UAV thống trị chiến trường toàn cầu năm 2020

Chủ Nhật, 20 Tháng Mười Hai 202010:00 SA(Xem: 3772)
UAV thống trị chiến trường toàn cầu năm 2020

Máy bay không người lái (UAV) trở thành khí tài chủ lực trong hàng loạt chiến dịch quân sự năm 2020, từ các vụ ám sát cho đến xung đột vũ trang.

Khi chiến tranh bùng phát tại vùng xung đột Nagorno-Karabakh hồi tháng 9, nhiều người đã nghĩ rằng quân đội Armenia với lực lượng bộ binh hùng hậu, trang bị nhiều xe tăng, thiết giáp, pháo cùng đội ngũ sĩ quan chỉ huy được huấn luyện bài bản sẽ nhanh chóng đè bẹp đối phương như cuộc chiến 1988-1994.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của UAV đã làm đảo lộn cục diện chiến trường. Nhờ các loại UAV trinh sát hiện đại, quân đội Azerbaijan nắm rõ vị trí bố trí các đơn vị quân đội Armenia, cung cấp tham số mục tiêu cho pháo binh dội hỏa lực "làm mềm" chiến trường.

Sau đó, các UAV vũ trang do Thổ Nhĩ Kỳ và Israel chế tạo được tung vào chiến trường, thực hiện các đòn tập kích chính xác vào những khí tài giá trị cao của Armenia, như tổ hợp phòng không, xe tăng, các đội hình bộ binh co cụm hay các phương tiện vận tải tiếp tế.Hứng chịu thiệt hại nặng nề từ những đòn tấn công này, quân đội Armenia ở tiền tuyến gần như bị cô lập với hậu phương, bất lực khi bộ binh Azerbaijan dần chiếm được các vị trí chiến lược. Armenia cũng vội vàng tung ra chiến trường một số UAV nội địa hoặc mua từ Nga, nhưng đã quá muộn và quá ít để có thể thay đổi cục diện chiến trường.

Sau hai tuần giao tranh, Armenia chấp nhận ký "thỏa thuận cay đắng", rút phần lớn lực lượng khỏi Nagorno-Karabakh, nơi đội quân hùng hậu của họ bất lực trước những phương tiện bay không người lái của đối phương.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy UAV đã dần trở thành vũ khí chủ lực đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch quân sự đến mức nào. Điều đó cũng được thể hiện tại một loạt điểm nóng trên thế giới trong năm qua.

UAV đã trở thành khí tài thống trị chiến trường Libya, nơi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai phi đội Bayraktar TB2 hỗ trợ phe Chính phủ Quốc gia Lybia (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận.

Phe nổi dậy Quân đội Quốc gia Libya (LNA) cũng có sự yểm trợ đắc lực từ các phi cơ Wing Loong II do Trung Quốc sản xuất trong biên chế quân đội Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

"Những xung đột mà UAV công nghệ cao quyết định cục diện chiến trường đang ngày càng trở nên phổ biến. Điều đáng lo ngại không kém là UAV liên tục được dùng trong các chiến dịch ám sát với lý do tự vệ, điển hình là vụ hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani do Mỹ tiến hành hồi tháng 1. Sự phổ biến và phát triển của công nghệ UAV cho phép nhiều quốc gia và nhóm vũ trang phi quốc gia thực hiện hoạt động ám sát bí mật, không phải chịu trách nhiệm", báo cáo của Trang tin Các nhà khoa học Hạt nhân Mỹ có đoạn viết.

Giới chuyên gia cho rằng năm 2020 chứng kiến thế giới bước vào kỷ nguyên UAV thứ hai, trong đó các cường quốc UAV có thể triển khai sức mạnh cách xa lãnh thổ mà không sợ hứng chịu thiệt hại về nhân mạng. Thị trường UAV toàn cầu cũng phát triển mạnh, dẫn tới biện pháp "ngoại giao UAV" và thúc đẩy xu hướng triển khai loại khí tài này.

Hiệp ước Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR) được đưa ra từ thập niên 1980 nhằm ngăn sự phổ biến của những hệ thống vũ khí không người lái có khả năng hủy diệt hàng loạt, nhưng vẫn không ngăn được UAV trở thành vũ khí đại trà trên toàn cầu. Các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm diễn giải lại các điều khoản trong MTCR càng khiến điều này tồi tệ hơn.

Tính đến tháng 3 năm nay, ít nhất 102 quốc gia trên thế giới đã biên chế UAV quân sự, trong đó khoảng 40 nước đã sở hữu hoặc đang tìm mua máy bay không người lái vũ trang (UCAV). Ít nhất 35 nước đang vận hành các mẫu UCAV có kích thước lớn và trang bị nhiều vũ khí uy lực, trong khi trên dưới 20 nhóm vũ trang phi quốc gia đã mua được công nghệ UAV vũ trang.

UAV do Israel sản xuất trong lễ duyệt binh tại thủ đô Baku của Azerbaijan hôm 10/12. Ảnh: Livejournal.

UAV do Israel sản xuất trong lễ duyệt binh tại thủ đô Baku của Azerbaijan hôm 10/12. Ảnh: Livejournal.

Giới chuyên gia cho rằng UAV đang đóng vai trò ngày càng lớn trong các xung đột hiện đại. Chúng có kích thước nhỏ, thời gian hoạt động trên không lâu, được trang bị cảm biến hiện đại có thể phát hiện kẻ địch từ xa và cung cấp thông tin chiến trường quý giá cho sở chỉ huy.

Không chỉ phát hiện, theo dõi đối phương, nhiều UAV vũ trang có thể lập tức tung đòn không kích vào mục tiêu với tỷ lệ thành công cao hơn rất nhiều so với đòn không kích của chiến đấu cơ có người lái. Trong trường hợp UAV bị bắn hạ, phi công điều khiển vẫn an toàn tại căn cứ cách đó hàng trăm km và có thể lập tức vận hành UAV khác cất cánh.

Một trong những bài học xương máu được các chuyên gia quân sự rút ra từ cuộc chiến Armenia - Azerbaijan là uy lực quá lớn của UAV trong cắt đứt tuyến tiếp tế của đối phương và trinh sát chiến trường, tạo điều kiện bao vây, tiêu diệt các cứ điểm cô lập của địch.

Công nghệ UAV phát triển nhanh khiến nhiều hệ thống phòng thủ truyền thống không bắt kịp, dẫn tới ưu thế không ngừng gia tăng cho những nước sở hữu UAV vũ trang. Ngay cả những tổ hợp phòng không hiện đại như Pantsir-S1 do Nga sản xuất cũng hứng chịu thiệt hại không nhỏ tại chiến trường Libya và Syria.

"Rõ ràng là không gian chiến trường hiện đại đang dần thay đổi vì sự xuất hiện của những sát thủ vô hình như máy bay không người lái vũ trang và UAV tự sát. Chúng rất hiệu quả về mặt chi phí, người vận hành không sợ nguy hiểm tính mạng, trong khi gây thiệt hại lớn cho đối phương. Nhiều UAV đã bị bắn hạ, nhưng chúng đã thể hiện giá trị khi tập kích những mục tiêu có giá trị cao", ký giả Stephen Bryen của Asia Times nhận xét.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn