• Jonathan Beale
  • Phóng viên Quốc phòng

Nhân viên phục vụ của Vương quốc Anh làm việc tại IDCC, Patch Barracks, Stuttgart, Đức

Nguồn hình ảnh, IDCC

Chụp lại hình ảnh,

Quân nhân phục vụ của Vương quốc Anh làm việc tại IDCC, Patch Barracks, Stuttgart, Đức

BBC được phép tiến hành một cuộc thăm viếng hiếm có vào trung tâm đầu não quân sự, nơi các cường quốc phương Tây đang phối hợp để cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine.

Trên gác mái của một doanh trại quân đội Mỹ trông rất tầm thường ở thành phố Stuttgart của Đức, hàng chục quân nhân từ 26 quốc gia đang làm việc suốt ngày đêm để chuyển giao vũ khí cho Ukraine.

Từ căn phòng này, đồng minh phương Tây đã giúp cung cấp vũ khí và đạn dược trị giá gần 8 tỷ USD (6,6 tỷ bảng Anh) cho các lực lượng vũ trang Ukraine. Đó là 66.000 tấn - tương đương 5.000 xe buýt hai tầng ở London, theo như tính toán của một sỹ quan người Anh.

Hầu hết những gì xảy ra tại Patch Barracks đều được phần loại kỹ càng. Chúng tôi được yêu cầu để lại tất cả thiết bị điện tử và không được phép quay phim hay nói chuyện với những người Ukraine thuộc International Donors Coordination Cell (IDCC - Tổ chức Điều phối các Nhà tài trợ Quốc tế).

Quân nhân từ hàng chục quốc gia chăm chú theo dõi màn hình máy tính và điện thoại bàn.

Họ bao gồm một đội nhỏ đến từ Ukraine, chịu sự chỉ đạo của một vị tướng ba sao. Vào đầu mỗi ngày, ông ấy đặt ra những gì đất nước của ông ấy cần.

Tình hình ở Donbas có vẻ ngày càng ảm đạm, nhưng ngay tại Stuttgart đây, có một cảm giác khẩn cấp hơn là hoảng sợ.

Xung quanh dãy bàn làm việc, một đội có nhiệm vụ tìm nguồn cung cấp.

Đôi khi họ sẽ tìm thấy một quốc gia sẵn sàng cung cấp vũ khí, nhưng sau đó sẽ phải theo dõi một quốc gia khác để tìm đúng loại đạn hoặc phương tiện để vận chuyển chúng.

Hiện họ đã phát triển một cơ sở dữ liệu để người Ukraine có thể liệt kê những thứ cần ưu tiên của họ.

Các quốc gia tài trợ có thể truy cập vào thông tin đó và quyết định những gì họ sẵn có và có thể cung cấp.

Chuẩn tướng Chris King, sĩ quan cao cấp của Anh, cho biết viện trợ quân sự đang được vận chuyển bằng đường hàng không, đường bộ, đường sắt và đường biển và tới nhiều địa điểm "để đảm bảo chúng tôi không có bất kỳ thất bại nào".

Ông nói rằng Nga đã cố gắng đẩy mạnh các cuộc tấn công vào các tuyến đường cung cấp nhưng không có sự gián đoạn "đáng kể" nào đối với việc vận chuyển của họ.

Tôi hỏi liệu có chuyến hàng cung cấp nào bị bắn trúng không.

"Có, tôi đoán là như vậy," ông trả lời.

Nhiệm vụ chuyển vũ khí và đạn dược qua biên giới được giao cho chính người Ukraine, Thiếu tướng Hải quân Duke Heinz, chỉ huy cấp cao của Mỹ tại IDCC, cho biết.

"Tại Ba Lan và các quốc gia khác, người Ukraine đến và lấy - vì vậy họ chính là người xác định làm cách nào để chuyển qua biên giới."

Khi vũ khí được chuyển qua biên giới, chúng có thể được đưa đến tiền tuyến "trong vòng 48 giờ".

Nguồn hình ảnh, Alamy

Chụp lại hình ảnh,

Xe tăng M777 của Mỹ đã đến Ukraine

Gần đây có những cảnh báo đáng báo động từ Ukraine rằng việc chuyển giao vũ khí là quá ít và quá trễ.

Khi Nga tiếp tục bắn phá vùng Donbas, những lời cầu xin giúp đỡ ngày càng có vẻ tuyệt vọng hơn. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine nói rằng, cho đến nay, nước này mới chỉ nhận được 10% những gì họ yêu cầu.

Tại Stuttgart, Thiếu tướng Hải quân Heinz đưa ra một thông điệp rất khác: "Tôi tin rằng họ sẽ không bị hết đạn".

Bất chấp tin tức nghiêm trọng từ Donbas, ông nói "Tôi sẽ không nói rằng họ đang thua, tôi muốn nói rằng họ có khả năng đối địch."

Yêu cầu thay đổi

Các yêu cầu của Ukraine đã thay đổi đáng kể trong vài tháng qua.

IDCC được thành lập vào cuối tháng Hai - tập hợp hai nỗ lực riêng biệt do Mỹ và Anh dẫn đầu. Khi chiến tranh nổ ra, họ đã gửi vũ khí nhỏ và đạn dược - chẳng hạn như tên lửa chống tăng và phòng không. Giờ đây, người Ukraine đang yêu cầu trang bị vũ khí hạng nặng hơn - pháo, multiple rocket launchers (MRL - hệ thống tên lửa nhiều bệ phóng) và hệ thống phòng không.

Trong những ngày đầu của cuộc chiến, IDCC đã cố gắng tìm nguồn dự trữ vũ khí và đạn dược cũ của Liên Xô từ các nước thuộc khối Liên Xô cũ - các hệ thống tương tự mà lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng trong nhiều thập niên.

Những nguồn cung cấp đó đang dần cạn kiệt. Hiện chỉ có một nhà máy ở châu Âu sản xuất đạn pháo 152mm tương thích với vũ khí của Liên Xô.

Dần dần, họ chuyển đổi sang thiết bị theo tiêu chuẩn Nato. Trong vài tháng qua, Ukraine đã được gửi hơn 100 khẩu pháo M777 của Mỹ và 300.000 đạn 155mm.

Đào tạo

Điều này mang đến một thách thức khác, vì các lực lượng Ukraine cần được đào tạo về cách thức sử dụng vũ khí và đạn dược.

IDCC đang tiến hành công tác đào tạo bên ngoài lãnh thổ Ukraine. Một số binh sĩ Ukraine hiện đang được huấn luyện ở Anh về các loại súng pháo mới và MRL do Anh cung cấp.

Các hệ thống đơn giản hơn có thể được dạy từ xa, bằng cách sử dụng video và sách hướng dẫn.

Cả Thiếu tướng Hải quân Heinz và Chuẩn tướng King đều không tin rằng cuộc chiến này sẽ nhanh chóng kết thúc.

Cả hai đều cho biết họ đang chuẩn bị tiến hành công việc này lâu dài.

Khi tôi hỏi người phụ trách lữ đoàn là bao lâu, ông ta trả lời, "Sẽ không phải là vài tháng, tôi nghĩ chúng tôi sẽ ở đây trong một vài năm."

Nhưng có một số người trong Nato đặt câu hỏi liệu phương Tây có thực sự chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể kéo dài trong nhiều năm hay không.

Vì cuộc chiến này chắc chắn có thể kiểm chứng sự thống nhất, quyết tâm và khả năng giới hạn của kho dự trữ vũ khí và đạn dược của tổ chức này.

Ở Stuttgart, họ biết rằng mức độ tham gia không thể cao hơn.

Ông Heinz mô tả nhiệm vụ cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine là "công việc quan trọng nhất mà bộ tư lệnh này đã thực hiện" kể từ khi EUCOM (Bộ tư lệnh châu Âu) của Mỹ được thành lập vào năm 1952.

Chuẩn tướng King gọi đó là "thời điểm mang tính thế hệ" và nói rằng sự lựa chọn là sáng suốt:

"Nếu chúng tôi không làm đủ, thì chúng tôi sẽ gieo mầm cho xung đột trong tương lai."