Siêu Trái Đất rất giàu đá quý, các khoa học gia còn phát hiện hành tinh cổ đại

Thứ Sáu, 08 Tháng Tư 20223:00 SA(Xem: 2041)
Siêu Trái Đất rất giàu đá quý, các khoa học gia còn phát hiện hành tinh cổ đại

Bên ngoài Trái Đất còn có một siêu Trái Đất khác, hơn nữa nó còn chứa một lượng lớn đá quý? Trong hệ ngân hà có một hành tinh nham thạch với niên đại hàng chục tỷ năm tuổi, trên đó có khả năng còn có cả sự sống. Việc phát hiện ra hành tinh này đã làm thay đổi quan điểm của các nhà khoa học về việc tìm kiếm sự sống thông minh ngoài Trái Đất.

Siêu Trái Đất

Các khoa học gia đã phát hiện ra một loại hành tinh mới bên ngoài Hệ Mặt Trời, có thể nói nó là đẳng cấp “siêu Trái đất” (Super-Earth). Loại hành tinh rất gần với hằng tinh mẹ này được hình thành dưới nhiệt độ cao, nó chứa một lượng lớn canxi, nhôm cũng như hợp chất (oxide) của các kim loại này, trong đó bao gồm cả hồng ngọc và ngọc bích.

“Siêu Trái đất” là khái niệm chỉ những hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời, có tỷ lệ nham thạch và kim loại cao, và có khối lượng lớn hơn Trái Đất nhưng vẫn nhỏ hơn Sao Hải Vương.

So với Trái Đất, quỹ đạo quay của loại hành tinh mới này gần với hằng tinh mẹ hơn, và thành phần cấu tạo cũng rất khác biệt. Không giống như Trái Đất có hạt nhân cấu tạo từ kim loại sắt, những hành tinh này thường chứa một lượng lớn canxi và nhôm. Điều này đồng nghĩa với việc hồng ngọc và ngọc bích cũng có thể tồn tại vì chúng được cấu tạo từ một dạng tinh thể của nhôm oxide.

Bà Caroline Dorn, một nhà vật lý thiên văn tại Đại học Zurich ở Thụy Sĩ, cho biết: Vì thành phần chính của loại hành tinh này là canxi và nhôm, hơn nữa chúng hầu như không có sắt, vì vậy chúng có thể không có từ trường giống như Trái Đất. Vì cấu trúc bên trong khác nhau như vậy, cho nên nhiệt độ và thành phần khí quyển của chúng sẽ khác với “siêu Trái đất” thông thường nói chung.

Các khoa học gia từ Đại học Zurich ở Thụy Sĩ và Đại học Cambridge ở Vương quốc Anh đã thừa nhận 3 ngoại hành tinh có thể thuộc loại “siêu Trái đất” cực nóng này, trong đó bao gồm: HD 219134 b, 55 Cancri e và WASP-47 e.

“HD 219134 b” cách Trái Đất 21 năm ánh sáng. Chu kỳ quay quanh hằng tinh mẹ của nó là 3 ngày và có khối lượng gấp khoảng 5 lần Trái Đất. Bởi vì nó chứa một hàm lượng lớn canxi và nhôm, vậy nên “nó có thể lấp lánh ánh sáng màu đỏ và xanh lam giống hồng ngọc và ngọc bích, bởi vì những loại đá quý này là nhôm oxide“.

Siêu Trái Đất
Mô phỏng nghệ thuật của HD 219134 b. (Ảnh: Wikipedia)

Ngoài ra, “55 Cancri e” cách trái đất 40 năm ánh sáng và chu kỳ quay của nó chỉ có 18 giờ; trong khi “WASP-47 e” cách Trái Đất 870 năm ánh sáng và chu kỳ quay của nó cũng là 18 giờ. Hai hành tinh này rất gần với hằng tinh mẹ, và nhiệt độ bề mặt của chúng gần như đạt đến 3,000 độ.

“55 Cancri e” đã từng xuất hiện trên các đầu mục tin tức vào năm 2012. Trước đây, các nhà khoa học giả định rằng “55 Cancri e” rất giàu nguyên tố carbon và có thể chứa một lượng lớn kim cương. Hiện tại, họ đã sửa lại tuyên bố này dựa trên những quan sát đo đạc sau đó. Các khoa học gia cho biết: “Chúng tôi đang biến hành tinh kim cương giả định này thành hành tinh hành tinh sapphire [ngọc bích]”.

Siêu Trái Đất
So sánh Trái Đất với 55 Cancri e (bán kính gấp đôi bán kính của Trái Đất). (Ảnh: Wikipedia)

Hành tinh cổ đại – “TOI-561b”

Trong Hệ Ngân Hà còn có một hành tinh nham thạch có niên đại hàng chục tỷ năm, trên đó có thể có tồn tại sự sống.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành tinh nham thạch có niên đại khoảng chục tỷ năm tuổi trong Hệ Ngân Hà của chúng ta, và họ tin rằng có thể đã từng tồn tại sự sống trên đó. Hệ Ngân Hà có lịch sử khoảng 12 tỷ năm, cho thấy hành tinh này được hình thành gần như ngay từ giai đoạn đầu hình thành Hệ Ngân Hà. Việc phát hiện ra hành tinh này đã thay đổi quan điểm của các nhà khoa học về việc tìm kiếm sự sống thông minh ngoài Trái Đất.

Hành tinh có tên “TOI-561b” nằm cách Trái Đất khoảng 280 năm ánh sáng tại vị trí chòm sao Sextans trên bầu trời phía Nam, có thể tích gấp 1.45 lần Trái Đất và khối lượng vào khoảng gấp 3 lần Trái Đất.

Ngôi sao chủ của nó, TOI-561, là một ngôi sao lùn màu cam có lịch sử khoảng 10 tỷ năm, là một trong những hằng tinh lâu đời nhất được biết đến trong Hệ Ngân Hà cho đến thời điểm hiện nay. TOI-561b cũng có lịch sử khoảng chục tỷ năm.

Trưởng nhóm nghiên cứu là ông Lauren Weiss, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Hawaii. Ông cho biết: “TOI-561b là một trong những hành tinh nham thạch lâu đời nhất được phát hiện tính đến thời điểm này. Sự tồn tại của nó cho thấy vũ trụ đã được sinh ra từ 14 tỷ năm trước và đến nay vẫn không ngừng sản sinh ra những hành tinh nham thạch”.

Hành tinh này chỉ mất 10.5 giờ để quay một vòng quanh ngôi sao chủ, và nó cũng tự xoay chuyển đồng bộ với ngôi sao chủ, giống với hình thức mà Mặt Trăng quay quanh Trái Đất của chúng ta, vĩnh viễn chỉ có một mặt là đối diện với ngôi chủ của nó. Điều này có nghĩa là một mặt của hành tinh này vĩnh viễn là ban ngày, và mặt kia vĩnh viễn là ban đêm. Nhiệt độ ở mặt đối diện với ngôi sao chính có thể lên tới 4,000 ° F (Fahrenheit), có khả năng là một đại dương cuồn cuộn nham thạch nóng chảy; mặt còn lại vĩnh viễn là ban đêm kia có khả năng là bề mặt lục địa nham thạch.

Hầu hết các tinh hệ xoắn ốc tương tự như Hệ Ngân Hà đều có hai mặt đĩa: một vùng đĩa mỏng và một vùng đĩa dày. Hãy tưởng tượng rằng Hệ Ngân Hà giống như hai quả trứng tráng trên dưới dính liền nhau, và vùng đĩa mỏng chính là khu vực lòng trắng trứng dẹt. Các hằng tinh trong khu vực này tương đối dày đặc. Tuy nhiên, có rất nhiều hằng tinh phân bố ở khu vực trên dưới lân cận của khu vực này, các nhà khoa học gọi toàn bộ khu vực có phạm vị rộng lớn này là vùng đĩa dày.

Nói chung, các hằng tinh trong vùng đĩa dày thiếu các nguyên tố kim loại như sắt và magie, vì vậy các nhà khoa học cho rằng khả năng có tồn tại hành tinh trong hệ thống của các hằng tinh này là rất thấp. Như hầu hết các dữ liệu quan sát đo đạc được, phần lớn các hành tinh đều nằm trong hệ thống hằng tinh thuộc vùng đĩa mỏng. Tuy nhiên, hành tinh mới được phát hiện này lại nằm trong vùng đĩa dày của Hệ Ngân Hà.

Lịch sử tương đối của hằng tinh trong vùng đĩa dày cũng lâu hơn, cho thấy hành tinh nham thạch này đã xuất hiện và bắt đầu tiến hóa khi vũ trụ ra đời cách đây hơn 10 tỷ năm. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng có thể đã từng có sự sống tồn tại trên đó hàng tỷ năm trước.

“Điều này cho thấy trong hàng chục tỷ năm qua cho đến nay, thậm chí quá trình lịch sử 12 tỷ năm của Hệ Ngân Hà, đã sản sinh ra các hành tinh nham thạch. Hãy tưởng tượng lịch sử trên một hành tinh nham thạch 10 tỷ năm tuổi?”.

Nghiên cứu này đã được trình bày tại Hội nghị lần thứ 237 của Hiệp hội Thiên văn Hoa Kỳ được tổ chức hồi tháng 1 năm 2021. Nghiên cứu này cũng được công bố trên tạp chí The Astronomical Journal số ra vào tháng 2 năm 2021.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn