Cuộc sống dữ dội ở hòn đảo hẻo lánh của Scotland

Thứ Hai, 05 Tháng Ba 201810:00 CH(Xem: 6213)
Cuộc sống dữ dội ở hòn đảo hẻo lánh của Scotland
bbc.com
Amanda Ruggeri BBC Travel

Foula Bản quyền hình ảnh Jeff J Mitchell/Getty

Trên hòn đảo tận rìa thế giới chỉ có vài chục người sinh sống, tự chiến đấu với những cơn bão biển dữ dội và phải vượt qua sự cô độc không có ai kề bên.

Dữ dội và ngoạn mục

Về mặt địa lý là gần Na Uy hơn thủ phủ Edinburgh của Scotland, Quần đảo Shetland thực sự nằm ở một vùng xa xôi, hẻo lánh. Nhưng hòn đảo nhỏ Foula với dân số chỉ 30 người lại khiến những phần khác của quần đảo này có vẻ còn gần gũi chán. Cách 20 dặm về phía tây tính từ khu vực đất lở gần đó, đây là hòn đảo hoang vu nhất, ít cư dân sinh sống nhất trên các cụm đảo nhỏ của Anh Quốc.

Và đó chính là điều lôi cuốn nhiếp ảnh gia Jeff J Mitchell của Getty đến nơi này. "Rất khó để đến đảo trong một số điều kiện thời tiết," ông chia sẻ với BBC Travel. "Bạn có thể mắc kẹt ở đó. Bạn phải tự mang theo thức ăn vì chẳng có nhà trọ có phục vụ bữa sáng nào để bạn nghỉ chân."

Rồi đến lượt thời tiết. "Nơi đó quá hút gió, gió khiến tôi thức dậy giữa đêm. Tôi ngỡ như mình sắp bị thổi tung thành nhiều mảnh."

Những bức ảnh của Mitchell sau bốn ngày chụp với cư dân và hòn đảo cho ta thêm một góc nhìn về cuộc sống ở vùng đất dữ dội và ngoạn mục này.

Foula Bản quyền hình ảnh Jeff J Mitchell/Getty

Nguồn gốc cổ xưa

Chỉ rộng chừng 5 dặm vuông, nhưng đảo Foula đã là nơi con người tới sinh sống từ 5.000 năm trước. Vào Thế kỷ 9, người Na Uy xâm chiếm hòn đảo, để lại dấu ấn là ngôn ngữ cổ xưa, là tiếng Norn. Thứ tiếng này vẫn còn được người dân trên đảo dùng mãi đến Thế kỷ 19. Vào Thế kỷ 15, người Scotland chiếm lại hòn đảo. Ngày nay, đảo thuộc sở hữu tư nhân của gia đình Holbourn.

Dân số trên đảo biến động nhiều năm qua. Với tổng số cư dân là 30 người hiện nay, đảo có một em bé đang trong độ tuổi đi học và học một mình tại ngôi trường ở Foula. "Rất nhiều [cư dân] có liên hệ với hòn đảo," Mitchell nói, dù họ lớn lên ở Foula hay lập gia đình tại đó. "Tôi nghĩ để sinh tồn ở một nơi như vậy, bạn cần phải có mối liên hệ với hòn đảo theo một cách nào đó."

Foula Bản quyền hình ảnh Jeff J Mitchell/Getty

Bên rìa thế giới

Vào năm 1937, bộ phim có tên "Bên rìa thế giới" được tung ra. Phim kể về đảo St Kilda, một hòn đảo thuộc Scotland nằm ở nơi còn hẻo lánh hơn cả Foula. Các cư dân cuối cùng của hòn đảo đã được yêu cầu phải chuyển vào sống ở đất liền từ năm 1930. Nhưng đạo diễn bộ phim đã rất thất vọng khi ông không được phép quay phim tại đó.

Thế là ông chuyển sang trên một đảo có cảnh thiên nhiên hoang dã, vị trí cô lập và cư dân địa phương, và nơi phù hợp nhất chính là Foula.

"Một đồng nghiệp quen tôi đã xem bộ phim, và ông nói điều gây ấn tượng với ông chính là ngoại cảnh của bộ phim," Mitchell kể lại. "Đó đúng là những người dân Foula mặc trang phục của riêng mình. Đoàn làm phim không cần phải cung cấp trang phục cho người dân hay bất kỳ thứ gì như vậy. Họ trông đúng là một phần của bộ phim."

Foula Bản quyền hình ảnh Jeff J Mitchell/Getty

Tiếng gọi của đơn côi

Đảo Foula giờ đây có kết nối tốt hơn 80 năm trước rất nhiều. Chẳng hạn như giờ đây đã có các chuyến bay nối Foula với đảo chính của quần đảo Shetlands, đảo Mainland, bốn ngày mỗi tuần, nhờ vào đường băng mà cư dân đảo đã xây dựng từ thập niên 1970. Tuy nhiên, vẫn không có sóng điện thoại di động và quá ít dân cư, Foula có vẻ như xa xôi về nhiều mặt, không chỉ do yếu tố địa lý.

"Không có tình trạng giao thông xe cộ đi lại tấp nập, không tiếng ồn, không ô nhiễm tiếng ồn. Điện thoại di động không hoạt động," Mitchell kể lại. "Tôi thích thế." Thậm chí cả buồng điện thoại công cộng trong bức ảnh này cũng chẳng hoạt động, mặc dù có điện thoại công cộng ở sân bay, và người dân đều có điện thoại bàn.

Nhưng bạn sẽ có cảm giác sẽ khác nếu bạn là cư dân địa phương, khi thậm chí chỉ cần đi khám răng, đi mua đồ tạp hóa cũng cần phải đi máy bay hay dùng thuyền vượt biển. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cư dân trên đảo không được kết nối, theo Stuart Taylor, người đã sống ở Foula hơn 30 năm kể từ khi chuyển đến đảo sống cùng gia đình từ hồi ông mới lên 10 tuổi. "Những chuyện như việc chúng tôi bị cô lập hoàn toàn và nhiều thứ khác, bạn không thực sự cảm thấy đâu, tôi thậm chí không cảm thấy đó là thật," ông nói. "Chúng tôi vẫn có điện thoại, internet, điện và TV. Vậy chính xác ta bị cô lập khỏi cái gì?"

Tuy nhiên, ông Taylor thừa nhận, mọi việc không hẳn giống như vậy với du khách đến đây. Điển hình là, ông nhớ một du khách từ Edinburg nói ông ấy đi tìm sự bình an và tĩnh lặng. Ông khách chỉ ở được một ngày và đón ngay chuyến tàu kế tiếp ra về. "Ông ấy thực sự không kiểm soát được sự cô đơn," Taylor nói và cười khúc khích.

Foula Bản quyền hình ảnh Jeff J Mitchell/Getty

Sinh hoạt vui vẻ

Một phần nguyên nhân khiến ông Taylor không cảm thấy bị cô lập là vì có cộng đồng dân đảo. "Chỉ cần một cuộc điện thoại là ta đã có thể mời mọi người tới ăn tối hay chơi nhạc," ông cho biết.

Một đêm trong chuyến đi của nhiếp ảnh gia Mitchell, ông Taylor tổ chức buổi hát với nhau tại nhà, chơi nhạc dân ca truyền thống Scotland. "Tất cả họ đều rất giỏi âm nhạc," Mitchell nói về những người tham dự. "Họ đều chơi nhạc cụ dây như đàn mandolin hoặc guitar."

Sự gắn bó thân tình của người dân trên đảo có thể không thấy rõ với du khách, trừ khi, theo Mitchell, du khách ở lại đảo một, hai ngày trở lên. Là người lạ đến đảo, Mitchell cho biết một trong những trở ngại là phải làm sao để người địa phương thấy thoải mái với ông để ông có thể chụp được một phần về đời sống của họ. "Mỗi người đều có một chút gì đó, tôi không gọi đó hẳn là xa lạ, nhưng họ muốn giữ lại sự riêng tư của chính họ," ông nói. "Nhưng nếu bạn ở đó khoảng bốn ngày, mọi người thấy bạn dạo quanh và cuối cùng cũng sẽ bắt chuyện với bạn."

Bản quyền hình ảnh Jeff J Mitchell/Getty

Đa năng

Những sự kiện như cuộc hát với nhau là những hoạt động vui chơi ban đêm duy nhất trên đảo. Không có quán rượu, không cửa hàng. Nhưng ở đó có một bưu điện," Mitchell nói.

Để cơ sở hạ tầng trên đảo có thể hoạt động, mọi người đều phải chung tay; nên hầu hết dân đảo đều làm nhiều nghề. Một người làm việc ở trường học và cũng là lính cứu hỏa tại sân bay, một người khác quản lý bưu điện và dẫn tour du lịch vòng quanh đảo cho du khách. Và tất cả cư dân đều sở hữu ít nhiều gia súc, hầu hết là cừu.

Bản quyền hình ảnh Jeff J Mitchell/Getty

Đến chợ

Ngoài du lịch, số lượng chim biển trên đảo Foula cũng khiến vài trăm người yêu thích quan sát các loài chim đến đảo mỗi mùa hè. Ngành công nghiệp chính ở đây là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chủ yếu là dựa vào cừu.

Nhưng khác với những cộng đồng nông nghiệp nhỏ khác, ở đây để đưa cừu đến chợ phải qua một chuyến đi vượt Bắc Đại Tây Dương. Một máy bay cánh quạt động cơ kép bay từ Mainland đến đảo này rõ ràng là không thích hợp để chở gia súc. Thay vào đó, gia súc (cùng với bất cứ hàng hóa gì cồng kềnh) đều phải di chuyển bằng tàu, như những chú cừu trong ảnh trên đây đang được chuyển đi bán lấy len và thịt.

Bản quyền hình ảnh Jeff J Mitchell/Getty

Thế giới hoang dã

Vì đảo quá nhỏ, và vì mọi người đều biết nhau, cho nên rất nhiều động vật, gia súc có thể lang thang tự do. Mitchell chụp một tấm ảnh những chú ngựa lùn Shetland. "Tôi nhìn thấy bọn ngựa lùn này từ xa, chúng chạy xuống đường rồi tụ lại thành đàn," ông tả. "Đó là cách bạn vô tình có được những bức ảnh trong câu chuyện thế này. Mọi thứ chỉ mới bắt đầu xảy ra."

Khá giống cừu, ngựa lùn hiếm khi có cuộc sống chỉ ở trên đảo Foula. Là giống ngựa được ưa chuộng cho cả việc biểu diễn lẫn để cưỡi, chúng được nhân giống rồi đem đi bán ở các nơi khác.

Bản quyền hình ảnh Jeff J Mitchell/Getty

Cuộc gặp tình cờ

Ông Crofter Eric Ibister, 78 tuổi, sinh trưởng ở Foula. Ông chỉ mời rời đảo có hai lần, và một trong hai lần đó là khi ông chào đời. Ban đầu, Mitchell lẽ ra sẽ được một người dân đảo dắt đến giới thiệu với ông Eric. Nhưng cuối cùng Mitchell lại lái xe ngang qua nhà của gia đình Ibister và thấy ông đang cho chú bò Daisy và chú dê Dixy ăn ngoài cửa. Bất ngờ, Mitchell dừng xe lại chào và hỏi xin phép chụp vài tấm ảnh.

Trước sự ngạc nhiên của Mitchell, ông Ibister rất cởi mở và mời ông vào nhà - mặc dù trước đó mọi người đã dặn Mitchell đừng có xuất hiện bất thần trước mặt ông. Về sau, Mitchell nói, "chúng tôi nghĩ ông ấy đã nhận lầm tôi với người khác... thị lực của ông ấy không tốt lắm."

Mitchell ở nhà một người địa phương mà ông Ibister quen. Cả hai có chiều cao tương đương, cùng đội một loại mũ phớt giống nhau và Mitchell đã mượn xe của ông chủ nhà. "Nhưng khi tôi vào trong nhà, chúng tôi bắt đầu nói chuyện," Mitchell kể lại, và nói thêm rõ ràng bác nông dân nhanh chóng nhận ra rằng Mitchell không phải là người dân đảo bác quen. "Tôi đã ở đó 1,5 giờ."

Bản quyền hình ảnh Jeff J Mitchell/Getty

Ngược về quá khứ

"Ngôi nhà của ông như quay ngược lại thời gian. Đó thực sự chính là ngôi nhà của một nhà nông," Mitchell mô tả ngôi nhà của Ibister. Cùng với rất nhiều sách và đĩa nhạc than cũ, bác nông dân còn có một bếp lò bằng gang giữa phòng khách, dùng để nấu ăn và giữ ấm ngôi nhà trong mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp đến dưới 0 độ C.

Bản quyền hình ảnh Jeff J Mitchell/Getty

Nghịch lý của bình yên

Hầu hết du khách đến Foula lo lắng họ sẽ bị mắc kẹt trên đảo vì thời tiết. Và vì thường xuyên có bão, tình cảnh này hay xảy ra.

Nhưng, thật kinh ngạc, đây cũng là lý do khiến ông Taylor yêu thích đời sống trên đảo. "Điều tuyệt vời nhất là bạn biết khi nào bạn bị cách ly, và sẽ không có bất cứ phương tiện nào trên đảo, và bạn quen mọi người trên đảo," ông chia sẻ. "Sẽ rất hiếm khi bạn gặp phải tình huống khẩn cấp hay vấn đề nào. Ở đây rất dễ chịu."

Đó là nghịch lý của vùng đất như Foula. Nơi này có thể xa những tổ chức, cơ quan mà hầu hết các cộng đồng đều dựa vào, như bệnh viện hay cảnh sát. Nhưng khoảng cách rất xa đó khiến cộng đồng biết tự duy trì - là nơi khiến cư dân cảm thấy bình yên vì họ tự tin có thể tự sinh tồn được.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn