Những chiến hạm Mỹ thoát nạn trong trận Trân Châu Cảng

Thứ Năm, 10 Tháng Mười Hai 20208:00 CH(Xem: 4732)
Những chiến hạm Mỹ thoát nạn trong trận Trân Châu Cảng

Ba tàu sân bay Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ thoát khỏi nguy cơ bị đánh chìm trong trận tập kích Trân Châu Cảng do ra khơi làm nhiệm vụ hoặc đang đại tu.

7h48 ngày 7/12/1941, phát xít Nhật triển khai 183 tiêm kích, oanh tạc cơ bổ nhào và máy bay thả ngư lôi tấn công căn cứ Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ ở Trân Châu Cảng tại Hawaii. Lực lượng tập kích sử dụng bom và ngư lôi bắn phá đường băng và tàu chiến, khiến căn cứ Mỹ chịu thiệt hại nặng nề. Chưa đầy một giờ sau, Nhật phát động đợt tấn công thứ hai với 167 phi cơ.

Đòn tấn công khiến toàn bộ 8 thiết giáp hạm Mỹ tại căn cứ bị chìm hoặc hỏng nặng, ba tàu tuần dương, ba tàu khu trục và một loạt tàu khác cũng hư hại nghiêm trọng. Cuộc tập kích cũng phá hủy 188 máy bay, làm hỏng 157 chiếc và khiến 3.478 lính Mỹ thương vong, trong khi quân Nhật chỉ mất 29 máy bay, 129 binh sĩ thiệt mạng và một thủy thủ đoàn tàu ngầm bị bắt.

Đây là đòn giáng mạnh vào hải quân Mỹ, nhưng cả ba tàu sân bay, những khí tài quan trọng nhất của Washington, lại thoát khỏi cuộc tấn công mà không chịu thiệt hại nào.

Thiết giáp hạm Mỹ bị máy bay Nhật Bản tấn công sáng 7/12/1941. Ảnh: IJN.

Thiết giáp hạm Mỹ bị máy bay Nhật Bản tấn công sáng 7/12/1941. Ảnh: IJN.

Advertising

Dù hoàn toàn bị bất ngờ trong trận tập kích, Mỹ trước đó vẫn tin rằng chiến tranh với Nhật Bản là khả năng có thể xảy ra. Về kinh tế, Washington đã trừng phạt và đóng băng tài sản của Tokyo sau các động thái quân sự của Nhật ở Trung Quốc và Đông Nam Á.

Về quân sự, Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Mỹ đã chuyển căn cứ từ San Diego đến Trân Châu Cảng tháng 4/1940, đồng thời tăng cường phòng thủ ở các vùng lãnh thổ trên Thái Bình Dương. Ngày 27/11/1941, chỉ huy Mỹ ở Trân Châu Cảng nhận thông điệp cảnh báo Nhật Bản có thể khiêu khích trong vài ngày sau đó.

Thời điểm đó, Mỹ có tổng cộng 7 tàu sân bay. Các tàu Ranger, Yorktown, Hornet và Wasp được bố trí ở Bờ Đông nhằm đối phó tàu ngầm Đức. Ba tàu sân bay của Hạm đội Thái Bình Dương gồm Enterprise, Lexington và Saratoga được triển khai tăng viện ở Thái Bình Dương.

USS Enterprise hiện diện gần Trân Châu Cảng nhất vào ngày 7/12 và thực tế đã góp phần bảo vệ căn cứ này. Ngày 28/11, tàu rời Trân Châu Cảng để thực hiện nhiệm vụ chuyển 12 tiêm kích F4F-3 của thủy quân lục chiến đến đảo Wake dưới sự hộ tống của 3 tuần dương hạm hạng nặng và 9 khu trục hạm. Tàu hoàn thành nhiệm vụ hôm 4/12 và dự kiến quay lại căn cứ sau hai ngày. Tuy nhiên, hành trình bị trì hoãn do thời tiết xấu.

Vào sáng 7/12, tàu Enterprise cách đảo Oahu thuộc quần đảo Hawaii khoảng 346 km. Hàng không mẫu hạm Mỹ triển khai 18 oanh tạc cơ bổ nhào SBD Dauntless tuần tra trên đường trở về Trân Châu Cảng. Phi đội Mỹ dự kiến đáp xuống Hawaii trước khi tàu sân bay đến nơi, nhưng chạm mặt đợt tấn công đầu tiên của chiến đấu cơ Nhật Bản.

USS Enterprise di chuyển trên Thái Bình Dương giữa năm 1941. Ảnh: US Navy.

USS Enterprise di chuyển trên Thái Bình Dương giữa năm 1941. Ảnh: US Navy.

Oanh tạc cơ bổ nhào Mỹ lập tức tham chiến. 7 chiếc rơi do trúng đạn từ chiến đấu cơ Nhật Bản hoặc bị đồng đội bắn nhầm, khiến 8 phi công thiệt mạng và hai người bị thương. Phi đội Mỹ hạ ít nhất một tiêm kích A6M Zero của đối phương.

Sau vụ tập kích, USS Enterprise nhận lệnh điều lực lượng tìm và phá hủy tàu sân bay Nhật, nhưng không thành công do hải quân Mỹ nhận định sai vị trí. Không tìm thấy mục tiêu, các oanh tạc cơ Mỹ trở lại Enterprise, trong khi phi đội tiêm kích bay đến Trân Châu Cảng, trong đó một số chiếc rơi do đồng đội bắn nhầm.

Tương tự Enterprise, tàu sân bay USS Lexington cũng nhận nhiệm vụ chuyển máy bay đến một căn cứ khác của Mỹ. Ngày 5/12, dưới sự hộ tống của 3 tàu tuần dương và 5 tàu khu trục, USS Lexington đưa 18 oanh tạc cơ bổ nhào SB2U Vindicator đến đảo Midway. Sáng 7/12, tàu còn cách Midway 805 km về phía đông nam và được lệnh trở lại Trân Châu Cảng khi cuộc tập kích diễn ra.

USS Lexington sau đó được lệnh tìm kiếm hạm đội Nhật Bản ở tây nam Hawaii. Tuy nhiên, họ không phát hiện quân Nhật và gần hết nhiên liệu nên phải trở lại Trân Châu Cảng sau 6 ngày.

Tàu sân bay USS Saratoga nằm ở cảng San Diego để đại tu và tiếp nhận không đoàn chiến đấu cơ trong ngày căn cứ Mỹ bị tấn công. Nó dự kiến được trang bị một phi đoàn không quân thủy quân lục chiến và nhiều máy bay khác để triển khai đến Trân Châu Cảng. Một ngày sau cuộc tập kích, USS Saratoga lên đường và cập bến Trân Châu Cảng ngày 15/12.

USS Saratoga rời cảng San Diego giữa năm 1941. Ảnh: US Navy.

USS Saratoga rời cảng San Diego giữa năm 1941. Ảnh: US Navy.

Nhật Bản biết rõ tàu sân bay Mỹ không có mặt ở Trân Châu Cảng nhưng vẫn quyết định tấn công, bởi đây là cơ hội tốt để phá hủy cả 8 thiết giáp hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, những khí tài mà Tokyo tin rằng vẫn thống trị đại dương thời điểm đó.

Tuy nhiên, các trận đánh ở Thái Bình Dương đã chứng minh tàu sân bay mới là khí tài quan trọng nhất. Hàng không mẫu hạm Mỹ đóng vai trò quyết định trong các trận Coral Sea và Midway, góp phần quan trọng vào chiến thắng của Mỹ trước Nhật Bản. Đến cuối cuộc chiến, Mỹ sở hữu hạm đội 28 hàng không mẫu hạm cỡ lớn và 71 tàu sân bay hộ tống cỡ nhỏ.

Duy Sơn (Theo Business Insider)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn