Dùng trực thăng thu hồi tên lửa rơi trong không trung

Thứ Bảy, 30 Tháng Tư 20221:00 SA(Xem: 2059)
Dùng trực thăng thu hồi tên lửa rơi trong không trung

MỹCông ty chuyên phóng vệ tinh nhỏ Rocket Lab thông báo kế hoạch bắt một phương tiện phóng rơi trở lại Trái Đất bằng trực thăng vào cuối tháng 4.

Mẫu trực thăng sẽ được sử dụng để thu hồi tầng đầu tiên của tên lửa Electron. Ảnh: Rocket Lab

Mẫu trực thăng sẽ được sử dụng để thu hồi tầng đầu tiên của tên lửa Electron. Ảnh: Rocket Lab

Ban đầu, quá trình sẽ diễn ra tương tự các vụ phóng khác vào không gian. Rocket Lab sẽ phóng 34 vệ tinh cubesat cho nhiều khách hàng trên tên lửa Electron 2 tầng. Tầng đầu tiên sẽ tách ra 2,5 phút sau khi phóng và rơi trở lại khí quyển, đạt tốc độ ước tính 8.300 km/h dưới ảnh hưởng của trọng lực. Ở độ cao khoảng 13 km, tầng đầu tiên sẽ mở dù, hạ tốc độ xuống 36 km/h. Trực thăng của Rocket Lab sẽ chờ sẵn và tìm cách móc vào dù, khiến tên lửa ngừng rơi mà không làm rách dù.

"Việc bắt một tên lửa khi phương tiện rơi trở lại Trái Đất không phải nhiệm vụ dễ dàng", Peter Beck, giám đốc điều hành Rocket Lab chia sẻ. "Chúng tôi đã tiến hành nhiều lần bắt tầng tên lửa mô phỏng bằng trực thăng, thực hiện các thử nghiệm mở rộng với dù, và thu hồi thành công tầng thứ nhất của Electron trên biển trong nhiệm vụ thứ 16, 20 và 22".

Trực thăng Sikorsky S-92 có thể chở tầng thứ nhất của tên lửa do tên lửa Electron của Rocket Lab chỉ cao gần bằng 1/3 và nặng bằng 1/40 tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Với trọng lượng 13 tấn khi phóng (nhẹ hơn sau khi dùng hết nhiên liệu đẩy), tầng đẩy của Electron sẽ nằm trong khả năng chịu tải của Sikorsky S-92.

Vụ phóng sẽ diễn ra từ bãi phóng của Rocket Lab trên bán đảo Māhia, New Zealand. Hoạt động thu hồi sẽ diễn ra ngoài khơi. Ngày phóng dự kiến là 22/4. Tính đến nay, Rocket Lab đã phóng hơn 1.700 vệ tinh lên quỹ đạo, bao gồm 112 lần phóng bằng tên lửa Electron. Trong số các vệ tinh sắp được triển khai có 3 vệ tinh từ E-Space, công ty đang lên kế hoạch thu thập rác trên quỹ đạo và đốt cháy trong khí quyển.

An Khang (Theo IFL Science)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn