Alamy

Nguồn hình ảnh, Alamy

Chụp lại hình ảnh,

Tàu HMS Challenger dong buồm ra khơi từ xứ Anh vào năm 1872, và chuyến đi dài ngày của tàu đã làm thay đổi ghê gớm lịch sử khoa học của chúng ta

Ở tiền sảnh Trung tâm Hải dương học Quốc gia ở Southampton, Anh, là hình tượng mũi tàu được sơn phết. Nó cao hơn cả chiều cao đầu người và miêu tả một hiệp sĩ mặc giáp với khiên ngực màu bạc, tấm che mặt nâng lên và bộ râu quặp rậm. Trong đôi mắt hiệp sĩ là cái nhìn xa xăm.

Bức tượng gỗ này là chứng tích duy nhất của một con tàu buồm ngang vốn từng thực hiện chuyến hải hành kéo dài ba năm rưỡi đến những nơi xa xôi nhất địa cầu, định hình lại khoa học hàng hải, phơi bày tất cả những điều kỳ lạ dưới nước và thay đổi vĩnh viễn mối quan hệ của chúng ta với các đại dương.

Tên của con tàu là HMS Challenger.

Khởi đầu khiêm tốn

Hành trình đó không đơn giản là đi từ điểm A đến điểm B. Trong khoảng thời gian từ tháng 12/1872 đến 5/1876, hình tượng trên mũi tàu này đã thấm nước biển ở cả Bắc và Nam Đại Tây Dương cũng như những vùng biển rộng lớn ở Thái Bình Dương, thậm chí còn đi xa xuống tận Nam Cực.

Hành trình đi vòng như vậy đã được đền đáp. Vào cuối hành trình, một trong những người trên tàu, nhà tự nhiên học nổi tiếng John Murray, tuyên bố đó là 'bước tiến vĩ đại nhất trong hiểu biết về hành tinh của chúng ta kể từ những khám phá được ca tụng hồi Thế kỷ 15 và 16'. Đó là một thành tích đối với một con tàu vốn chỉ được xếp là phần thứ yếu trong hạm đội hải quân Hoàng gia của Anh.

Đóng tại Xưởng đóng tàu Woolwich của Anh đặt tại vùng Đông Nam London, hiện không còn hoạt động nữa, và được hạ thủy lần đầu tháng 2/1858, HMS Challenger được thiết kế là tàu hộ tống gỗ, có hỗ trợ hơi nước, của Hải quân Hoàng gia Anh.

Nó dài khoảng 61m. Chỉ vài tuần trước đó, thế giới đưa tin chiếc SS Great Eastern khổng lồ của kỹ sư Isambard Kingdom Brunel - một con tàu hơi nước thân sắt dài hơn 210m - được hoàn thành gần đó, trong London.

Trái lại, sự ra đời của Challenger không tạo tiếng vang gì mấy, và chỉ tạo tác động tương đối nhỏ.

Thế nhưng không hẳn vậy.

Câu chuyện về chuyến thám hiểm thế giới của nó mà giờ đây đã trở thành huyền thoại bắt đầu cách đây 150 năm, vào năm 1870, khi một giáo sư Đại học Edinburgh và nhà động vật học biển tên là Charles Wyville Thompson thuyết phục Hiệp hội Hoàng gia London hỗ trợ một hành trình thám hiểm kéo dài và chi tiết trên khắp các đại dương trên thế giới.

Xét nhiều mặt, ý tưởng này rất mới mẻ. Đó là giai đoạn mà các nhà khoa học đi biển như Matthew Fontaine Maury đã tiến hành các nghiên cứu về đại dương của riêng họ, nhưng chuyến thám hiểm mà Thompson đề xuất sẽ có chiều sâu hơn theo nghĩa đen.

Trước chuyến thám hiểm này, cuộc sống dưới đáy biển phần lớn vẫn là bí ẩn. Ngay cả Charles Darwin, người có chuyến đi mở đường trên tàu HMS Beagle vào khoảng 40 năm trước đó, đã gọi các đại dương là "thứ bỏ đi tẻ nhạt, một sa mạc nước".

Đơn xin phép cho chuyến đi được nộp lên chính phủ và ngay sau đó đã được chuẩn thuận. Hải quân Hoàng gia Anh cho mượn một con tàu mạnh mẽ, cứng cáp vốn đã dành thập kỷ đầu tiên từ khi nó ra đời để thực hiện nhiệm vụ: tàu HMS Challenger.

Công việc chuẩn bị diễn ra cấp tập. Mười lăm trong số 17 khẩu súng trên tàu được tháo dỡ để có chỗ đặt phòng thí nghiệm và phòng làm việc. Các khu vực lưu trữ được hình thành để có chỗ để các mẫu sinh vật biển được thu thập trong chuyến đi.

Thủy thủ đoàn được tập hợp với hơn 200 người, do George Nares làm thuyền trưởng, người vào năm 1869 đã chỉ huy con tàu đầu tiên băng qua Kênh đào Suez mới mở.

Một nhóm sáu nhà khoa học, đứng đầu là Wyville Thompson, đi cùng trên tàu.

Bận rộn và kham khổ

Cho đến cuối năm 1872, tàu Challenger tân trang đã sẵn sàng. Con tàu dong buồm ra khơi từ Sheerness trên bờ biển đông nam xứ Anh (England) vào thứ Bảy ngày 7/12.

Nó bỏ lại một trong những mùa đông ẩm ướt nhất của Anh từng được ghi nhận, xuôi về nam tới Lisbon và quần đảo Canary.

Trong 42 tháng sau đó, con tàu đi qua quãng đường 127.600 km trong một hành trình không dưới 362 điểm dừng - 'với khoảng thời gian giữa các điểm dừng gần như đồng nhất nhất có thể', Wyville Thompson cho biết - để vớt các mẫu vật từ đáy biển bằng lưới nặng, nghiên cứu sinh vật biển, đo độ sâu đại dương và đo nhiệt độ nước.

Nhờ những lá thư của một nhân viên phụ tá phục vụ trẻ, Joseph Matkin, vốn chỉ mới 19 tuổi khi tàu Challenger khởi hành, chúng ta có những tường thuật về cuộc sống trên tàu.

"Tất cả các mấy ông khoa học đều ở trên tàu, và họ bận rộn suốt tuần, cất dọn đồ đạc của họ," anh viết khi mọi người lên tàu. "Có hàng nghìn chai nhỏ đậy kín khí và những chiếc hộp nhỏ cất trong thùng sắt để đựng các mẫu vật, côn trùng, bướm, rêu, thực vật... Có một phòng chụp ảnh trên boong chính, cũng là phòng mổ xẻ."

Trong khi đó, thức ăn uống trên tàu lại không được như mong đợi. "Tôi chưa bao giờ đói đến thế," Matkin viết, chỉ vài tuần sau khi tàu rời Sheerness. "Tôi sẽ kể cho nghe các bữa ăn thường ngày bây giờ là gì: lúc 6 giờ sáng ăn sáng, có ca cao và bánh quy cứng. Lúc 11 giờ 30 là bữa tối: bữa nay là thịt lợn muối và súp đậu thì ngày kế tiếp sẽ là thịt bò muối và bánh mận khô, ngày tiếp nữa lại là thịt lợn muối, và ngày thứ tư sẽ là khoai tây ngâm và bò Úc đóng hộp. Nếu ai ăn như thế mà mập lên trong bốn năm thì hẳn là họ đã ăn nhiều hơn khẩu phần cá nhân."

Tuy nhiên, những phát hiện của chuyến thám hiểm thì không thể không nói là phong phú.

Kết quả sau đó được trình bày trong một báo cáo dài tới 50 cuốn ghi chép, gồm 29.500 trang, giúp chúng ta hình dung được về khối lượng thông tin thu thập được trên đường đi.

Ngày nay, khi xem trực tuyến bộ sưu tập 4.772 mẫu vật của nó, chúng ta thấy cả một kho tàng sinh vật biển: ốc biển ở Azores; mực từ các vùng biển quanh Nhật Bản; động vật ăn lọc nhỏ li ti được vớt lên từ độ sâu hơn 550 mét dưới Quần đảo Hawaii; răng cá mập, cua, lợn biển và lươn rắn.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các thủy thủ tàu Challenger uống trà tại một quán trà ở Yokohama, Nhật Bản, hồi năm 1888

Những hiện vật này ngày nay được gìn giữ tại các bảo tàng trên khắp nước Anh, Ireland và Mỹ - trong đó Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London và Phòng trưng bày Nghệ thuật và Tưởng niệm Hoàng thân Albert ở Exeter, Anh - với nhiều hiện vật khác nhau vẫn đang được trưng bày.

Những khám phá vô giá

Dĩ nhiên, quan trọng không kém các mẫu vật là hàng nghìn chỉ số khoa học mà tàu thu thập được bằng cách treo lơ lửng những thiết bị và nhiệt kế thủy tinh tân tiến thời đó xuống những độ sâu chưa được khám phá, sử dụng độ dài của dây gai dầu.

"Các chỉ số đo lường trong chuyến thám hiểm của tàu Challenger đã tạo tiền đề cho tất cả các ngành hải dương học," Tiến sĩ Jake Gebbie, nhà khoa học tại Viện Hải dương Woods Hole, một cơ sở nghiên cứu đại dương nổi tiếng có trụ sở tại Massachusetts, giải thích.

"Họ đã chộp lại được khoảnh khắc trong dòng chảy thời gian mà nếu không sẽ bị mất. Báo cáo này vẫn được sử dụng trong các nghiên cứu có tác động lớn ngày nay."

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nhiệt độ nước chỉ là một lĩnh vực mà những phát hiện của chuyến đi đã chứng tỏ là vô giá.

"Chúng tôi hiện đang số hóa toàn bộ các số đo nhiệt độ từ Challenger," Tiến sĩ Gebbie nói tiếp và cho biết viện cũng đang tìm hiểu nguyên tắc vật lý chi phối đại dương trên những mốc thời gian kéo dài hàng thế kỷ này. "Nếu không có số liệu của tàu Challenger, thì ngành nghiên cứu này có thể rất khó khăn," ông nói.

Trong số vô số những khám phá đáng chú ý khác, thì có chuyện đây cũng là đoàn thám hiểm đầu tiên ghi lại độ sâu kinh khủng của Rãnh Mariana, vực sâu ở Thái Bình Dương có độ sâu còn hơn cả chiều cao đỉnh Everest.

Thật vậy, điểm sâu nhất của rãnh gọi là Challenger Deep sâu 10.929m, một vực thẳm tối tăm với bùn đầy tảo và cá dẹt di chuyển chậm - vẫn được lấy theo tên con tàu.

Trong khi đó, ở một thái cực khác trong hành trình khám phá của nhân loại, tàu con thoi xấu số Challenger cũng được đặt theo tên tàu.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nhiều mẫu vật mà hành trình của tàu Challenger thu thập được nay được lưu giữ tại các bảo tàng ở Anh, Mỹ và Ireland, trong đó có Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London

Chuyến hải hành dừng ở các cảng, khắp từ Quần đảo Cape Verde, Melbourne cho đến Hong Kong và Yokohama.

Tuy nhiên, đường chân trời của nó thường không chỉ là màu xanh nước biển dập dềnh mà là sự vô hạn không bờ bến cần được ghi chép lại.

Chuyến hải hành kéo dài một cách gần như không tưởng, nhưng cho đến khi tàu Challenger cuối cùng trở lại nước Anh vào một ngày mùa xuân tháng 5/1876, hàng hóa mà nó đem về là những đóng góp khoa học mà thậm chí đến bây giờ vẫn tiếp tục định hình hiểu biết của chúng ta về các đại dương.

Đó không chỉ là một bước nhảy vọt cho học thuật. Về lâu dài, nó cũng là một chuyến đi tôn vinh đại dương và nêu bật sự đền đáp của việc đi biển một cách kiên nhẫn.