Kỳ tích Nhật Bản vừa lập tháng 12: Mục sở thị "báu vật" lấy từ tiểu hành tinh 82,76 tỷ USD

Thứ Sáu, 25 Tháng Mười Hai 20203:00 SA(Xem: 3891)
Kỳ tích Nhật Bản vừa lập tháng 12: Mục sở thị "báu vật" lấy từ tiểu hành tinh 82,76 tỷ USD

MỞ HỘP KHO BÁU

Tờ Forbes vừa trích dẫn thông báo mới nhất của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) liên quan đến việc JAXA mở thành công "hộp kho báu" chứa mẫu vật liệu mà tàu vũ trụ Hayabusa2 của nước này vừa mang từ tiểu hành tinh Ryugu - cách Trái Đất 300 triệu km - về NHÀ hôm 6/12/2020. 

JAXA xác nhận: Ngày 14/12, hộp kho báu chính thức được mở lần đầu tiên kể từ khi nó chạm xuống vùng hẻo lánh Woomera của Nam Úc sau sứ mệnh kéo dài 6 năm của tàu vũ trụ Hayabusa2 (2014-2020). JAXA đồng thời xác nhận các mẫu vật liệu tiểu hành tinh Ryugu nằm bên trong.

Sau một thời gian được niêm phong kỹ trong Tamatebako (玉手 箱), có nghĩa là "hộp kho báu", và được xử lý bởi Trung tâm Quản lý Mẫu Ngoài Trái Đất của JAXA, cuối cùng bí mật bên trong của hộp kho báu cũng được mở ra.

"Một mẫu hạt màu đen được cho là có nguồn gốc từ tiểu hành tinh Ryugu đã được xác nhận bên trong hộp kho báu. Đây là các hạt được gắn vào lối vào của thiết bị hứng mẫu (thùng chứa mẫu được lưu trữ)" - Forbes trích dẫn thông báo của JAXA.

Kỳ tích Nhật Bản vừa lập tháng 12: Mục sở thị báu vật lấy từ tiểu hành tinh 82,76 tỷ USD  - Ảnh 1.

Một hình ảnh nhìn bên trong viên nang chứa mẫu vật liệu tiểu hành tinh Ryugu. Ảnh: JAXA

JAXA cũng cho biết, tập hợp các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản sẽ tiến hành nghiên cứu mẫu vật liệu nặng khoảng 1 gram mà nước này đã mất 6 năm chờ đợi cùng khoản chi phí 14,6 tỷ Yên thực hiện. Được biết, các chuyên gia sẽ phải mất vài năm nghiên cứu mới có thể công bố thành phần rõ ràng của mẫu vật liệu.

Tiến sĩ Yuichi Tsuda, Giám đốc dự án Hayabusa2 tại JAXA cho biết: "1 gram đối với nhiều người là rất nhỏ bé nhưng đối với chúng tôi đó là kỳ tích. Đây là giây phút chúng tôi chờ đợi nhất trong 6 năm qua".

Vật liệu này có niên đại từ buổi bình minh của Hệ Mặt Trời (khoảng 4,6 tỷ năm). Các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu vật liệu từ tiểu hành tinh Ryugu sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về nguồn gốc của Ryugu cũng như nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất.

Ngay từ khi theo đuổi sứ mệnh Hayabusa2, các nhà khoa học Nhật Bản đã nhắm chọn tiểu hành tinh Ryugu vì một lẽ Ryugu là một tiểu hành tinh loại C nghĩa là nó có nguồn gốc từ cacbon; với tỷ lệ cacbon cao, đây là loại tiểu hành tinh phổ biến nhất trong Hệ Mặt Trời.

Họ nhận định, Ryugu có thể chứa nhiều khoáng chất hữu cơ hoặc ngậm nước. Các nhà khoa học cũng muốn biết liệu các tiểu hành tinh như Ryugu có chứa nhiều nước hay không, cũng như liệu chúng có chứa những tảng đá chứa chondrules hay không. Việc thu thập được mẫu đá lần này sẽ góp phần giải mã sự hình thành của Hệ Mặt Trời.

"Bây giờ sự hiện diện của mẫu vật liệu tiểu hành tinh Ryugu trong viên nang đã được xác nhận, việc phân tích mẫu thú vị có thể sớm bắt đầu. Chúng tôi rất hứng thú với công việc này. Tập hợp các chuyên gia gồm các nhà giám định và phân tích sẽ tiếp cận mẫu vật liệu này" - JAXA tuyên bố.

Bí mật nào đang chờ đợi chúng ta từ nhiệm vụ hấp dẫn này? Hãy cùng chờ đợi!

SỨ MỆNH TIẾP THEO...

Hayabusa2 được ra mắt vào năm 2014 với sứ mệnh thu thập các mẫu từ Ryugu - nỗ lực thứ hai của Nhật Bản nhằm lấy vật liệu từ một tiểu hành tinh kể từ Hayabusa1 gần như thành công vào năm 2010.

Kỳ tích Nhật Bản vừa lập tháng 12: Mục sở thị báu vật lấy từ tiểu hành tinh 82,76 tỷ USD  - Ảnh 2.

Tàu vũ trụ Hayabusa2 có kích thước gần bằng một chiếc ô tô nhỏ. Ảnh: ASSOCIATED PRESS

Một sứ mệnh khác liên quan đến việc lấy mẫu vật liệu trên tiểu hành tinh, OSIRIS-REx của NASA, cũng được lên kế hoạch lấy vật chất từ ​​một tiểu hành tinh khác có tên Bennu vào năm 2023.

Sau hành trình kéo dài 4 năm, tàu vũ trụ Hayabusa2 đã đến Ryugu vào tháng 6/2018. Sau đó, nó triển khai nhiều tàu đổ bộ lên bề mặt, trước khi cố gắng tự chạm xuống và lấy vật liệu lên.

Kỳ tích Nhật Bản vừa lập tháng 12: Mục sở thị báu vật lấy từ tiểu hành tinh 82,76 tỷ USD  - Ảnh 3.

Phi thuyền Hayabusa2 hai lần thu thập vật liệu từ bề mặt của Ryugu. Ảnh: ASSOCIATED PRESS

Hayabusa2 đã làm như vậy hai lần, một lần vào tháng 2 năm 2019 và một lần nữa vào tháng 7 năm 2019, bằng cách bắn một quả đạn vào bề mặt và thu thập vật liệu từ một cánh tay lấy mẫu dài vào hộp chứa viên nang.

Đây là sự kiện đặc biệt gây chú ý đối với giới thiên văn thế giới, lần đầu tiên chúng ta thu thập được mẫu vật chất nguyên sinh dưới bề mặt của một tiểu hành tinh. 

Sau khi rời tiểu hành tinh Ryugu vào tháng 11 năm 2019, Hayabusa2 cuối cùng đã quay trở lại Trái Đất vào tháng 12 năm 2020.

Tại đây, nó đã giải phóng viên nang (được bảo vệ bởi một tấm chắn nhiệt) rơi xuống bầu khí quyển của chúng ta vào ngày 6 tháng 12 và chạm xuống Úc, nơi nó được các nhà khoa học thu thập.

Hai ngày sau vào ngày 8 tháng 12, viên nang được đưa vào 'hộp kho báu, sau đó đã được đưa đến Khuôn viên Sagamihara của Nhật Bản ở Sagamihara, tỉnh Kanagawa, nơi các nhà khoa học JAXA bắt đầu quá trình khử trùng và mở nó.

Kỳ tích Nhật Bản vừa lập tháng 12: Mục sở thị báu vật lấy từ tiểu hành tinh 82,76 tỷ USD  - Ảnh 5.

Đội thu thập đưa viên nang bảo quản trước khi mang về Nhật Bản. Ảnh: JAXA

Tàu vũ trụ nặng 609 kg Hayabusa2, sau khi nhả viên nang xuống Trái Đất lại tiếp tục quay trở lại không gian trong một sứ mệnh mở rộng để khám phá tiểu hành tinh nhỏ nhất từng được tàu vũ trụ ghé thăm, không lớn hơn cá voi xanh, mang tên 1998KY26 - nằm giữa quỹ đạo của Trái Đất và sao Hỏa.

1998KY26, đường kính 30 mét, là một tiểu hành tinh loại X - có tiềm năng chứa nhiều kim loại và nước. Nếu sứ mệnh thăm dò 1998KY26, Nhật Bản tiếp tục sẽ là quốc gia đầu tiên tiếp cận thành công một tiểu hành tinh quay nhanh trong Hệ Mặt Trời  (quay khoảng 10 phút một lần).

Dự kiến phải mất 11 năm thì Hayabusa2 mới đến 1998KY26.

Tên của tiểu hành tinh này do JAXA đặt theo Ryūgū (Long Cung) - một cung điện dưới nước huyền diệu trong một truyện cổ tích dân gian Nhật Bản.

Tiểu hành tinh này có đường kính 900m, do đó lực hấp dẫn của tiểu hành tinh này yếu hơn so với Trái Đất tới 66.500 lần. Nó nằm cách Trái Đất chúng ta 300 triệu km.

Năm 2018, Forbes trích dữ liệu tính toán của Asterank ước tính, tiểu hành tinh Ryugu có thể được tạo thành từ niken, sắt, coban, nước, nitơ và amoniac, có trị giá tổng cộng 82,76 tỷ USD.

Sau khi tính toán chi phí đến đó và thiết lập các hoạt động khai thác, Asterank ước tính Ryugu có thể tạo ra hơn 30 tỷ USD lợi nhuận.

                                                                    Bài viết sử dụng nguồn: JAXA, Forbes, Sciencealert

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn