'Mặt Trời nhân tạo' của Trung Quốc lập kỷ lục mới

Chủ Nhật, 06 Tháng Sáu 20217:00 SA(Xem: 2263)
'Mặt Trời nhân tạo' của Trung Quốc lập kỷ lục mới

Mẫu thử nghiệm lò phản ứng siêu dẫn tiên tiến (EAST) đạt nhiệt độ plasma 120 triệu độ C trong 101 giây và 160 triệu độ C trong 20 giây.

Mẫu thử nghiệm lò phản ứng siêu dẫn tiên tiến (EAST). Ảnh: Xinhua.

Mẫu thử nghiệm lò phản ứng siêu dẫn tiên tiến (EAST). Ảnh: Xinhua.

Thiết bị tokamak đặt ở Viện Khoa học Vật lý Hợp Phì của tỉnh An Huy, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. EAST được thiết kế để mô phỏng quá trình xảy ra tự nhiên ở Mặt Trời và các ngôi sao khác, nhằm cung cấp năng lượng sạch gần như vô hạn thông qua phản ứng tổng hợp hạt nhân có kiểm soát. Vì vậy, EAST thường được gọi là "Mặt Trời nhân tạo".

Thành tựu mới phá vỡ kỷ lục trước đó là duy trì nhiệt độ plasma 100 triệu độ C trong 100 giây. Theo Li Miao, chủ nhiệm khoa vật lý ở Đại học Khoa học và Công nghệ miền nam tại Thâm Quyến, đây là một cột mốc nhằm đạt mục tiêu duy trì nhiệt độ ở mức ổn định trong thời gian dài. Li cho biết bước tiếp theo là kéo dài mức nhiệt trên từ một tuần trở lên.

Đạt nhiệt độ plasma trên 100 triệu độ C là một trong những thách thức lớn để kiểm soát năng phản ứng tổng hợp hạt nhân hay còn gọi là phản ứng hợp hạch. Cuối năm 2020, Hàn Quốc đạt mức nhiệt 100 triệu độ C trong 20 giây. Nhiệt độ ở lõi Mặt Trời ở mức 15 triệu độ C, có nghĩa plasma ở lõi thiết bị nóng gấp 7 lần so với Mặt Trời.

Năng lượng sản sinh từ phản ứng tổng hợp hạt nhân là năng lượng sạch và đáng tin cậy nhất, theo Lin Boqiang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế năng lượng Trung Quốc ở Đại học Hạ Môn. Nếu có thể áp dụng ở quy mô thương mại, công nghệ sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn. Tuy nhiên, Lin nhấn mạnh công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn thí nghiệm và cần ít nhất 30 năm để đưa vào hoạt động.

Thí nghiệm EAST là một phần của dự án Lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạt nhân quốc tế (ITER), dự án khoa học toàn cầu quy mô lớn chỉ xếp sau Trạm Vũ trụ Quốc tế, với sự hợp tác của Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Hiện nay, Trung Quốc đóng góp khoảng 9% về mặt nghiên cứu và phát triển trong dự án ITER.

An Khang (Theo Global Times
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn