Những phát minh khoa học lập kỷ lục trong năm 2020

Chủ Nhật, 10 Tháng Giêng 20215:00 SA(Xem: 3476)
Những phát minh khoa học lập kỷ lục trong năm 2020

Năm 2020 ghi nhận nhiều phát hiện khoa học phá kỷ lục thế giới như bụi sao 7 tỷ năm tuổi, chuyến bay dài nhất của loài chim hay động vật dài nhất thế giới.

Chuyến bay dài nhất của chim

Chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn lập kỷ lục về chuyến bay liên tục dài nhất. Ảnh: Shutterstock.

Chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn lập kỷ lục về chuyến bay liên tục dài nhất. Ảnh: Shutterstock.

Một con chim mỏ dài lông màu nâu đỏ phá kỷ lục thế giới dành cho chuyến bay liên tục không nghỉ dài nhất. Hôm 16/9, con chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn đực (Limosa lapponica) có số hiệu 4BBRW khởi hành từ phía tây nam Alaska và bay 11 ngày liền tới New Zealand, vượt qua quãng đường 12.200 km. Kỷ lục trước đây thuộc về một con chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn cái với hành trình 11.500 km trong 9 ngày vào năm 2007. Loài chim này vốn nổi tiếng với khả năng bay bền bỉ, nhưng kỷ lục của 4BBRW đặc biệt ấn tượng.

Động vật dài nhất thế giới

Siphonophore ở ngoài khơi Australia. Ảnh: Viện Schmidt.

Siphonophore ở ngoài khơi Australia. Ảnh: Viện Schmidt.

Trong lúc khám phá những hẻm núi dưới biển sâu ở ngoài khơi Australia, các nhà nghiên cứu bắt gặp một sinh vật hình dây siêu dài, có thể là động vật lớn nhất từng được phát hiện. Loài vật có tên siphonophore này dài 45 m, bao gồm nhiều cá thể nhỏ gọi là zooid. Mỗi zooid có cuộc sống độc lập nhưng luôn liên kết với zooid bên cạnh để thực hiện một chức năng của siphonophore.

Bức ảnh phơi sáng lâu nhất

Bức ảnh lập kỷ lục do Regina Valkenborgh chụp. Ảnh: Đại học Hertfordshire.

Bức ảnh lập kỷ lục do Regina Valkenborgh chụp. Ảnh: Đại học Hertfordshire.

Lon bia, giấy ảnh và máy ảnh lỗ kim công nghệ thấp đã góp phần tạo ra bức ảnh ghi lại hành trình của Mặt Trời trên bầu trời mỗi ngày từ năm 2012. Đây có thể là bức ảnh phơi sáng dài nhất từng được tạo ra. Cách đây 8 năm, một sinh viên ở Đại học Hertfordshire đặt camera tự chế trên kính viễn vọng ở Đài quan sát Bayfordbury của trường đại học. "Tôi không có ý định chụp phơi sáng lâu như vậy nên rất bất ngờ khi nó có thể tồn tại lâu như vậy", Regina Valkenborgh, kỹ thuật viên ảnh ở Đại học Barnet và Southgate. Kết quả là bức ảnh hé lộ 2.953 vòm ánh sáng khi Mặt Trời mọc và lặn.

Rùa lớn nhất từng sống trên Trái Đất

Phục dựng rùa Stupendemys geographicus. Ảnh: Jaime Chirinos.

Phục dựng rùa Stupendemys geographicus. Ảnh: Jaime Chirinos.

Con rùa cổ đại sống cách đây 8 triệu năm với chiếc mai đường kính 2,4 m có thể là rùa lớn nhất từng tồn tại. Nó thuộc loài Stupendemys geographicus, ngày nay đã tuyệt chủng, sống ở phía bắc Nam Mỹ trong thế Trung Tân, kéo dài từ 12 đến 5 triệu năm trước. Con rùa nặng khoảng 1.145 kg, gấp gần 100 lần họ hàng gần nhất còn sống ngày nay là rùa sông Amazon (Peltocephalus dumerilianus) và gấp đôi loài rùa lớn nhất hiện nay là rùa da (Dermochelys coriacea), theo báo cáo của các nhà nghiên cứu công bố hôm 12/2 trên tạp chí Science Advances.

Cặp sinh đôi cổ xưa nhất

Ngôi mộ của cặp song sinh cổ đại. Ảnh: OREA ÖAW.

Ngôi mộ của cặp song sinh cổ đại. Ảnh: OREA ÖAW.

Ngôi mộ hình oval 31.000 năm tuổi ở di chỉ Krems-Wachtberg, Áo, chứa hài cốt của cặp song sinh giống nhau cổ nhất thế giới. Ngôi mộ được phát hiện vào năm 2005 nhưng trong phân tích mới, các nhà nghiên cứu sử dụng ADN cổ đại để xác nhận hai đứa trẻ sơ sinh là cặp sinh đôi giống hệt nhau và chúng nhiều khả năng là anh em họ của đứa trẻ 3 tháng tuổi trong ngôi mộ gần đó. Một trong hai đứa trẻ chết không lâu sau khi chào đời trong khi đứa trẻ còn lại sống sót khoảng 50 ngày, theo nghiên cứu công bố hôm 6/11 trên tạp chí Communications Biology.

Tinh trùng cổ nhất

Phục dựng cá thể Myanmarcypris hui đực và cái đang giao phối. Ảnh: Dinghua Yang.

Phục dựng cá thể Myanmarcypris hui đực và cái đang giao phối. Ảnh: Dinghua Yang.

Bên trong một đĩa hổ phách khai quật ở mỏ đá phía bắc Myanmar, các nhà khoa học tìm thấy tinh trùng cổ nhất thế giới. Khối hổ phách chứa 39 con tôm hạt, một loài giáp xác. 31 con trong số đó thuộc một loài mới phát hiện gọi là Myanmarcypris hui. Bên trong một trong những cá thể M. hui cái trưởng thành, nhóm nghiên cứu phát hiện 4 quả trứng và một búi giống mỳ Ý được xác định là tinh trùng 100 triệu năm tuổi. Trước phát hiện này, tinh trùng cổ nhất có niên đại 100 triệu năm, đến từ kén sâu ở Nam Cực. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 16/9 trên tạp chí Proceedings of the Royal Academy B.

Vật liệu lâu đời nhất trên Trái Đất

Mẫu vật bụi sao trong thiên thạch Murchison. Ảnh: Janaína N. Ávila.

Mẫu vật bụi sao trong thiên thạch Murchison. Ảnh: Janaína N. Ávila.

Bụi tìm thấy bên trong một thiên thạch lớn đâm vào Trái Đất cách đây nửa thế kỷ có niên đại 7 tỷ năm, được ghi nhận là vật liệu cổ nhất hành tinh. Loại bụi cổ đại này chứa các hạt với niên đại lớn hơn Mặt Trời, bắn vào vũ trụ từ những ngôi sao chết. Chúng tới Trái Đất do bám vào thiên thạch Murchison rơi xuống Australia năm 1969. Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu phát hiện hạt bụi lớn tuổi hơn Mặt Trời trong mẫu đá trên Trái Đất. Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia phân tích mẫu vật từ Murchison, nghiền những mẩu nhỏ của thiên thạch và nhỏ thêm axit giúp phân hủy khoáng chất và silicate, để lại phần hạt cứng. Họ công bố phát hiện hôm 13/1 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

An Khang (Theo Live Science)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn