• Ronan O'Connell
  • BBC Travel

Ronan O'Connell

Nguồn hình ảnh, Ronan O'Connell

Một đàn chim lướt xuống bên dưới chân tôi khi tôi nhìn xuống từ trên giỏ khinh khí cầu bay trên thành phố Putrajaya của Malaysia.

Chúng vỗ đôi cánh xám lướt thướt khi bay ngang cụm các tòa nhà chọc trời trên đường đến nơi sinh sống của chúng tại Công viên đất ngập nước Putrajaya gần đó, vùng ngập nước ngọt nhân tạo lớn nhất Malaysia.

Tầm nhìn Mahathir

Gần 100 loài chim cư trú trong ốc đảo rộng 200 ha có đầm lầy, ao và rừng này, và đó là môi trường sống quý giá cho 1.800 loài côn trùng, 16 loài lưỡng cư, 22 loài bò sát và 16 loài động vật có vú.

Khó mà tin rằng khu bảo tồn thanh bình này vốn cũng là nơi ở của khỉ, hồng hạc, rái cá, lợn rừng và cầy hương chỉ cách mái vòm Hồi giáo xanh màu bạc hà của Perdana Putra, tức khu văn phòng đồ sộ của Thủ tướng Malaysia, có 2 km.

Thiên đường sinh thái rộng lớn này nằm trong tầm nhìn táo bạo của người đã trụ tại văn phòng thủ tướng rất lâu: ông Mahathir Mohamad.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Không có chính trị gia nào để lại dấu ấn lớn đối với Malaysia như ông Mahathir.

Malaysia đã giành được độc lập trong 64 năm, và Mahathir là thủ tướng trong 24 năm, với nhiệm kỳ thứ hai kết thúc vào năm 2020.

Mặc dù nhiệm kỳ của ông nhuốm màu tranh cãi, nhưng các chiến lược phát triển quyết liệt của Mahathir đã giúp Malaysia xây dựng một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong những năm 1990.

Một số những công trình lớn nhất của Kuala Lumpur là chứng nhân cho tham vọng của ông - đứng đầu là Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur khổng lồ và Tòa tháp đôi Petronas biểu tượng cao 452 mét.

Nhưng dự án táo bạo nhất của ông là Putrajaya, thủ đô 'khác' của Malaysia.

Sân bay bắt đầu hoạt động vào năm 1998; tòa tháp đôi vươn lên trong cùng năm đó; và vào năm 1999, Putrajaya trở thành trụ sở mới của Chính quyền Liên bang Malaysia để giúp đối phó tình trạng quá đông đúc ở Kuala Lumpur.

Thành phố hiện đại, được quy hoạch này thoát thai từ một mảng lộn xộn các đồn điền cao su và cọ dầu. Chỉ cách 25km về phía nam Kuala Lumpur, vốn vẫn là thủ đô đất nước, Putrajaya hiện là thủ đô hành chính và tư pháp của Malaysia, nơi đặt nhiều văn phòng chính phủ.

'Thành phố mất hút'

Mặc dù nằm giữa một trong những thành phố đón nhiều du khách nhất thế giới, thủ đô Kuala Lumpur và thành phố lịch sử của Malaysia là Malacca, thủ đô 'khác' này của Malaysia dường như mất hút trong tầm nhìn.

Giống như vô số du khách khác, trong hàng chục chuyến đi đầu tiên của tôi đến Kuala Lumpur, cái mà tôi thấy nhiều nhất ở Putrajaya là một loạt các cái nhìn lướt qua từ đường cao tốc kết nối sân bay Kuala Lumpur với trung tâm thành phố.

Sự tò mò cuối cùng đã thu hút tôi khám phá thành phố bị ngó lơ này hai lần: đầu tiên đi bằng khinh khí cầu; và sau đó là đi bộ.

Số ít du khách du lịch đến thăm Putrajaya được đền đáp rất nhiều. Khu trung tâm mang dấu ấn kiến trúc đương đại kết hợp các thiết kế Hồi giáo truyền thống. Những tòa nhà chọc trời lấp lánh được trang trí với các họa tiết Ả Rập với mô-típ hình học hay hoa cỏ. Trong khi đó, Thánh đường Sắt khoe kiến trúc thép và kính tân tiến mà bạn nghĩ có ở Tokyo hoặc Bắc Kinh.

Cũng hiện đại như thế là Trung tâm Hội nghị Putrajaya, một sáng tạo tiên phong lấy cảm hứng từ Pending Perak, khóa thắt lưng bạc trên trang phục hoàng gia của các sultan Mã Lai.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Thánh đường Masjid Putra là một trong những nhà thờ Hồi giáo màu hồng duy nhất trên thế giới

Nơi đây cũng có một trong những nhà thờ Hồi giáo màu hồng duy nhất trên thế giới, thánh đường Masjid Putra khổng lồ - cũng như các bảo tàng ấn tượng, một khu mua sắm lớn và cảnh quan thành phố nằm trong số sạch và xanh nhất châu Á, với 37% quỹ đất dành riêng cho công viên và không gian công cộng mở.

Xây dựng Putrajaya từ con số không đem đến vô vàn cơ hội sáng tạo. Mục tiêu của Mahathir là làm cho Putrajaya trở thành trung tâm đô thị thân thiện với môi trường nhất và hiện đại nhất của Malaysia.

Bên trong một trung tâm chỉ huy lớn, nhân viên thành phố Putrajaya theo dõi một lượng khổng lồ dữ liệu kỹ thuật số từ các cảm biến và camera quan sát được đặt khắp thành phố, theo ông Tengku Aina Ismail, giám đốc truyền thông của Tập đoàn Putrajaya, cơ quan chính phủ điều hành thành phố liên bang này.

Các camera nhanh chóng xác định và sau đó gửi cảnh báo về các vấn đề giao thông, tội phạm, ô nhiễm hoặc cơ sở hạ tầng; và trung tâm chỉ huy cũng theo dõi dữ liệu thời tiết của thành phố, các dịch vụ chính phủ điện tử, hệ thống thương mại không dùng tiền mặt (vốn cho phép người dân thanh toán hàng hóa và dịch vụ bằng ứng dụng điện thoại), và thậm chí cả sức khỏe của hồ Putrajaya và các vùng ngập nước xung quanh.

Không gian xanh

Ban đầu, Putrajaya được quy hoạch để phát triển thành thành phố có 350.000 dân cộng với 500.000 người đến làm việc, và để cho thấy một thành phố thân thiện với môi trường thể hiện di sản và bản sắc Malaysia.

Tuy vậy, sức hấp dẫn của Kuala Lumpur gần đó có khiến cho tăng trưởng dân số của Putrajaya chậm hơn dự kiến, và ngày nay - trước sự vui mừng của cư dân bản địa phương và du khách muốn đi khỏi sự xô bồ của Kuala Lumpur - Putrajaya vẫn là một thành phố khoáng đạt và buồn tẻ chỉ với 120.000 dân.

Trong hàng chục chuyến đi châu Á, Singapore là nơi duy nhất tôi tìm thấy nhiều khoảng xanh công cộng, vắng vẻ - cho đến khi tôi đến Putrajaya.

Trung tâm thành phố nằm giữa hồ Putrajaya trên một hòn đảo dài 4km, rộng 2km. Hồ có đường bờ dài 38 km, một phần đáng kể trong số đó được tô điểm với các khu vườn, đường chạy bộ và đường đi xe đạp.

Vườn bách thảo Putrajaya có hơn 700 loài thực vật nhiệt đới, và có thể được khám phá bằng xe điện, xe đạp thuê và các tour có hướng dẫn.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Những lối mòn đi bộ tuyệt vời và các điểm cắm trại là điểm nổi bật của Công viên Rimba Alam gần đó, vốn có hệ sinh thái rừng nhiệt đới đô thị bền vững với cây cỏ lấy từ các khu rừng nhiệt đới gần đó.

Từ mái hiên theo phong cách châu u trong Công viên Saujana Hijau có thể phóng tầm nhìn 360 độ ấn tượng nhìn ra Putrajaya; trong khi Công viên Di sản Nông nghiệp của Putrajaya dành riêng để bảo tồn nông nghiệp Mã Lai truyền thống và dạy du khách những kiến thức cơ bản về trồng, gìn giữ và thu hoạch các loại cây trồng như cao su, ca cao và cọ dầu.

Để đảm bảo môi trường đáng ghen tị ở đây không bị phá hỏng, Putrajaya đưa ra nhiều chính sách thân thiện với môi trường.

Có 10 khu vườn cộng đồng nơi cư dân có thể trồng trái cây và rau quả, một cơ sở ong mật cộng đồng và chiến lược giảm chất thải tăng cường mà năm ngoái đã ghi nhận thành phố tăng lượng chất thải tái chế 15% so với năm 2019.

'Nơi đáng sống'

Trong chuyến đi gần đây nhất của tôi đến Putrajaya, tôi đã lên một trong những chiếc xe buýt chạy điện yên ắng và thuê một chiếc xe đạp điện (tương thích với một số trạm sạc trong thành phố) để đi qua chiếc cầu thấp Putra và chiêm ngưỡng cây cối phong phú ở công viên Taman Wawasan kế bên, một trong 12 công viên chính của thành phố.

Các chính sách xanh của Putrajaya, vốn bao gồm các cơ sở thu gom nước mưa tại các tòa nhà công cộng và một viện ung thư sử dụng năng lượng quang điện mặt trời, đã giành được nhiều giải thưởng Thành phố du lịch sạch của ASEAN.

Những giải thưởng này rất xứng đáng, theo Fazley Fadzil, quản lý tại một nhà hàng gia đình ở Putrajaya, Kafe Taman Ku.

Ông nói rằng khung cảnh xanh mát của thành phố làm cho nó trở thành nơi tuyệt vời để sống. Khi Fadzil 12 tuổi, gia đình ông chuyển đến đây từ thành phố Subang Jaya của Malaysia.

So với rừng bê tông của Subang Jaya, thành phố quê hương mới của họ rất bình dị. "Các công viên và không gian mở có nhiều ở Putrajaya đem đến cho chúng tôi nhiều lựa chọn thư giãn và giải trí, và đương nhiên nó gọi mời chúng tôi chạy bộ hoặc đi xe đạp," ông nói.

Chính phủ Malaysia đặt niềm tin vào các công viên và sự sạch sẽ của Putrajaya để thu hút thêm du khách hơn khi đại dịch lắng xuống.

Theo Ismail, thành phố đang nhắm đến trở thành một điểm đến du lịch sinh thái quan trọng, và gần đây quảng bá mình là 'thành phố thủ phủ chim chóc' của Malaysia.

Với sự hiện diện của hơn 200 loài chim - từ gõ kiến đến chim hút mật và vạc - thành phố có kế hoạch mở rộng Cuộc thi xem chim Putrajaya hàng năm để mọi người tranh tài quan sát và ghi lại số loài chim nhiều nhất trong khung thời gian nhất định ở các công viên trong thành phố.

Du khách cũng có thể đi theo ba con đường có đặt bảng chỉ dẫn qua Rừng ngập nước, Vườn Bách thảo và Rừng Tự nhiên.

Môi trường sống hoang dã

Bên cạnh là điểm thu hút khách du lịch tuyệt vời, những không gian xanh này còn là môi trường sống cực kỳ có giá trị, theo nhà sinh vật học bảo tồn, Tiến sĩ Sundari Ramakrishna thuộc Hiệp hội Bảo vệ Môi trường Malaysia.

"Putrajaya là nơi tuyệt vời cho động vật hoang dã sống và sinh sôi," bà nói. "Có rất nhiều rừng cây và hồ nước sạch sẽ, yên tĩnh xung quanh Putrajaya và chắc chắn điều này đã giúp làm nên hệ động vật và thực vật với sự đa dạng tuyệt vời. Lần cuối cùng tôi đến vùng đất ngập nước đó, tôi đã thấy nhiều loài chim như diệc và cò. Những vùng ngập nước đó là môi trường sống nhân tạo tuyệt đẹp đem lại cảm giác tự nhiên, và các loài chim thích ở đó và có thể sinh sản an toàn ở đó.

Ramakrishna, vốn sống ở Kuala Lumpur, cho biết Putrajaya có cây cỏ tươi tốt, không gian thoáng đãng và vận hành hiệu quả so với thủ đô Kuala Lumpur vốn nổi tiếng hơn.

"Không khí rất sạch sẽ ở Putrajaya, có rất nhiều khu vực cây xanh rộng lớn để thư giãn, và cũng có nhiều kiến trúc thú vị ở đó," bà nói.

"Đây không phải là thành phố hoàn hảo, nó luôn có thể tốt hơn. Nhưng để dựng nên thành phố từ con số không - chỉ từ những đồn điền cọ cũ - thì được như thế này quả là tuyệt vời. Hy vọng sẽ có thêm nhiều du khách đến đây và xem những thành tựu mà Malaysia đã đạt được. Đó là điều rất đặc biệt."