ FDC.

NASAMS còn có thêm cảm biến điện tử quang học (EO) gắn trên xe (MSP500)
NASAMS còn có thêm cảm biến điện tử quang học (EO) gắn trên xe (MSP500).

Bên cạnh radar MPQ-64 Sentinel, NASAMS còn có thêm cảm biến điện tử quang học (EO) gắn trên xe (MSP500) cung cấp dữ liệu tín hiệu thụ động cho FDC để thực hiện các giao tranh thụ động.

Vào thập niên 90, NASAMS thế hệ đầu tiên được đã được Không lực hoàng gia Na Uy triển khai thành một hệ thống phòng không tích hợp trên mặt đất gọi là Giải pháp Na Uy (NORSOL). Hệ thống này kết nối ACRS với 2 hệ thống phòng không qua dây dẫn và sóng vô tuyến. NORSOL còn kết hợp thêm tên lửa phòng không vác vai RBS 70 và pháo Bofors 40mm L70 được điều khiển bởi radar theo dõi Oerlikon Contraves FCS2000.

giai-phap-nauy

Đến đầu những năm 2000, NASAMS 2 được phát triển với nâng cấp chính nằm ở kết nối dữ liệu chiến thuật chuẩn quân đội Link 16 được sử dụng bởi NATO và các quốc gia được Văn phòng chương trình quốc tế MIDS (IPO) cho phép cũng như hệ thống radar AN/MPQ-64F1 Sentinel cải tiến. Radar mới có thể gắn trên nhiều phương tiện khác nhau thay vì là nền tảng xe kéo, có nguồn điện hoạt động riêng và có thể phân bổ dữ liệu độc lập. Radar cũng có phổ tần số rộng hơn và nhiều tốc độ xoay để tăng khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu.

Radar mới có thể gắn trên nhiều phương tiện khác nhau thay vì là nền tảng xe kéo
Radar mới có thể gắn trên nhiều phương tiện khác nhau thay vì là nền tảng xe kéo.

NASAMS 3 được Không lực hoàng gia Na Uy cải tiến và bắn thử thành công vào năm 2019. Thế hệ 3 của NASAMS được nâng cấp với FDC gồm nhiều màn hình điều khiển, ống phóng thiết kế lại để có thể bắn tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder Block II và tên lửa AMRAAM-ER tầm bắn mở rộng bên cạnh AIM-120 AMRAAM. Ngoài ra, Raytheon cũng nâng cấp radar cho NASAMS 3 với hệ thống GhostEye MR - radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) băng tần S với các công nghệ tương tự radar dùng cho hệ thống phòng không MIM-104 Patriot.

Như đã đề cập thì vũ khí chính của NASAMS là tên lửa AIM-120 AMRAAM. Đây là loại tên lửa không đối không tầm trung cải tiến, được triển khai trên nhiều loại máy bay như F-15, F-16, F/A-18, F-22, F-4F, Sea Harrier, Harrier II Plus, Eurofighter, JAS-30 Gripen, JA-37 Viggen và Tornado. NASAMS dùng các biển thế như AIM-120 AMRAAM B/C5 và C7. AIM-120 tùy biến thể mang các loại đầu phân mảnh nổ mạnh 22,7kg hoặc 18,1kg, cơ chế dẫn đường 2 giai đoạn. Thông qua radar, dữ liệu mục tiêu được gởi cho tên lửa ngay trước khi phóng, giúp tên lửa xác định được vị trí của mục tiêu từ điểm phóng, hướng và tốc độ của mục tiêu. Tên lửa sau đó sử dụng dữ liệu này để bay theo đường bay đánh chặn bằng hệ thống dẫn đường quán tính (INS) tích hợp. Sau khi phóng, dữ liệu mục tiêu liên tục được cập nhật từ radar, cho phép tên lửa điều chỉnh hướng bay bằng các vây điều hướng phía sau. Nhờ đó, tên lửa sẽ có thể tiếp cận mục tiêu ở cự ly tự dẫn, đủ gần để có thể bắt mục tiêu trong một vùng gọi là "basket" - trường quan sát radar của tên lửa trong đó nó có thể tự khóa mục tiêu.

Vũ khí chính của NASAMS là tên lửa AIM-120 AMRAAM
Vũ khí chính của NASAMS là tên lửa AIM-120 AMRAAM.

Khi tên lửa đến gần cự ly tự dẫn, nó sẽ bật thiết bị dò tìm radar chủ động và tìm kiếm mục tiêu. Nếu mục tiêu ở trong hoặc gần vị trí dự kiến, tên lửa sẽ tìm thấy mục tiêu và tự dẫn đường đến mục tiêu từ thời điểm này rồi kích nổ. Nếu tên lửa được bắn ở cự ly ngắn, trong tầm quan sát (WVR) hoặc gần tầm quan sát Boresight Visual (BVR), chế độ này còn gọi là dẫn đường tự do không cần radar thì tên lửa sẽ khóa vào thứ đầu tiên mà nó nhìn thấy. AIM-120 AMRAAM bay ở vận tốc đến Mach 4 (4900 km/h), được phóng từ NASAMS thì AIM-120 AMRAAM có tầm bắn tối đa 33 km và tầm bay cao tối đa 15 km.

Bên cạnh AIM-120 AMRAAM, các thế hệ mới của NASAMS có thể bắn tên lửa AMRAAM-ER. AMRAAM-ER thực tế là một biến thể của RIM-162 Evolved Sea Sparrow (ESSM) dùng trên chiến hạm. Nó dùng rocket đẩy của ESSM kết hợp với đầu dò dẫn đường 2 giai đoạn của AMRAAM, tầm bắn được mở rộng thành 50 km và vươn đến các mục tiêu ở độ cao 25 km. NASAMS 3 phóng được thêm tên lửa đánh chặn tầm ngắn nổi tiếng của Raytheon là AIM-9 Sidewinder với biến thể AIM-9X Siddewinder Block II. Video dưới đây cho thấy thử nghiệm đánh chặn của AIM-9X trước những chiếc F-4 điều khiển từ xa.

Tại Mỹ, NASAMS được sử dụng để bảo vệ không phận tại thủ đô Washington, D.C. cũng như không phận quanh Nhà Trắng. Mỹ cũng đã đồng ý chuyển giao NASAMS cho Ukraine theo gói viện trợ quân sự 820 triệu đô. 2 hệ thống NASAMS sẽ được chuyển đến Ukraine trong vài tuần tới, khả năng là từ kho vũ khí của Na Uy. Chưa rõ Ukraine sẽ nhận NASAMS thế hệ nào. Lực lượng Ukraine cũng sẽ cần thời gian để được huấn luyện sử dụng NASAMS. Trước đó Ukraine phụ thuộc nhiều vào các hệ thống phòng không như Buk (SA-11 Gadfly) hay S-300 nhưng nhiều trong số đó đã bị phá hủy. Lợi thế của NASAMS khi triển khai tại Ukraine là lực lượng quân đội nước này đang sử dụng các hệ thống radar AN/MPQ-64 Sentinel. Hơn nữa thông qua Trung tâm phân phối hỏa lực (FDC) thì NASAMS có thể được triển khai theo cấu hình phân tán với các radar và khẩu đội tên lửa được kết nối qua liên kết dữ liệu chiến thuật chuẩn NATO. FDC có thể quản lý cùng lúc 72 tên lửa, nếu một hoặc nhiều nút trong mạng lưới phòng không này bị phá hủy hay chuyển sang chế độ ngoại tuyến thì phần còn lại vẫn hoạt động. Điều này sẽ giúp hệ thống có cơ hội sống sót cao hơn trước các nhiệm vụ tấn công trấn áp hệ thống phòng không (SEAD) của Nga khi nước này đang sử dụng các tên lửa không đối đất như Kh-31 (AS-17 Krypton) với khả năng tấn công hiệu quả vào các hệ thống radar.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn