Cá giúp loại bỏ 1,65 tỷ tấn carbon khí quyển mỗi năm

Chủ Nhật, 07 Tháng Ba 20217:00 SA(Xem: 3077)
Cá giúp loại bỏ 1,65 tỷ tấn carbon khí quyển mỗi năm

Nghiên cứu mới chỉ ra rằng carbon trong phân và các chất bài tiết khác từ cá chiếm khoảng 16% tổng lượng carbon chìm dưới đại dương.

Cá đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng các nguồn carbon. Ảnh: Global Environment Facility.

Cá đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng các nguồn carbon. Ảnh: Global Environment Facility.

Các hệ sinh thái mang lại rất nhiều lợi ích cho con người và một trong số đó là việc thu giữ khí carbon dioxide (CO2) từ khí quyển và chôn vùi nó trong trầm tích hoặc dưới đại dương sâu.

Trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Limnology & Oceanography trong tháng 2, các nhà khoa học do Tiến sĩ Grace Saba tại Đại học Rutgers của Mỹ và Tiến sĩ Clive Trueman từ Đại học Southampton của Anh dẫn đầu đã tổng hợp dữ liệu hiện có để ước tính các loài cá đóng góp bao nhiêu vào việc thu giữ carbon toàn cầu.

"Ước tính lượng carbon được các loài động, thực vật khác nhau thu giữ và lưu trữ có ý nghĩa rất quan trọng vì chúng ta đang cố gắng giảm tổng lượng CO2 trong bầu khí quyển của Trái Đất. Phá vỡ các hệ sinh thái tích cực lưu trữ carbon có thể đảo ngược một số thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải nhà kính, và ngược lại, việc bảo vệ chúng sẽ giúp duy trì các hệ thống tự điều chỉnh của hành tinh", Trueman chia sẻ.

Các loài cá biển có thể thu giữ carbon thông qua thức ăn, sau đó đào thải chúng dưới dạng phân và các chất bài tiết khác - thứ sẽ chìm dần và cuối cùng được lưu trữ dưới đáy đại dương. Tuy nhiên, việc đo lượng carbon được các loài cá thải vào biển sâu là một thách thức. Các nhà khoa học vẫn còn tranh luận về số lượng cá có mặt trong các đại dương trên thế giới, cũng như lượng thức ăn mà chúng tiêu thụ.
Cá thu giữ CO2 qua thức ăn, sau đó thải chúng xuống đáy biển qua phân. Ảnh: Grace Saba.

Cá thu giữ carbon qua thức ăn, sau đó thải chúng xuống đáy biển qua phân. Ảnh: Grace Saba.

Carbon dioxide từ khí quyển được đại dương hấp thụ nhờ thực vật phù du và thực vật đơn bào nhỏ trên bề mặt. Thông qua một quá trình được gọi là "máy bơm sinh học", carbon hữu cơ này có thể đi từ bề mặt xuống đại dương sâu. Sự di chuyển, kiếm ăn và đào thải hàng ngày của các loài cá là một phần quan trọng trong quá trình này. Một yếu tố khác cũng có tác động đáng kể là sự xáo trộn của nước biển.

Nghiên cứu mới giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu và thu hoạch hải sản đối với vai trò của cá lên thông lượng carbon - sự chuyển động của carbon trong đại dương, bao gồm từ bề mặt đến biển sâu.

"Đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét tác động của cá đối với thông lượng carbon. Chúng tôi ước tính cá biển đóng góp khoảng 16% vào việc thu giữ và lưu trữ carbon toàn cầu, tương đương 1,65 tỷ tấn. Các dạng carbon từ cá ở vùng biển nơi ánh sáng mặt trời xuyên qua - sâu khoảng 200 m - bao gồm các viên phân chìm, các hạt carbon vô cơ, carbon hữu cơ hòa tan và carbon dioxide tương ứng. Tôi đoán rằng carbon trong phân cá chiếm từ 15 đến 20% tổng lượng carbon mà chúng thải ra, tương tự như một số loài động vật phù du", Saba nhấn mạnh.

Nhóm nghiên cứu cho biết thêm rằng carbon từ chất thải của cá có thể được lưu trữ dưới đại dương hàng trăm năm hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào độ sâu và vị trí của chúng. Quá trình tự nhiên này tạo ra một "bể chứa" có tác dụng cân bằng các nguồn carbon dioxide.

Đoàn Dương (Theo SciTech Daily
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn