Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ có ba lợi thế, vũ khí chống hạm của ĐCSTQ khó có thể tấn công

Thứ Sáu, 13 Tháng Năm 20221:00 SA(Xem: 2034)
Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ có ba lợi thế, vũ khí chống hạm của ĐCSTQ khó có thể tấn công

An Liên

Hàng không mẫu hạm Nimitz của Hải quân Hoa Kỳ (Ảnh: Pixabay).

Mặc dù giới truyền thông đã phóng đại rằng ĐCSTQ đang phát triển vũ khí chống hạm, nhắm vào hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Nhưng các chỉ huy hàng không mẫu hạm của Mỹ tự tin rằng hàng không mẫu hạm của Mỹ không chỉ khó tìm mà còn được bảo vệ tốt và ít bị tấn công hơn.

Quân đội Hoa Kỳ hiện đang có 11 hàng không mẫu hạm, bao gồm 10 hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz và một hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Ford.

Quân đội Trung Quốc cũng đang phát triển vũ khí chống hạm để nhắm vào các hàng không mẫu hạm của Mỹ, làm dấy lên lo ngại. Chỉ huy trưởng Paul Campagna, chỉ huy tàu USS Dwight David Eisenhower, cho biết tại một cuộc hội thảo hàng không và đường biển ở National Harbour, Maryland vào ngày 5/4, “Tôi nghĩ rằng hàng không mẫu hạm đã chứng tỏ mình rất bền bỉ. Đối với bất kỳ ai lo ngại rằng có những mối đe dọa hiện hữu ngoài kia, tôi chỉ nói rằng hàng không mẫu hạm không có trong danh sách”.

“Nó (hàng không mẫu hạm) được khai triển với các liên đội không quân, nó được khai triển với các nhóm tấn công. Nó được khai triển với các lớp phòng thủ từ đại dương đến không gian, và bất cứ ai nghĩ rằng chúng tôi dễ bị tấn công là rất sai lầm”, ông Campagna nói thêm.

Trung Quốc nghiên cứu và phát triển vũ khí chống hạm gây mất ổn định khu vực ở Biển Đông và Biển Hoa Đông

Tên lửa chống hạm của Trung Quốc là mối quan tâm lớn, đặc biệt là tên lửa đạn đạo Dongfeng-21D (DF-21D) và Dongfeng-26B (DF-26B), được thiết kế cho các mục tiêu hải quân và đôi khi được gọi là “sát thủ hàng không mẫu hạm”. Một số người coi tên lửa là mối đe dọa đối với các tàu và căn cứ của Hoa Kỳ.

Vào tháng 8 năm 2020, ĐCSTQ gây lo ngại khi phóng tên lửa chống hạm Dongfeng-26B và Dongfeng-21D vào Biển Đông. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12 năm đó, ông Adm. Philip Davidson, khi đó là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, xác nhận rằng các tên lửa đã được bắn vào “các mục tiêu di động” và cho biết các quan chức Hoa Kỳ “đã biết trong nhiều năm” rằng Trung Quốc đang tìm kiếm khả năng tấn công này.

Trung tướng Jeffrey Trussler, Giám đốc Tình báo Hải quân, cho biết vào tháng 2 năm 2021 rằng Trung Quốc đang “đầu tư mạnh mẽ để có khả năng tên lửa chống hạm ngoài khơi Biển Đông”, ông nói thêm: “Đây là một nỗ lực nhằm gây mất ổn định ở Biển Đông, Biển Hoa Đông – tất cả những khu vực đó”.

Các phương tiện truyền thông, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ thường gọi tên lửa Dongfeng là “sát thủ hàng không mẫu hạm”. Nhưng các cựu chuyên gia quân sự của Ngũ Giác Đài cho rằng, tên lửa Dongfeng thực tế khó xuyên thủng hệ thống phòng thủ nhiều lớp hiện đại của hàng không mẫu hạm Mỹ.

Một ngày sau vụ thử tên lửa của ĐCSTQ, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin đã đi vào vùng biển Tây Sa của Biển Đông để thực hiện “sứ mệnh tự do hàng hải”. Các nhà phân tích cho rằng điều này có nghĩa là vệ tinh, máy bay trinh sát và hệ thống chiến đấu Aegis của quân đội Hoa Kỳ từ lâu đã nắm được toàn bộ quy trình tên lửa của ĐCSTQ từ khi phóng đến khi rơi xuống và đã tiến hành khai triển tương ứng.

Dưới đây là ba lợi thế của hàng không mẫu hạm Mỹ giúp chúng ít bị vũ khí chống hạm của ĐCSTQ tấn công hơn.

1. Hàng không mẫu hạm Mỹ có khả năng phục hồi vượt trội và có tính sát thương đối với kẻ thù

Các quan chức hiện tại và trước đây của Hải quân Hoa Kỳ thừa nhận rằng hàng không mẫu hạm không phải là bất khả xâm phạm, nhưng họ nhấn mạnh rằng hàng không mẫu hạm được bảo vệ tốt và có khả năng phục hồi, và nó có một số rủi ro khi hoạt động.

Ông Campagna nói rằng, nhờ việc chia khoang trong hàng không mẫu hạm, chúng tôi có khả năng sửa chữa các khoang trên toàn bộ con tàu, tương đương với việc có một trạm cứu hỏa bên trong tàu; “Cũng như chúng tôi niêm phong nó (hàng không mẫu hạm) bằng 1.000 feet thép để có khả năng hấp thụ bất kỳ loại chấn động nào, nó (hàng không mẫu hạm) có khả năng chịu đựng được”.

“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tôi có thể gây chết người (đối với kẻ thù)”, ông nói.

Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc “thử nghiệm xung kích” đối với hàng không mẫu hạm mới nhất, USS Gerald R. Ford, vào mùa hè năm 2021, cho nổ 40.000 pound chất nổ trong vùng nước xung quanh hàng không mẫu hạm.

USS Ford là hàng không mẫu hạm đầu tiên vượt qua cuộc thử nghiệm va đập kể từ năm 1987. Các cuộc thử nghiệm không mô phỏng một tác động trực tiếp, nhưng các quan chức Hải quân cho biết là hàng không mẫu hạm cuối cùng đã vượt qua các cuộc thử nghiệm đó, con tàu chỉ cần sửa chữa một phần nhỏ sau khi hứng chịu một vụ nổ bom.

Một nhà bình luận Trung Quốc cho biết vào tháng 8 năm đó rằng, các cuộc thử nghiệm đã chứng minh “khả năng siêu phục hồi” của hàng không mẫu hạm Ford đối với các loại vũ khí chống hạm thông thường.

Ông Campagna cho biết hàng không mẫu hạm của Mỹ “được chế tạo rất tốt, như quý vị đã thấy trong các cuộc thử nghiệm va đập của Ford”, “vì vậy tôi rất tin tưởng vào các hàng không mẫu hạm, rất tự tin đưa nó ra khơi trong bất kỳ môi trường nào”.

2. Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ có khả năng phòng thủ nhiều lớp

Các lớp phòng thủ mà ông Campagna đề cập bao gồm hệ thống chống tên lửa đạn đạo trên các tàu của nhóm tấn công hàng không mẫu hạm. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Hoa Kỳ cũng đang tìm kiếm khả năng phòng thủ hàng hải trước mối đe dọa từ tên lửa siêu thanh.

Bản thân hàng không mẫu hạm có các cảm biến và hệ thống phòng thủ, bao gồm tên lửa đất đối không, pháo dẫn đường bằng radar và các biện pháp “tiêu diệt mềm” như mồi nhử và gây nhiễu điện tử. Quân đội Hoa Kỳ cũng đang ngày càng chú ý đến tàu ngầm của Trung Quốc và Nga, và hải quân Hoa Kỳ và các đồng minh đã một lần nữa nhấn mạnh đến chiến tranh chống tàu ngầm.

Những rủi ro do tên lửa tầm xa gây ra đang khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải xem xét lại các hoạt động ngăn chặn hàng không mẫu hạm và các tàu chiến khác ngoài tầm bắn của những tên lửa này cho đến khi máy bay ném bom, tàu ngầm và tên lửa tầm xa của Mỹ có thể bắn hạ tên lửa của đối phương. Hải quân Hoa Kỳ cũng đang tìm kiếm các loại máy bay và vũ khí tầm xa hơn để tiếp tục hoạt động trong tình huống này. Máy bay không người lái tiếp nhiên liệu MQ-25, sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay trên tàu, gần đây đã được thử nghiệm lần đầu tiên trên một hàng không mẫu hạm.

Ông Kris Osborn, cựu chuyên gia cấp cao của Văn phòng trợ lý Bộ trưởng Lục quân về Tiếp thu, Công nghệ và Hậu cần của Ngũ Giác Đài, đã viết trên tờ The National Interest sau khi Trung Quốc phóng tên lửa Dongfeng vào Biển Đông rằng Hải quân Hoa Kỳ đang nhanh chóng xây dựng một thế hệ phòng thủ tàu công nghệ cao mới hơn. Các hệ thống này bao gồm vũ khí laser năng lượng cao được dẫn đường chính xác theo dõi quang học các mục tiêu ở xa và sau đó thiêu hủy chúng.

Ông viết: “Mạng lưới giữa các vũ khí phòng thủ phân lớp ngày càng chặt chẽ, dùng chung hệ thống chỉ huy và điều khiển để nhanh chóng chia sẻ thông tin mục tiêu, phối hợp tấn công và phân loại mục tiêu theo thời gian thực”. Hệ thống mới cũng cho phép phát hiện sớm hơn các mối đe dọa, cho phép chỉ huy phản ứng ngay lập tức.

3. Tốc độ và khả năng cơ động của hàng không mẫu hạm Mỹ khiến kẻ thù khó theo dõi

Mặt khác, quân đội Trung Quốc nếu muốn tấn công hàng không mẫu hạm Mỹ thì trước hết phải có khả năng tìm và theo dõi hàng không mẫu hạm Mỹ, nhưng rất khó làm được điều này.

Hàng không mẫu hạm có thể di chuyển trong khi tên lửa đang bay, nghĩa là tên lửa cần có khả năng xác định vị trí hàng không mẫu hạm hoặc nhận các tín hiệu dẫn đường cập nhật. Tên lửa di chuyển với tốc độ hàng nghìn dặm/giờ cũng tạo ra ma sát, ảnh hưởng đến độ chính xác của việc dẫn đường cho tên lửa và dễ bị radar phát hiện hơn.

Ông Andrew Erickson, giáo sư tại Học viện Hàng hải Trung Quốc thuộc Trường Đại học Hải quân Hoa Kỳ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11 năm 2020 rằng hệ thống dẫn đường tên lửa đã có từ nhiều thập niên và Trung Quốc có thể khắc phục những thiếu sót của hệ thống dẫn đường bằng cách phóng thêm tên lửa vào các khu vực cụ thể. Nhưng các hàng không mẫu hạm của Mỹ sẽ không đợi những tên lửa đó đến.

Ông nói: “(Hàng không mẫu hạm) di chuyển với tốc độ 30 hải lý/giờ và có thể điều hướng trong nhiều không gian đại dương, khiến việc theo dõi nó trở nên rất khó khăn”.

Chỉ huy trưởng Paul Lanzilotta, chỉ huy tàu USS Ford, cho biết tốc độ và khả năng cơ động của hàng không mẫu hạm có nghĩa là “tìm ra hàng không mẫu hạm thực sự đang ở đâu không phải là một chuyện nhỏ”.

“Chúng tôi nhanh chóng và cơ động, và chúng tôi sẽ sử dụng tất cả những khả năng đó để làm lợi thế của mình”, ông Lanzilotta nói. “Nếu bạn không hiểu đại dương rộng lớn như thế nào trong thực tế (tác chiến), thì bạn không hiểu vấn đề nằm ở đâu”.

Theo Hạ Vũ/ The Epoch Times

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn