Thần hộ mệnh ở hòn đảo thiêng Canada

Thứ Bảy, 03 Tháng Ba 20183:00 SA(Xem: 6803)
Thần hộ mệnh ở hòn đảo thiêng Canada
bbc.com
April Orcutt BBC Travel

April Orcutt Bản quyền hình ảnh April Orcutt

Trong hơn 150 năm, những cột linh vật làm từ gỗ tuyết tùng cao chót vót đã canh giữ đất đai của làng SGang Gwaay (Ninstints).

Các cây cột mang hình ảnh chạm khắc phức tạp thể hiện những con quạ, đại bàng và những chú chim sấm khổng lồ, thể hiện sự gắn kết không gì lay chuyển được giữa con người và thiên nhiên. Cột linh vật trên hòn đảo bé nhỏ, đầy đá và rừng xanh ở Thái Bình Dương này chỉ là một trong số ít những cột gỗ chạm khắc bởi người Haida, một tộc người có nền văn hóa không thể tách rời khỏi quần đảo trong suốt 13.000 năm qua.


Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

"Văn hóa Haida là mối quan hệ giữa đất đai và biển cả. Cột gỗ linh vật thể hiện mối quan hệ với đất đai và biển cả. Nếu ta không còn đường [vào đất liền], ta sẽ đánh mất nền văn hóa," Guujaaw, cựu chủ tịch của Hội đồng Thổ dân Haida nhận định.

April Orcutt Bản quyền hình ảnh April Orcutt

Cách rìa phía Tây Canada 100km, quần đảo Haida Gwaii dài 250km nối đường bờ biển dài quanh co khúc khuỷu với bãi biển nguyên sơ, vách núi ngạt thở vươn cao từ biển xanh sâu thẳm, những vịnh đẹp ngỡ ngàng nơi đại bàng đầu trọc tung cánh và vịnh biển nhỏ luôn ồn ã tiếng hải âu cổ rụt.


Vùng rừng phủ rêu xanh này là nơi có những loài cây như cây độc cần, cây vân sam Sitka, và cây tuyết tùng đỏ miền tây cao đến 55m.

Nơi đây cũng là nơi cư trú của nhiều loại động vật như gấu đen, chồn thông, rái cá sông và chồn ermine. Và đáy biển là nơi sinh sống của cá voi lưng gù, cá voi sát thủ, cá heo chuột, sư tử biển và cá hồi.

Sự xa xôi của Haida Gwaii đã bảo vệ vùng đất này trong hàng ngàn năm. Thậm chí đến ngày nay, cách duy nhất để tiếp cận quần đảo là dùng thuyền hoặc máy bay từ Vancouver hoặc Prince Rupert, BC.

Nhưng dù hòn đảo tọa lạc ở nơi xa xôi đến thế, nguồn tài nguyên dồi dào ở nơi này không thể là bí mật mãi mãi.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Cho đến tận thập niên 1970, công việc khai thác rừng ở Haida Gwaii vẫn do thợ rừng địa phương thực hiện bằng cách chặt số lượng cây nhỏ.

Nhưng từ đầu thập niên 1980, các công ty bên ngoài đã đẩy ngành công nghiệp này tới mức không còn bền vững nữa. Những buổi họp để xin cấp giấy phép khai thác gỗ diễn ra mà không cho công chúng tham dự, người Haida không có chút tiếng nói nào trong quá trình sử dụng và khai thác vùng đất của họ.


Từ xa xưa người Haida đã sống với triết lý Yah'guudang, kêu gọi sự tôn trọng mối quan hệ giữa vạn vật, từ con sò trong bãi triều lên, cá hồi trên sông đến cây cối trong rừng và đại bàng trên bầu trời.

Từ hành vi nhỏ như đi nhặt trái cây đến những việc lớn như đốn hạ một cây tuyết tùng cổ xưa để làm cột linh vật, nghi thức Yah'guudang đòi hỏi người Haida phải luôn hiểu rõ từng hành động sẽ ảnh hưởng ra sao đến hệ sinh thái của bảy thế hệ người kế tiếp.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Quan ngại trước tình trạng trộm cắp và phá hoại, già làng trong các bộ tộc thời thập niên 1970 đã dựng lại truyền thống Người Canh gác, theo đó một nhóm người bảo vệ thận trọng từng đứng ra canh giữ những ngôi làng Haida, cảnh báo cho già làng khi thấy có nguy cơ ảnh hưởng đến hòn đảo, ví dụ như có kẻ xâm nhập. Ngày nay, Người Canh gác vẫn đang canh giữ hòn đảo, nhưng họ còn là đại sứ văn hóa của người Haida, giúp cho du khách và người mới đến hiểu về Yah'guudang và sự kết nối mạnh mẽ giữa cư dân Haida với quần đảo.

Một thập niên trước, Walter Russ có cơ hội cống hiến thời gian nghỉ hưu cho hòn đảo. Từ đó, ông đứng ra bảo vệ đất làng Haida ở những khu vực như Windy Bay (Vịnh Gió), một làng người Haida ở bờ Đông Đảo Lyell (Athlii Gwaii), thuộc phần đông nam quần đảo.

"Bảo vệ [Haida Gwaii], từ bầu trời cho đến đáy biển - đó là điều thực sự khó khăn," ông nói.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Người Haida sớm trở nên giận dữ vì tác động tiêu cực của ngành khai thác gỗ trên quần đảo thiêng liêng của họ. Rất nhiều rừng vân sam Sitka và tuyết tùng đỏ miền tây đã bị đốn hạ, và dòng suối trong vắt cá hồi từng di chuyển đã bị nhuốm bùn.

Tháng 11/1985, sau khi có thêm các giấy phép khai thác gỗ mới được cấp đối với hoạt động trên Đảo Lyell, cộng đồng người Haida đã đứng lên phản đối. Họ nắm tay nhau và chặn đường không cho dân đốn gỗ đi vào con đường dẫn tới khu vực khai thác. Trong suốt hai tuần đó, 72 người Haida, gồm có ông Guujaaw và những người già đáng kính đã bị bắt giữ. Nhưng nỗ lực của người Haida đã đem lại kết quả xứng đáng.

Sau nhiều năm thương thuyết, Hiệp định Gwaii Haanas được ký kết vào năm 1993. Đây là thỏa ước tôn trọng cả văn hóa Haida và cả lợi ích của ngành công nghiệp khai thác gỗ tại Canada. Hiệp định chỉ rõ phần phía nam của quần đảo là Vườn Quốc gia Gwaii Haanas và Khu vực Di sản Haida, một khu dự trữ văn hóa và tự nhiên do Công viên Quốc gia Canada và Bộ tộc Haida quản lý. Vào năm 2010, quy định bảo tồn biển tương tự đã được Công viên Quốc gia Gwaii Haanas, Khu Bảo tồn và Dự trữ Sinh vật Biển Quốc gia và Khu vực Di sản Haida đồng xây dựng.

Michael Kamerick Bản quyền hình ảnh Michael Kamerick

Hiệu ứng từ Hiệp định Gwaii Haanas đã tạo tiếng vang khắp Canada. Từ đó, những hiệp định tiếp theo giữa các bộ tộc thổ dân địa phương và chính quyền tỉnh và chính quyền Canada đã bảo vệ thêm nhiều vùng đất của thổ dân và gia tăng quyền đánh cá, săn bắn và thực hành nghi lễ văn hóa truyền thống trên bờ và dưới biển cho các bộ tộc thổ dân. (Mô hình này đã được người dân ở các vùng khác ứng dụng như New Zealand, khi người Maori Waikto-Tainui bảo vệ sông Waikato của họ).

Michael Kamerick Bản quyền hình ảnh Michael Kamerick

Năm 2004, Khu Bảo tồn Công viên Quốc gia Gwaii Haanas và Khu vực Di sản Haida được đề cử là Di sản Thế giới Unesco.

Cùng với khu vực di sản đã thiết lập SGang Gwaay, Công viên Quốc gia Gwaii Haanas và Khu vực Di sản Haida đã đạt sáu trong bảy tiêu chí để được vào danh sách.

Nếu được nhận danh hiệu từ Unesco, Công viên Quốc gia Gwaii Haanas và Khu vực Di sản Haida sẽ trở thành một trong chưa tới 40 địa danh đạt được nhiều tiêu chí, bao gồm Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc đạt 5 tiêu chí, Machu Picchu đạt 4 tiêu chí.

Tuy nhiên, chỉ có ba khu vực khác như Rừng Tasmania ở Australia, Đỉnh Thái Sơn ở Trung Quốc, và Calakmul ở Mexico đạt được số tiêu chí tương đương như Gwaii Haanas.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Nhưng người Haida có cảm xúc lẫn lộn về việc có thể đạt được vị thế di sản Unesco. Trong khi một số người muốn có được lợi tức từ du lịch, nhiều người khác lo ngại du khách sẽ đe dọa đến triết lý sống Yah'guudang của hòn đảo.

"Đây hoàn toàn là quan hệ tự nhiên với vùng đất và nó rất sâu sắc và lâu đời," ông Guujaaw nói. "Nó không nhất thiết là nơi mà bạn nhìn vào và nói 'ồ, chẳng phải nơi này rất đẹp sao'. Nhưng một du khách, một người ghé thăm có thể nói như vậy và chúng tôi [người Haida] nhìn vào nơi này theo cách sâu sắc và toàn vẹn hơn."

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Chia sẻ ý niệm "cách nhìn sâu sắc hơn" khi ngắm nhìn quang cảnh yên bình trên đảo là tất cả những gì mà Người Canh gác Haida đề cập đến. Những người còn nhớ đến Cuộc nổi dậy 1985 giờ đã truyền ngọn đuốc bảo vệ và tôn trọng Haida Gwaii cho thế hệ tương lai, dạy cộng đồng người trẻ như Kelsey Fitzgerald về lịch sử của người Haida và tầm quan trọng của việc tôn trọng hệ sinh thái mong manh của quần đảo này.

April Orcutt Bản quyền hình ảnh April Orcutt

"Đây là điều chúng tôi phải làm. Đây là điều trở thành một phần của tôi, vì thế kể cho con cái tôi nghe về lịch sử ông bà đã làm là điều rất tự nhiên với tôi.

Tôi không sợ trở thành một phần của điều đó. Lịch sử đã định hình tôi," Kelsey Fitzgerald, một Người Canh gác Haida nói.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn