• Julie Andrews
  • BBC Earth

BBC NHU 2016

Nguồn hình ảnh, BBC NHU 2016

Núi cao thực sự là môi trường sống khắc nghiệt.

Những sinh vật sống ở đây đối mặt với tất cả các dạng thách thức sinh tồn, bao gồm cái lạnh, cái đói và sự đơn độc.

Một số môi trường khắc nghiệt nhất mà động vật sinh sống là trên các dãy núi trên thế giới, từ Himalaya cho đến Rocky Mountain và các dãy núi khác.

'Ma núi' - báo tuyết

BBC NHU 2016

Nguồn hình ảnh, BBC NHU 2016

Chụp lại hình ảnh,

Báo tuyết được mệnh danh là 'Ma Núi'

Với địa hình hiểm trở, sườn núi dốc và thời tiết bất lợi, cuộc sống phía trên đường giới hạn cây không dành cho những người yếu tim.

Nếu bạn đi leo lên bất kỳ ngọn núi cao nào, bạn sẽ thấy có một điểm mà từ đó trở lên cây cối đơn giản không thể mọc được. Đó chính là đường giới hạn cây.

Phía trên đường ma thuật này không khí trở nên quá lạnh, gió quá lớn và điều kiện quá khắc nghiệt khiến cây cối không thể sinh tồn.

Môi trường sống cằn cỗi này có thể không sản sinh nhiều sinh vật như đồng cỏ hoặc rừng rậm, nhưng nó có sự hiện diện của nhiều sự sống đa dạng đáng kể, và nhiều sinh vật được tìm thấy ở độ cao này thì không hề có ở nơi bất cứ nơi nào khác trên hành tinh.

Trên những đỉnh núi này có một loài động vật khó thấy nhất và bí ẩn nhất - báo tuyết (tên khoa học là Panthera uncia).

Được biết đến với biệt danh 'Ma Núi', báo tuyết hiếm khi được nhìn thấy.

Có lẽ là nay chỉ có chưa đến 3.500 cá thể báo tuyết còn tồn tại, và dãy Himalaya là một trong số rất ít nơi mà loài động vật có vú bí ẩn này có thể được nhìn thấy.

Loài động vật đơn độc này thích nghi hoàn hảo với cuộc sống phía trên đường giới hạn cây.

Cơ thể đồ sộ của nó có bộ lông dày để giảm thiểu mất nhiệt và bàn chân rộng phủ lông làm tăng tối đa độ bám trên bề mặt dốc và khi bước đi trong tuyết.

Chiếc đuôi dài, dày và linh hoạt giúp giữ thăng bằng, và thậm chí tăng gấp đôi kích thước để làm tấm chăn tiện dụng che mặt khi ngủ.

Các dãy núi cao là nơi săn mồi lý tưởng cho loài động vật lực lưỡng này, vì cơ thể nhanh nhẹn của chúng có thể tăng sức mạnh khi chạy trên núi và tấn công từ trên cao.

Với khả năng phóng xa tới 14 mét, con mồi không biết đường mà tránh cuộc tấn công sắp xảy ra của báo tuyết.

Mặc dù sống đơn độc, báo tuyết giao tiếp với nhau bằng cách dùng mùi đánh dấu các điểm cụ thể trong lãnh thổ chúng.

Điều này cho phép chúng nắm được hành tung của đồng loại gần đó và xác định đối tượng giao phối tiềm năng.

Mỗi năm một lần, báo đực sẽ chọn bạn tình và ở lại với báo cái trong vài ngày trước khi biến mất để về lại lãnh thổ của nó và những cá thể gần nó.

Báo mẹ sẽ ở lại với đàn báo con trong tối đa là một năm, và rồi bọn báo con bắt đầu hành trình cuộc sống của riêng chúng.

Thỏ pika Himalaya

BBC NHU 2016

Nguồn hình ảnh, BBC NHU 2016

Chụp lại hình ảnh,

Thỏ tai to pika sống ở dãy Himalaya thuộc số ít các động vật hữu nhũ sống ở độ cao cao nhất thế giới

Cuộc sống trên núi không chỉ khó khăn cho các loài có vú lớn.

Những loài nhỏ hơn cũng có cuộc vật lộn của riêng chúng.

Thỏ pika (Ochotona) là thành viên nhỏ nhất trong họ nhà thỏ.

Tiếng huýt gió chói tai của chúng có thể được nghe thấy trên các vùng núi ở Bắc Mỹ và Châu Á, nhưng chúng hiếm khi được nhìn thấy.

Những sinh vật đáng yêu này có cơ thể mũm mĩm đặc trưng, tai nhô ra và không có chiếc đuôi rõ ràng.

Chớ bị đánh lừa - trông thì đáng yêu nhưng chúng nằm trong số những sinh vật 'ngầu' nhất trên vùng núi cao.

Sống ở vùng nhiệt độ hiếm khi cao hơn mức đóng băng, thỏ pika sinh sôi ở địa hình núi cao trơ trọi phía trên đường giới hạn cây.

Thỏ pika tai to trên dãy Himalaya là một trong những loài hữu nhũ sống ở độ cao cao nhất - được tìm thấy ở nơi cao hơn 6000 mét.

Cơ thể thỏ pika dễ bị nóng quá mức cho nên vào mùa hè chúng di cư đến những điểm cao nhất trong phạm vi sinh sống của chúng - những khu vực đá sỏi độc hại, lạnh lẽo vào mùa hè, nơi nhiều động vật hữu nhũ không sống nổi.

Thỏ pika là loài có tổ chức. Vào mùa hè, chúng bận rộn lo trữ hoa cỏ dại.

Chúng phơi khô hoa cỏ thu lượm được trong ánh nắng mặt trời trước khi bỏ vào kho dự trữ trong hang, chuẩn bị sẵn sàng cho lúc giao mùa.

Dê núi Rocky Mountain

BBC NHU 2016

Nguồn hình ảnh, BBC NHU 2016

Chụp lại hình ảnh,

Dê núi Rocky Mountain sống trên những vách đá hiểm trở, nơi những loài thú ăn thịt khác khó tới được

Đáng bất ngờ là mùa đông đối với thỏ pika không phải là để ngủ đông; chúng được trang bị bộ lông dày không ngờ, và thậm chí cả lông trên lòng bàn chân, thỏ pika có thể giữ cơ thể đủ ấm để đào hang qua tuyết và đi qua mạng lưới các đường hầm để đến kho thức ăn của chúng và kiểm tra điều kiện thời tiết ở trên.

Nhưng còn đàn dê đơn độc thì sao?

Dê núi Rocky Mountain (Oreamnos americanus) là một trong nhiều loài dê.

Chúng sống thành đàn nhỏ một cách biệt lập cô độc phía trên đường giới hạn cây. Những con dê hoang dã này là loài bản địa Bắc Mỹ và làm ổ trên những vách đá vốn nguy hiểm cho các loài ăn thịt, leo dốc đá dựng đứng với độ dốc hơn 60°.

Móng guốc của chúng tương đối lớn, với mặt đế mềm giống như cao su để giúp chúng giữ thăng bằng, và chúng có những chiếc móng trên sắc nhọn ở phía sau bàn chân để giữ chúng khỏi bị trượt ngã.

Chúng có cơ chân mạnh để đẩy chúng lên những sườn núi dốc và được biết là có thể nhảy hơn 3 mét giữa những tảng đá dựng đứng.

Những con vật cực kỳ nhanh nhẹn này sinh hoạt ở địa hình đồi núi dốc, nơi mà các loài khác phải hết sức khó khăn mới tới được.

Chúng dễ dàng di chuyển lên xuống các vách đá gần như thẳng đứng và trong môi trường thù nghịch này, khả năng này có vai trò lớn để giúp chúng tránh thú săn mồi.

Sống trên cao nghe có vẻ như chuyện trong phim, nhưng đối với những sinh vật này và nhiều loài khác nữa, cuộc sống ở trên đường giới hạn cây là để sinh tồn, không chỉ của những cá thể phù hợp nhất mà còn những cá thể thông minh nhất.

Những động vật đủ khôn ngoan để sinh sống chót vót trên đỉnh núi cũng đủ khôn ngoan để điều chỉnh lối sống của chúng cho phù hợp với đường giới hạn cây vốn luôn thay đổi.