Hành trình Slovakia chuyển tên lửa S-300 cho Ukraine

Chủ Nhật, 17 Tháng Tư 20224:00 SA(Xem: 2315)
Hành trình Slovakia chuyển tên lửa S-300 cho Ukraine

Một đoàn tàu dài bất thường chạy qua làng Dobra ở phía đông Slovakia, nhưng ít ai biết nó đang mang theo hệ thống tên lửa S-300 tiến về Ukraine.

Trên đường trở về làng Dobra, thuộc vùng Kosice, gần biên giới Ukraine hôm 7/4, Mikulas Csoma phải dừng lại để chờ một đoàn tàu chạy qua và nghĩ sẽ không phải đợi lâu. Nhưng những toa tàu chất đầy thiết bị quân sự cứ nối dài mãi và ông đã phải đợi gần nửa giờ.

"Đó là một đoàn tàu rất dài, dài hơn bình thường rất nhiều", Csoma, thị trưởng của Dobra, ngôi làng yên bình ở phía đông Slovakia, nói.

Dobra đã trở thành một huyết mạch để phương Tây vận chuyển vũ khí vào Ukraine bằng đường sắt trong tháng qua. Chuyến tàu mà ông Csoma gặp đã chở theo một tổ hợp phòng không S-300 gồm 48 tên lửa, 4 bệ phóng và một radar dẫn bắn mà Slovakia tặng cho Ukraine.

Phương Tây đang nỗ lực cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự nhằm giúp Ukraine tăng khả năng phòng thủ trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Trong đó, tăng cường khả năng phòng không tầm xa được xem là đặc biệt quan trọng. Quân đội Ukraine đã biên chế S-300 và các hệ thống phòng không khác, nhưng một số đã bị lực lượng Nga phá hủy.

Radar dẫn bắn cùng xe chở đạn kiêm bệ phóng tên lửa S-300 Slovakia hồi năm 2009. Ảnh: Wikipedia.

Radar dẫn bắn cùng xe chở đạn kiêm bệ phóng tên lửa S-300 Slovakia hồi năm 2009. Ảnh: Wikipedia.

Thay vì gửi tiêm kích NATO tới Ukraine, Mỹ đã đề nghị nước thành viên Slovakia "tặng" cho Kiev hệ thống phòng không S-300 duy nhất trong biên chế nước này, đổi lại Bratislava sẽ được nhận tổ hợp tên lửa Patriot của Washington.

Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad nói trước khi Nga bắt đầu chiến dịch, không ai có thể tưởng tượng Bratislava sẽ tặng miễn phí hệ thống S-300 do Liên Xô sản xuất cho nước láng giềng.

Hệ thống S-300 này là mặt hàng viện trợ lớn nhất mà một quốc gia NATO gửi cho Ukraine. Nó từng được triển khai ở Nitra, thành phố phía đông Bratislava. Từ đó, nó được vận chuyển bằng xe tải và tàu hỏa tới Dobra, nơi có hệ thống đường ray thời Liên Xô với kích thước rộng hơn tiêu chuẩn của châu Âu, đồng nghĩa tàu có thể đến Ukraine, nơi có hệ thống tương tự.

Các lô hàng quân sự trước đây được gửi qua Dobra và thị trấn Cierna nad Tisou gần đó chủ yếu là đạn và vũ khí cơ bản. Các nước phương Tây còn có một con đường viện trợ vũ khí khác cho Ukraine là qua Ba Lan, nơi vận chuyển các loại khí tài như tên lửa Javelin, NLAW và Stinger. Chúng phần lớn là vũ khí nhẹ, cơ động và tương đối dễ cất giấu trong các xe tải đi qua cửa khẩu biên giới Ba Lan vào miền tây Ukraine.

Nhưng một tổ hợp phòng không S-300 quá lớn để có thể cất giấu như vậy, đặc biệt là khi nó được chở trên hơn 120 toa tàu chạy ngang qua rất nhiều tài xế tại các tuyến đường giao cắt. Nó cũng cồng kềnh đến mức phải mất hai ngày để chuyển tổ hợp này từ Dobra vào biên giới Ukraine trên hai đoàn tàu riêng biệt.

Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia cho biết nước này cố gắng giữ bí mật quá trình chuyển giao tổ hợp S-300 cho Ukraine vì lý do an ninh. Tuy nhiên, nỗ lực này bị cản trở khi Robert Fico, cựu thủ tướng Slovakia và hiện là thành viên phe đối lập, hôm 8/4 đăng một video lên Facebook cho thấy đoàn tàu chở tổ hợp S-300 đang trên đường đến Ukraine.

Hành trình Slovakia chuyển Đoàn tàu bí mật mang tên lửa S-300 tới Ukraine

Đoàn tàu chở tổ hợp S-300 trên đường đến Ukraine hôm 8/4. Video: Facebook/Robert Fico.

Fice cáo buộc Thủ tướng Eduard Heger "làm theo những gì Mỹ yêu cầu" và đòi chính phủ Slovakia công bố ngay lập tức thông tin tổ hợp S-300 đang được chuyển tới đâu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nad bác bỏ yêu cầu này, nói rằng phe đối lập ở Slovakia cũng đang tìm cách gây bất lợi cho chính quốc gia của họ và cả Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tháng trước từng cảnh báo Moskva "không cho phép" Slovakia chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga cuối tuần qua tuyên bố đã phá hủy một tổ hợp tên lửa S-300 được "một nước phương Tây chuyển cho Ukraine" và được cất giấu tại nhà chứa máy bay gần thành phố Dnipro, miền trung Ukraine.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nad nói đây là tin giả. Ông cho biết đã trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine và được đảm bảo rằng "hệ thống S-300 do Slovakia chuyển giao đang hoạt động tốt" và không được bố trí ở Dnipro.

Pavel Macko, tướng Slovakia về hưu và từng phục vụ trong lực lượng NATO ở Afghanistan và Đức, nói tổ hợp S-300 mà Slovakia chuyển cho Ukraine được biên chế từ những năm 1980, khi Bratislava còn là thành viên của khối Warsaw. Tuy nó không mạnh mẽ như các tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất, lính Ukraine đã hiểu rõ cách sử dụng S-300 và có thể làm giảm khả năng chiếm ưu thế trên bầu trời của không quân Nga.

"Đây không chỉ sự hỗ trợ mang tính biểu tượng mà còn là phần bổ sung quan trọng cho thể khiến Nga phải thay đổi kế hoạch của họ", ông nói.

Vị trí thủ đô Bratislava và vùng Kosice (màu đỏ) ở Slovakia. Ảnh: Maps Slovakia.

Vị trí thủ đô Bratislava và vùng Kosice (màu đỏ) ở Slovakia. Ảnh: Maps Slovakia.

Thị trưởng Dobra nói ông ủng hộ chính phủ giúp đỡ Ukraine, nhưng thêm rằng giới chức nên thông báo trước về tình trạng gián đoạn giao thông khi vận chuyển S-300.

"Họ không nói bất kỳ điều gì. Ít nhất họ cũng nên cho tôi biết về vấn đề này", ông nói.

Ông Csoma thêm rằng không ai thực sự lo lắng về nguy cơ chiến tranh lan sang Slovakia. Tuy nhiên, giới chức Slovakia cũng đã chuẩn bị cho bất kỳ kịch bản nào xảy ra, như kiểm kê các hầm trú bom. Trong trường hợp xảy ra xung đột, ông được chính phủ đảm bảo rằng sẽ điều xe buýt tới sơ tán 520 cư dân trong làng.

"Nếu điều gì đó tồi tệ xảy ra, tất cả chúng tôi sẽ rời đi. Vì vậy, không có gì phải hoảng sợ cả", ông nói.

Thanh Tâm (Theo NY Times
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn