Hồ Chí Minh

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp điều đình năm 1946 nhưng không thành

Mạng xã hội Việt Nam gần đây lan truyền một số tài liệu đã công bố từ lâu về cuộc gặp của hai nhà hoạt động lập quốc, David Ben Gurion của Israel và Hồ Chí Minh của Việt Nam tại Pháp sau Thế Chiến 2.

Một số tư liệu đã được công bố nói ông Hồ Chí Minh khi gặp nhà hoạt động Ben Gurion ở Paris năm 1946 đã đề nghị cho người Do Thái "đặt trụ sở ở Việt Nam" nếu họ muốn.

Vào thời điểm đó, phong trào vận động để người Do Thái châu Âu có tổ quốc vừa sống sót nạn Diệt chủng (Holocaust) do phát-xít Đức gây ra tại châu Âu đang lên cao.

Việc tìm một mảnh đất để họ có thể tạo lập quê hương được đem ra bàn thảo nhưng phải đến 1949, nhà nước Israel mới ra đời tại Palestine, với Ben Gurion như "người cha lập quốc".

Vậy thực hư cuộc gặp và lời mời của Hồ Chí Minh ra sao, và quan hệ của các lãnh đạo Israel sau này với hai miền Nam - Bắc Việt Nam thế nào?

Thủ tướng Israel David Ben Gurion và nhà vật lý Albert EinsteinNguồn hình ảnh, Bettmann

Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Israel David Ben Gurion và nhà vật lý Albert Einstein trong vườn sau nhà Einstein

Cùng theo đuổi độc lập

Tin tức về cuộc gặp David Ben Gurion với Hồ Chí Minh năm 1946 tại Paris không phải là mới.

Các trang lịch sử của Pháp, sử liệu và báo Israel đã đăng tải từ giữa năm 1966, nhưng vào lúc đó Hà Nội và Tel Aviv ở hai phe đối đầu nên báo tiếng Việt ở Bắc Việt Nam không đăng tải.

Gần đây, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Israel - Việt Nam (1993 -2013), chính báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhắc lại sự kiện này.

Tuy thế, không như một số báo VN nói ông Ben Gurion và Hồ Chí Minh "là bạn thân", họ chỉ có chung khách sạn Paris và có những trao đổi không chính thức.

Tài liệu của Jewish Telegraphic Agency được nhà báo Raffi Wineburn trích đăng trong một bài hồi 02/11/2014, thì hai nhà lãnh đạo Do Thái và Việt Nam ở cùng khách sạn tại Paris năm 1946.

Đó là khách sạn Royal Monceau -theo các nguồn của Pháp - và chuyện họ ở cùng một nơi xảy ra hoàn toàn tình cờ.

Ông David Ben Gurion đọc Tuyên ngôn Độc lập cho nước Israel năm 1948Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông David Ben Gurion đọc Tuyên ngôn Độc lập cho nước Israel năm 1948

David Ben Gurion, tên thật là David Gruen, sinh năm 1886 ở Płońsk, Ba Lan và bắt đầu hoạt động vì quyền chính trị Do Thái khi là sinh viên ĐH Tổng hợp Warsaw và dần trở thành nhân vật chủ chốt của phong trào Zionist quốc tế.

Là lãnh đạo của Hội Do Thái (The Jewish Agency, thành lập 1929, đại diện cho người Do Thái ở Hội Quốc Liên), ông Ben Gurion đã sang Mỹ kêu gọi sự hỗ trợ cho nỗ lực tái định cư người Do Thái châu Âu ở Palestine.

Nhưng Anh Quốc, nước quản trị Palestine, chống lại các hoạt động của người Do Thái định cư và truy bắt họ sau các vụ du kích Do Thái tấn công quân Anh.

Là chủ tịch Jewish Agency Executive, ông Ben Gurion may mắn thoát nạn vì đang ở châu Âu.

Tại Paris, ông được biết là Hồ Chí Minh có mặt ở cùng khách sạn vào mùa hè 1946 để vận động cho VNCH vốn không được Liên Xô, Anh, Mỹ công nhận.

German Nazi SS troops guarding members of the Jewish resistanceNguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Lính Đức Quốc Xã đứng canh các thành viên của phong trào Do Thái nổi dậy ở Warsaw, Ba Lan năm 1943. Chừng 40 ngàn người Do Thái chết trong cuộc nổi dậy này.

Chính phủ Pháp mới đồng ý là VNDCCH "thuộc Liên bang Đông Dương trong Liên hiệp Pháp", tổ chức do Paris chỉ đạo.

Ben Gurion đã tiếp xúc Hồ Chí Minh là "hai người nói chuyện rất thân thiện".

Khi được nghe về "Vấn đề Do Thái" của phong trào lập quốc mà ông Ben Gurion đang làm chủ tịch, Hồ Chí Minh ngỏ lời hai lần.

Đầu tiên, ông đề nghị "sau khi Ben Gurion tuyên bố thành lập chính phủ Do Thái lưu vong" thì họ có thể lập trụ sở tại Bắc Việt Nam.

Ngay sau đó, nghe tin người Do Thái bị bắt ở nhiều nơi, Hồ Chí Minh đã đề nghị tiếp rằng VNDCCH "sẵn sàng nhận mọi người tỵ nạn Do Thái, và cho họ quê hương tại vùng Cao Nguyên miền Trung của Việt Nam" (nguyên văn: a Jewish home in the Highlands of Central Vietnam).

Theo hồi ký xuất bản năm 1966, ông Ben Gurion lịch sự cảm ơn, nhưng chỉ nói: "Khi cần tôi sẽ trở lại nhờ ngài".

Nguồn hình ảnh, Bettmann

Chụp lại hình ảnh,

Israeli Prime Minister David Ben-Gurion plants trees in Jerusalem as part of a reforestation program.Thủ tướng David Ben-Gurion trồng cây ở Jerusalem trong chương trình trồng cây gây rừng

Martin Gilbert viết trong sách về lịch sử lập quốc của người Israel rằng Ben Gurion đã giải thích cho Hồ Chí Minh về các vụ người Do Thái tiếp tục bị bắt, bị giết sau Thế Chiến. Chỉ trong một ngày (04/07/1946), hơn 40 người Do Thái bị dân Ba Lan sát hại ở Kielce.

Ben Gurion cũng nhận xét rằng khi gặp ông, Hồ Chí Minh vẫn tưởng rằng sang Paris vận động thì "sẽ đòi được độc lập cho người Việt Nam".

Đúng như Ben Gurion đánh giá, các nỗ lực ngoại giao của chính phủ Hồ Chí Minh không được các đại cường thắng trận ủng hộ, đàm phán tại Fontainebleau đổ vỡ, và Việt Minh tuyên bố toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946 để chống Pháp tái chiếm.

Còn Ben Gurion thì nói với Hồ Chí Minh rằng ông luôn tin tưởng Nhà nước Do Thái sẽ ra đời ở Palestine.

Đó là lý do ông không nhận lời "lập cơ sở cho chính phủ Do Thái lưu vong ở Việt Nam".

Tuy vậy, phải mất thêm nhiều thời gian và một số xung đột thì mới đến ngày Ben Gurion đọc diễn văn độc lập cho Quốc gia Do Thái năm 1948.

Các chi tiết về cuộc gặp của hai người đã được tờ New York Times đăng tháng 10/1966 trong bài "BEN-GURION MET HO CHI MINH IN '46; Israeli Recalls Paris Talks in Interview in New Book".

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Bộ trưởng quốc phòng Israel Moshe Dayan (phải) bắt tay Thiếu tướng Robert Young của Hoa KỳBộ trưởng quốc phòng Israel Moshe Dayan (phải) bắt tay Thiếu tướng Robert Young của Hoa Kỳ

Israel đứng về phía Mỹ và ủng hộ VNCH

Trong Chiến tranh Lạnh, VNDCCH đứng về phe Liên Xô và không có quan hệ gì với Israel, nước đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ tại Trung Đông.

Bắc Việt Nam ủng hộ các quốc gia Ả Rập thân Liên Xô, thù địch với nhà nước Do Thái.

Về phía mình, Israel có quan hệ hữu hảo với VNCH.

Một nhân vật lãnh đạo nổi tiếng, bộ trưởng quốc phòng Moshe Dayan, trước khi lên nhậm chức lần nữa, đã sang Nam Việt Nam hành quân cùng người Mỹ để nghiên cứu cách đánh lực lượng Việt Cộng.

Chuyến đi thực tế ra tận vùng chiến sự của ông Dayan, đã gây sóng gió trong chính trường Israel năm 1966.

Viện Kneset (Quốc hội) đã chất vấn chính phủ vì cho rằng chuyến đi đã ảnh hưởng đến đường lối "trung lập" của Israel.

Dù từng nắm các chức vụ cao nhất như tổng tham mưu trưởng, thủ tướng từ thập niên 1950, và chỉ huy nhiều trận đánh nổi tiếng, sau khi tới Sài Gòn cuối tháng 7/1966, ông Dayan "chán cảnh tiệc tùng và nhanh chóng ra trận".

̣Đã 51 tuổi, ông vẫn đi cùng một đơn vị hải quân xem tàu thuyền của Mỹ tác chiến. Những ngày sau đó, ông hai lần ra chiến trường, một lần đi cùng Sư đoàn 1 Thủy quân Lục chiến Mỹ, và một lần cùng đơn vị Mũ Nồi Xanh hành quân truy tìm du kích cộng sản.

Là nhân vật thân Hoa Kỳ nhưng Moshe Dayan đã phê phán nặng nề chiến lược của đại tướng William Westmoreland ở Nam Việt Nam.

Ông viết lại trong hồi ký rằng người Mỹ rất kiêu ngạo và đánh nhau để thể hiện hỏa lực mạnh của họ cho cả thế giới phải sợ.

Mô tả rằng quân Mỹ "dùng đại bác bắn lều tranh, dùng hàng không mẫu hạm bắn thuyền nan", ông viết:

"Không phải là ý định trợ giúp người Việt Nam, hay một thứ gì khác, mà đây cuộc chiến là của Hoa Kỳ. Không quan trọng là họ đã đến bằng cách nào, và cứ cho là họ đã có ý muốn giúp người Việt Nam, hoặc để duy trì thỏa thuận tại Hòa đàm Geneva thì nay chỉ là chuyện Hoa Kỳ chống Việt Cộng. Họ sẽ không dừng cuộc chiến này kể cả khi dừng lại là điều đem lại lợi ích cho nước Việt Nam."

Còn thủ tướng Ben Gurion đã từng có ý định muốn liên lạc với Hồ Chí Minh và thăm Bắc Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Israel đã nỗ lực lập quan hệ ngoại giao với chính quyền VNCH của Tổng thống Nguyễn Văn ThiệuIsrael đã nỗ lực lập quan hệ ngoại giao với chính quyền VNCH của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

.

Tuy thế, điều đó không xảy ra và Israel đã nỗ lực lập quan hệ ngoại giao với chính quyền VNCH của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Năm 1972, Tel Aviv và Sài Gòn ký kết công nhận lẫn nhau về ngoại giao nhưng Israel chưa kịp mở tòa đại sứ ở Nam VN thì chiến sự gia tăng nên kế hoạch bị huỷ.

Sau năm 1975, chính giới Israel biết là lập quan hệ với nước Việt Nam thống nhất theo mô hình của Hà Nội là bất khả.

Tuy thế, họ cũng nhắc đến một câu nói rằng "hy vọng về quan hệ may ra chỉ có ở cõi bên kia" giữa Ben Gurion và Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh của Bắc Việt Nam đã qua đời năm 1969, và ông Ben Gurion tạ thế năm 1973.

Năm 1977, thủ tướng Menachem Begin vừa lên nhậm chức đã đồng ý nhận 66 thuyền nhân Việt Nam chạy trốn khỏi quê hương họ.

Ông Begin ra lệnh cấp quốc tịch Israel cho nhóm người Việt Nam này được tàu hàng Israel cứu lên ở Biển Đông.

Phải đến năm 1993, Hà Nội và Tel Aviv mới lập quan hệ ngoại giao gần đây giao thương hai bên đã tăng lên đều.

Năm 2014, báo Nhân Dân, bản tiếng Anh (06/05/2014) có bài giới thiệu cuốn tiểu sử của thủ tướng Ben Gurion, do Đại sứ quán Israel và Alpha Book ấn hành.

Trong sách có đoạn nhắc lại nội dung về cuộc gặp Ben Gurion và Hồ Chí Minh năm 1946.

Tháng 6/2019, Đại sứ Việt Nam Đỗ Minh Hùng đã nhắc lại câu chuyện này khi đến thăm khu di tích thủ tướng David Ben Gurion ở Sede Boqer, Israel.