Hà Lan - Thành trì châu Âu giữa lũ lụt lịch sử

Thứ Tư, 28 Tháng Bảy 20211:00 SA(Xem: 2649)
Hà Lan - Thành trì châu Âu giữa lũ lụt lịch sử

Trong khi Bỉ và Đức chìm trong lũ lụt lịch sử, tình cảnh của Hà Lan lại hoàn toàn khác, dù nước này có 1/3 diện tích dưới mực nước biển.

Châu Âu tuần qua hứng chịu đợt mưa lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hà Lan, quốc gia tại Tây Âu, cũng bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, nhưng các thị trấn nước này không bị nhấn chìm hoàn toàn như các quốc gia láng giềng và không có người thiệt mạng vì lũ.

Jeroen Aerts, giáo sư của Đại học Vrije Universiteit ở Amsterdam, cho rằng Hà Lan trở thành "thành trì" giữa đợt lũ lụt kinh hoàng như vậy nhờ các quan chức địa phương đã có sự chuẩn bị tốt và có thể liên lạc với người dân nhanh chóng khi nước lũ bắt đầu dâng.

"Chúng tôi đã biết rõ hơn về dòng nước lũ đang đến và nơi nó sẽ đi", Aerts nói.

Hà Lan có lịch sử lâu đời trong việc quản lý nguồn nước và những thành công của họ khi đối mặt với thảm họa có thể mang tới cho thế giới các bài học về kế hoạch ứng phó lũ lụt, đặc biệt khi biến đổi khi hậu sẽ gây ra nhiều đợt mưa lũ hơn.

Hà Lan có kinh nghiệm đối phó với sóng biển và nước sông dâng cao trong gần một thiên niên kỷ. Ba con sông lớn ở châu Âu, gồm Rhine, Meuse và Scheldt, đều chảy qua Hà Lan. Với 1/3 diện tích đất thấp hơn mực nước biển, chính phủ Hà Lan cho biết 60% quốc gia này nằm trong khu vực có nguy cơ lũ lụt.

Hệ thống rào chắn sóng của Hà Lan. Ảnh: Netherlands Insiders.

Hệ thống đê chắn sóng của Hà Lan. Ảnh: Netherlands Insiders.

Cơ sở hạ tầng quản lý nguồn nước của Hà Lan thuộc diện tốt nhất thế giới, với những bức tường chắn sóng, cồn cát ven biển được gia cố khoảng 12 triệu mét khối cát mỗi năm và những cách đơn giản như đắp đê hay tăng diện tích lòng sông bằng cách nạo vét đáy, mở rộng bờ sông.

Thành công của Hà Lan phần lớn nhờ cách thức tổ chức. Cơ sở hạ tầng của đất nước được quản lý bởi một cơ quan chuyên trách của chính phủ có tên Tổng cục Công trình công cộng và Quản lý nguồn nước, nơi giám sát khoảng 1.500 km hệ thống phòng thủ lũ lụt nhân tạo.

Các vấn đề về nguồn nước của Hà Lan do mạng lưới cơ quan dân cử quản lý, với chức năng duy nhất là giải quyết mọi thứ liên quan tới nước, từ nước lũ tới nước thải, theo Aerts. Hội đồng quản lý nguồn nước địa phương đầu tiên được thành lập tại thành phố Leiden năm 1255, khi Hà Lan nhận ra đây là vấn đề quan trọng.

"Đây là điều độc đáo của chúng tôi. Ngoài chính phủ, các tỉnh và thành phố, bạn có lớp quản lý thứ tư cho lĩnh vực này", Aerts nói về hội đồng quản lý nguồn nước địa phương.

Các hội đồng này có thể thu thuế độc lập, nên không phụ thuộc vào những vấn đề của ngân sách quốc gia. Aerts gọi các hội đồng này là "chất keo" gắn kết mọi thứ, giúp đảm bảo bất kỳ đề xuất nào đều có sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Trên trang web của cơ quan quản lý tóm tắt một cách đơn giản và rõ ràng những gì họ đang cố gắng làm: "Trời mưa nhiều hơn, nước biển đang dâng và những con sông phải chứa lượng nước nhiều hơn. Ngăn nước dâng cao đang và sẽ là vấn đề sống còn".

Trong khi đó, bức tranh của các khu vực khác ở Tây Âu có phần trái ngược. Khi nhiều cộng đồng phải hứng chịu lũ lụt thảm khốc trong tuần qua, nhiều người tự hỏi sai lầm bắt nguồn từ đâu. Hệ thống cảnh báo sớm hàng đầu thế giới của châu Âu đã liên tục phát tín hiệu vài ngày trước khi nước lũ nhấn chìm nhiều ngôi làng, nhưng ít nhất 195 người vẫn thiệt mạng vì lũ lụt lịch sử ở Đức và Bỉ.

Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Copernicus cho biết đã gửi hơn 25 cảnh báo cho các khu vực ở lưu vực sông Rhine và sông Maas thông qua Hệ thống Cảnh báo lũ châu Âu (EFAS) trước khi mưa lớn gây lũ quét.

Nhưng rất ít cảnh báo được chuyển tới cư dân sớm và đầy đủ, khiến họ hoàn toàn mất cảnh giác. Nhiều câu hỏi được đặt ra về hiệu quả của hệ thống truyền đạt thông tin từ cấp trung ương tới từng vùng.

"Rõ ràng đã có sự cố về truyền đạt thông tin và một số trường hợp phải trả giá bằng mạng sống của người dân", Jeff Da Costa, nhà nghiên cứu về khí tượng học tại Đại học Reading ở Anh, nói.

Lũ lụt ở Insul, Đức hôm 15/7. Ảnh: AP.

Lũ lụt ở Insul, Đức hôm 15/7. Ảnh: AP.

Các nghiên cứu của Da Costa tập trung vào hệ thống cảnh báo lũ lụt. Nhà của bố mẹ ông ở Luxembourg cũng bị ảnh hưởng bởi đợt lũ vừa qua. Ông cho biết những gì xảy ra tuần qua cho thấy thường xuất hiện độ trễ giữa cảnh báo thời tiết của các nhà khoa học và hành động thực tế của những người phụ trách. Một số cảnh báo chỉ được đưa ra sau khi lũ lụt đã xuất hiện.

"Mọi người, gồm cả gia đình tôi, không nhận được bất kỳ cảnh báo về điều phải làm hay có cơ hội chuẩn bị", ông nói.

Ở nhiều nơi bị ảnh hưởng nặng nề, cư dân bàng hoàng vì tốc độ và mức độ nguy hiểm của dòng nước lũ.

Tại Đức, nhiều quan chức đang cố né tránh trách nhiệm. Quan chức tại thung lũng Ahr, một khu vực bị lụt nghiêm trọng ở phía tây nước Đức, cho rằng cảnh báo sớm đã được đưa ra trước thảm họa, nhưng nhiều cư dân chủ quan vì thường không thấy lũ lụt nghiêm trọng như vậy.

Một trong những thị trấn chịu ảnh hưởng nặng nhất là Schuld ở bang Rhineland-Palatinate. Thị trưởng Helmut Lussi cho biết họ không ngờ tới thảm họa này, bởi thị trấn này chỉ từng trải qua hai đợt lũ lụt nghiêm trọng vào năm 1790 và 1910.

Lussi cho rằng hệ thống cảnh báo lũ lụt đã không giúp ích, bởi không ai có thể lường được sông Ahr lại bất ngờ có lượng nước khổng lồ như vậy.

"Mọi người nên nhớ rằng dù hệ thống cảnh báo không thể ngăn lũ, chúng vẫn có thể giúp mọi người có thời gian di tản và chuyển tài sản cá nhân tới nơi an toàn", Da Costa nói.

Ông thêm rằng khi hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu, các thị trấn như Schud phải tăng cường kế hoạch ứng phó.

"Nếu thị trưởng Schud và thị trấn của ông ấy có kế hoạch, truyền tải thông tin rõ ràng tới các hộ gia đình, doanh nghiệp và tổ chức, để mọi người biết nên làm gì trong trường hợp xảy ra lũ lụt, ít nhất họ đã có sự chuẩn bị tốt nhất có thể", ông nói.

Lũ lụt ở Liege, Bỉ hôm 15/7. Ảnh: AFP.

Lũ lụt ở Liege, Bỉ hôm 15/7. Ảnh: AFP.

Tại Bỉ, việc tổ chức và truyền đạt thông tin dường như cũng gặp vấn đề. Thị trưởng Chaudfontaine, thị trấn ở tỉnh Liege, cho biết ông đã nhận được "cảnh báo cam" về nước sông dâng cao nhưng cho rằng đáng lẽ cảnh báo đỏ nên được đưa ra sớm hơn.

"Trong giai đoạn khủng hoảng, mọi người cần biết họ phải làm gì. Đó là lý do chúng ta diễn tập phòng cháy, ngay cả khi không mong nó xảy ra", Da Costa cho hay.

Thanh Tâm (Theo CNN)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn