Đến lượt Canada thách thức Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông

Chủ Nhật, 04 Tháng Tư 20213:47 SA(Xem: 3965)
Đến lượt Canada thách thức Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông
rfi.fr

Đến lượt Canada thách thức Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông

Trọng Nghĩa

Miến Điện đang mấp mé bờ vực nội chiến, một ít dân chủ mà người Hồng Kông còn được hưởng tiếp tục bị Bắc Kinh triệt tiêu, Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất vac-xin Coronavac dù hiệu quả bình thường… Trên đây là một số sự kiện đáng chú ý trong tuần sẽ được Tạp Chí Thế Giới Đó Đây hôm nay điểm lại, nhưng nổi bật nhất có lẽ là thời sự Biển Đông, với động thái bất ngờ của Canada cho chiến hạm băng qua vùng Trường Sa đang trở thành điểm nóng.

Như tin RFI đã loan, ngày 31 Tháng Ba vừa qua, bộ Quốc Phòng Canada đã chính thức thông báo sự kiện chiến hạm HMCS Calgary của nước này đi ngang qua vùng quần đảo Trường Sa trên đường từ Brunei đến Việt Nam trong hai ngày 29 và 30/03.

Hành trình xuyên Biển Đông để đến Cam Ranh

Trong hành trình qua Biển Đông, chiếc Calgary đã bị một tàu chiến Trung Quốc bám sát theo và chiến hạm Canada đã cập bến cảng Cam Ranh của Việt Nam hôm 31/03 để được “tiếp tế hậu cần”.

Cho dù chính quyền Canada đã giải thích lý do chiến hạm Canada băng qua Biển Đông bằng tính chất “thuận tiện” của lộ trình, giới quan sát đã gắn liền động thái này của Ottawa với bối cảnh quan hệ càng lúc càng căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc, sau vụ Bắc Kinh cho bắt giữ hai công dân Canada làm việc tại Trung Quốc rồi đưa ra xét xử với cáo buộc làm gián điệp, để trả đũa vụ Ottawa cho bắt giữ rồi quản chế giám đốc tài chánh của tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc Hoa Vi.

Tuy nhiên có một điểm chắc chắn là trong thời gian gần đây, chính quyền Canada càng lúc càng có thêm nhiều động thái thể hiện mối quan tâm đến tình hình Biển Đông theo chiều hướng bảo vệ quyền tự do hàng hải chống lại ý đồ thâu tóm khu vực của Trung Quốc.

Sự kiện chiến hạm Canada đi ngang qua vùng quần đảo Trường Sa diễn ra đúng vào lúc Trung Quốc tung hàng trăm chiếc tàu mà Bắc Kinh cho là tàu cá, nhưng bị Philippines và các chuyên gia nghiên cứu xác định là tàu dân quân biển, đến tràn ngập rạn san hộ Đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa, trước khi tỏa ra một số đảo đá khác trong vùng.

Canada cũng phản đối Trung Quốc trong vụ Đá Ba Đầu

Điểm đáng ghi nhận là trong số những quốc gia ngoài vùng Biển Đông, Canada đã lên tiếng cùng với Mỹ, Nhật, Anh, Úc lên án hành vi của Trung Quốc tại vùng Đá Ba Đầu. Trong một tin nhắn Twitter ngày 25/03, đại sứ Canada tại Philippines khẳng định: “Canada phản đối các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông…, làm leo thang căng thẳng và phá hoại sự ổn định của khu vực cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.

Trước hành trình của chiến hạm Canada HMCS Calgary qua Biển Đông, chính quyền Ottawa cũng đã từng tàu chiến đến khu vực và đi qua các vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc

Theo báo chí Canada, các quan chức nước này luôn phủ nhận việc Ottawa muốn gửi đi một thông điệp khi cho chiến hạm băng qua eo biển Đài Loan hay Biển Đông, tuy nhiên, một số tài liệu rò rỉ vào năm 2020 cho thấy chính phủ Canada đã thảo luận ở cấp cao nhất về các động thái như vậy trước khi thông qua.

Chuyến đi qua eo biển Đài Loan của chiến hạm HMCS Ottawa vào năm 2020 chẳng hạn, đã được mô tả là nhằm “thể hiện hậu thuẫn của Canada đối với các đối tác và đồng minh thân cận nhất cũng như đối với an ninh khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.

Miến Điện: Cảnh sát thẳng tay bắn người biểu tình

Tính đến hết ngày 02/03/2021, đã có ít nhất 550 thường dân, trong đó có hơn 40 thiếu niên, bị thiệt mạng trong các vụ đàn áp kể từ khi phong trào biểu tình và bãi công bùng lên phản đối cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02 ở Miến Điện. Yếu tố đáng quan ngại là lực lượng an ninh đã không ngần ngại nổ súng dẹp biểu tình, kể cả bắn vào đầu hay vào lưng.

Theo tuần báo Pháp L’Express, ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện đã phải lên tiếng báo đông: “Tập đoàn quân sự giờ đây đã dùng đến lựu đạn, đại liên và nhiều loại vũ khí dùng trong chiến tranh khác để tấn công vào người dân”.

Trong tuần tình hình Miến Điện nghiêm trọng thêm với việc các lực lượng võ trang thuộc các sắc tộc thiểu số đã đe dọa tham gia phong trào chống đảo chính. Tại hai bang Karen và Kachin, các nhóm nổi dậy đã tấn công các căn cứ quân sự, kéo theo những cuộc tấn công trả đũa ồ ạt của quân đội chính phủ.

Theo bà Debbie Stothard, điều phối viên tổ chức nhân quyền Mạng Lưới ASEAN vì Miến Điện (ALTSEAN), tình hình hiện nay đang làm dấy lên bóng ma của một cuộc nội chiến toàn diện. Trả lời ban Pháp Ngữ RFI bà Stothard nhận xét:

"Có lẽ chúng ta đang chứng kiến ​​một tình trạng leo thang. Rõ ràng là khi sử dụng đến lực lượng vũ trang vào ngày 27/03,  tập đoàn quân sự đã tăng cường cuôc chiến chống lại không chỉ các nhóm dân tộc thiểu số ở các vùng biên giới, mà cả những người ủng hộ dân chủ ở các khu vực thành thị.

Các chiến dịch quân sự hiển nhiên đang dẫn đến một cuộc nội chiến toàn diện. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp không nên cung cấp phương tiện cho chính quyền quân sự bất hợp pháp này để họ tiếp tục đàn áp thường dân.

Các doanh nghiệp phải hiểu rằng bằng cách tiếp tục hỗ trợ quân đội Miến Điện, họ không chỉ tham gia vào các tội ác chống nhân loại mà còn góp phần vào việc gây ra tình trạng mất an ninh cho thường dân trong khu vực."

Chuyên gia Pháp: Dân Miến Điện sẵn sàng chấp nhận cấm vận

Đánh vào hầu bao của đối phương, hay nói một cách nghiêm túc hơn là trừng phạt tập đoàn quân sự cầm quyền, được cho là một biện pháp tốt để ngăn chặn chiến dịch đàn áp biểu tình đẫm máu tại Miến Điện.

Sau các lệnh trừng phạt của Mỹ vào đầu tuần này, đến lượt Nhật Bản tuyên bố ngừng tất cả các khoản viện trợ mới cho Miến Điện. Các biện pháp trừng phạt kinh tế này có thể tác hại đến người dân, nhưng theo bà Françoise Nicolas giám đốc Trung Tâm Châu Á tại Viện Quan Hệ Quốc tế Pháp IFRI, tình hình đã đến mức mà người dân Miến Điện sẵn sàng chấp nhận các hình thức cấm vận của quốc tế đối với đất nước họ, cho dù họ chắc chắn sẽ phải chịu khổ:

“Ngay chính người dân Miến Điện, qua những gì họ làm hàng ngày, đã cho thấy là họ đã sẵn sàng hy sinh tới mức cao nhất. Vì vậy, những biện pháp trừng phạt rộng lớn, có khả năng tác hại đến người dân, sẽ không còn là vấn đề đối với họ nữa.

Hiện nay, đường phố Miến Điện coi như là đã vùng lên chống lại tập đoàn quân sự, họ như đã sẵn sàng làm mọi thứ để buộc giới quân sự rời bỏ quyền hành, và họ hy vọng rằng những biện pháp trừng phạt với quy mô rộng lớn có thể khuất phục được quân đội.

Dĩ nhiên là ta không thể kêu gọi những doanh nghiệp quốc tế, như Tập đoàn Pháp Total chẳng hạn, hiện có dự án khí đốt tại Miến Điện, là phải rời khỏi đất nước này, cho dù đại diện Liên Hiệp Quốc đặc trách Miến Điện đã cho rằng cần phải cắt đứt nguồn tài trợ cho tập đoàn quân sự.

Thế nhưng theo tôi, có nhiều phương cách khác, ví dụ như đình hoãn việc đóng thuế, hoặc là chuyển tiền vào những tài khoản được phong tỏa, sao cho ít ra là nguồn tiền đó không rơi vào tay chính quyền quân sự.”

Bắc Kinh tiếp tục triệt hạ nền tảng dân chủ tại Hồng Kông

Ngày 30/03 vừa qua, ngay sau khi Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc tại Bắc Kinh thông qua việc cải cách triệt để luật bầu cử ở Hồng Kông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký ngay sắc lệnh ban hành và thực thi các quy định sửa đổi.

Hồng Kông như vậy đã phải lãnh thêm một đòn mới từ Bắc Kinh, với hy vọng dân chủ kể như bị xóa bỏ cho dù đã được ghi trong Luật Cơ Bản Luật pháp – Basic Law - được xem là Hiến Pháp của Hồng Kông.

Từ Hồng Kông, thông tín viên RFI Florence de Changy phân tích:

Cụ thể, các ứng cử viên tương lai cho bất kỳ chức vụ nào trong đời sống chính trị Hồng Kông, (từ ủy viên hội đồng cấp huyện đến chức vụ lãnh đạo tối cao của ngành hành pháp, hay một ghế nghị sĩ ở trong Hội Đồng Lập Pháp Legco, tức là Nghị Viện Hồng Kông), tất cả đều phải vượt qua được những cửa ải thực thụ, với nguy cơ việc ứng cử bị vô hiệu hóa ở mỗi chặng.

Một bộ phận công an chính trị mới của Hồng Kông đã được thành lập trong khuôn khổ bộ Luật An Ninh Quốc Gia thành lập, một bộ luật hà khắc do Bắc Kinh áp đặt vào tháng 6 năm 2020 để tự tạo cho mình phương tiện pháp lý để trấn áp bất kỳ phe đối lập nào. Bộ phận công an chính trị đó sẽ đóng một vai trò quan trọng vì chính họ là người sẽ đưa ra ý kiến ​​đầu tiên về “lòng yêu nước” và “độ an toàn” của một ứng cử viên, chuyển đến cho một “ủy ban tuyển chọn” mới.

Bản thân ủy ban mới này cũng đã bị Bắc Kinh khóa chặt qua việc chọn lựa thành viên.

Chưa hết. Ở giai đoạn tiếp theo, các ứng cử viên “đủ tiêu chuẩn” vẫn cần phải được Ủy Ban Bầu Cử phê duyệt. Nhân vật lãnh đạo Ủy Ban này nhất thiết là một đại biểu đến từ một cơ chế cấp trung ương của Trung Quốc.

Nói tóm lại, như nhận định của cựu chủ tịch Đảng Dân Chủ Hồng Kông bà Lưu Tuệ Khanh (Emily Lau), phe đối lập ủng hộ dân chủ đã bị loại khỏi chính trường Hồng Kông.

TQ đẩy mạnh sản xuất vac-xin dù hiệu quả bình thường

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhưng trong lãnh vực y tế, tập đoàn  dược phẩm Sinovac ngày 02/04/2021 thông báo quyết định tăng gấp đôi năng lực sản xuất vac-xin Covid-19 lên thành 2 tỷ liều. Theo Bắc Kinh, hiện có hơn 70 quốc gia sử dụng một trong những loại vac-xin của Trung Quốc, nhưng hiệu quả của thuốc chủng Coronavac mà Sinovac làm ra vẫn còn bị tranh cãi.

Theo thông tín viên RFI Simon Leplâtre, tại Thượng Hải câu hỏi đặt ra là việc Sinovac nhân đôi năng lực sản xuất có phải là tin tốt làng hay không:

Với dây chuyền sản xuất thứ ba đi vào hoạt động, Sinovac nâng công suất lên 2 tỷ liều mỗi năm, đủ để tiêm chủng cho một tỷ người. Con số này gần bằng Pfizer, đã có kế hoạch sản xuất 2,5 tỷ liều vào năm 2021.

Sinovac là một trong những nhà sản xuất vac-xin lớn của Trung Quốc, cùng với Sinopharm và Cansino. Công ty này cho biết là 200 triệu liều thuốc chủng của họ đã được sử dụng ở 20 quốc gia bao gồm cả Trung Quốc.

Hôm 31 tháng Ba vừa qua, các chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã khẳng định rằng vac-xin của Sinopharm và Sinovac an toàn và hiệu quả, nhưng đang yêu cầu được cung cấp thêm dữ liệu trước khi chính thức phê duyệt.

Coronavac của Sinovac là loại vac-xin chống Covid có kết quả sơ bộ kém thuyết phục nhất: Ở Brazil, hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm của Coronavac chỉ được đánh giá ở mức 50%, ngay cả khi nó ngăn ngừa được các ca bệnh nghiêm trọng trong 80% trường hợp và tử vong trong 100% trường hợp.

Điều đó có nghĩa là mặc dù quan trọng trong việc chống lại tác động của virus, vac-xin Coronavac của Trung Quốc sẽ không nhất thiết cho phép các quốc gia nhanh chóng đạt được miễn dịch tập thể để tiếp tục cuộc sống bình thường.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn