Quan hệ liên Triều: Kim Jong Un mời Moon Jae In họp thượng đỉnh

Thứ Bảy, 10 Tháng Hai 20186:47 SA(Xem: 5835)
Quan hệ liên Triều: Kim Jong Un mời Moon Jae In họp thượng đỉnh
mediaLãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un (T) và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (P).REUTERS/EDIT RFI

Bình Nhưỡng đã tiến thêm một bước trong chiến dịch làm lành với Seoul: Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã viết thư mời tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đến Bình Nhưỡng tham dự một hội nghị thượng đỉnh. Thông tin này đã được phủ tổng thống Hàn Quốc chính thức loan báo vào hôm nay, 10/02/2018 sau cuộc tiếp xúc bên lề Thế Vận Hội Pyeongchang, giữa tổng thống Hàn Quốc với một phái đoàn cấp cao Bắc Triều Tiên, trong đó có bà Kim Yo Jong, em gái ông Kim Jong Un.

Từ Seoul, thông tín viên RFI, Frédéric Ojardias tường trình :

Bắc Triều Tiên đã chính thức mời tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tham gia một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Kim Jong Un. Địa điểm hội nghị sẽ là Bình Nhưỡng, còn thời điểm sẽ là « càng sớm càng tốt ».

Lời mời đã được chính Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong Un, chuyển đến tận tay tổng thống Hàn Quốc. Bà Kim Yo Jong hiện đang có mặt ở Hàn Quốc trong khuôn khổ một cuộc đối thoại do hai miền Triều Tiên khởi xướng nhân dịp Thế Vận Hội.

Tổng thống Hàn Quốc đã phản ứng một cách thận trọng trước lời mời, cho rằng để cho một cuộc họp như vậy có thể diễn ra, trước tiên hết là phải « ấn định một số điều kiện cần thiết ». Trong vòng 70 năm qua từ khi hai miền Nam-Bắc Triều Tiên bị chia cắt đến nay, lãnh đạo hai nước chỉ mới gặp nhau hai lần, đều ở Bình Nhưỡng, vào năm 2000 và 2007.


Ông Moon Jae In cũng kêu gọi chính quyền Bắc Triều Tiên nhanh chóng nối lại đối thoại với Hoa Kỳ, nước có vẻ như không mấy thoải mái với việc quan hệ hòa dịu hẳn lên một cách bất ngờ giữa Seoul và Bình Nhưỡng nhân dịp Thế Vận Hội đang diễn ra.

Đến dự lễ khai mạc Olympic PyeongChang, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tìm mọi cách để tránh gặp các quan chức Bắc Triều Tiên, thậm chí còn từ chối bắt tay họ tại lễ khai mạc.

Các cử chỉ đó bị coi là phản ánh thái độ coi thường các nỗ lực của tổng thống Hàn Quốc nhằm giảm căng thẳng, và đã làm dấy lên nhiều lời bình luận và ý kiến quan ngại ở Seoul.

Theo phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, lời mời đã được bà Kim Yo Jong chuyển đến ông Moon Jae In trong cuộc gặp hôm nay giữa tổng thống Hàn Quốc với phái đoàn Bắc Triều Tiên. Khi trao bức thư cá nhân của anh trai mình cho tổng thống Hàn Quốc, bà Kim Yo Jong còn nói thêm: « Chúng tôi hy vọng sớm gặp lại ngài ở Bình Nhưỡng ». Theo bà, Bắc Triều Tiên rất muốn tổng thống Moon Jae In trở thành « tác nhân trong một chương mới về tiến trình thống nhất (Triều Tiên), để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử ».

Dẫu sao thì nhân dịp phái đoàn cao cấp Bắc Triều Tiên do chủ tịch trên danh nghĩa của Bắc Triều Tiên là ông Kim Yong Nam và bà Kim Yo Jong dẫn đầu đến Hàn Quốc, hai chính phủ Nam Bắc đã liên tiếp tung ra những tín hiệu hòa dịu. Sau bữa ăn trưa kéo dài 3 tiếng đồng hồ vào hôm nay, hai ông Moon Jae In và Kim Yong Nam cùng đến xem đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ chung của hai miền thi đấu tại Thế vận hội PyeongChang.

Về chiến lược ẩn đằng sau động thái ngoại giao khá bất ngờ nói trên của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, nhà báo Bruno Daroux của RFI nhận định :

« Có thể nói rằng nhà lãnh đạo trẻ - cai trị Bắc Triều Tiên bằng bàn tay sắt từ sáu năm nay - đang chơi một ván bài mạo hiểm, nhưng khôn khéo. Chiến thuật của ông ta là lúc thì cứng rắn, lúc tỏ ra mềm mại trong các chiến dịch tuyên truyền, được kiểm soát một cách hoàn hảo.

Trong trò chơi sấp ngửa này, Bình Nhưỡng để ngỏ cho cánh cửa đối thoại với người anh em thù địch miền Nam, mà về mặt chính thức, Bắc Triều Tiên luôn ở trong tình trạng chiến tranh. Hai miền Triều Tiên chỉ mới ký kết một hiệp ước đình chiến vào năm 1953. Chiến lược ngoại giao thể thao đã được sử dụng để chứng minh là Bắc Triều Tiên sẵn sàng chìa tay ra với người láng giềng Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, đắc cử hồi năm ngoái, chủ trương hòa bình. Đây là điều hết sức thuận lợi đối với Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng nhìn thấy ở đây một cơ hội để đánh bóng hình ảnh của chế độ. Thậm chí hôm nay, hai nguyên thủ Nam Bắc Triều Tiên đã có một cuộc hội kiến.

Chúng ta có thể đánh giá Hàn Quốc đã ngây thơ, hay ít nhất việc Seoul bị cuốn vào cuộc chiến tuyên truyền của Bắc Triều Tiên cũng là điều gây sốc. Bắc Triều Tiên muốn tỏ ra mình cũng là một quốc gia bình thường như mọi quốc gia khác. Mà điều này trên thực tế không phải vậy. Bắc Triều Tiên vẫn là một chế độ toàn trị, hành quyết những người có quan điểm đối lập, hoặc giam cầm họ trong các trại tập trung khủng khiếp.

Bắc Triều Tiên khẳng định rõ ràng không nhân nhượng bất cứ điều gì về mặt quân sự, đặc biệt là vị thế của một cường quốc hạt nhân, điều mà cộng đồng quốc tế không chấp nhận »
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn