“Cửa sổ vỡ” – lý thuyết tội phạm học gây tranh cãi

Thứ Năm, 08 Tháng Bảy 20217:00 CH(Xem: 2858)
“Cửa sổ vỡ” – lý thuyết tội phạm học gây tranh cãi
ly-thuyet-cua-so-vo

Chỉ với hai chiếc xe, nhà tâm lý học Philip Zimbardo đã đặt tiền đề cho lý thuyết “cửa sổ vỡ” gây tranh cãi tại Mỹ.

Trong thí nghiệm năm 1969, Zimbardo, nhà tâm lý học thuộc trường đại học Stanford (Mỹ), bỏ hai chiếc ôtô hỏng và không có biển số lần lượt tại khu dân cư có thu nhập thấp thuộc quận Bronx, thành phố New York và khu dân cư giàu có tại thành phố Palo Alto, bang California.

Chỉ trong 24 giờ, chiếc xe tại quận Bronx bị đập vỡ cửa kính và trộm hết phụ tùng. Ngược lại, chiếc xe tại thành phố Palo Alto vẫn nguyên vẹn trong hơn một tuần. Chỉ sau khi Zimbardo dùng búa tạ đập xe, một số người mới hùa theo. Đa số kẻ phá hoại ở cả hai thành phố được mô tả là “ăn mặc lịch sự, mặt mũi sáng sủa”.

Tới năm 1982, 30 năm sau thí nghiệm của Zimbardo, kết quả trên được nhắc lại trong bài viết đăng trên tạp chí The Atlantic của nhà khoa học xã hội George Kelling. Kelling cho rằng tại khu vực có tỉ lệ tội phạm cao như ở quận Bronx, nơi tài sản bị bỏ rơi là điều thường thấy, tội phạm phá hoại và trộm cắp xảy ra nhanh hơn vì cộng đồng ở đây đã coi đó là lẽ dĩ nhiên. Tuy nhiên, những tội phạm này có thể xuất hiện ở bất cứ cộng đồng nào nếu để xảy ra những hành động cho thấy thái độ thờ ơ.

Theo Kelling, nếu tại khu vực đô thị đông người xuất hiện biểu hiện của tội phạm và hành vi phản xã hội nhưng lâu ngày không được xử lý sẽ thể hiện sự buông lỏng của cảnh sát. Điều này sẽ thúc đẩy người dân thực hiện nhiều tội phạm nghiêm trọng hơn.

Kelling lấy ví dụ về tòa nhà có ô cửa sổ bị vỡ nhưng không sớm được sửa chữa. Vì đây là dấu hiệu không ai quan tâm tới tòa nhà, những kẻ phá hoại sẽ có xu hướng tiếp tục phá các ô cửa sổ khác. Cuối cùng, chúng thậm chí có thể đột nhập, chiếm đóng trái phép hoặc đốt lửa nếu không có ai ở trong tòa nhà. Cũng như việc vứt rác trên vỉa hè, nếu không được xử lý ngay, một vài túi rác sẽ sớm trở thành bãi rác lớn. Kết quả là người dân bắt đầu vứt rác tùy tiện rồi dẫn tới đột nhập ôtô.

Cuối cùng, Kelling kết luận cảnh sát có thể tạo ra môi trường trật tự và tuân thủ pháp luật bằng cách tập trung vào các tội phạm nhỏ nhặt như phá hoại của công, say xỉn nơi công cộng…, từ đó giúp ngăn chặn những tội phạm nghiêm trọng hơn. Đây cũng chính là căn bản của lý thuyết tội phạm học có tên “cửa sổ vỡ”.

Với cách tiếp cận mới mẻ, lý thuyết của George Kelling mau chóng thu hút sự chú ý của các nhà chính sách. Năm 1993, Rudy Giuliani, tân thị trưởng thành phố New York, đã lấy lý thuyết “cửa sổ vỡ” làm cơ sở để triển khai loạt chính sách “cứng rắn” với những tội phạm tương đối ít nghiêm trọng được cho là có ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống trong thành phố.

Cảnh sát thành phố New York bắt đầu ra quân trấn áp các tội phạm như say xỉn nơi công cộng, tiểu bậy, vẽ bậy, hút cần sa, đồng thời xử lý các trường hợp người vô gia cư tự ý lau kính ôtô rồi hung hãn đòi tiền tài xế. Cảnh sát cũng đóng cửa nhiều hộp đêm từng xảy ra nhiều vụ mất trật tự công cộng.

Nỗ lực của vị tân thị trưởng cùng phòng cảnh sát New York có vẻ như đã thành công. Theo nghiên cứu năm 2001 về xu hướng tội phạm tại New York, số vụ tội phạm cả ít nghiêm trọng và nghiêm trọng đều giảm thiểu rõ rệt sau khi loạt chính sách mới được ban hành. Không chỉ vậy, tội phạm còn có xu hướng giảm trong 10 năm tiếp theo.

Điều này cho thấy chính sách dựa trên lý thuyết “cửa sổ vỡ” đã phát huy hiệu quả. Tác phẩm của Kelling về lý thuyết này cũng theo đó trở thành một trong những bài viết được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử tội phạm học và đôi khi còn được gọi là “Kinh thánh của hoạt động cảnh sát“, theo The Newyorker.

Ngày nay, năm thành phố lớn tại Mỹ gồm New York, Chicago, Los Angeles, Boston, và Denver đều ghi nhận có áp dụng ít nhất một vài chiến thuật chấp pháp dựa trên lý thuyết “cửa sổ vỡ” của Kelling. Ở cả 5 thành phố, cảnh sát đều chú trọng việc mạnh tay thực thi quy định pháp luật về tội phạm ít nghiêm trọng, theo Thoughtco.

Dù được nhiều người ủng hộ, lý thuyết “cửa sổ vỡ” cũng phải hứng chịu nhiều chỉ trích và bị đặt nghi vấn về tính hiệu quả và công bằng trong cách áp dụng.

Năm 2005, Bernard Harcourt, giáo sư thuộc trường luật đại học thành phố Chicago, công bố nghiên cứu với kết luận không có chứng cứ cho thấy lý thuyết “cửa sổ vỡ” giảm thiểu tội phạm trên thực tế, dù ý tưởng có vẻ rất thuyết phục.

Harcourt lập luận rằng dữ liệu về tội phạm của thành phố New York trong giai đoạn áp dụng lý thuyết cửa sổ vỡ đã bị hiểu sai. Tuy tội phạm đã giảm rõ rệt ở những nơi được áp dụng lý thuyết này, nhưng đây cũng là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ tệ nạn cocaine. Khi tệ nạn cocaine giảm dần, tội phạm cũng giảm theo tương ứng. Hiện tượng này cũng xảy ra tại các thành phố khác trên khắp nước Mỹ. Theo Harcourt, làn sóng tội phạm tại New York chắc chắn sẽ giảm dù có áp dụng lý thuyết cửa sổ vỡ hay không.

Một số người khác còn chỉ ra rằng một số yếu tố khác có thể làm giảm tội phạm, ví dụ như tỉ lệ thất nghiệp của thành phố New York đã giảm 39% trong giai đoạn 1992-1999.

Lý thuyết cửa sổ vỡ cũng bị chỉ trích vì có thể khuyến khích cách thực thi pháp luật có tính chất phân biệt đối xử. Ví dụ, sau cái chết liên quan tới cảnh sát của một số thanh niên da màu bị cáo buộc phạm tội ít nghiêm trọng, việc “dừng và lục soát” ngẫu nhiên với đối tượng khả nghi bị cho là phân biệt chủng tộc vì cảnh sát thường coi người da màu là nghi phạm trong các khu vực có thu nhập thấp và tỉ lệ tội phạm cao.

Theo Khoa học

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn